15 Điều Nội Quy Cho Thành Viên Ban Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

NỘI QUY CHO THÀNH VIÊN BAN HỘ NIỆM

1. Ban-Hộ-Niệm (BHN), hay còn gọi là Nhóm-Cộng-Tu (NCT) có chủ đích chính là cùng nhau niệm Phật tu hành cầu sanh Tịnh-Độ và tích cực hộ niệm cứu người lâm chung được vãng sanh Cực-Lạc theo đúng tôn chỉ của Tịnh-Độ-Tông. Ngoài ra, tuyệt đối không dính mắc đến bất cứ một hoạt động nào khác. Mọi sinh hoạt nào khác với chủ đích trên là phần riêng tư cá nhân, không được đem ra bàn thảo, phổ biến, hoặc tuyên truyền… trong phạm vi BHN hoặc NCT.
2. Hộ viên BHN hoặc NCT chỉ dành cho liên hữu, đồng tu, Phật tử tin tưởng pháp niệm Phật cầu vãng sanh, không nhận người có tánh hiếu kỳ vào BHN. Tất cả hộ viên đều hoàn toàn tự nguyện, tự ghi tên, địa chỉ và số điện thoại vào danh sách để dễ liên lạc.
3. Hộ viên cần nên phát tâm Bồ-Đề, cụ thể là phải có lòng chân thành, thiết tha muốn hộ niệm cứu độ người vãng sanh. Khi hữu sự phải tích cực tham gia việc cứu độ. Cần có tâm niệm cảm ơn người bệnh vì nhờ họ mà mình lập được công đức và nhân lành Tịnh-Độ. Xin đừng tham gia vào BHN một cách miễn cưỡng hoặc hiếu kỳ.
4. Hộ viên cần tham dự đầy đủ các cuộc họp của BHN để rút tỉa ưu khuyết điểm, học hỏi thêm về cách thức hộ niệm cho vững vàng, hầu tránh những điều lỗi lầm đáng tiếc có thể xảy ra!…
5. Mọi người đều nên học tập cách khai thị hướng dẫn bệnh nhân, hòa giải oan gia trái chủ. Tuy nhiên, việc khai thị vẫn thường dành cho chư vị Tăng-Ni (trong BHN), Trưởng ban, Trưởng nhóm hoặc các vị có kinh nghiệm (đã có chuẩn bị trước). Hộ viên, nếu không cần thiết thì đừng tự ý xen vào việc khai thị, hoặc hướng dẫn bệnh nhân để tránh những tình huống sai trái như: lời nói tiêu cực, nói sai pháp, hướng dẫn sai đường v.v… Không được có lời nói hoặc cử chỉ nào làm cho người bệnh bị thối tâm, nản lòng, hồ nghi, rối loạn, phiền não, khủng hoảng hoặc tức bực. Cụ thể nên tránh: hạch hỏi quá nhiều bắt người bệnh phải trả lời, tránh khui ra lỗi lầm của bệnh nhân, nói đến những cảnh giới hung dữ, nói lời cộc cằn thiếu tế nhị v.v… Nói chung, khai thị không phải là nói đạo lý cao siêu, mà chính là khích lệ người bệnh không nên sợ chết, chỉ nên quyết lòng buông xả vạn duyên, thành tâm niệm Phật. Hướng dẫn cần ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng đường vãng sanh Cực-Lạc, đồng thời hóa giải chướng ngại, tháo gỡ những vướng mắc để người bệnh an tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
6. Tự đem theo nước uống và thức ăn, không nên làm phiền chủ nhà. Tuyệt đối không được nhận tiền lì-xì hoặc bất cứ quà tặng gì nhằm
đền ơn đáp lễ từ gia quyến người vãng sanh.
7. BHN chỉ đơn thuần niệm Phật hộ niệm vãng sanh. Không làm các việc: cúng tế, cầu siêu, cầu an, lo việc hậu sự… Không được vận động bất cứ một hình thức nào về tiền bạc để: phúng điếu, vòng hoa, phụ giúp tang gia…. Những việc này là vấn đề cá nhân hoặc thuộc phạm vi khác.
8. Cố gắng đến trước giờ quy định ít nhất 10 phút, hộ niệm nên chia thành phiên, mỗi phiên 2 tiếng. Thay phiên, cần nên chờ cho nhóm khác tới thay thế mới được ra về. Phải giữ thân tâm luôn được tỉnh táo, chỉ nên niệm trong phiên của mình, không nên niệm liên tục quá lâu (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt). Xong phiên hộ niệm nên nhớ hồi hướng công đức cho bệnh nhân.
9. Khi hộ niệm có thể dùng khánh (nhưng cần nên hỏi qua bệnh nhân). Không được dùng mõ.
10. Niệm Phật có thể là sáu chữ Nam Mô A-Di-Đà Phật hoặc bốn chữ A-Di-Đà Phật, nên tùy theo thói quen hoặc yêu cầu của bệnh nhân. Chú ý điều chỉnh tốc độ và âm lượng cho hợp theo với người bệnh. Thông thường, không nên niệm nhanh quá hoặc chậm quá (tức là trung đạo).
11. Trong thời gian chờ hộ niệm hoặc xong phiên hộ niệm xin giữ thanh tịnh niệm Phật, không nên tham gia vào các công việc của gia đình. Hộ viên không làm các việc như: chăm sóc, thay áo quần, vệ sinh, liên lạc bác sĩ, liên lạc bệnh viện v.v… Những việc này là nhiệm vụ của thân nhân.
12. Tránh mọi sự xúc động, giọng nói nghẹn ngào, hỏi han về gia sự. Tránh cầu chúc hết bệnh hay an ủi theo tập tục thế gian. Tránh cãi cọ, nói chuyện riêng, cười đùa, đi lại quá nhiều. Tránh ách xì, tằng hắng, khạc nhổ, ho, v.v… trong khi hộ niệm. Khi mắc phải nên cung kính xá Phật, ra ngoài giải quyết rồi trở lại.
13. Các vị đồng tu có âm giọng quá cao hoặc quá sắc không nên tham gia hộ niệm vì dễ gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Nếu muốn được hộ niệm, thì nên ngồi xa và phải niệm nhỏ.
14. Những hộ viên đang bị cảm, sức khỏe quá yếu không nên tham gia hộ niệm. Những người mà bình thời thường hay xung đột với người bệnh cũng cần tránh tham gia hộ niệm.
15. Tất cả hộ viên cần chú ý thực hiện đầy đủ theo bảng nội quy này để việc hộ niệm được viên mãn, cứu độ người được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –