• Trang Chủ
  • KHAI THỊ
  • Diệu-Âm xin kể cho chư vị nghe một câu chuyện có thực có liên quan đến Hộ-Niệm.

Diệu-Âm xin kể cho chư vị nghe một câu chuyện có thực có liên quan đến Hộ-Niệm.

Share on facebook
Share on twitter

Diệu-Âm xin kể cho chư vị nghe một câu chuyện có thực có liên quan đến Hộ-Niệm. Hình như câu chuyện này cũng là một lời khai thị đích đáng.

Vào năm nào cũng quên rồi, có một cuộc Hộ-Niệm mà vị đứng ra điều hành là một vị Đại-Đức thật hiền lành, chất phác. Theo Diệu-Âm nghĩ Thầy đúng là một vị chân tu. Vị này tha thiết muốn đi Hộ-Niệm cho một vị Ni. Vị Ni này bị bệnh gì đó bác-sĩ đã tuyên bố không còn cách chữa được nữa. Vị Thầy này đem một Ban-Hộ- Niệm đến Hộ-Niệm và hướng dẫn vị Ni cầu vãng-sanh.

Sau khi Hộ-Niệm được 16 ngày, thì vị Sư-Cô bình phục trở lại, giống như hết bệnh luôn. Sư-Cô có cảm giác sức khỏe tốt và bắt đầu công phu bình thường, dù rằng mới trước đó bác-sĩ thông báo chắc chắn là phải chết…

Nhưng không ngờ, 10 ngày sau thì vị Sư-Cô trở bệnh lại, và cũng vị Đại-Đức này đem Ban-Hộ-Niệm đó trở lại Hộ-Niệm cho Sư- Cô. Nhưng khi Sư-Cô ra đi, không được vãng-sanh. Lạ lùng!… Không có hiện tượng nào để có thể nghĩ rằng được vãng-sanh.

 

Cuộc Hộ-Niệm đó cũng có chút ít liên quan tới Diệu-Âm, tại vì vị Đại-Đức này hầu như ngày nào cũng có liên lạc với Diệu-Âm và hỏi từng chút từng chút. Diệu-Âm cũng cố gắng trả lời rõ ràng, cầu mong cho Sư-Cô được vãng-sanh viên mãn, nhưng sau cùng kết quả thì không được vãng-sanh. Vị Thầy đó điện thoại qua nói:

– Chú Diệu-Âm ơi!… Chắc có lẽ là đức độ của tôi không có, cho nên tôi muốn ca Hộ-Niệm đầu tiên này được viên mãn, mà đã xảy ra ngược lại ý mình.

Vị Thầy đó buồn vô cùng! Diệu-Âm nói lời an ủi và khuyên Thầy đừng buồn, cái gì cũng có nhân duyên của nó. Diệu-Âm bắt đầu dò hỏi thử. Hỏi vài người trong Ban-Hộ-Niệm thì biết được nhiều vấn đề, trong đó có một điều làm Diệu-Âm chú ý:

Vị Sư-Cô này bị bệnh đưa vào bệnh viện, bác-sĩ đã cho biết rằng bệnh của Sư-Cô không còn cách nào chữa được, chắc chắn phải chết. Thấy tình thế như vậy, vị Đại-Đức này có duyên tới thăm và khuyên Sư-Cô hãy sớm xuất viện về nhà quyết lòng niệm Phật cầu vãng-sanh. Vị Sư-Cô đồng ý về nhà và chính vị Thầy đó tới Hộ-Niệm. Vị Thầy đó rất thích pháp niệm Phật Hộ-Niệm, nhưng chưa từng kinh nghiệm qua, nên có liên lạc với Diệu-Âm và dặn Diệu-Âm rằng, nếu có gì trở ngại thì Thầy điện thoại hỏi liền. Thực ra, khi đang Hộ-Niệm, chính Diệu-Âm ngày nào cũng điện thoại về để theo dõi nếu có biến chuyển gì cần thì giải quyết tiếp với Thầy.

Đầu tiên, Ban-Hộ-Niệm hướng dẫn, chính Thầy khai thị, Sư- Cô chấp nhận và quyết lòng niệm Phật cầu vãng-sanh. Không ngờ Hộ-Niệm 16 ngày, thì Sư-Cô tự nhiên tỉnh lại và có trạng thái hoàn toàn giống như người không bệnh. Sư-Cô mới thưa với Thầy, đại khái như vầy:

– Bạch Thầy, con nghĩ rằng cái nghiệp của con ở dương gian này chưa dứt, cho nên có lẽ Phật muốn dùng cái thân của con để cứu độ chúng sanh chăng?…

Nghĩ vậy nên vị Sư-Cô đó mới phát một tâm nguyện là đi “Cứu độ chúng sanh”… Khi vị Sư-Cô phát tâm nguyện đó, vị Thầy nghĩ rằng đây là chuyện bình thường, nên không cho Diệu-Âm biết.

 

Giả sử như, vị Thầy cho Diệu-Âm biết rằng vị Sư-Cô vừa hết bệnh đã vội chuyển ý nguyện đi “Cứu độ chúng sanh” chứ không “Nguyện Vãng-sanh” nữa, thì Diệu-Âm sẽ góp ý kiến liền. Không ngờ, khi Sư-Cô vừa đổi ý nguyện, phát cái tâm nguyện mạnh mẽ cứu độ chúng sanh, thì 10 ngày sau Cô trở bệnh lại, trong vòng chỉ có 2 ngày thì ra đi luôn. Chính vị Thầy cũng cố gắng Hộ-Niệm, giảng giải đủ cách, nhưng sau cùng hoàn toàn không có một hiện tướng nào để tin rằng Sư-Cô có cái phước phần giải thoát.

Xin thưa với chư vị, pháp môn niệm Phật rất đơn giản. Nhưng đơn giản khi chúng ta thực sự muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Người muốn thực hành pháp môn này, hãy cố gắng tập làm cái tâm đơn giản, đừng nên làm một cái gì khác vượt ngoài quỹ đạo “Tín-Nguyện-Hạnh”. Vị Sư-Cô phát tâm nguyện đi cứu độ chúng sanh thì quá tốt, nhưng tốt đối với phương diện cứu độ chúng sanh, chứ không tốt đối với con đường thẳng băng đi về Tây-Phương Cực-Lạc.

Xin chư vị nên nhớ, cứu độ được chúng sanh hay không tùy thuộc vào cái “Tâm” của mình đã khai chưa?… Cái “Huệ” của mình đã phát chưa?… Nếu mình đã biết đường đi nước bước rõ ràng, thì mới có thể dẫn dắt chúng sanh đi đúng đường, không lệch hướng. Nếu mình chưa biết con đường nào vững vàng để giải thoát, mà vội vã đi cứu độ chúng sanh thì nhiều khi dẫn người ta lạc đường. Tâm từ bi thì có, nhưng đường đi không có, làm sao cứu độ đây?… Ví dụ, như vị đó quyết lòng niệm Phật nguyện vãng-sanh Tây-

Phương, thì đường đi vững vàng, hướng về chính xác và niềm tin của vị này không còn lay chuyển nữa. Nếu đúng như vậy, thì khi vị này đi cứu độ chúng sanh nhất định sẽ khuyên mọi người:

  • Hãy tin câu A-Di-Đà Phật nghe chư vị…
  • Hãy quyết lòng nguyện vãng-sanh nghe chư vị…
  • Nhất định một câu A-Di-Đà Phật mà đi về Tây-Phương Cực- Lạc nghe chư vị…

Tin-Nguyện-Hạnh đầy đủ sẽ cứu được người vãng-sanh.

Trong khi ở đây, bệnh trạng bác-sĩ đã tuyên bố không còn cách nào chữa nữa, mới niệm Phật được 16 ngày, vừa thấy bệnh

 

có triệu chứng giảm thì vội vã tách xa 3 tư lương Tín-Nguyện- Hạnh. Hiện tượng hết bệnh này biết chừng đâu chỉ vì nhờ sự cảm ứng. Một người trước cảnh sắp xả bỏ báo thân, tức là đang đối diện với cái chết, cùng đường mới phát một tâm nguyện quá mạnh: Quyết lòng niệm Phật đi về Tây-Phương. Nhiều khi vì cái tâm nguyện quá mạnh này, nên cảm ứng đến đại nguyện của đức A-Di- Đà chăng(?), nhờ vậy liền được chư Bồ-Tát gia trì, chư Thiên-Long Hộ-Pháp trợ giúp làm cho căn bệnh tự nhiên tiêu mất

Nhưng bệnh vừa mới hết lại vội vã quên mất đường về Tây- Phương Cực-Lạc rồi. Lại liền nghĩ mình có năng lực cứu độ chúng sanh rồi. Đó là có niềm tin mà tin không vững. Có sức nguyện mà nguyện không bền. Tín-Nguyện-Hạnh quá yếu thì đi cứu độ chúng sanh, chắc chắn sẽ khuyên:

– Chư vị ơi!… Tôi là một chứng minh sống đây, tôi niệm Phật hết bệnh nè… Chư vị hãy niệm Phật sẽ hết bệnh đó…

Khuyên vậy có phải dẫn chúng sanh đi sai đường không?…

Nên nhớ, bệnh tạm hết nhưng mạng đã tận và nghiệp chướng vẫn còn nguyên đó mà. Khi chết mà lòng còn muốn sống thêm thì làm sao vãng-sanh được?… Rõ ràng, đổi một lời nguyện, 10 ngày sau đành thọ nạn.

