Tham Lam Là Gì?

Share on facebook
Share on twitter
*) Tham lam là gì? Tham thì tham gì cũng là tham: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, v.v… đều là đối tượng của lòng tham. Ví dụ như tham tiền nên suốt đời tranh lo kiếm tiền, khổ sở vì ít tiền, sung sướng vì nhiều tiền, giữ tiền, giấu tiền… Những sự tham lam này cấy nhiều chủng tử ngạ quỉ trong tâm. Khi lâm chung tâm của họ cứ dính chặt vào tiền bạc, khó có thể gỡ ra được, chính vì vậy mà rất dễ bị chiêu cảm theo đường ngạ quỉ. Trong kinh Phật nói, loài ngạ quỉ cái bụng to như cái trống, cổ thì nhỏ như lỗ kim, bốc cơm thì hóa thành lửa, ngày ngày đói khát, ăn vào thì bứt cổ chết liền. Khổ vô cùng! Cho nên, người hiểu được đạo thì đừng nên quá tham lam mà mang họa. Tiền bạc có vừa đủ thì phải biết lo tu hành, vừa làm vừa tu, chứ đừng đợi làm thêm “chút ít” nữa rồi mới tu. Sự thực không có tiêu chuẩn “chút ít” đó đâu! Lòng tham vô đáy thì cái “chút ít” sẽ trở thành “vô tận”, nó hấp dẫn, nó lôi cuốn con người rơi tuột vào cảnh ngộ tham tiền đến quên ăn mất ngủ, tham đến nỗi tới lúc hấp hối mà vẫn còn tham, chứ không phải đơn giản đâu!
Cho nên tiền bạc thực sự là mối họa, phải thường xuyên cảnh tỉnh! Người già cả nên biết quyết tâm buông xả nó để nhẹ nhàng vãng sanh. Tiền bạc nên giao lại cho con cháu lo liệu. Của cải, gia tài, điền sản… nên di chúc, phân chia trước càng sớm càng tốt. Đừng chờ, đừng hẹn, vì nếu một sớm một chiều lỡ rơi vào trạng huống bất tường, thì lúc đó gia sự lộn xộn, thân thể đau nhức, tâm trí rối ren bời bời, không cách nào giải quyết được, thành ra cứ quyện chặt vào mấy thứ bất tịnh đó, chắc chắn không có đường tốt để dung thân. Nên nhớ, tiền tài có được trong đời này là quả báo của cái nhân bố thí tài trong đời kiếp trước, nếu phước báu còn nhiều thì tự nhiên nó sẽ cuồn cuộn chảy đến, còn như lỡ đã hết rồi thì một “tí ti” cũng không có chứ đừng nói chi “chút ít”. Muốn còn phước báu thì Phật dạy, hãy lo bố thí tài để cho mảnh ruộng phước của mình tốt tươi vậy.
Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư.
(Viết xong ngày 6/5/2003)
TRÍCH: KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Diệu Âm Minh Trị (Úc Châu)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –