Khuyên Người Niệm Phật Tập 2: Lời giới Thiệu – Lời Cảm Xúc!

Share on facebook
Share on twitter

Phát Nguyện Vãng Sanh

 

Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu, trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di-đà, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con chưa biết Phật thân, tướng tốt quang minh, nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán-Âm Thế-Chí, các chúng Bồ-tát và thế giới kia, thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.

Con nguyện lâm chung không chướng ngại.

A-di-đà đến rước từ xa.

Quán-Âm cam lồ rưới nơi đầu.

Thế Chí kim đài trao đỡ gót.

Trong một sát na lìa ngũ trược.

Khoảng tay co duỗi đến Liên Trì.

Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn

Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.

Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Nhẫn.

Không rời An Dưỡng lại Ta-bà.

Khéo đem phương tiện lợi quần sanh

Hay lấy trần lao làm Phật sự.

Con nguyện như thế Phật chứng tri

Kết cuộc về sau được thành tựu.

 

 HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

 

Nguyện đem công đức này,

Trang nghiêm Phật Tịnh-Độ.

Trên đền bốn ơn nặng,

Dưới cứu khổ tam đồ

Nếu có kẻ thấy nghe

Đều phát lòng Bồ-đề

Hết một báo thân này

Đồng sanh nước Cực-lạc.

 

Giác nhi bất mê,

Chánh nhi bất tà,

Tịnh nhi bất nhiễm

 

Lời khai thị của

Pháp Sư Tịnh-Không.

 

Người chân chánh phát tâm niệm Phật, trong thời đại loạn động này, nhất định phải nhận thức rõ ràng – Nhà Phật thường nói: “Mọi thứ đều không thể mang theo, duy chỉ có nghiệp theo ta mà thôi” – Chúng ta phải suy ngẫm, hiểu rõ câu này. Sau đó mới biết làm thế nào để dụng công, làm cách nào để tu trì.

 

Phàm những thứ không mang theo được, quyết định không để nó trong lòng. Những gì có thể mang theo, quyết định phải tranh thủ từng giây từng phút, nhất quyết không để thời gian trôi qua một cách lãng phí.

 

Những gì có thể mang theo? Đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức, đều có thể mang theo. Đây là việc thiện nhỏ của thế gian! Chư Phật Như-Lai còn kỳ vọng ở chúng ta đạt điều thiện lớn, đó là thành Phật, thành Bồ-tát. Thành Phật, thành Bồ-tát nhất định phải thâm tín Tịnh-Độ, niệm Phật vãng sanh.

 

Làm thế nào mới đạt đến chỗ “Lão Thật”? Nhất định phải buông xả vạn duyên. Trong mọi thời, mọi nơi, mọi cảnh, duy trì tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi của mình. Câu “A-di-đà Phật” hãy thời thời khắc khắc giữ mãi trong tâm. Gặp chúng sanh nào hữu duyên, chúng ta hãy chân thành, cung kính, hoan hỉ đem pháp môn này giới thiệu cho họ, khuyên mời và khuyến khích họ tu. Đây chính là chân thật cúng dường. “Trong tất cả cúng dường, cúng dường pháp là tối thắng”.

 

Có như thế mới tương ưng với bổn nguyện của đức Phật A-di-đà, với chư Phật Như-Lai. Phải tu học như vậy thì thời gian trong một ngày của chúng ta mới không bị luống qua. Trong một ngày đó thân tâm của chúng ta chắc chắn được thanh tịnh, pháp hỉ sung mãn và được cảm ứng đạo giao với chư Phật Bồ-tát.

 Mục Lục:

Lời Khai Thị . . . . . . . . . . . . . . . .

Mục Lục . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Lời Giới Thiệu . . . . . . . . . . . . . . .

Lời cảm xúc . . . . . . . . . . . . . . . . .

Lời Ngỏ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ?

 

26)      Cứu người như cứu lửa!

(Trả lời thư người chị). Trang . . . .

 

… Khi ở thời điểm bị dồn vào đường cùng, con người thường phát sinh những bản năng rất mạnh để tự cứu. Cái tự cứu này chính là sự giải thoát tâm linh. Chính vì thế mà tâm hồn của họ rất dễ tiếp thọ Phật pháp, rất dễ nhiếp tâm niệm Phật. Ngoại trừ những người tạo nghiêp chướng quá sâu nặng thì đành phải chịu thua, còn hầu hết nếu gia đình hiểu đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho họ niệm Phật, họ rất dễ được vãng sanh về với Phật…

 

27)      An Lạc và Hiếu-Nghĩa! Trang . . . .

 

khổ đau hay hạnh phúc đang nằm ngay trong tâm của mỗi một chúng ta. Giải thoát hay đọa lạc đang ở ngay trước mắt, nó chỉ là sự lựa chọn tùy ý của mình mà thôi. Người lâm chung mà được sáng suốt, tâm hồn tỉnh táo và biết đường đi, họ sẽ lựa chọn con đường tốt: “Đường Về Cực-lạc”; người mê muội không biết đường đi, họ sẽ bị nghiệp chướng lôi kéo vào ngả hiểm nguy: “Đường Về Đọa Lạc”. “Cực-lạc” hay “Đọa Lạc” là do sở nguyện của mình…

 

28)      Đời: như một giấc mộng! Trang . . . .

 

… Cuộc đời có khác gì một giấc mộng đâu! Ai hiểu đạo thì tìm cách thoát cảnh mộng để trở về với cảnh giác. Người mê muội thì vừa thoát cơn mộng này thì chìm vào cơn mộng khác, triền miên trong mộng khó có ngày thoát thân. Đêm đêm ta nằm trong tiểu mộng, thì cuộc đời này từ lúc sinh ra đến lúc buông tay cũng chỉ là một đại mộng. Khi một người về đến Tây-phương Cực-lạc rồi, họ quay nhìn xuống, thời gian bảy tám năm của con người trên thế gian này cũng chỉ là tiểu mộng mà thôi…

 

29)      Niệm Phật: Con đường cứu mẹ! Trang . . . .

 

… Làm con hãy lấy hiếu dưỡng phụ mẫu làm đầu. Chữ hiếu đạo không phải nhỏ đâu. …Chăm sóc việc ăn uống, thuốc thang, nuôi dưỡng nhục thân là trả Tiểu Hiếu. Lo cho cha mẹ vãng sanh Cực-lạc, thoát vòng sanh tử là trả chữ Đại Hiếu. Người nào thực hành pháp môn niệm Phật, ngày đêm liên tục niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” để cầu sanh Tịnh-Độ, thì chỉ một đời này thôi sẽ vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới.

 

30)      Niệm Phật: Phương pháp giải nạn! Trang . . . .

 

… Nghiệp chướng là khối đá đeo vào đời mình, luân hồi là bể khổ mênh mông. Người còn nghiệp ắt phải bị khối đá nhận chìm trong bể khổ. Nhưng nên nhớ ky, tự mình bơi mới bị khối đá nó dìm chứ còn leo lên thuyền rồi thì khối đá dù nặng tới đâu vẫn được chở qua bờ giác như thường. Người chí thành niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là người biết leo lên thuyền cứu độ của Phật vậy…

 

31)      Niệm Phật: Với lời Phát Nguyện! Trang . . . .

 

… Đối với pháp môn niệm Phật, phát nguyện là lòng cầu nguyện vãng sanh về thế giới Cực-lạc của Phật A-di-đà sau khi tuổi thọ của mình hết. Điều này vô cùng quan trọng. Thường khi con người thọ mạng hết, họ sẽ theo nghiệp báo để thọ sanh. Làm ác theo đường ác, làm lành theo đường lành, nghiệp nào lớn nhất nó lôi mình đi, còn các nghiệp khác thì thành nợ sẽ trả sau. Trong sự chiêu cảm của nghiệp, lời nguyện của mình nó có sức mạnh rất lớn, nếu thệ nguyện vững chắc, thì nghiệp báo sẽ né một bên nhường lối cho lực thệ nguyện thành tựu trước…

 

32) Niệm Phật: Con đường thành Phật! Trang . . . .

 

… Niệm Phật là mình đang gây cái nhân Phật trong tâm mình để chờ ngày thành quả Phật. Đây là một pháp môn đặc biệt, gọi là “Môn dư đại đạo”, một phương tiện rốt ráo để viên thành Phật đạo. Trong 49 năm thuyết kinh giảng đạo, Phật để lại vô lượng pháp môn, tất cả đều là phương tiện tự tu chứng từng phẩm vị một để đến quả vị Phật. Vì thế thời gian tu hành phải trải qua hàng A-tăng-kỳ kiếp, vô lượng kiếp, mới mong thành đạo quả. Còn niệm Phật thì: “Niệm Phật là Nhân, thành Phật là quả”, lấy thẳng nhân địa Phật để tu thành quả vị Phật. Một pháp môn vi diệu, thù thắng, dễ tu trì. Vì nó quá dễ dàng cho nên ít người chịu tin. Nhưng đây là lời Phật dạy. Ta là người con Phật, không thể không tin…

 

33)      Niệm Phật: Một lòng tin Phật! Trang . . . .

 

… niềm tín tâm thường khi đã có sẵn trong tiềm thức, trong thiện căn, chỉ gặp được cơ hội thì nó tự phát lộ ra, không phải học hỏi hay tìm hiểu. Có nhiều người muốn học Phật nhưng lại thích tìm lời hay ý đẹp, những điều ứng với khoa học, hợp với luận lý, thuận với triết lý cao siêu mới tin. Kỳ thật, đó chỉ là cái kiến thức thế gian, chính nó thường làm chướng ngại rất nhiều con đường tu tập của họ. Lý Phật đang nằm ngay tại trong tâm của người chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Ở ngay nơi người có lòng thành TIN Phật…

 

34)      Niệm Phật: Cần giữ tâm thanh tịnh! Trang . . . .

 

… Niệm Phật là để cho tâm thanh tịnh, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, nguyện về Tây-phương với Phật. Tuyệt đối không được tham đắm bất cứ một cảnh giới nào khác, dù là Thánh, Thần, Tiên, Phật Mẫu, Phật Bà, v.v… Nếu không, mình chưa đi tới Tây-phương mà đã bị lạc đường một cách oan uổng…

 

35)      Đời là mộng, nhân quả là thực! Trang . . . .

 

… đời là mộng, có gì đâu mà lo lắng! Nhưng có một điều không phải mộng, đó là nghiệp chướng. Phật dạy, “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Vạn pháp là hữu vi pháp; nhân quả là kết quả của nghiệp. Vạn pháp là thành trụ hoại không, là sanh trưởng dị diệt, là sanh lão bệnh tử. Nó xuất hiện rồi biến dịch theo từng phút giây. Còn nhân quả là năng biến, sở biến. Năng biến là hành động tạo tác, sở biến là kết quả thu được. Hành động gọi là “năng biến”, có thể xảy ra trong tích tắt rồi tan biến vào hư không, nhưng nó không phải là “không”vì nó còn cái hậu quả của nó, gọi là “sở biến”. Có năng có sở vì có biến, đó là định luật nhân duyên quả báo tơ hào không sai, cho nên mới gọi là “bất không”…

 

36)      Phải tu theo lời Phật dạyTrang . . . .

 

… Lời Phật là thật ngữ, chân ngữ, như ngữ, Ngài nói thẳng thắn, chân thật, như thị như thị. Vì lòng từ bi, Ngài không muốn chúng sanh phải trải qua vạn kiếp khổ đau, trầm luân đọa lạc trong sanh tử luân hồi, cho nên Ngài đem tất cả kinh nghiệm thù thắng nhứt của mình truyền lại cho chúng sanh, để sự tu hành của chúng sanh có kết quả viên mãn nhanh chóng, tiết kiệm hàng vạn kiếp, khỏi phải phung phí thời gian một cách vô ích, để được thoát nạn chính trong đời này. Thế mà ta không chịu làm theo, lại thích nếm mùi băng mình vào luân hồi, lội dòng ngạ quỷ, ngu si trong cảnh súc sanh, chịu cực hình trong địa ngục vô lượng kiếp rồi mới nghĩ tới chuyện giải thoát, nghĩa là sao?!…

 

37)      Tổng quát về sự “Hộ Niệm”. Trang . . . .

 

… “Hộ niệm” là trực tiếp cứu độ một người vãng sanh thẳng về Tây-phương Cực-lạc một đời giải thoát sanh tử luân hồi bất thối thành Phật, bằng chính sự thức tỉnh kịp thời của người đó và nhờ sự bảo hộ an toàn của những người hộ niệm. Niệm Phật, có tín hạnh nguyện đầy đủ, cộng với có hộ niệm thì sự vãng sanh có xác suất rất cao. Kinh Phật nói rằng, “đời mạt pháp vạn ức người tu khó có được một người giải thoát”, là tại vì không có người chịu quyết tâm tu hành theo con đường giải thoát của Phật dạy, mà cứ thích tu lòng vòng, thích cầu đám, chứ không thích hộ niệm để có một niệm giác ngộ vãng sanh ngay thời điểm lâm chung. Chính vì thế mà phải cần đến sự hộ niệm…

 

38)      Hộ Niệm và Gia Đình! Trang . . . .

 

… Con cháu trong nhà là một lực lượng hộ niệm chính. Muốn cho con cháu hộ niệm mình, thì người niệm Phật không nên âm thầm niệm một mình, mà cố gắng giảng giải Phật pháp cho người thân hiểu, giảng giải về sự vãng sanh cho con cháu nghe, khuyên niệm Phật, chỉ cách hộ niệm vãng sanh. Nên chủ tâm làm như vậy để vừa cứu độ người thân, vừa có được người hộ niệm sát bên cạnh mình trong bất cứ trường hợp nào. Những gia đình nào có con cháu biết tu hành, tin Phật, hiểu đạo, thì thật là một đại phúc báu trên đời!…

 

39)      Tu hành cần hợp căn, hợp thời! Trang . . . .

 

Người trung hạ căn như chúng ta phải cần xét lại, phải tự phản tỉnh về căn tánh, xét lại về thời cơ, coi lại kinh điển cho kỹ rằng Phật đã dạy mình phải đi con đường nào mới có khả năng thành tựu. Nên nhớ hữu chí thì tốt, nhưng bất tài thì chí lớn sẽ biến thành vọng tưởng, viển vông không hiện thực! Ba đại A-tăng-kỳ kiếp, vô lượng kiếp thời gian không phải là chuyện bàn luận cho vui trong lúc nhàn hạ!

 

40)      Chuyên Tu: Thành tựu cao! Trang . . . .

 

… Người thường cứ chạy theo kiến thức, thích giảng thuật ngữ, rốt cuộc hầu hết chỉ chạy vòng vòng bên ngoài lý đạo. Chuyên tu vào một hướng chính là pháp truyền thừa của những vị Tổ-sư, Tổ truyền Tổ vậy. Giảng kinh chỉ có một bộ kinh, nhưng mỗi một lần giảng cảnh giới mỗi cao hơn, càng giảng càng thâm nhập vào bí tủy của lời Phật dạy. “Nhất kinh thông, nhất thiết kinh thông”, khi thấu suốt được một bộ kinh thì tất cả các kinh khác chỉ cần nhìn đến là có thể hiểu liền. Nhờ đó mà ta thông được tất cả kinh điển, thâm nhập vào lý đạo nhanh chóng. Thật là tuyệt diệu!

 

41)      Buông xả – Niệm Phật – Vãng sanh! Trang . . . .

 

… Buông xả từ cái tâm, tập cho cái tâm buông xả thì những thứ khác nó buông xả theo, ví dụ mình làm thiện thấy người ta ác cũng đừng nên ghét bỏ họ; mình ăn chay thấy người ăn mặn đừng nghĩ họ là ác; làm ăn thua lỗ đừng quá lo sầu, v.v… đó là buông xả. Cụ Triệu Vinh Phương buông xả tất cả, chỉ niệm Phật không cần bàn luận, thì cụ nhanh chóng trở thành vị Bồ-tát. Chúng ta không tìm ra lối thoát khỏi Tam Giới là do bởi cái độc tham sân si, trong đó tham là mạnh nhất. Vì tham nên buông xả không được. Chính vậy tu hành ta hãy lấy cái hạnh BỐ THÍ làm đầu vậy…

 

42)      Làm lành để chuyển nghiệp! Trang . . . .

 

… làm lành, lánh ác, là điều kiện căn bản nhất của người tu hành. Làm lành để tăng trưởng phước đức, chuyển hóa nghiệp báo. Có thể ví dụ thân nghiệp của chúng ta giống như một cái cân, trên đó có hai cái đĩa, một đĩa là phước, một đĩa là nghiệp. Phước là phước báu, công đức. Nghiệp là nghiệp chướng, tội lỗi. Hễ phước và nghiệp cân bằng thì thân thể bình thường, phước nặng hơn nghiệp thì thân thể kiên khang, khỏe mạnh. Nghiệp nặng hơn phước thì ta bị bệnh hoạn đau ốm. Làm việc thiện lành, ăn ở nhân hậu, là làm cho cán cân nặng về phước, nhẹ về nghiệp, thân thể sẽ kiên khang, tâm thần an lạc. Làm ác nhiều thì cán cân nặng về nghiệp, nhẹ về phước thì thân thể bệnh hoạn, tâm thần âu lo, phiền muộn. Một người hiểu thấu đạo lý này thì dại gì gây nên tội ác cho suốt đời bất an, đời đời kiếp kiếp tiếp tục chịu khổ…

 

43)      Sám Hối – Hồi Hướng! Trang . . . .

 

Sám nghiệp chủ yếu là tự mình nói lên cái lỗi của mình để sửa chứ đâu phải là sự cúng tế. Người biết tu thì cái công đức nên giữ, cái lỗi lầm xấu ác phải liệng ra ngoài… Thế nhưng, người đời cứ thích khoe khoang cái hay của mình để chịu tiêu mòn công đức, còn điều xấu thì cứ khư khư giấu thật kỹ để tăng nghiệp chướng. Chính vì thế mà ách nạn mới khó tiêu trừ được….

 

… công đức mình nên hồi hướng đến khắp chúng sanh, hồi hướng càng rộng càng tốt, đừng nên chỉ hồi hướng riêng cho cá nhân mình. Công đức là phước vô lậu, vô hình, không thể bắt giữ. Công đức ví như ánh sáng của ngọn đèn, mình chiếm giữ riêng thì cũng bao nhiêu đó, mình chia cho nhiều người cùng hưởng thì mình cũng không mất chút nào, nhưng hồi hướng công đức đến rộng khắp chúng sanh thì tâm lượng của mình sẽ quảng đại, giải tỏa được thù oán nhiều đời nhiều kiếp. Nhờ vậy, mình được giải thoát mà oán thân trái chủ cũng được ích lợi…

 

44)      Cảnh giới Trung-Ấm! Trang . . . .

 

… Trong suốt thời gian trung ấm, thần thức bị trải qua rất nhiều những cảnh giới hãi hùng, ghê sợ, tất cả đều do vọng tưởng của chính họ tạo nên. Người biết tu hành, tâm hồn thanh tịnh, thần trí họ định cho nên họ có thể phân biệt được thực giả và tự chọn lấy cảnh giới tốt để đi.  Người không tu, tạo nghiệp nhiều thì thần thức bị dồn vào từ trạng huống khủng bố này đến khủng bố khác, đến sau cùng tất cả đều bị mê mệt, đành lặng lẽ trôi theo nghiệp lực để trả nghiệp….

 

45)      Khổ: Tứ-Diệu-Thánh-Đế! Trang . . . .

 

… “Đời khổ quá, không biết bao nhiêu nỗi khổ kể cho hết…”. Sinh ra trên đời, nghèo có cái khổ của kẻ nghèo, giàu có cái khổ kinh khủng của kẻ giàu! Ngu có cái khổ của sự ngu, khôn cái khổ thê thảm của trí khôn! Người dân quê mộc mạc có cảnh khổ của dân quê, người quyền uy thế phiệt có cảnh khổ phải rơi nước mắt của người quyền thế… Đây là sự thật. Ai hiểu được vậy thì mau tìm đường thoát, ai không hiểu thì sự thật vẫn là sự thật. Sự thật này có khi chứng minh được, có nhiều khi không chứng minh được. Chứng minh được là dành cho người có duyên, không chứng minh được là vì người còn thiếu phước duyên. Có duyên hay vô duyên, thấy hay không thấy, điều này vô can hệ đến sự thật!…

 

46)      Đọc-Tụng kinh điển theo:

Tín-Giải-Hành-Chứng! Trang . . . .

 

Kinh điển xuất phát từ chơn tâm, thì hãy dùng chơn tâm mà giải. Phật dạy: “Tín tâm thanh tịnh tất sanh thật tướng”, thật tướng là chơn tâm. Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Tự tánh năng sanh vạn pháp”. Tự tánh là chơn tâm. Chính cái chơn tâm của mình nó có đầy đủ tất cả, nó có khả năng thuyết tất cả pháp. Chính vì thế mà Ngài Huệ Năng chưa từng đi học, không biết chữ, không biết nghiên cứu, nhưng lời Ngài nói ra như kinh như pháp, tất cả các kinh chỉ cần nhắc đến là Ngài thông liền. Tại sao vậy? Vì pháp đã có sẵn trong tâm. Tâm có một phần thanh tịnh thì thấy được một phần Phật pháp, hai phần thanh tịnh thì thấy được hai phần Phật pháp, mười phần thanh tịnh thì thấy được mười phần Phật pháp. Chắc chắn như vậy.

 

47)      Quyết tâm cứu độ chúng sanh! Trang . . . .

 

… Phật dạy thương người chứ không được ghét, dù cho người đó có làm sai. Thương người không có nghĩa là tán thán hay làm theo họ, mà chính là ta phải có lòng khoan dung, nhân hậu, biết tha thứ và tận tâm cứu giúp những người còn kém thiện căn, phước đức, mong cho họ có được cơ duyên tỉnh ngộ.

 

48)      Đừng tu lòng vòng nữa! Trang . . . .

 

Những người có nhìn thấy được hiểm họa chết chìm nên cố gắng bơi, chắc chắn đỡ hơn người không biết bơi. Nhưng tốt hơn nữa phải biết nhắm thẳng đến bờ thì mới khỏi chết. Tu hành cũng vậy, phải chọn phương cách nào có khả năng giúp mình thực sự giải thoát mới viên mãn đường tu. Pháp môn tu hành vô lượng vô biên, cảnh giới cũng vô lượng vô biên, nhưng con người muốn về tới đích không thể đi theo vô lượng vô biên đường đi được, vì đi như vậy là đi lòng vòng, sau cùng phải bị kiệt sức, đành phải xuôi tay!

Độ sanh vô sở trụ tâm nhi hành bố thí

Lời Giới Thiệu

 

Tôi hân hạnh nhận được một xấp thư của Phật tử Diệu Âm viết, những lá thư gửi cho gia đình, bà con, bạn bè… Tôi đã đọc và phát hiện ra những điều hay; sau cùng tôi vô cùng hoan hỉ nhận xét rằng đây không phải là những lá thư thường tình, mà là những lời pháp rất hay, thích hợp, linh động, thực tế!…

Theo tôi thì những “lời thư pháp” này có thể giúp cho người phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh.

Tôi xin trang trọng giới thiệu cùng quý vị và mong tất cả quý vị hãy đọc kỹ những lời thư, đọc từng bài một, rất lợi ích cho chính mình, cho cha mẹ, cho gia đình…

Hy vọng những lời thư đượm nhuần pháp Phật này có thể giúp cho quý vị thấy được phương cách để trở thành người con chí hiếu khi cha mẹ còn tại tiền; nếu song thân đã quá vãng quý vị sẽ là đại hiếu như Đại Mục Kiền Liên; gia đình của quý vị sẽ trở thành gương mẫu của đạo đức và hiếu hạnh, góp phần xây dựng xã hội an lạc, thái bình, thịnh vượng…

Niệm Phật vãng sanh Tây-phương Cực-lạc là con đường cứu cánh viên mãn, thành toàn hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của chư Phật vậy.

 

Nam-mô A-di-đà Phật,

Thích Thiện Huệ.

 Lời Cảm Xúc!

 

Tôi thật vô cùng diễm phúc, có được cơ duyên hy hữu khi được tiếp xúc với cư sĩ Diệu Âm và đọc được quyển “Khuyên người niệm Phật” (tập 1 và 2) của anh.

Đọc “Khuyên người niệm Phật” với bao nỗi hân hoan, đong đầy cảm xúc. Tôi xin trang trọng trải rộng tâm hồn đón nhận những cơn mưa pháp thấm nhuần hương vị giải thoát này!

“Khuyên người niệm Phật” – Như những hồi chuông ngân vang để cảnh tỉnh chúng sanh mê muội đang lặn hụp trong sanh tử luân hồi!

“Khuyên người niệm Phật” – Bài học vô cùng quí giá, hữu ích, thiết thực và là một hướng đi vững chắc cho những ai muốn tìm về bến Giác.

“Khuyên người niệm Phật” – Tuyệt phẩm đầy đạo vị, vun tràn tình thương thiêng liêng cao cả của một người con đã vắt cạn máu tim cúng dường lên hai đấng sanh thành, cầu mong cho người cất lời xưng niệm Thánh hiệu “A-di-đà Phật”. Thật là chí tình, đại hiếu!

Tôi vô cùng hoan hỉ và thành tâm tán thán công đức “Khuyên người niệm Phật” của tác giả. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm tạ cư sĩ Diệu Âm đã cống hiến cho đời và cho đạo một tặng phẩm quí giá này.

Hỡi những bà con, bạn hữu trên khắp cùng bốn biển, năm châu hãy cùng nhau đọc “Khuyên người niệm Phật”. Hỡi tất cả những ai đang khổ đau trong cõi Ta-bà, hãy cùng nhau đọc “Khuyên người niệm Phật”. Đây là cơ duyên để phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, siêu thoát sanh tử luân hồi và báo đáp Phật ân.

Nguyện cầu mười phương chư Phật, chư Bồ-tát, chư Long-Thần, Hộ-Pháp từ bi gia trì cho tất cả chúng sanh sớm phát được đại tâm Bồ-đề: nhất hướng chuyên niệm “A-di-đà Phật” cầu sanh Tịnh-Độ, hết báo thân này đồng sanh Tây-phương Cực-lạc Thế Giới, đồng trọn thành Phật đạo.

Nam-mô A-di-đà Phật,

Cư sĩ Hải Triều.

 

Lời ngỏ!

 

Diệu Âm xin dùng lời ngỏ này để thưa mấy điều:

Trước tiên, Diệu Âm rất cảm động nhận được “Lời Cảm Xúc” của anh Hồ Hải Triều. Sự cảm động không phải vì lời tán thán, mà cảm động vì chính ở con người của anh!

“Khuyên người niệm Phật”, Diệu Âm thường nêu ra những tấm gương thiện lành, thì nay Diệu Âm lại có được một người bạn thật thiện lành, có tâm thật chân thành tu hành, có hạnh thật sự buông xả bố thí giúp người. Anh và gia đình anh thật xứng đáng là một tấm gương tốt cho Diệu Âm noi theo.

Diệu Âm xin trang trọng đăng “Lời Cảm Xúc” này như một lời giới thiệu thứ hai, dù rằng người viết lời cảm xúc chỉ sống âm thầm, chưa hề có một chút danh vị. Lòng chân thành của một người mới thật là điều quí hóa!

Điều thứ hai, khi tập “Khuyên người niệm Phật 1” được ấn tống xong, có một số vị tìm Diệu Âm đề nghị rằng: cần nên có tên họ và địa chỉ của “tác giả”, để dễ bề liên lạc trong những trường hợp ấn tống thêm hay phát hành dưới các hình thức khác. Nay xin thưa rằng, bộ sách này Diệu Âm hoàn toàn không giữ bản quyền. Vì một chút lòng thành khuyên cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè niệm Phật, rồi tình cờ gặp duyên mà thành ra bộ sách, chứ còn riêng Diệu Âm thì công phu tu hành còn rất yếu, nên vẫn phải cố gắng ngày đêm niệm Phật chứ không dám sơ ý lơ là! Kính mong chư vị Đại-đức, chư vị Đồng tu thương tình tha thứ cho lỗi này. Thành thật đa tạ!

Điều thứ ba, có một số vị đạo hữu hỏi rằng, bộ “Khuyên người niệm Phật” có tất cả mấy tập? Xin thành thật thưa rằng, chính Diệu Âm cũng không biết! Còn duyên thì còn “Khuyên người niệm Phật”, hết duyên thì Diệu Âm âm thầm gắng công niệm Phật cho thành thục để cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Đây là điều quan trọng hàng đầu. Bộ sách “Khuyên người niệm Phật” được chư vị Đại-đức, Đạo-hữu, Đồng-tu phát tâm ấn tống, Diệu Âm xin thành tâm cảm niệm. Đặc biệt, một vị lão Pháp sư rất từ bi và đáng kính, đã tự đứng ra vận động tịnh tài để ấn tống tập “Khuyên người niệm Phật 2”. Vâng theo huấn thị của ngài Tịnh-Không, Diệu Âm không dám lập “phương danh ấn tống”, với ý nghĩa gìn giữ công đức của chư vị được trọn vẹn. Nhưng dù sao, trong lòng Diệu Âm vẫn hằng âm thầm tri ân! Nếu bộ sách này có được chút ít công đức nào, xin thành tâm hồi hướng đến pháp giới chúng sanh, đến toàn thể chư vị.

Và sau cùng, Diệu Âm xin xác định rằng, đây chỉ là những lời “Khuyên người niệm Phật”, chứ không phải là lời pháp. Vì phải cố gắng khuyên cho người phát tâm tu học Phật, cho nên mới có liên quan một chút về phần căn bản của pháp Phật để khuyến tấn lẫn nhau mà thôi. Pháp giới mông huân, Diệu Âm trí cạn, không đủ khả năng đi sâu vào giáo lý của Phật, chỉ biết một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, cầu nguyện cho hết thảy chúng sanh hết một báo thân này đều được vãng sanh An-Dưỡng quốc.

Xin thành tâm cầu xin chư Phật, chư Bồ-tát gia trì cho tất cả chúng sanh hữu tình sớm ngày giác ngộ, chư vị Đại-đức, Đạo-hữu, Phật-tử khắp nơi pháp hỷ sung mãn, hết báo thân này đều vãng sanh Tịnh-Độ, sớm viên thành Phật đạo.

A-di-đà Phật.

Diệu Âm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –