Lời người ấn tống.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cuộc đời này con thật là người được may mắn. Chắc có lẽ nhiều đời nhiều kiếp trước có làm thiện làm lành ít nhiều, nên đời này mới có cơ duyên nghe được CD “Khuyên Người Niệm Phật” của cư sĩ Diệu-Âm, những lời chân thành tha thiết khuyên Cha Mẹ niệm Phật, cầu nguyện vãng-sanh Tây-Phương. Lý đạo viên dung, dễ hiểu, dễ làm. Cũng từ đó mà con đường học Phật của con được mở ra, như người mù nay được sáng mắt, như người bệnh gặp được thuốc hay, như kẻ nghèo bắt được của báu. Vi diệu quá nói không hết lời!…
Trước đây con hằng mong muốn có một ngày nào đó được gặp tác giả của những lời thư Pháp này. Con thường cầu Phật, Bồ-Tát từ bi gia hộ, dẫn đường chỉ lối cho chúng con được theo chánh pháp. Nghe nói cư sĩ Diệu-Âm ở tận Úc-Châu, còn con ở nước CộngHòa Séc Âu-Châu, khó có được visa qua Úc, thì những mong ước đó cũng khó thành hiện thật. Lúc đó con còn nghĩ chắc Ngài là nữ cư sĩ vì có pháp danh bắt đầu bằng chữ “Diệu”.
Không ngờ, một nhân duyên quá thù thắng!… Bốn tháng sau, tức là tháng 9 năm 2009, cư sĩ Tâm-Nhật-Thuyết ở Đức Quốc đã đưa cư sĩ Diệu-Âm Minh-Trị từ Úc Châu tới tận nhà con.
Con bàng hoàng đến nỗi cứ tưởng là một giất mơ, chứ không phải là sự thật!… Cảm động vô cùng!… Gia đình chúng con mừng quýnh lên, tâm trạng không sao diễn tả nổi. Trong Lòng chỉ thầm cảm ơn chư Phật, chư Bồ-Tát gia trì. Phật pháp thật nhiệm mầu, có cầu tất ứng, các Ngài thật là đại từ đại bi. Cũng từ đó gia đình con theo cư sĩ tu học, được Ngài hướng dẫn, dìu dắt tận tình. Cư sĩ Diệu-Âm là người hiền từ, dễ gần, dễ mến, luôn hòa mình cùng các đồng tu. Ngài chỉ nhận làm sư huynh đệ, không cho ai gọi Ngài bằng Thầy.
Thật là người có đức tính khiêm nhường khó tìm đâu ra trong xã hội này.
Đã năm năm rồi con vẫn thường nghe “Khuyên Người Niệm Phật” và những tọa đàm khác của Ngài. Càng nghe càng thấm, càng thấy rõ con đường giải thoát của Đạo Phật cao siêu mà gần gũi, một đời này có thể đới nghiệp vãng-sanh thành đạo. Nhờ vào lời dạy mà niềm tin của con vững vàng. Con đã thấy muôn kinh vạn điển đều quy về Tịnh-Độ, tám vạn bốn ngàn Pháp tu, không Pháp nào qua pháp môn Niệm Phật.
Con tin vững chắc vào lời Phật dạy, vào thế giới Tây-Phương CựcLạc là có thật như lời đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói trong kinh Phật Thuyết A-Di-Đà. Tin vững 48 đại nguyện của A-Di-Đà Phật.
Tin vững vào pháp môn Tịnh-Độ. Tin vững vào pháp Niệm Phật Hộ Niệm không thể nghĩ bàn cứu người lâm chung vãng-sanh Tịnh-Độ mà đại sư Ấn-Quang cùng chư vị Tổ sư Tịnh-Độ-Tông chỉ dạy, mà cư sĩ Diệu-Âm dốc hết tâm lực xiển dương, đã đưa được không biết bao nhiêu người Việt-Nam trong nước cũng như ngoài nước vãng-sanh trong những năm qua. Khi ra đi họ đã để lại thân tướng mềm mại, sắc mặt tươi hồng, có người nói “A-Di-Đà Phật đã tới đón tôi, chào mọi người tôi đi đây”. Vãng-sanh tự tại, thật tuyệt vời. Những hiện tượng này từ trước tới nay chưa từng nghe qua, nay được chứng kiến, được trực tiếp đi hộ niệm, thật không tin cũng phải tin. Thật vi diệu không thể nghĩ bàn.
Con quyết một đời này trì niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật, một lòng nguyện cầu được sanh về nước Cực-Lạc.
Được sự hướng dẫn của cư sĩ Diệu-Âm, được nghe những tọa đàm như: Khế Lý Khế Cơ, Hộ Niệm-Là Một Pháp Tu, Hộ Niệm- Hướng Dẫn Khai Thị, v.v… những lời tọa đàm thật mộc mạc, dễ nghe, dễ hiểu, nhưng lại thật vi diệu, ai nghe cũng sinh tâm hoan hỉ, ai làm theo cũng được lợi lạc.
Tháng 12 năm 2013, chúng con lại một lần nữa được nghe cư sĩ Diệu-Âm tọa đàm về lời khai thị: “Quy Tắc Tu Học” của đại sư ẤnQuang, với tựa đề “HÀNH THEO ẤN TỔ”. Lời khai Thị này của Ấn Tổ chúng con cũng đã có đọc qua nhiều lần, nhưng thật sự chưa hiểu được sâu. Khi nghe cư sĩ Diệu-Âm tọa đàm mới ngộ ra nhiều lý đạo cao siêu mà trước nay con chưa biết đến.
Có thế nói rằng, không nghe lời dạy của đại sư Ấn-Quang, đối với người chưa biết tu hành thì khoan hãy bàn tới, ngay cả người có tu hành cũng chưa chắc biết được mình phải tu những gì, phải hành từ đâu!… Ấn Tổ chỉ rõ những tư tưởng sai lầm của người học Phật, những cách hành trì lệch lạc của người tu hành. Cách dạy của Ngài rất phù hợp với người thời nay: căn tánh phàm phu, tội chướng sâu nặng, trí huệ chưa khai như chúng ta.
Cư sĩ Diệu-Âm đã giảng giải rõ ràng lời Khai thị của Ấn Tổ bằng những lời tọa đàm chân thành, mộc mạc, kèm theo những ví dụ cụ thể, làm cho chúng ta không những dễ hiểu mà còn dễ làm. Chỉ cần muốn làm, thì ai cũng có thể làm được… Thật vô cùng vi diệu. “HÀNH THEO ẤN TỔ” đã chỉ rõ từng điểm, từng điểm cụ thể, rõ rệt cho người tu hành, những gì nên làm, điều gì phải tránh, có Nhân, có Quả. Hay vô cùng!…
“HÀNH THEO ẤN TỔ” như ngọn đuốc soi sáng con đường cho chúng con tu hành, như tia nắng ban mai chiếu dọi cho chúng con thấy được những bụi bẩn trong nhà.
Chúng con thành tâm cảm niệm và tri ân công đức cư sĩ Diệu-Âm từ bi trí tuệ đã mang ánh sáng Phật Pháp dìu dắt chúng con, chỉ rõ con đường thẳng tắp, một đời này về đến Tây-Phương Tịnh-Độ.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm cõi Tịnh-Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường.
Hồi hướng đến pháp giới khổ nạn chúng sanh, cầu cho thế giới hòa bình, tiêu tai giải nạn.
Nguyện cầu cho chúng sanh đều niệm A-Di-Đà Phật, cầu về TịnhĐộ, hết một báo thân này đồng sanh Cực-Lạc Quốc Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Thay mặt Ban-Ấn-Tống.
Đệ tử Minh-Đạt.
LỜI KHAI THỊ CỦA ĐẠI SƯ ẤN-QUANG
Bất luận là người tại gia hay xuất gia cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được. Thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp.
Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người.
Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc… từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn. Hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm.
Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm, phải tức thời bỏ ngay.
Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối. Nếu đã tu trì phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng khoa trương.
Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt đến những việc xấu xa bại hoại. Hãy coi mọi người như là Bồ Tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu.
Nếu quả có thể tu hành được như vậy thì nhất định có thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.
HÀNH THEO ẤN TỔ
(TỌA ĐÀM 01)
Chúng ta vừa mới nghe qua lời khai thị của Ấn Tổ. Lời này được gọi là “Qui Tắc Tu Học”. Tất cả những gì mà chúng ta cần phải làm đều gói trọn trong lời khai thị này.
Có những Niệm Phật Đường, người ta quanh năm suốt tháng chỉ mở một lời khai thị này của Ấn Tổ để nghe. Hết ngày này qua ngày khác, chỉ nghe một lời này thôi. Khi nghe được vậy, Diệu-Âm vô cùng tán thán. Thành thật mà nói, ở Niệm Phật Đường này Diệu-Âm cũng muốn mở lời khai thị của Ấn Tổ rất nhiều lần để cho đồng tu cùng nghe…
Hãy lắng nghe. Giữ tâm thanh tịnh mà nghe. Một lần nghe xong chư vị sẽ thấy hình như thấm hơn lần trước. Một lần nghe như vậy hình như mình ngộ ra thêm một điều gì… Nếu nghe nhiều lần, có khi mình giác ngộ được chăng. Ngộ rồi thì chúng ta sẽ được vãngsanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Lời của Ấn Tổ thật sự là đơn giản, mộc mạc, gần gũi… ai cũng có thể làm được cả. Mà ai cũng có thể làm được, thì chúng ta cũng có thể thực hiện được theo lời khai thị này, nghĩa là kết cuộc chúng ta vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc trong một đời này, không đâu xa hết.
Lời Tổ thực tế. Có người thấy đơn giản quá mà tỏ ra lơ là, không để ý đến. Vì không để ý đến nên thường cứ chạy theo vọng tưởng, lý luận hão huyền, để sau cùng không thành tựu được gì cả!… Trong khi những lời này nếu chúng ta ứng dụng cho được từng điểm, từng điểm thì chúng ta sẽ thành tựu. Ở đoạn sau cùng của lời khai thị Ngài nói rằng: “Bất cứ một người nào cũng có thể vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”. Được vãng-sanh!… Cái đạo lý cao siêu chính là ở chỗ này, chứ đâu phải cao siêu là ở chỗ lý luận hay ho.
Cũng xin thưa rằng, hôm nay Diệu-Âm được cơ duyên bàn về lời khai thị của tổ Ấn-Quang cũng nhờ bác-sĩ Châu-Phi đề nghị. Xin thành tâm tán thán bác-sĩ Châu-Phi. Chính bác-sĩ đã yêu cầu DiệuÂm mấy tháng nay rồi. Cách đây một tháng Diệu-Âm cũng đã hứa với bác-sĩ là sẽ cố gắng bàn về lời khai thị này. Nhưng xin thưa thật rằng trong giai đoạn này quá bận bịu, Diệu-Âm đã mắc nợ với chư vị đồng tu các nơi một cuộc tọa đàm đã nói từ năm ngoái mà đến bây giờ chưa nhuận văn được. Người ta đã viết rồi mà chưa nhuận văn xong. Rồi một cuộc tọa đàm nữa ở bên Âu-Châu, bên đó người ta chỉ gửi được có một phần, vậy mà cũng có vài vị phát tâm viết lại, nhưng Diệu-Âm chưa đọc tới một chữ nào. Còn một nửa tọa đàm nữa chưa gửi cho họ được… Chính vì thế nên quá sức bận, không cách nào dám hứa gì thêm.
Việc ngoài cửa, trong nhà… Việc sau vườn, trước cổng… nhiều quá nhiều! Một tháng trước Diệu-Âm dự định sẽ tọa đàm bàn về lời khai thị này, thì dịp đó vị yêu cầu đi về Việt-Nam. Lợi dụng cơ hội đó, Diệu-Âm được cơ hội hoãn binh. Nhưng hoãn đi hoãn lại, hoãn binh riết rồi sau cùng cũng phải khai mở tọa đàm thôi… Cho nên khi nói được những lời tọa đàm này, xin thành tâm cảm ơn bác-sĩ Châu-Phi đã tạo cái duyên tốt đẹp hôm nay.
Trong cuộc tọa đàm này, hàng đêm trước tiên chúng ta sẽ nghe lời khai thị của Ấn Tổ. Mong cho chư vị cố gắng lắng nghe từng điểm, từng điểm lời của Ngài dạy, hy vọng chư vị sẽ thấy nhiều điều hay, dù rằng trước đây chúng ta có thể đã nghe rồi nhưng vì không chú ý nên chưa thấy ra. Bây giờ chúng ta hãy nghe với cái tâm gọi là “Trang-Nghiêm, Thanh-Tịnh”. Hãy “Chí-Thành” mà nghe thì tự nhiên chư vị có thể phát hiện ra những điều lạ, nhiều khi cũng có thể ngộ được đạo nữa đấy, không phải thường đâu.
Thành thực mà nói, nhờ Hòa Thượng Tịnh-Không mà Diệu-Âm biết được chút ít về Phật Pháp. Lời pháp của Ngài đã dẫn dắt Diệu-Âm vào con đường Phật đạo. Nhưng còn hành đạo, lại chính là ngài Ấn-Quang đã khai thị cho Diệu-Âm. Thành thật xin nói ra điều này. Nói như vậy, xin chư vị đừng vội nghĩ rằng Diệu-Âm có thần thông biến hóa gì mà cảm ứng đến ngài Ấn-Quang, người đã tịch cách đây hơn nửa thế kỷ rồi, mà còn khai thị được cho DiệuÂm. Không phải vậy đâu. Diệu-Âm nhờ đọc những lời khai thị của
Ấn Tổ mà biết được con đường mình cần phải đi. Từ những lá thư “Khuyên Người Niệm Phật”, các cuộc tọa đàm, ngay đến cách tu tập trong Niệm-Phật-Đường này, Diệu-Âm đều cố gắng ứng dụng thật sát với khai thị của Tổ, càng sát với lời dạy của ngài Ấn Quang chừng nào càng hay chừng đó. Diệu-Âm nghĩ rằng nên đi theo lời dạy của Ngài, thì chúng ta mới thật sự cứu được một người phàm phu tục tử trong thời mạt-pháp này vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Và cũng nương vào đó, một người phàm phu tục tử như Diệu-Âm này mới có hy vọng vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được.
Chư vị nghĩ thử coi, rất nhiều kinh điển của Phật nói rằng: Phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng, phải tu tới vô lượng kiếp mới có khả năng thoát vòng sanh tử luân hồi. Nhưng mà ẤnQuang đại sư nói: “Bất luận là người tại gia hay xuất gia… ai cũng được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc” trong một đời này chứ không phải là đời thứ hai. Chư vị thấy không?… Bất khả tư nghì! Một vị đại Tổ Sư mà đã tuyên dương lời này, nhất định Ngài không thể nói ngoa. Chắc chắn!…
Hôm nay mình có cơ duyên gặp được câu A-Di-Đà Phật, mà lại được có cơ duyên chia sẻ từng điểm, từng điểm lời khai thị quý báu của Ấn Tổ, dù chỉ có mấy mươi chữ thôi, nhưng nếu chư vị làm được thì chắc chắn sẽ vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc trong một đời này.
Những điều Tổ Ấn-Quang dạy chúng ta làm, có khó lắm không? Hoàn toàn không khó. Có xa vời lắm không? Hoàn toàn không xa vời. Có làm được không? Từng người, từng người chúng ta nếu quyết tâm làm, đều có thể làm được hết. Đây là điều thật thú vị, vi diệu bất khả tư nghì!… Đây là một lời khai thị phải gọi là thù thắng bất khả tư nghì! Đây là cái cơ duyên bất khả tư nghì mà trong vạn kiếp qua chúng ta đã không được gặp.
Ấy thế mà cũng có nhiều người lơ đễnh, không để ý đến lời khai thị này, vô tình đường tu hành đã vướng phải quá nhiều lỗi lầm mà không hay, đưa đến kết cuộc một đời tu hành vẫn phải chịu nhiều ách nạn!…
Chúng ta bị nạn trong vô lượng kiếp rồi, chưa được thoát ly vòng sanh tử. Nay gặp cái cơ hội này coi như là hy hữu trong vô lượng kiếp để khi xả báo thân này chúng ta được đi theo A-Di-Đà Phật vãng-sanh đó chư vị. Sự vãng-sanh đã rõ rõ ràng ràng. Người vãng-sanh lưu lại thân tướng đẹp vô cùng. Trước khi đi vãng-sanh nhiều người còn nói: “A-Di-Đà Phật đã đến rồi, tôi đi theo A-Di-Đà Phật đây”. Chư vị ơi, vi diệu quá!… Chính Diệu-Âm đã từng biết qua những người khi xả bỏ báo thân, mùi thơm bay lên, lạ lắm! Đã thấy những người trong ngày xả bỏ báo thân, hoa nở rộ ra trong cái khuôn viên đó. Đã có những người khi vãng-sanh, một đàn chim bay đến đậu trên hành lang sát bên cạnh mà mình có thể sờ tay nắm được. Lạ lùng không chư vị? Ở Việt-Nam không có cái chuyện mà chim dạn dĩ như vậy đâu, nhưng khi một người vãngsanh lại có hiện tượng như vậy.
Tại sao người ta được vãng-sanh vậy? Tại vì người ta tu vững quá, người ta tu căn bản quá, người ta tu chính xác quá. Người ta không đi con đường triết lý hão huyền, người ta không đòi hỏi những gì cao siêu, mà chính là thực hiện những lời của ngài Ấn Tổ dạy.
Bắt đầu từ đây cho đến 48 buổi cộng tu liên tiếp, chúng ta ngày nào cũng nghe lời khai thị của Ấn Tổ. Nghe xong chúng ta sẽ mổ xẻ ra từng điểm, từng điểm. Chư vị sẽ thấy hình như là mình được mở cờ trong bụng, hình như là những người mà nghe được lời của Tổ Sư dạy phải chăng là cơ duyên thành Phật đã chín mùi trong đời này rồi. Xin nhắc lại với chư vị, khi chúng ta hiểu thấu lời khai thị của Ấn Tổ, thì cơ duyên vãng-sanh Cực-Lạc đang đặt ngay trước mũi bàn chân của chúng ta, chứ không đâu cả. Hãy bước tới đi, nhất định chư vị vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn không tin, còn nghi ngờ, còn dụ dự, còn đi sai đường, còn lung lạc, tự mình bước lui… thì nhất định sẽ đọa lạc, Phật cứu chúng ta không được!…
Những lời nói của Diệu-Âm rất thô kệch, chỉ mong diễn tả lại rõ thêm một chút lời khai thị rất quý giá, căn bản, cụ thể của ngài ẤnQuang mà thôi. Bắt đầu ngày mai, xin chư vị hãy nghe lại lời của
Ngài dạy và xin lắng nghe với cái tâm gọi là “Trang-Nghiêm, Thanh-Tịnh” nhé. Nói theo lời của Ấn Tổ là dùng tâm “Chí-Thành, Chí-Kính” mà nghe, chư vị sẽ cảm thấy mừng vui vô tận. Tại sao vậy? Vì chỉ một báo thân này tất cả chư vị đều có thể được vãngsanh về Tây-Phương Cực-Lạc, quỳ dưới chân của đức A-Di-Đà Phật mà lạy Ngài. Ta thành A-Duy Việt-Trí Bồ-Tát, một đời thành Đạo.
Mong cho chư vị hân hoan, tin tưởng, vui vẻ lên. Nhất định chúng ta cùng nhau thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.