Xin thưa chư vị, hình như câu chuyện này là một lời khai thị quá sắc bén. Sắc bén đến nỗi làm cho vị Đại-Đức phải ngỡ ngàng! Thầy nói:

– Trời ơi! Chú Diệu-Âm ơi! Có lẽ tôi phước đức không có chăng?…

Thưa không. Không phải lỗi tại Thầy. Phước họa do chính mỗi người tự chiêu cảm lấy. Phải “Y giáo tu hành”, đừng nên tự nghĩ sao làm vậy mà có thể bị lạc đường vậy.

Xin nhớ, muốn cứu độ chúng sanh ta phải thành đạo trước. Ta thành đạo rồi thì vô lượng vô biên chúng sanh đang chờ chúng ta cứu độ, và lúc đó ta có đủ khả năng để cứu. Nếu đường giải thoát chính ta còn mơ hồ, mà vội vã đi cứu độ chúng sanh coi chừng sơ ý dẫn dắt chúng sanh lạc đường. Nhân quả này ai chịu đây?…

 

Thế gian có câu: “Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Câu này thấm thía lắm. Cái tâm từ bi mình có thừa, nhưng mình không hiểu đường đi, huệ mình chưa khai, trí mình chưa mở, mình chưa thấu rõ cái giá trị đại nguyện của đức A-Di-Đà ở chỗ nào, nên chính mình chưa đi đúng kinh mà đã vội vã đi ra cứu người thì thật là nguy hiểm. Phương tiện là người có phương tiện, không có tiền bạc thì cũng có thế lực, không có thế lực thì cũng có danh phận… dùng cái danh phận đó mà hướng dẫn người ta sai đường rồi làm sao đây?…

Chính vì vậy, trước sau vẫn xin thưa với chư vị rằng, con đường niệm Phật đơn giản vô cùng, nhưng mà cần ở niềm tin sắt son và đừng bao giờ đi lệch. Sơ ý đi lệch rồi, thì khó lắm đó, không còn dễ nữa đâu.

  • Khuyên người là ta khuyên người niệm Phật.
  • Dạy người là ta dạy người nguyện vãng-sanh.
  • Đừng dạy người ta niệm Phật cầu hết bệnh.

Đừng lấy sự cố niệm Phật vừa hết bệnh làm thân chứng mà khuyên người ta hãy niệm Phật để hết bệnh. Thế gian thì họ thấy hay lắm, nhưng xuất thế gian thì coi chừng có sự sơ ý. Chính sự sơ ý này người thế gian không biết đến, nên chúng sanh vẫn cứ tiếp tục lầm lạc trong pháp tu hành mà mất phần vãng-sanh.

Đây là câu chuyện có thực Diệu-Âm xin thưa lại với chư vị nghe. Hình như câu chuyện này là cả một sự khai thị quá ư sắc bén. Nhất định hãy quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật cầu về Tây- Phương đi nhé.

  • Không được dùng câu A-Di-Đà Phật để mở luân
  • Không được dùng câu A-Di-Đà Phật để luyện điển khí.
  • Không được niệm câu A-Di-Đà Phật cầu hết bệnh.

Không được cầu những gì khác, cứ thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật và cầu về Tây-Phương là được. Nếu thực sự chư vị đã làm thuần 3 điểm Tín-Nguyện-Hạnh rồi, nhiều khi thọ mạng của mình hình như 2 ngày nữa là mãn, mà Phật nói: “À!…Vị này đã vững rồi đó. Thôi hãy liệng cái “Thân Thọ Nghiệp” của nhà ngươi xuống, và lấy cái thân này làm “Thân Nguyện Lực” để đi độ chúng sanh, lúc đó chúng ta mới thực sự có quyền gọi là đi cứu độ chúng sanh được. Chứ bây giờ rời khỏi Tín-Nguyện-Hạnh, tham cái chuyện hết bệnh, vô tình quên mất con đường vãng-sanh về Tây- Phương Cực-Lạc, coi chừng chính mình mất vãng-sanh, mà còn dẫn chúng sanh đi sai đường nữa là khác!…

Mong chư vị hiểu thấu đạo lý này. “Tín-Nguyện-Hạnh” không thể nào sai lệch thì nhất định ta đi đúng đường. Cầu chúc tất cả chư vị đều sẽ là chư Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trích: Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 12

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –