Tầm Quan Trọng Của Quy Luật Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

TẦM QUAN TRỌNG CỦA QUY LUẬT HỘ NIỆM

“Điều tốt nhất là mỗi người phải lo tu hành nghiêm chỉnh trước, mỗi người cần hiểu rõ về Pháp Hộ-Niệm trước. Có hiểu rõ Pháp Hộ-Niệm thì mới vững được đường tu, mới biết những gì cần buông, những gì cần giữ. Được vậy thì đến lúc bệnh xuống hộ niệm cho nhau dễ dàng, vững vàng được!”
Bất cứ phương pháp nào chúng ta cũng phải có một số hiểu biết căn bản. Hộ niệm cũng vậy, chúng ta cũng phải trang bị một số kiến thức tối thiểu mới hộ niệm được.
Hiểu rõ quy luật của Pháp Hộ-Niệm để hướng dẫn người bệnh vãng sanh, tránh điều sơ suất khi Hộ Niệm.
Rất nhiều trường hợp người Hộ Niệm lơ là quy luật Hộ Niệm, nên thường đưa đến tình trạng nửa chừng bị trở ngại. Sau khi nắm vững quy luật Hộ Niệm và áp dụng vững vàng cho các ca Hộ Niệm, thì bắt đầu từ đó sự Hộ Niệm có thành quả tốt.
Xin đưa ra đây một ví dụ, vào năm 2012 có một vị báo cho Diệu Âm biết rằng, trong 4 năm qua ban hộ niệm của anh đã hộ niệm khoảng chừng hơn 40 ca, nhưng không được thành công một ca nào hết, nghĩa là người ra đi không có hiện tượng gì tốt sau khi Hộ Niệm. Ban Hộ Niệm chán nản, thất vọng và định bỏ cuộc, nhưng sau cùng hình như nhờ chị Thu Hương ở ngoài Đà Nẵng vào hướng dẫn, thì anh mới biết rằng trong mấy năm qua anh Hộ Niệm đã sơ ý không theo một quy luật nào hết. Cách Hộ Niệm của anh là hễ gia đình nào có người bệnh sắp chết hoặc chết rồi kêu đến thì anh tới Hộ Niệm liền. Anh không biết rằng, một người bệnh muốn được Hộ Niệm thì gia đình cần phải chấp nhận làm đúng quy luật Hộ Niệm mới có thể Hộ Niệm được.
Ban hộ niệm của chị Thu Hương hướng dẫn cho anh những quy luật cụ thể của Pháp Hộ-Niệm, và dặn dò rằng, một gia đình đến mời mình Hộ Niệm, chúng ta phải đưa bản quy luật cho gia đình, giảng giải rõ ràng và yêu cầu gia đình phải chấp nhận thực hiện theo đúng quy luật đó, thì chúng ta mới nhận Hộ Niệm.
Khi Ban Hộ Niệm của anh học cẩn thận quy luật của Pháp Hộ-Niệm rồi mới bắt đầu đi hộ niệm tiếp. Sau đó anh báo lại rằng, Ban Hộ Niệm của anh đã hộ niệm thêm cỡ hơn 40 ca nữa. Diệu Âm hỏi, xác suất thành công sau đó được bao nhiêu phần trăm? Anh trả lời rằng, hơn 40 ca Hộ Niệm sau này, ca nào cũng được thành tựu tốt đẹp cả. Một câu trả làm cho Diệu Âm hết sức bất ngờ!
