Tại sao tu học Phật mà bị tẩu hỏa nhập ma vậy? Tại vì thực hiện phương pháp tu hành không đúng, không hợp căn cơ, không chịu giữ tâm khiêm cung, không biết lắng nghe lời khuyên giải. Những lời khai thị cảnh cáo của chư Tổ dạy cũng lờ luôn… Tu hành quá bất cẩn, cứ tưởng rằng mình mở lời niệm vài câu Phật hiệu thì chắc chắn có Phật gia trì, có chư Thiên Thần Hộ-Pháp bảo vệ, sẽ không có vấn đề gì trở ngại.
Xin thưa, không phải vậy đâu. Phàm phu nghiệp nặng, chướng sâu mà thiếu khiêm cung, lại quá vọng tưởng thì tránh sao khỏi ma chướng. Muốn biết điều thực tế này, hãy tự xét mình có còn cạnh tranh, ganh tị hay không? Còn phiền não không? Còn lo lắng chuyện gia đình không? Con cái học hành thi rớt, có buồn khổ không? Gặp người công kích có tức giận không? V.v… Tất cả những thứ đó đều là chướng ngại chứa sẵn trong tâm phàm phu này.
Tới một đạo tràng người ta tu tập bình thường, còn mình thì thấy phiền não, tại sao vậy? Chưa chắc cái phiền não này tạo ra từ đạo tràng, mà coi chừng chính trong tâm mình đã chứa tràn đầy những thứ phiền não đó, nó sẵn sàng bùng ra để đánh tan con đường tu đạo của mình đấy thôi.
Vậy thì, tới một đạo tràng tu tập mà cảm thấy phiền não thì hãy tự trách mình đi. Tại sao mình phiền não trong khi người ta vui vẻ? Rõ ràng, chỉ vì nghiệp chướng của mình nặng hơn họ, phiền não của mình nhiều hơn họ. Nếu thực sự là vậy, thì chúng ta cũng cần đến những môi trường đó để giúp cho nghiệp chướng có cơ hội tuông ra được chút nào hay chút đó, phiền não có cơ hội đổ xuống được chút nào hay chút đó. Chúng ta cần có cách đề phòng những tác hại của nghiệp chướng, đó là tập đối diện với phiền não, đối diện với nghịch cảnh để tôi luyện khả năng đè phục chúng. Nhờ sự đối diện đó mà nghiệp chướng vơi đi, phiền não rụng xuống, những khó khăn thử thách không dễ gì đánh gục được mình. Như vậy, tiêu trừ nghiệp chướng chính ở tại đây, chứ không phải tìm chỗ vắng vẻ, trốn tránh tất cả, không ai đụng chạm đến mình là được thanh tịnh đâu. Coi chừng đó chỉ là bề trái của sự thật, gạt mình trong cảnh thanh tịnh giả tạo, đến lúc đối diện với hiện thực rồi, thì chính mình không có một trải nghiệm nào để đề phòng, không có một năng lực gì để đối phó, không có một phương thức gì để chiến thắng. Nên nhớ, hàng phàm phu phải học theo cách của hàng phàm phu mới có hy vọng vượt thoát qua nghiệp chướng mà vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo nhé chư vị.
Hãy tập đối đầu với nghịch cảnh. Hãy tập đè phục phiền não. Hãy tự soi xét lấy những sai lầm của chính mình mà lo sám hối tội chướng. Hãy nhận mình là phàm phu thì mới tập được tánh khiêm hạ. Hãy cho tất cả mọi người là Bồ-Tát thì mới tập được tâm cung kính. Nhờ những đức tính này giúp cho chúng ta hòa hợp tốt để cùng nhau tu tập. Đây chính là cái năng lực có được từ sự kết đoàn, nhờ cái năng lực này mà hỗ trợ nhau, giúp ích nhau cùng nhau thành tựu. Cách tôi luyện năng lực là như vậy đấy, chứ không phải tách rời đại chúng, tìm chỗ để tự cô lập mình mà tốt đâu nhé.
Cụ thể lại, hãy quyết lòng quyết chí hộ niệm cho nhau nhé chư vị. Một câu A-Di-Đà Phật mà tu, một Pháp Hộ-Niệm nghiên cứu cho thật kỹ, tất cả chúng ta tâm đồng ý hợp với nhau, cụ thể giúp đỡ nhau, tích cực hộ niệm cho nhau cùng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nguyện mong tất cả các vị Bồ-Tát, vị nào vãng sanh trước phải hứa cố gắng cứu lấy người sau. Chúng ta cùng hổ trợ nhau vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hết nhé.
Nam Mô A-Đà-Đà Phật.
Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 146)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2