CÁCH NIỆM PHẬT TRONG BUỔI HỘ NIỆM NHƯ THẾ NÀO?

Share on facebook
Share on twitter

CÁCH NIỆM PHẬT TRONG BUỔI HỘ NIỆM NHƯ THẾ NÀO?
Nam Mô A-Di-Đà Phật
Chúng ta nói về Pháp Hộ-Niệm mãi mà sao nói cũng chưa hết. Gần 20 năm qua Diệu Âm luôn nói đến hộ niệm, mà nay vẫn còn có chuyện muốn nói thêm. Riêng tập sách này, nếu chư vị có thời giờ hãy cố gắng xem qua, hi vọng rằng chư vị sẽ thấy được nhiều điều vi diệu trong phương pháp cứu độ chúng sanh này. Pháp Hộ-Niệm này hay lắm đấy!… Chỉ hai chữ “Hộ Niệm” này mà hàng phàm phu như chúng ta, người nào nắm vững được, thì cơ hội vãng sanh của mình có ngay trong một đời này đấy chư vị, không phải tiếp tục chịu luân hồi nhiều đời nhiều kiếp nữa đâu.
Hôm nay xin chư vị mở trang 29, câu 32. Cách niệm phật trong buổi hộ niệm như thế nào?
Đúng là tập sách này chỉ từng điểm từng điểm rõ ràng, khá chi tiết.
(a): Phải niệm Phật thầm trong tâm và Quán-Tưởng đến Phật phóng quang tiếp dẫn.
Đúng hay sai? – (Sai). Sai lắm! Điểm sai thứ nhất là niệm Phật thầm trong tâm. Ở từ xa, chư vị có thể công phu niệm Phật, niệm thầm trong tâm hay niệm ra tiếng tùy ý, rồi hồi hướng công đức để gieo duyên cho người bệnh thì được. Còn ở trước người bệnh, chúng ta hộ niệm thì nên niệm ra tiếng và niệm rõ ràng để người bệnh nghe mà niệm theo, đừng nên niệm thầm, niệm nhừa nhựa.
Niệm “A.. Di.. Đà.. Phật..” rõ ràng từng tiếng là tốt nhất. Niệm theo âm điệu cũng không hay lắm, chỉ trừ trường hợp đặc biệt người bệnh thích niệm theo âm điệu. Ví dụ như ở đây trong thời khóa chúng ta niệm theo âm điệu 4 câu 4 chữ này, nhưng khi hộ niệm dùng âm điệu này cũng không phải là tối ưu đâu. Niệm “A.. Di.. Đà.. Phật..” rõ ràng là hay nhất. Xin nhớ, là nhiều lúc người bệnh quá mệt, niệm theo âm điệu nhiều khi không rõ, tiếng “A.. Di.. Đà.. Phật..” có thể biến thành một âm thanh khác, làm cho người bệnh khó có thể nhiếp tâm. Nói tóm lại, đối với người bệnh đang bị mệt mỏi, tiếng niệm nhừa nhựa theo âm điệu không được tốt lắm, nên niệm từng tiếng rõ ràng: “A.. Di.. Đà.. Phật… A.. Di.. Đà.. Phật..” thì tốt hơn.
Điểm thứ 2 là Quán-Tưởng đến Phật phóng quang tiếp dẫn. Xin thưa với chư vị, người căn tánh cao, đang tỉnh táo có thể Quán-Tưởng được, còn đối với một người phàm phu đang bị bệnh khổ bức bách, mà xúi người ta Quán-Tưởng thì thường rơi vào những cảnh giới hư huyễn sai lầm!… Hãy khuyên họ nhớ A-Di-Đà Phật, nhìn tượng A-Di-Đà Phật, thành tâm niệm danh hiệu Ngài, cầu Ngài đến tiếp dẫn mình về Tây-Phương Cực-Lạc thì dễ dàng hơn. Người thượng căn có thể Quán-Tưởng, còn hầu hết chúng sanh trong thời này là hạ căn phàm phu, không nên dùng pháp Quán-Tưởng. Ngay cả niệm Phật vãng sanh là pháp môn tu dễ nhất, nếu có lòng thành tâm tín cẩn thì thường được chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, nhưng chư Tổ vẫn thường khuyên nhắc rằng, tu hành trong thời mạt pháp này không nên dùng pháp Quán-Tưởng Niệm Phật. “Quán-Tưởng Niệm Phật” là dùng tâm quán chiếu lấy cảnh giới Phật. Hàng phàm phu trí huệ mê mờ, thấp kém, nếu thô tháo dùng pháp Quán-Tưởng dễ dàng biến thành vọng tưởng sai lầm, chiêu cảm đến vọng cảnh hư huyễn, chuốc lấy điều nguy hại không tốt.
Chư Tổ còn khuyến cáo rằng, hàng phàm phu trong thời mạt pháp này không nên dùng đến pháp “Thực-Tướng Niệm Phật”. Thực-Tướng Niệm Phật là gì? Dùng Tự-Tánh niệm Phật, niệm thẳng Chơn-Tâm. Đây là cách hành trì đi thẳng vào lý đạo tối thượng duy tâm, chỉ dành cho hàng Đại Bồ-Tát đã khai ngộ Chơn Tánh mới thực hiện được, hoàn toàn không thích hợp với hàng phàm phu. Xin chư vị chớ nên mơ cầu đến.
Trong kinh Quán-Vô-Lượng Thọ có tất cả 16 phép Quán-Tưởng, thì 15 pháp quán đầu chư Tổ khuyên người phàm phu hạ căn chớ nên khinh suất ứng dụng, vì những pháp Quán-Tưởng này quá cáo, chỉ thích hợp với hàng thượng căn trí sáng, chứ không thích hợp với hàng phàm phu sơ cơ nghiệp nặng như chúng ta. Chỉ có pháp thứ 16, là pháp cuối cùng Phật dạy “Trì-Danh Niệm Phật” mới hợp với đại chúng. Pháp Trì-Danh Niệm Phật dễ tu, hàng phàm phu thực hiện vẫn được thành tựu đạo quả.
Cho nên, chính pháp Trì-Danh Niệm Phật là viên mãn nhất, vi diệu nhất, rộng độ chúng sanh. Vì pháp Trì-Danh Niệm Phật vi diệu nhất, rộng độ chúng sanh nên kinh A-Di-Đà, Phật dạy riêng về pháp Trì-Danh Niệm Phật, kinh Vô Lượng Thọ Phật cũng chuyên dạy về Trì-Danh Niệm phật. Trì-Danh Niệm Phật là mở lời niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật. Nhiếp tâm vào danh hiệu Phật mà niệm gọi là Trì-Danh. Thêm vào đó, chăm chú nhìn hình tượng mà niệm, gọi là “Quán-Tượng Niệm Phật”. Trong thời này chư Tổ thường khuyên nhắc chúng ta chỉ cần Quán-Tượng và Trì-Danh là đủ.
Chúng ta ở đây đang áp dụng đầy đủ cả Quán-Tượng Niệm Phật và Trì-Danh Niệm Phật. Về Quán-Tượng thì bên trái cũng có hình ảnh Phật, bên phải cũng có hình ảnh Phật, bên trước cũng có hình ảnh Phật, bên sau cũng có hình ảnh Phật, đi về hướng nào chúng ta cũng nhìn thấy hình tượng Phật. Còn Trì-Danh thì đã quá rõ ràng, chúng ta cất lời niệm câu Phật hiệu liên tục trong suốt thời khóa, ngày này qua ngày nọ.
Trong thời mạt pháp này chư Tổ chỉ khuyên dùng 2 pháp, một là nhìn hình tượng Phật, hai là cất tiếng niệm câu A-Di-Đà Phật. Sau cùng đến ngày xả bỏ báo thân, chúng ta cũng nhìn hình tượng Phật và niệm Phật cầu vãng sanh, lòng chí thành tất được cảm ứng, ta được A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì chắc chắn một đời viên mãn thành tựu đạo quả. Chính vì thế, chư Tổ Tịnh-Độ Tông đều dạy, chỉ cần “Trì-Danh”, không cần “Quán-Tưởng”, cũng sanh “Thật-Tướng”. Hay nói rõ hơn, chỉ cần thành tâm niệm Phật thì hoàn thành tất cả các pháp cao diệu như Quán-Tưởng và Thực-Tướng để đời này đạt được sự thành tựu của công phu tu hành. Như vậy, phương pháp Trì-Danh Niệm Phật là vi diệu nhất được chư Phật và chư Tổ tuyên dương, vừa hợp căn nhất, vừa dễ tu nhất trong thời mạt pháp này, nhất là đối với hàng phàm phu như chúng ta.
Chính vì vậy, Pháp Hộ-Niệm phải ứng dụng thẳng pháp Trì-Danh và Quán-Tượng để hộ niệm cho người bệnh. Người hộ niệm là phàm phu, người bệnh cũng là phàm phu, phàm phu thì căn tánh thô thiển, không thể dùng tâm thô mà quán chiếu đến cảnh diệu được. Nếu sơ ý, chúng ta hướng dẫn người bệnh thực hiện đến những pháp quán chiếu, thì rất dễ tạo ra những vọng tưởng. Vọng tưởng thì ứng với vọng cảnh, đây là cái bẫy tệ hại, làm cho người bệnh bị vướng nạn.
Vậy thì, khi hộ niệm ta chỉ nên thành tâm cầu Phật gia trì, thành tâm cầu Bồ-Tát gia hộ. Khuyên người bệnh thành tâm phát lồ sám hối tội chướng, thành tâm niệm A-Di-Đà Phật, cầu A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp độ. Người bệnh thành tâm làm được vậy thì họ vãng sanh.
(b): Niệm “A-Di-Đà Phật” hoặc “Nam Mô A-Di-Đà Phật” ra tiếng để người bệnh nghe và niệm theo.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đúng thật sự đấy. Ở trên nói niệm thầm không đúng với Pháp Hộ-Niệm, còn câu này để trả lời cho câu trên. Người hộ niệm đến trước người bệnh niệm ra tiếng. Có hai cách niệm:
– Một là niệm 4 chữ “A-Di-Đà Phật”.
– Hai là niệm 6 chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật”.
Hai cách đều có tác dụng tốt. Ngài Tịnh-Không thì khuyên nên niệm 4 chữ “A-Di-Đà Phật” là tốt nhất, và Ngài nói đây là cách niệm chuẩn.
Tuy nhiên có nhiều người suốt đời đã niệm 6 chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật” đến nhập tâm rồi, thì người hộ niệm cũng nên niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” để người bệnh được dễ dàng nhiếp tâm mà vãng sanh. Ngoài 4 chữ và 6 chữ, xin chư vị đừng niệm những cách khác. Ví dụ, như có nhiều người niệm “Nam Mô Phật”. Cách niệm này Hòa Thượng Tịnh Không không cho phép, chư Tổ cũng không có vị nào tuyên dương điều này. Có nhiều người niệm “Mô Phật”, thì ngài Tịnh Không cứng rắn la rầy…
Niệm Phật phải niệm trọn danh hiệu “A-Di-Đà Phật”, vừa đúng pháp vừa cung kính. Niệm “Mô Phật” vừa không đúng pháp, vừa không có tâm cung kính. Xin chư vị nhớ cho điều này. Ở Việt Nam có nơi người ta niệm “Mô Chi Phật”, lại càng sai. Không biết tiếng “Chi” ở đâu lại lọt vào đây, nghe qua giống như có một vị Phật với danh hiệu là Phật Mô-Chi vậy!….
Có người hộ niệm bằng cách niệm trọn cả câu xưng tán: “Nam Mô Tây-Phương Cực-Lạc Thế Giới, Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-Di-Đà Phật”. Âm thanh nghe qua thì rất trang nghiêm, đầy đủ ý nghĩa, nhưng câu này không phải là danh hiệu của Phật A-Di-Đà. Chúng ta có thể dùng câu này đọc một lần để khởi đầu cho một buổi hộ niệm thì được, còn dùng cả câu này để niệm liên tục cho người bệnh niệm theo thì không đúng pháp. Niệm như vậy thì người bệnh không thể nhiếp tâm, sẽ quên lên quên xuống, nhất định sẽ bị rối loạn. Mong chư vị chú ý không nên quá dài dòng mà làm cho cuộc hộ niệm bị thất bại.
Niệm “A-Di-Đà Phật” là tối ưu trong Pháp Hộ-Niệm. Những người nào đã niệm thuần thục sáu chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật”, họ nhiếp tâm vào 6 chữ rồi, nhất là họ đã yêu cầu niệm 6 chữ, thì chúng ta có thể niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” là đủ. Ngoài ra, không được niệm “Mô Phật”, không được niệm “Nam Mô Phật”, không được niệm “Mô Chi Phật”. Còn những câu có tính xưng tán quá dài có thể niệm một lần để mở đầu cuộc hộ niệm thì được, chứ không thể dùng để hộ niệm.
Cũng có người khi nghe Hòa Thượng Tịnh Không dạy rằng, niệm 4 chữ là tốt nhất, là chuẩn nhất, thì liền áp dụng một cách cứng rắn, dù cho người bệnh đã quen với cách niệm 6 chữ, chỉ nhiếp tâm được với 6 chữ, và đã yêu cầu ban hộ niệm niệm 6 chữ. Làm vậy cũng gây khó khăn, tạo phiền não cho họ. Nói chung, niệm được 4 chữ thì quá tốt, tuy nhiên còn tùy theo người bệnh mà chúng ta uyển chuyển giữa hai cách 4 chữ và 6 chữ. Ngoài hai cách này, xin đừng niệm cách nào khác mà sai lạc với Pháp Hộ-Niệm, không tạo được kết quả tốt, mà còn bị chư Tổ la rầy.
(c): Nên niệm Phật theo cách mà người bệnh ưa thích hay thường niệm để họ dễ được cảm ứng.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Như chúng ta vừa mới bàn phía trên, một người quen niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật, họ đã nhiếp tâm vào 6 chữ hồng danh, thì người hộ niệm hãy nương theo cách thường niệm của họ mà hộ niệm với 6 chữ Hồng Danh để họ vui vẻ, tiếp tục nhiếp tâm là điều tốt. Nếu ép buộc người ta phải chuyển qua niệm 4 chữ A-Dà-Đà Phật, có thể làm cho họ không được vui lòng, không nhiếp tâm được, hoặc tệ hại hơn, có thể sinh ra phiền não mà khó vãng sanh.
Còn những câu “Nam Mô Phật”, “Mô Phật”, “Mô Chi Phật” không phải là câu Phật hiệu của đức A-Di-Đà. Người không niệm chính xác danh hiệu Phật thì làm sao có thể tu pháp môn niệm Phật được? Người thật sự muốn vãng sanh thì phải chí thành chí kính niệm rõ ràng danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh mới có cảm ứng. Hàng phàm phu nghiệp nặng trí mê mà phát tâm lợt lạc, không thành khẩn, niệm qua loa, không đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh… thì làm sao có được sự thành tựu? Xin chư vị nhớ cho, nếu là hàng thượng căn thượng trí, các Ngài có thể dùng “Tâm” mà niệm, dùng “Biểu Pháp” mà niệm, những cách niệm của quí Ngài như thế nào chúng ta không biết được, chứ còn hàng phàm phu thì chỉ ứng dụng được pháp Trì-Danh Niệm Phật mới sinh diệu dụng, không thích hợp với các pháp Quán-Tưởng Niệm Phật và Thực-Tướng Niệm Phật. Đã Trì-Danh thì phải trì cho trọn vẹn danh hiệu Phật mới có tác dụng, không thể niệm tắt, niệm nửa vời, niệm lệch lạc mà gọi là chí thành cung kính được. Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói, có người trong đời kiếp quá khứ niệm một tiếng “Phật” thôi, vô tình đã trở thành hạt giống kim cang bất hoại, sau cùng cũng được lợi lạc. Nhưng xin chư vị nhớ cho, đó chỉ là sự kết duyên về Phật Pháp cho đời kiếp nào đó trong tương lai, chứ không phải là sự thành tựu trong một đời này. Còn chúng ta là quyết một đời này vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo, chứ không muốn tu để kết một chút duyên lành, hầu hưởng được một sự lợi lạc nào đó trong vô lượng kiếp ở tương lai. Chú ý thật kỹ nhé. Chư vị có đồng ý không?
(d): Nếu người bệnh không đòi hỏi cách niệm nào đặc biệt, thì nên niệm 4 chữ “A.. Di.. Đà.. Phật” theo trung đạo, nghĩa là không quá nhanh, không quá chậm.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Gặp trường hợp này là cơ hội tốt cho người hộ niệm chủ động được cách niệm Phật hộ niệm rồi đấy. Chúng ta hỏi người bệnh:
– Hồi giờ bác niệm Phật như thế nào?
– Niệm như thế nào tôi cũng hoan hỉ cả.
Người bệnh không chấp vào cách niệm nào một cách cứng nhắc, sẽ tạo nhiều thuận lợi về sự hộ niệm cho chính họ. Gặp trường hợp này, người hộ niệm nên niệm 4 chữ “A.. Di.. Đà.. Phật”, rõ ràng, minh bạch, có tác dụng tốt vô cùng. Đến lúc lâm chung niệm 4 chữ “A.. Di.. Đà.. Phật” vững vàng hơn. Nhiều người khi đến giai đoạn lâm chung, mệt quá, nhiều khi 4 chữ “A-Di-Đà Phật” mà niệm không nổi, đừng nói chi đến 6 chữ. Nhiều người quen niệm 6 chữ, đến lúc sắp ra đi, 6 chữ Hồng Danh phải chia làm 3 đoạn mới niệm được. Nhiều lúc niệm: “Nam-Mô…. (thở hề… hề… hề…), A-Di… (thở hề… hề… hề…)… ”, rồi quên mất tiếng “Đà-Phật…”!
Vì thế, niệm được 4 chữ rất tốt, ngắn gọn, dễ niệm, dễ nhiếp tâm, cảm ứng mạnh. Ngày mai chúng ta sẽ giảng nghĩa tác dụng giữa 4 chữ và 6 chữ hồng danh rõ ràng hơn. Tổng quát, 4 chữ “A-Di-Đà Phật” thật sự là để đi thẳng vào tự tâm của mình đấy, còn 6 chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật” là có năng có sở, có người có ta. Chư Tổ nói, người nào không còn lễ mễ nữa, không còn năng sở nữa, thì hãy niệm “A-Di-Đà Phật” để nhập thẳng vào Tự-Tánh Di-Đà. Còn niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” là vẫn còn cách một khoảng xa, nghĩa là vẫn còn là: “Con đứng ở đây, xin niệm Ngài ở kia”. Còn khi chúng ta niệm “A-Di-Đà Phật” thì nên biết rằng Chân-Tâm Tự-Tánh của ta cũng là A-Di-Đà Phật. Hãy nhiếp tâm niệm Chân-Tâm Tự-Tánh của mình, để Chơn-Tâm ứng hiện, hòa với Chơn-Tâm của chư Phật mà dễ được cảm ứng đạo giao, dễ được vãng sanh về cảnh Tịnh-Độ của chư Phật.
Mong cho chư vị phát tâm vững vàng, cùng nhau hộ niệm giúp người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 68)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –