Tại sao thời mạt pháp này, người phàm phu không nên tự tu một mình? Vì phàm phu thì nghiệp nặng, chướng sâu, tâm trí mê muội mà tự tu một mình rất dễ bị sơ suất, rất dễ hành sai pháp, rất dễ tham đắm vào những miếng mồi ngon lành nhưng đầy huyễn hoặc mà vướng nạn. Thượng mạn là cửa ngõ thuận lợi nhất cho oán thân trái chủ thừa dịp đột nhập phá hoại tan hoang sự nghiệp của người tu hành.
Chính vì vậy mà Hòa Thượng Tịnh-Không thường cảnh cáo rằng, trong thời này không được tự ý đóng cửa tự tu. Ngay cả những vị Pháp Sư bên cạnh Ngài cũng được khuyến cáo không nên tự ý đóng cửa tự tu một mình, mà hãy cố gắng kết hợp bốn chúng đồng tu với nhau, để giúp đỡ nhau lúc cần thiết. Tôi làm sai thì anh hóa giải, anh làm sai thì tôi hóa giải. Chúng ta đoàn kết lại, cùng nhắc nhở nhau, chỉ điểm cho nhau tu tập mới an toàn hơn trong thời này. Ví dụ, bỗng nhiên một ngày kia thấy chị mệt mỏi, thiếu nhiếp tâm, tôi đến hỏi thăm tìm cách giúp đỡ. Thấy anh một bữa nọ ánh mắt có vẻ đờ đẫn, lơ láo, chị liền tới tâm sự, an ủi… Từ những sự thăm hỏi, nhắc nhở, chăm sóc nhỏ nhặt này mà đồng tu chúng ta có được sự đánh thức, là dịp hóa giải cho nhau thoát khỏi rất nhiều ách nạn, mà tự mình không hay.
Trong những năm qua, chúng ta vẫn thường nghe tin có nhiều trường hợp bị chướng nạn trên đường tu hành hầu hết đều liên quan đến những vấn đề này. Có những người thích tách rời đại chúng, đóng cửa tự tu cho được thanh tịnh, tránh phiền não, nhưng sau cùng thường gặp phải những chuyện khó khăn. Hiện tượng này nhiều lắm, xảy ra khá thường xuyên. Chúng ta nên khuyên những vị này hãy tìm đến một đạo tràng nào đó để tu chung với nhau, cố gắng lấy tinh thần của 6 điều hòa kính để kết hợp, và đem những sự khó khăn mình đang gặp mạnh dạn trình bày với một vài bạn đồng tu đi nhé:
– Chị ơi!… Bỗng nhiên tôi bị hiện tượng này, hiện tượng nọ, có sao không?
Nếu người đầu tiên không biết giải, thì tìm đến người thứ hai, người thứ ba, hoặc vị trưởng tràng trình bày:
– À!… Tôi tu hành nhưng tâm bị nhiều rối loạn, mộng mị nhiều quá, bị trở ngại này, trở ngại nọ, v.v… Bây giờ làm sao đây?
Hãy thành thật giải bày tâm sự cho 3-4 người biết, nhiều khi đồng tu khuyên một vài lời nhẹ nhàng mà có thể hóa giải được những vướng mắc của mình đấy. Tu có bạn vừa giúp lực tu hành mạnh hơn, vừa giúp đỡ nhau những lúc đặc biệt. Đừng để những chuyện khó khăn ấp ủ mãi trong lòng, ban đầu thì thấy quá bình thường, nhưng dần dần không còn bình thường nữa đâu. Coi chừng, chuyện không thành có, chuyện huyễn thành thực, chuyện nhỏ thành lớn, chuyện vốn bình thường thôi mà sau cùng trở thành một chướng nạn khó giải quyết lắm đấy!…
Ví dụ ngay tại thành phố này, cách đây không lâu đã có xảy ra vài chuyện tương tự. Có người đang tu với đại chúng, nhưng thấy sự tu tập nơi này hơi yếu, không được thanh tịnh, cảm thấy phiền não nên liền tách rời đạo tràng về nhà đóng cửa tự công phu. Thời khóa nói ra nghe khá mạnh, tu tập có vẻ tinh tấn. Thời gian đầu thì vui vẻ lắm, sắc tướng trông sáng sủa hơn nhiều. Tu được một năm thì mạnh dạn khoe ra có sự thành tựu bất khả tư nghì, nào là thường xuyên thấy được quang minh, được Bồ-Tát này đến khải thị, Bồ-Tát kia đến chỉ đạo. Vị này nói ra toàn là những đạo lý cao siêu, tin tưởng vững rằng mình đã tu đúng chánh pháp và khá lạc quan về sự thành tựu của mình. Vì quá tự tự tin nên không ai có thể khuyên giải được.
Vị đó tiếp tục tu tập như vậy, thời gian khoảng chừng hơn 2 năm thì bị chướng ngại khá nặng, không còn bình thường nữa!… Lúc đó bạn hữu đồng tu tới thăm cũng chỉ đành thở dài thương hại cho một người đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi. Thật vô cùng đáng tiếc!…
Tại sao tu học Phật mà bị tẩu hỏa nhập ma vậy? Tại vì thực hiện phương pháp tu hành không đúng, không hợp căn cơ, không chịu giữ tâm khiêm cung, không biết lắng nghe lời khuyên giải. Những lời khai thị cảnh cáo của chư Tổ dạy cũng lờ luôn… Tu hành quá bất cẩn, cứ tưởng rằng mình mở lời niệm vài câu Phật hiệu thì chắc chắn có Phật gia trì, có chư Thiên Thần Hộ-Pháp bảo vệ, sẽ không có vấn đề gì trở ngại.
Xin thưa, không phải vậy đâu. Phàm phu nghiệp nặng, chướng sâu mà thiếu khiêm cung, lại quá vọng tưởng thì tránh sao khỏi ma chướng. Muốn biết điều thực tế này, hãy tự xét mình có còn cạnh tranh, ganh tị hay không? Còn phiền não không? Còn lo lắng chuyện gia đình không? Con cái học hành thi rớt, có buồn khổ không? Gặp người công kích có tức giận không? V.v… Tất cả những thứ đó đều là chướng ngại chứa sẵn trong tâm phàm phu này.
Tới một đạo tràng người ta tu tập bình thường, còn mình thì thấy phiền não, tại sao vậy? Chưa chắc cái phiền não này tạo ra từ đạo tràng, mà coi chừng chính trong tâm mình đã chứa tràn đầy những thứ phiền não đó, nó sẵn sàng bùng ra để đánh tan con đường tu đạo của mình đấy thôi.
Vậy thì, tới một đạo tràng tu tập mà cảm thấy phiền não thì hãy tự trách mình đi. Tại sao mình phiền não trong khi người ta vui vẻ? Rõ ràng, chỉ vì nghiệp chướng của mình nặng hơn họ, phiền não của mình nhiều hơn họ. Nếu thực sự là vậy, thì chúng ta cũng cần đến những môi trường đó để giúp cho nghiệp chướng có cơ hội tuông ra được chút nào hay chút đó, phiền não có cơ hội đổ xuống được chút nào hay chút đó. Chúng ta cần có cách đề phòng những tác hại của nghiệp chướng, đó là tập đối diện với phiền não, đối diện với nghịch cảnh để tôi luyện khả năng đè phục chúng. Nhờ sự đối diện đó mà nghiệp chướng vơi đi, phiền não rụng xuống, những khó khăn thử thách không dễ gì đánh gục được mình. Như vậy, tiêu trừ nghiệp chướng chính ở tại đây, chứ không phải tìm chỗ vắng vẻ, trốn tránh tất cả, không ai đụng chạm đến mình là được thanh tịnh đâu. Coi chừng đó chỉ là bề trái của sự thật, gạt mình trong cảnh thanh tịnh giả tạo, đến lúc đối diện với hiện thực rồi, thì chính mình không có một trải nghiệm nào để đề phòng, không có một năng lực gì để đối phó, không có một phương thức gì để chiến thắng. Nên nhớ, hàng phàm phu phải học theo cách của hàng phàm phu mới có hy vọng vượt thoát qua nghiệp chướng mà vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo nhé chư vị.
Hãy tập đối đầu với nghịch cảnh. Hãy tập đè phục phiền não. Hãy tự soi xét lấy những sai lầm của chính mình mà lo sám hối tội chướng. Hãy nhận mình là phàm phu thì mới tập được tánh khiêm hạ. Hãy cho tất cả mọi người là Bồ-Tát thì mới tập được tâm cung kính. Nhờ những đức tính này giúp cho chúng ta hòa hợp tốt để cùng nhau tu tập. Đây chính là cái năng lực có được từ sự kết đoàn, nhờ cái năng lực này mà hỗ trợ nhau, giúp ích nhau cùng nhau thành tựu. Cách tôi luyện năng lực là như vậy đấy, chứ không phải tách rời đại chúng, tìm chỗ để tự cô lập mình mà tốt đâu nhé.
Cụ thể lại, hãy quyết lòng quyết chí hộ niệm cho nhau nhé chư vị. Một câu A-Di-Đà Phật mà tu, một Pháp Hộ-Niệm nghiên cứu cho thật kỹ, tất cả chúng ta tâm đồng ý hợp với nhau, cụ thể giúp đỡ nhau, tích cực hộ niệm cho nhau cùng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nguyện mong tất cả các vị Bồ-Tát, vị nào vãng sanh trước phải hứa cố gắng cứu lấy người sau. Chúng ta cùng hổ trợ nhau vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hết nhé.
Nam Mô A-Đà-Đà Phật.
Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 146)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2