Hẳn nhiên, đây chỉ là sự thành tựu quá đặc biệt của Ban Hộ Niệm đó, chứ không phải lúc nào cũng được như vậy, nhưng câu trả lời này đã chứng minh cụ thể rằng, quy luật Hộ Niệm quá quan trọng, không ứng dụng đúng mức quy luật này thì dù có nhiệt tình hộ niệm cũng rất khó đạt sự thành công tốt đẹp. Không những không thành công tốt đẹp, mà nhiều khi còn gây nên ảnh hưởng không tốt, lâu dần không còn ai tin tưởng vào sự Hộ Niệm nữa, và Pháp Hộ-Niệm có thể dễ dàng bị xã hội tẩy chay.
Thấy vậy chúng ta mới biết, qui luật còn, chánh pháp còn, qui luật mất chánh pháp cũng mất theo. Nếu Hộ Niệm không theo một quy luật gì cả, thì Pháp Hộ-Niệm cũng không còn đúng với chánh pháp nữa vậy. Không đúng theo chánh pháp thì không có lý do gì để tồn tại.
Vì thế, một người muốn được Hộ Niệm, gia đình phải thông qua các quy tắc Hộ Niệm, Ban Hộ Niệm cần giải thích và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng những quy luật cho gia đình nắm vững. Điều tốt nhất là mỗi người phải lo tu hành nghiêm chỉnh trước, mỗi người cần hiểu rõ về Pháp Hộ-Niệm trước. Có hiểu rõ Pháp Hộ-Niệm thì mới vững được đường tu, mới biết những gì cần buông, những gì cần giữ. Được vậy thì đến lúc bệnh xuống Hộ Niệm cho nhau dễ dàng, vững vàng, chúng ta chỉ cần tới ngồi bên cạnh người bệnh dặn: “Anh Hai ơi! Niệm Phật vãng sanh nhé… Chị Ba ơi! Niệm Phật về Tây-Phương Cực-Lạc nhé…”, là đủ rồi, khỏi cần khai thị gì thêm, người đó tiếp tục niệm Phật với Ban Hộ Niệm. Chúng ta cứ niệm tới là được, người bệnh khi ra đi sẽ có tướng lành bất khả tư nghì, nghĩa là cuộc Hộ Niệm thành tựu. Chứ Hộ Niệm hoàn toàn không phải chờ đến lúc tuổi già, sức yếu, bệnh nặng nằm trong bệnh viện, hoặc chờ đến lúc bị mê man bất tỉnh hoặc hấp hối rồi mới kêu Ban Hộ Niệm. Ban Hộ Niệm cần người bệnh tỉnh táo, cần thời gian để hướng dẫn hầu giúp họ tự hóa gỡ những vướng mắc mà niệm Phật vãng sanh, chứ Ban Hộ Niệm không có thần thông đạo lực gì để cứu vực được một người đang bị sa lầy quá nặng trong ách nạn của nghiệp chướng.
Nhất định phải vững quy luật mới giúp cho một người được vãng sanh, còn không chú ý về quy luật Hộ Niệm, sẽ không cách nào có thể cứu được người đâu nhé. Xin đừng nghĩ rằng, niệm 10 câu Phật hiệu được vãng sanh là đơn giản. Được vãng sanh dễ dàng chỉ dành cho người thực tâm niệm Phật, quyết chí vãng sanh. Còn người có niệm Phật mà lơ là, tính tình thượng mạn thì không bao giờ được ghi tên vào danh sách vãng sanh đâu! Xin chư vị nghiên cứu thật kỹ Pháp Hộ-Niệm thì rõ ràng điều này vậy.

Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm(Tọa đàm 65)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

QUY ĐỊNH CHO GIA ĐÌNH NGƯỜI BỆNH

Muốn được Ban-Hộ-Niệm trợ niệm cho người thân của mình, gia đình phải:

1/ Tin tưởng Phật pháp, thật lòng muốn Ban-Hộ-Niệm trợ duyên cho người thân của mình vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Gia chủ hoặc người đại diện gia đình phải trực tiếp liên lạc mời Ban-Hộ-Niệm. Đây là nguyên tắc.
2/ Trước khi được hộ niệm, Ban-Hộ-Niệm cần gặp nói chuyện với gia đình để thông báo những quy tắc về hộ niệm. Gia đình phải nhất mực tin tưởng và phải đồng ý thực hiện đúng theo sự hướng dẫn của Ban-Hộ-Niệm. Nếu gia đình không chấp nhận hoặc làm không đúng theo quy tắc này, thé Ban-Hộ-Niệm sẽ từ chối việc hộ niệm. Nếu có điều gì khó khăn, trở ngại việc thực hiện, gia đình phải nói rõ với Ban-Hộ-Niệm trước khi khởi sự hộ niệm.

       

Cụ thể gia đình cần chú ý những điểm sau đây:

3/ Hộ Niệm hoàn toàn vì lòng thiện nguyện của Ban-Hộ-Niệm. Gia đình tuyệt đối không cần bận tâm lo bất cứ hình thức thù lao hay trả ơn nào cả.
4/ Cần chuẩn bị một phòng tương đối gọn gàng, thoáng mát, trang nghiêm. Ban-Hộ-Niệm sẽ hướng dẫn thiết trí hình Phật A-di-đà và các thứ cần thiết. Gia đình không được tự ý trưng bày tranh ảnh hoặc hình tượng gì khác.
5/ Ban-Hộ-Niệm chỉ niệm Phật hướng dẫn trợ duyên người bệnh vãng sanh Tịnh-độ, không tụng kinh cầu an, không cầu chóng bình phục. Gia đình không được xen tạp những hình thức gì khác kể từ lúc khởi sự hộ niệm. gia đình phải hiểu rõ điều này: Hộ niệm là giúp cho người bệnh niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh để được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chứ không phải cầu cho hết bệnh. Nếu thọ mạng chưa hết, thì nhờ lòng thành kính mà được Phật lực gia trì tự nhiên hết bệnh. Nếu thọ mạng đã mãn thì sẽ được vãng sanh nước Cực-Lạc, thoát vòng sanh tử, một đời thành tựu đạo quả, hưởng an vui cực lạc. Nếu cầu hết bệnh thì không được Phật lực gia trì, không hết bệnh, cũng không được vãng sanh.
6/ Gia đình phải chí tâm niệm Phật trợ niệm là chính. Chỉ được coi ngày giờ tẩm liệm, hay lo hậu sự sau khi xong thời gian hộ niệm.
7/ Gia đình cần hỗ trợ tâm đạo của người bệnh, cần giữ thanh tịnh, tranh thủ thời giờ niệm Phật, tha thiết cầu vãng sanh. Con cháu không được nói lời bi quan, thăm hỏi vẩn vơ mà làm rối tâm người bệnh. Không được khóc lóc, than vãn. Lúc lâm chung tuyệt đối không được kêu khóc, ồn náo. Không được đụng chạm vào thân xác ít ra trong vòng 8 giờ kể từ khi tắt hơi.
8/ Trong nhà có nuôi chó, mèo… nên cẩn thận nhốt chúng lại, hoặc phải canh chừng không được để chúng lai vãng đến gần.
9/ Gia đình phải kiêng cữ sát sanh hại vật, dù là những loài vật nhỏ như ruồi, muỗi, kiến, v.v… kể từ khi bắt đầu hộ niệm cho đến 49 ngày sau khi người bệnh ra đi. Khuyến khích phóng sanh, làm việc công đức để hồi hướng cho người bệnh vãng sanh. Khuyến khích gia đình ăn chay. Cữ ăn loại ngũ tân như: tỏi, hành, hẹ, kiệu, hành tây… trong suốt thời gian hộ niệm. Nấu nướng cần gọn nhẹ, tránh mùi thức ăn xông lên tới chỗ đang hộ niệm.
10/ Giảm chế tối đa người thân, bạn bè thăm viếng đến trực tiếp nói chuyện với người bệnh. Gia đình phải kiên quyết giữ gìn điều này để tránh sự lạc tâm, uổng phí công sức hộ niệm!
11/ Người nhà cần phải tham gia hộ niệm, nhưng phải nhất mực tuân theo sự hướng dẫn của BHN. Không được tự ý thêm bớt hoặc cố tình thay đổi phương pháp hộ niệm.
12/ Khi đang nằm ở bệnh viện, khi thấy bệnh tình trầm trọng không còn cách nào chữa trị được nữa, gia đình nên gấp rút xin xuất viện để về nhà lo bề hộ niệm, vì điều kiện trong bệnh viện rất khó hộ niệm!
13/ Nếu trường hợp không thể xuất viện được, gia đình phải liên hệ trước với bác sĩ xin giảm thiểu lượng thuốc mê, morphine… để giúp người bệnh tỉnh táo niệm Phật. Khi tắt hơi xong, yêu cầu không được đụng chạm đến thân xác, không cần rút kim, chỉ nên khóa tất cả các ống hóa chất, ống dưỡng khí… Xin được chuyển đến một phòng riêng và dành thời gian tối thiểu là 8 giờ để hộ niệm. Nếu không được những điều kiện này thì không thể hộ niệm được.
14/ Gia đình cần cử một người để liên lạc với Ban-Hộ-Niệm. Nếu có vấn đề gì cần thiết thì thông báo trực riếp với trưởng Ban-Hộ-Niệm, không được bàn với các vị đang niệm Phật.
15/ Gia đình phải chú tâm thực hiện đầy đủ các điều khoản trên. Nếu không, Ban-Hộ-Niệm sẽ đình chỉ việc hộ niệm. Mọi hình thức trợ giúp gì sau đó chỉ là phần cá nhân thực hiện lấy.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –