Lời Khai Thị Cho Người Bệnh Khi Còn Tỉnh Táo – Hộ Niệm Yếu Lục 05

Share on facebook
Share on twitter

 

2. LỜI KHAI THỊ CHO NGƯỜI BỆNH KHI CÒN TỈNH TÁO:
“Khai Thị” trong phương pháp hộ niệm đóng một vai trò rất là quan trọng. Một cuộc hộ niệm thành công hay không là nhờ người hướng dẫn khéo léo, uyển chuyển phương tiện để gỡ được những điều khó khăn hay chướng ngại đang hiện hành cho người bệnh hay không!…
(Tọa Đàm: 25)
Đi hộ niệm, Hướng Dẫn – Khai Thị chính là phải:
• Làm sao cho người bệnh đó phát khởi niềm tin vững vàng.
• Làm sao cho người bệnh quyết lòng tha thiết vãng sanh.
• Làm sao cho người bệnh chuyên nhất niệm một câu A-Di-Đà Phật.
Mình muốn cho người bệnh có mà chính mình không có, xin nói thẳng rằng, dù chư vị tới khai thị, diễn nói một tháng đi nữa, cũng không dễ gì có cảm ứng đâu! Nhất định! Người hộ niệm có niềm tin không vững, thì làm cho người bệnh cũng khó phát khởi niềm tin được! Tại sao? Tại vì chính niềm tin của mình không vững, thì tư thái của mình cũng không vững! Sắc mặt của mình cũng không vững! Lời nói của mình cũng không vững!…
Đã không vững, dù có nói gì đi nữa, thì từ trường của sự hồ nghi vẫn tủa ra và ảnh hưởng không tốt đến người bệnh, làm cho người bệnh hồ nghi luôn! Đã hồ nghi rồi thì thôi chịu thua, không có thể nào phát khởi tín tâm được! Phát khởi tín tâm không được, thì không có cái nhân để hội tụ được thiện căn phước đức… Chính vì thế, mình nói về khai thị hướng dẫn cho người bệnh, chứ thật ra là để củng cố cho chính mình vậy.
(Tọa Đàm: 26)
Trong phần “Khai Thị” cho người bệnh, mấy ngày qua chúng ta có đi hộ niệm mấy lần, mình thấy rõ rệt rằng, nói là “Khai Thị”, chứ thật ra là tới tâm sự, nói chuyện với người bệnh một cách hết sức tự nhiên. Có nhiều lúc mình nói rất bình thường, vui vẻ, thoải mái, cầm tay, vỗ vai như tâm sự với nhau. Đó là cách khai thị tự nhiên, giống như nói chuyện cho vui. Tư thế của người hộ niệm lúc nào cũng nên vui vẻ, thoải mái.
Như hôm qua mình nói, điểm quan trọng nhất chính là Niềm Tin của người hộ niệm phải Vững. Khi mà có lòng tin vững vàng, Tín tâm của mình vững vàng, thì tự nhiên những lời nói của mình sẽ vững vàng. Tư tưởng và lời nói của người hộ niệm vững vàng dễ xóa tan đi những mối nghi ngờ và sự khổ đau của người bệnh.
Ví dụ như thấy người bệnh đang trong cơn đau đớn, thì mình hãy làm sao biến sự đau đớn thành cái hạnh phúc cho họ mới là hay. Chứ không nên đến nói như thế này:
– Chị đau lắm phải không? Thôi ráng lên, ráng niệm Phật nhờ Phật gia trì mà hết đau nghe chị.
Nếu mình nói một câu như vậy, thì vô tình mình đã làm sai nguyên tắc hộ niệm. Dù người đó có bắt đầu niệm Phật, nhưng họ cứ cầu A-Di-Đà Phật giúp cho hết đau, cái tâm của họ cứ chìm vào trong những cơn đau đó… Nghĩ tới cơn đau thì không cách nào hết đau được! Mà khi tâm họ đã lạc vào trong cơn đau rồi, không còn cách nào có thể vãng sanh Tây-Phương được!
Do đó, thay vì nói vậy, thì mình nên nói:
• Chị đau lắm phải không? Đây thật ra là một bài pháp hết sức quý giá đó chị. Phật nói đời là khổ! Cái khổ đau này chưa thấm thía gì đâu chị! Nếu trong cơn đau này mà chị không về Tây-Phương được, lỡ bị đọa lạc thì chị sẽ còn đau đớn nhiều hơn gấp vạn lần! Xuống dưới cảnh địa ngục mình bị tra tấn thống khổ không thể tả được đâu! Bây giờ, đau đớn này là Phật điềm chỉ cho chị đó. Hãy quyết lòng lên, càng đau chứng tỏ là mình sắp buông xả báo thân, mình sắp về với Phật rồi. Mừng lên chị! Càng đau càng niệm Phật. Quyết lòng đi về Tây-Phương.
Mình nói những lời vững vàng như vậy thì tự nhiên người bệnh được vực lên. Càng đau người ta thấy càng phải vững.
• À! Đau như vậy mà mình chịu không nổi. Nếu giả sử như qua cơn đau này mà mình không về Tây-Phương được, thì mình sẽ còn bị đau đớn gấp bội, chịu sao nổi!
Nghĩ vậy, từ cơn đau đớn này họ vực khởi lên niệm Phật. Quý vị để ý coi, nếu một người biết khai thị giỏi, một người biết hộ niệm giỏi, làm cho những người bệnh đau quằn quại trên giường, nhưng họ không có than đâu à. Họ đau đớn đến quặn người lại, đau đến uốn người lại, nhưng miệng họ vẫn niệm “A… Di… Đà… Phật”. Lạ lắm! Nghĩa là họ đã quyết lòng đi vãng sanh. Khi tâm của họ đã mạnh như vậy rồi, mình mừng vô cùng. Đây là những người rất dễ được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Khi khai thị cho người bệnh, chớ nên hỏi người bệnh nhiều quá. Nhưng trong lúc nói chuyện với nhau, đôi khi ta cũng cần phải hỏi. Nhưng phải nhớ một điều này, lỡ mình hỏi qua mà chỉ cần một giây sau, hai giây sau mà người bệnh trả lời không được, thì người hộ niệm phải lo trả lời cho người bệnh liền, phải giải quyết liền cho họ, đừng để họ bị lúng túng. Nếu làm cho họ lúng túng thì một là có thể người ta mắc cỡ, buồn phiền. Hai là làm cho tâm người ta bị rối trong những vấn đề đó.
Mong chư vị khi hướng dẫn cho người bệnh đừng nên đặt ra quá nhiều vấn đề. Đừng nên hỏi bệnh nhân quá nhiều. Thứ nhất vì sức khỏe họ yếu lắm, họ cất tiếng trả lời mình không phải dễ đâu! Giả sử nhiều khi mình sơ ý buông một câu hỏi mà vừa thấy người bệnh ấp a, ấp úng… thì ngay lập tức mình phải trả lời cho họ liền. Chú ý đừng bao giờ để cho họ vướng mắc bất cứ một cái gì hết.
Ví dụ như trước đây, tôi đã gặp một ban hộ niệm đang hộ niệm cho một ông già. Ông già đó thường quên, ngay tuổi tác của mình ông cũng quên luôn. Ban hộ niệm thấy vậy cứ gặp ông thì hỏi: Bác ơi! Tuổi bác bao nhiêu?…Hỏi thử cho vui! Bữa thì ông nói bẩy mươi tám, bữa sau thì ông nói năm mươi tám… Hỏi cho vui để cùng cười đó mà! Thấy vậy, tôi ý kiến liền.
Tôi nói:
• Chư Vị không được đùa giỡn như vậy! Nếu mà ông cụ đã quên cái tuổi của mình, thì cứ để ông cụ quên luôn đi! Tại sao phải nhắc cho ông cụ nhớ đến cái tuổi làm chi?… Phải giúp cho ông cụ nhớ câu A-Di-Đà Phật mới tốt.
Cứ nhắc hoài tới chỗ yếu tức là làm cho ông cụ mắc cỡ! Thật ra, vì tâm trí của ông đã bị mệt rồi, đã mê rồi. Thành ra, khi vừa gặp mình thì ông đã mắc cỡ rồi! Mỗi lần gặp nhau thì ban hộ niệm hỏi tới tuổi ông ta. Một lần hỏi là một lần ông nói sai! Mỗi lần trả lời sai thì bị cười. Bị cười thì mắc cỡ! Thế mà người hộ niệm cứ hỏi hoài. Tôi nói:
• Không bao giờ được quyền làm như vậy! Làm như vậy, vô tình làm cho ông cụ đó bị vướng trong vấn đề này, làm cho ông cứ nghĩ mãi đến cái tuổi của mình. Nghĩ mà không nhớ nổi, không biết là tuổi gì?… Tuổi gì?… Tuổi gì?… Kẹt vào đây, sau cùng rất khó vãng sanh về Tây- Phương Cực-Lạc.
Trong vấn đề khai thị, nhiều khi mình nắm tay người bệnh rất có tác dụng, nhất là những người thường bị chìm trong những cảnh mộng mị, những cơn ác mộng. Nói chung, có thể là do Oan Gia Trái Chủ, hay bị đau đớn, hoặc thấy này thấy nọ, những người thường bị giật mình… mình nên nắm tay người bệnh làm cho họ tỉnh táo, tin tưởng. Nên nhớ, lúc đó họ còn tỉnh mà, còn đang bệnh, chưa phải là chết đâu. Mình nắm tay người bệnh để niệm Phật giống như “Truyền điện” vậy mà! Thật ra là truyền cái niềm tin, truyền cái ý chí vững vàng để cho họ an tâm. Chúng ta có thể làm như vậy.
Nhắc với gia đình, nếu như người bệnh nằm lâu quá thì cũng nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho người bệnh. Nên thường nhẹ nhàng xoa bóp, xoa cổ, xoa vùng vai, bóp tay, bóp chân… Làm vậy người bệnh thích lắm, vừa để tránh lở lưng khi nằm lâu, vừa giúp cho máu huyết lưu thông, vừa giúp người bệnh tỉnh táo.
Có thể cho người bệnh uống thuốc bổ, hoặc những gì bổ dưỡng. Nên theo lời khuyên của bác sỹ mà áp dụng. Nói chung những gì có thể giúp cho người bệnh khỏe lên, đều có thể cho người bệnh dùng. Bóp tay, bóp chân, xoa đầu, xoa huyệt, v.v… đều có thể áp dụng được để giúp cho người bệnh được tỉnh táo, thoải mái.
Nên nhớ, ngày giờ ra đi của mỗi người đã có sẵn, chúng ta không thể nào bắt người ta phải chết đói, bắt người ta phải chết khát! Không những như vậy, nếu bác sỹ nói, thứ thuốc này bổ dưỡng giúp cho người bệnh khỏe lên, thì nên cho uống. Nếu người bệnh còn uống được thì cứ cho uống. Uống thuốc đó làm cho sức khoẻ người bệnh tốt hơn, nhờ thế người bệnh mới niệm Phật được, nhờ chất thuốc đó người bệnh không bị nhức đầu, không bị chóng mặt… Người ta sẽ niệm Phật tốt hơn. Chuyện này không có gì phải e ngại!…
Khi hộ niệm, nên có một ly nước ở sát bên cạnh. Khi thấy người bệnh liếm liếm môi thì biết là họ đang khát nước, phải nhỏ một chút nước liền. Khi nào người bệnh không uống được nữa thì thôi. Đôi lúc người bệnh vì quá yếu không thể uống được, nhưng họ vẫn bị khát, ta nên dùng miếng bông chấm nước quét quét lên môi. Nếu để ý mình có thể thấy được người bệnh đang cố gắng mút mút giọt nước đó, nghĩa là họ bị khát nước!
Kinh nghiệm quan trọng lắm. Một lần đi hộ niệm chúng ta học thêm một kinh nghiệm. Ví dụ như hôm trước chị Chín nói, có lúc chị thấy trời đất tối mù mịt hết trơn làm cho chị sợ! Thì đây là những điều mình cần phải chú ý. Thấy người bệnh lo sợ điều gì, mình giải điều đó ra cho họ.
Có nhiều người sợ con rắn, có nhiều người sợ con giun, có nhiều người sợ bóng đèn đỏ, v.v… mình cũng cần phải chú ý tránh những hình tượng đó, đừng để họ gặp phải. Bên cạnh đó, hay nhất là dụ dỗ, khuyến tấn, động viên tinh thần họ vững lên, đừng nên sợ những chuyện đó nữa.
Xin thưa rằng, nếu một người sợ bóng tối chẳng hạn, nhiều khi trong phòng thì đèn mở sáng trưng, nhưng riêng người đó thì sống trong bóng tối! Lạ lắm!… Một người sợ con rắn thì đến những giây phút sắp sửa lâm chung thường thấy rắn hiện ra! Những người ganh ghét một người nào, thì khi sắp sửa nằm xuống thường hay thấy những người đó ứng hiện về trước mặt!… Những chuyện này, ngày mai chúng ta sẽ mổ xẻ thêm cho tường tận hơn.
Tốt nhất là bây giờ phải cố gắng tập có những lời khai thị Vui vẻ! Vững vàng! Dứt khoát!
Có nhiều người khai thị cho người bệnh mà nói nhanh quá! Nói giống như cái máy vậy! Không hay lắm! Hãy nói chậm rãi. Nói nhẹ nhàng. Lâu lâu nên đóng trò vui một chút, cầm tay một chút… Rồi khi người bệnh đó phát tâm vững vàng thì mình nên vỗ tay khen thưởng họ. Đây chỉ là những phương tiện thiện xảo, thật ra là những thủ thuật thôi chứ không có gì là đặc biệt hết, nhằm giúp cho người bệnh vui vẻ lên, giúp cho họ thấy cái chết như là một ân huệ. Nhờ vậy mới thoát được sự khủng bố mà an lành niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, giải thoát.
(Tọa Đàm: 27)
Một người đang sợ chết, mình biết tâm trạng của người này là người sợ chết, thì điều quan trọng là giảng giải làm sao để người bệnh này không còn sợ chết nữa mới được. Ngài Thiện-Đạo Đại Sư rất chú trọng về điểm này. Một người mà ham sống sợ chết, thì dẫu cho một ngàn người tới hộ niệm cho họ, họ cũng phải chết. Nghĩa là sao?… Nghĩa là khi xả bỏ báo thân, họ để lại một cái thân tướng rất là xấu, một sắc tướng rất là kinh hoàng! Đây là một tiên triệu cho biết rằng tương lai những đời
kiếp sau họ bị nạn nặng lắm! Họ bị khổ đau nặng lắm!
Còn những người không sợ chết, họ nhẹ nhàng coi cái chết như một cơ hội để giải thoát, họ biết đường giải thoát, nên đối với chuyện sống chết họ coi như pha. Những người mà đối với chuyện sống chết họ coi thường, thì khi mình tới nói…
• Bác ơi! Đi về Tây-Phương sướng lắm. Bác niệm Phật với con nhé.
• Vậy hả chú? Được không chú?…
• Được!
Họ liền vỗ tay rôm rốp, họ liền niệm Phật leo lẻo, họ ra đi an nhiên tự tại. Lạ lắm chư vị ơi!…
Có người tu suốt cả cuộc đời mà không rõ đạo lý này, không rành pháp trợ duyên khi lâm chung, đến lúc nằm xuống thường bị những người thân đến ôm nắm!… Níu kéo!… Than thở!… Khóc lóc!… Thì họ ra đi để lại một thân tướng vô cùng xấu! Còn những người dù không được tu nhiều, họ chỉ ăn ở hiền lành thôi, nhưng nhờ có cơ duyên, trong những giờ phút cuối cùng lại gặp được ban hộ niệm tới khai giải, chỉ điểm:
• Bác ơi! Chuyện sống chết là lẽ thường. Chết là cái thân này mình liệng đi, nhưng chính Bác không chết đâu nhé. Bác vẫn còn sống mãi nhé. Bác hãy nên niệm Phật đi về Tây-Phương. Đức A-Di-Đà Phật đã phát đại thệ rõ ràng, Bác niệm câu A-Di-Đà Phật, niệm mười niệm cũng được đi về Tây-Phương. Nếu bác tin tưởng, hãy phát nguyện liền đi… “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con được vãng sanh về Tây-Phương”… Phát nguyện liền đi Bác…
• Được không chú?…
• Được! Bảo đảm Bác sẽ được…
(Tọa Đàm: 1)
Hôm trước đi lên trên Perth có một vị kia bị bệnh sắp chết. Diệu Âm lên đó khuyên. Vị đó cái gì cũng bỏ hết mà có một chuyện này không chịu bỏ. Đó là một người bà con phía bên chồng, không biết vì lý do nào đó đã gây mích lòng, ấy thế mà quyết lòng không bỏ. Nhưng khi điều tra thật kỹ ra, thì chính người sắp chết đó đã làm lỗi trước. Ấy thế mà không bỏ!
Diệu Âm mới nói:
• Chị thử nghĩ coi, về Tây-Phương là thành Bồ-Tát, thành Phật. Phật Bồ-Tát không bao giờ ghét một người nào hết. Đức Thích-Ca-Mâu-Ni Phật lúc tiền thời, Ca-Lợi Vương bắt xẻo thịt Ngài từng miếng từng miếng trong khi Ngài không có lỗi lầm gì hết. Xẻo thịt gọi là lăn trì. Ấy thế mà đức Phật còn nói khi mà ta thành Phật ta quyết lòng sẽ độ ông trước. Cái tâm của Ngài rộng như vậy Ngài mới thành Phật được. Bây giờ chị muốn về Tây-Phương, muốn gia nhập chư Đại Thánh Chúng trên cõi Tây-Phương mà chị còn hẹp hòi như vậy, chị còn căm thù người này, căm thù người kia thì làm sao chị có khả năng hội tụ với các Ngài?…
Tôi nói tiếp:
• Phải bỏ! Nếu không bỏ, thì nhất định chị không được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Tôi nói rất mạnh! Khi tôi nói vậy, chị mới giật mình.
Tôi hỏi:
• Bây giờ chịu bỏ chưa?
• Bỏ.
• Chắc không?…
• Chắc.
Chị đưa tay lên bắt tay. Chấp nhận bỏ. Chấp nhận bỏ như vậy mới được vãng sanh.
Cho nên xin thưa với chư vị, mình nói là điều giải Oan Gia Trái Chủ, thì hôm nay xin khởi đầu bằng cách ta phải điều giải chính cái tâm của mình trước. Nếu tu hành mà mình khởi một tâm cống cao ngã mạn lên thì gọi là “Ma Nhập”. Hôm trước mấy người bạn đi thăm một vị bị chướng nạn. những người bạn này nói, anh đó chỉ cống cao ngã mạn thôi chứ có gì đâu mà gọi là bị ma nhập?… Nhưng thật ra chính vì cống cao ngã mạn như vậy nên mới bị ma nhập…
(Tọa Đàm: 39)
Khi mình đi hộ niệm, khai thị vững vàng cho người ta. Riêng tôi thì lúc nào tôi cũng nói những lời tích cực, điểm này rất quan trọng. Trước đó các vị trong ban hộ niệm cũng có khai thị. Nhưng vì gia đình quen biết lớn quá, toàn là bác sỹ, luật sư, những người tiếng tăm trong cộng đồng tới thăm không à, làm ban hộ niệm luýnh quýnh lên, không khai thị được. Quýnh quáng lên thì tinh thần bị chao đảo!…
Còn gặp tôi thì tôi cứng hơn, gặp các vị bác sỹ đang đứng nhìn không niệm, thì tôi mời các vị bác sỹ đó hãy vì thương kính người bệnh mà chắp tay cùng niệm Phật. Tôi không có bỏ sót một người nào hết. Lời nói của tôi thành tâm, nhưng cũng rất vững vàng. Mình phải vững vàng
như vậy đó thì người chồng mới vững vàng. Những người con của người này đang làm đến chức trưởng phòng trong những công ty rất lớn trên cả toàn thế giới nữa. Họ toàn là người học thức.
Vấn đề tâm lý hết sức quan trọng, cần nên chú ý. Cũng là câu nói: “Chị ơi! Chị niệm Phật đi”. Nhưng mình nói mập mờ! Mình nói “Xìu-xìu”! Thì tự nhiên tâm ý của chị cũng xìu xuống. Còn mình nói cho mạnh lên…
• Chị biết không? Chị đi về Tây-Phương được là chị thành đạo, thành đạo rồi chị giác ngộ cho chồng chị, chị giác ngộ cho con chị, chị giác ngộ cho những người chung quanh. Tại vì những người chung quanh đang cần sự chứng minh của chị. Chị phải ra đi an nhiên tự tại… Làm sao an nhiên tự tại?… Tín chị đã vững rồi. Nguyện chị đã vững rồi. Niệm chị vững vàng nữa thì…
• Nhất định chị cảm ứng với A-Di-Đà Phật.
• Nhất định chị phải để lại thoại tướng bất khả tư nghì…
• Thì những người còn hồ nghi nhất định họ sẽ không còn hồ nghi nữa…
• Những người chồng, người con, hổm nay tôi thấy không có chịu niệm Phật, thì chị phải vững vàng nhé. Trong những cơn đau chị vững vàng niệm Phật lên thì chị hết đau. Hết đau thì những người chung quanh này mới giật mình tỉnh ngộ, tự hỏi: Tại sao không dùng thuốc mà lại hết đau?…
Mình cần phải ủng hộ tinh thần cho người bệnh. Nhờ vậy tự nhiên chị đó niệm ào ào lên. Trong những ngày sau không cần dùng thuốc Morphine nữa. Hay vô cùng,
phải không nào!
Chị đó cũng yêu cầu là không dùng thuốc dùng thang gì nữa hết trơn. Phải nói là một tinh thần kiên cường, bất khả tư nghì!…
(Tọa Đàm: 17)
Ngày hôm qua chúng ta nói đến chỗ khi ra đi phải dặn người bệnh phải theo A-Di-Đà Phật, không được theo bất cứ một vị nào khác. Tại vì trên pháp giới chúng sanh tất cả đều có giới luật, có nghĩa là nếu ta theo một vị nào khác dù là một vị “Phật” thì coi chừng cũng là Phật giả. Chuyện này rất là lớn, ta chỉ biết là Hòa Thượng Tịnh- Không dặn như vậy ta nói như vậy, rồi sau này có dịp ta sẽ mổ xẻ thêm.
Đi theo A-Di-Đà Phật là dặn người bệnh nhìn cho kỹ ảnh tượng A-Di-Đà Phật do ban hộ niệm treo trước mặt người đó và dặn người bệnh cứ nhiếp tâm nhìn vào hình Phật đó gọi là “Quán Tượng”, A-Di-Đà Phật nương theo cái tâm chúng ta hóa hiện ra mà tiếp dẫn ta về Tây- Phương, thì Hòa Thượng Tịnh-Không nói không thể nào lạc được. Có người hỏi rằng:
• Nếu A-Di-Đà Phật cũng bị giả nữa thì làm sao?…
Trong cuốn sách “Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh Vấn-Đáp”, có một vị đã nêu lên câu hỏi như vầy, có một vị khi nhập vào thiền định đã thấy được đức A-Di-Đà Phật nhưng mà sau cùng quán xét lại thì phát hiện ra bị giả… Cho nên Ngài đó mới tuyên bố rằng tất cả vị Phật nào cũng có thể bị giả hết.
Diệu Âm có trả lời rằng, có thể vị đó không phải là
người tu Tịnh-Độ. Nếu mà người đó có tu Tịnh-Độ thì cũng là tu thử chứ không phải là tu thật. Nói chung là vị đó dù có niệm Phật đi nữa thì TÍN-NGUYỆN-HẠNH cũng không có. Vì tu thử cho nên pháp giới chúng sanh mặc sức thử thách cho tu thử, mà đã thử thách thì chắc chắn không thể nào là thật được!… Chính vì thế vị đó đã thấy A-Di-Đà Phật giả!
Trên thực tế thì chính Diệu Âm cũng đã từng gặp, trực tiếp gặp luôn, những vị niệm Phật đã thấy A-Di-Đà Phật, nhưng sau cùng có kết quả không như ý muốn!… Nghĩa là chính các vị đó nói rằng A-Di-Đà Phật đã nói như vậy… như vậy. Nhưng sau đó thì kết quả hoàn toàn sai!…
Xét cho cùng ra đều có lý do của nó. Những vị này tu niệm Phật, dù hình thức có hay tới đâu đi nữa, nhưng chắc chắn ba cái điểm Tín-Nguyện-Hạnh đã bị sơ suất rồi!…
Nếu niềm tin có vững thì nguyện cũng bị sơ suất, thay vì nguyện vãng sanh coi chừng vị đó đã nguyện cầu cảm ứng, cầu thấy Phật trong đó!… Nhiều khi người đó có lúc thành tâm niệm Phật, nhưng bên cạnh đó cái tâm ngã mạn đã nổi lên rồi!… Một khi cái tâm ngã mạn nổi lên thì thường khởi tâm cầu chứng đắc, cầu cảm ứng. Đã mong cầu chứng đắc thì nhất định Tín-Nguyện-Hạnh bị sơ suất!… Nương vào đó, pháp giới chúng sanh mặc sức mà thử thách cho chứng đắc!…
Chính vì vậy, khi mình biết được pháp hộ niệm rồi, đem cái pháp hộ niệm chiếu vào những trường hợp này thì có thể thấy rõ ràng cụ thể. Cho nên khi mình đứng trước một người bệnh, dù người ta mới biết tu hay là tu lâu, nhất định ta cũng phải cố gắng “Khai Thị – Hướng Dẫn”, dẫn dắt người bệnh thực hiện những điểm chính
sau:
• Nhất định phải TIN cho vững.
• Nhất định NGUYỆN là nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Không được NGUYỆN chứng đắc. Không được NGUYỆN cầu cảm ứng.
• Không được khởi một cái tâm nào khác ngoài ba cái điểm TÍN-NGUYỆN-HẠNH này.
Tại vì nên nhớ cho, một người bệnh đã cần đến ta hộ niệm tức là căn cơ của họ hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng, Oán Thân Trái Chủ trùng trùng điệp điệp… Khi đứng trước người bệnh ta phải có cái lời khai thị vững vàng, sắc bén để:
• Phải phá tan tất cả những mối nghi ngờ của người bệnh.
• Phải phá tan tất cả những sự mập mờ của người bệnh.
• Phải phá tan tất cả những điểm nguyện cầu sai lầm.
Nếu trước một cơn đau mà người bệnh có tâm hồn chao đảo sợ bệnh, sợ chết thì ta phải tìm cách phá cái ý niệm đó liền lập tức. Nếu không phá được tâm trạng này, thì dù có niệm Phật leo lẻo đi nữa sau cùng người đó vẫn bị trở ngại!
Một người dù quyết tâm niệm Phật tinh tấn vô cùng, nhưng mà khởi một ý niệm cầu cảm ứng sai lầm nào đó thì thường sau cùng cũng rất dễ bị trở ngại! Vì sao vậy?… Tại vì Phật dạy là dạy chúng ta nguyện vãng sanh. Ấn Tổ đã dạy: “Chí Thành – Chí Kính mà được cảm thông, nhờ
Phật thương hại đưa ta về Tây-Phương Cực-Lạc”… Người cầu xin cảm ứng đã bị giảm sút cái điểm “Chí Thành” này. Người cầu được “Nhất Tâm Bất Loạn” hay cầu cho chứng đắc sẽ giảm mất cái điểm “Chí Thành” này. Sự vô ý này đã khiến cho một người phàm phu lại đi thực hiện cái pháp của hàng đại Bồ-Tát. Lệch lạc là ngay tại chỗ này đây.
Cho nên, nhiều khi mình thấy có những người tu hành có vẻ rất là tinh tấn, thời khóa tu tập có thể lên tới mười sáu mười bảy giờ một ngày. Họ tu một thời gian thì ra tuyên bố ngày giờ vãng sanh, tuyên bố rằng đã thấy Phật A-Di-Đà thọ ký rồi… nhưng mà sau cùng bị trở ngại. Tại vì sao?… Tại vì có thể tâm nguyện vãng sanh của họ đã bị sơ suất!
Phải cẩn thận về tâm nguyện, điểm này vô cùng quan trọng. Ngài Triệt-Ngộ là một vị đã “Minh Tâm – Kiến Tánh” mà Ngài luôn luôn nói rằng, ta niệm Phật để sau cùng nhờ Phật thương tình phóng quang tiếp độ.
Ngài Tịnh-Không nói, “Dù tôi có gì đi nữa thì tôi cũng lo niệm Phật để cầu A-Di-Đà Phật tiếp dẫn tôi về Tây- Phương”.
Chư Tổ không bao giờ nói rằng, ta sẽ niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn” để tự tại vãng sanh. Các Ngài không nói như vậy… Nghĩa là dù thế nào đi nữa thì các Ngài cũng nương theo đại nguyện của đức A-Di-Đà để mà vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Cho nên xin thưa với chư vị, nếu tu hành mà cho rằng, ta tu như thế này thì nhất định phải ngon hơn một người khác… Nếu có một ý niệm thượng mạn này khởi lên, nó đã đánh lạc hướng chữ NGUYỆN của người niệm Phật rồi.
Nếu ta xác định ta ngon hơn người khác, thì cái lời xác định này có thể chỉ dành cho những vị đại Bồ-Tát thì được(!). Chứ còn ta là hàng phàm phu tục tử thì xin chư vị phải nhớ TÍN-NGUYỆN-HẠNH để được Phật thương tình phóng quang tiếp độ cho ta đới nghiệp vãng sanh.
Tương tự, trong những ngày trước tôi có nói rằng, nếu một người niệm Phật mà chăm chăm diệt nghiệp thì cái “Hạnh” của họ đã bị lạc rồi! Hạnh của người niệm Phật là niệm câu A-Di-Đà Phật. “Nguyện” của người niệm Phật là nguyện được “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, nhờ A-Di-Đà Phật tiếp độ, chứ không phải “Nguyện” của người niệm Phật là “Nguyện Diệt Nghiệp”. Tại vì chí thành niệm một câu A-Di-Đà Phật thì phá tan tám mươi ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Từ cái lòng chí thành mà nó sinh ra cảm ứng này, chứ không phải là ta quyết lòng diệt nghiệp mà được như vậy.
Nếu ta quyết lòng dùng câu A-Di-Đà Phật để diệt nghiệp, thì ngài Ấn Tổ nói ta đã dùng câu A-Di-Đà Phật giống như một câu thoại đầu, có nghĩa là ta đã tu theo con đường tự lực chứng đắc. Mà đã tự lực chứng đắc rồi thì tự mình phải tìm con đường phá nghiệp để mà đi. Muốn tự phá nghiệp thì nên nhớ một điều, chúng sanh trong pháp giới hữu duyên với ta, duyên lành thì sao chưa biết, chứ còn duyên ác thì coi chừng mạnh hơn, họ sẽ tận dụng tất cả mọi năng lực để đối đầu làm cho chúng ta sau cùng bị trở ngại!…
Chúng ta nói về “Hướng Dẫn – Khai Thị”, thật ra là trong những lúc ngồi trước bệnh nhân, mình cố gắng làm sao cho tâm hồn người bệnh vững như bàn thạch. Một người có được tâm hồn vững như bàn thạch rồi, thì mình hỏi:
• Chị sợ chết không?…
• Tôi không sợ chết!
• Chị có quyết lòng đi về Tây-Phương không?…
• Tôi quyết lòng đi về Tây-Phương!
• Còn có điều gì mà phải phân tâm nữa không?…
• Không!
Chỉ cần họ hứa với mình như vậy là được rồi.
• Bây giờ tất cả những chuyện thế gian bỏ hết nghe chưa?
• Bỏ hết!…
Nếu biết rằng người đó đủ tín rồi, người đó quyết lòng đi về Tây-Phương rồi, người đó quyết trì giữ từng câu A-Di-Đà Phật, tranh thủ từng giờ từng phút mà niệm câu A-Di-Đà Phật, thì dù người đó mới biết tu, dù người đó hồi giờ chưa phải hạng người công phu ngon lành lắm, nhưng ta vẫn có thể đoán được rằng người này có xác suất vãng sanh rất cao. Lời đoán này không phải là tự Diệu Âm nghĩ ra như vậy đâu, mà đây là do cả một quá trình kinh nghiệm đã thấy được rõ rệt như vậy.
Còn những người tu nhiều nhưng coi chừng vẫn có thể bị trở ngại! Tại sao? Để giải thích vấn đề này, hôm nay từ trên Internet tôi vừa in ra một bài của Hòa Thượng Tịnh- Không dạy tại sao như vậy? Lời của ngài Tịnh-Không nói như thế này:
“Thế gian tu hành sợ nhất là xen tạp! Quyển Tây-Phương Giác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-Tát dạy rằng, người tu hành kiêng kỵ nhất là xen tạp!
Tụng kinh xen tạp! Niệm chú xen tạp!… Nếu tu Tịnh-Độ khóa tụng mỗi ngày đọc kinh Vô Lượng Thọ, đọc kinh A-Di-Đà, rồi đọc kinh Quán-Vô- Lượng-Thọ nữa… Như vậy là xen tạp rồi!”.
Quý vị nghe lời Hòa Thượng nói từng chút, từng chút.
Ngài dạy cho chúng ta đó.
“Thực tế chỉ cần một loại kinh là đủ. Kinh điển của Tịnh-Độ còn không nên xen tạp, huống hồ là những kinh điển khác. Càng đọc tụng nhiều thứ càng thêm hư việc! Người tụng kinh Kim-Cang lại còn muốn tụng thêm kinh Địa-Tạng, Phổ-Môn, phẩm Phổ-Hiền Hạnh Nguyện, đọc chú Lăng- Nghiêm, niệm Đại-Bi tiểu chú… Xen tạp nhiều như vậy phòng đến khi nào mới được thành tựu đây?”…
Đây là lời của ngài Tịnh-Không nói. Tại sao Ngài nói nhấn mạnh đến chỗ này?… Là tại vì những người mà tu như thế này chứng tỏ cái niềm tin của họ vào câu A-Di- Đà Phật đã bị lung lay rồi! Vì lung lay cho nên không được cảm ứng! Tu hành như vậy tưởng là giỏi, nhưng sau cùng thường bị trở ngại! Còn một người hồi giờ không biết gì cả, khi mà tới đường cùng, bị ung thư, gặp mình, mình bày cho họ con đường vãng sanh, nhờ lời hướng dẫn của mình quá vững, quá chắc… làm cho họ khởi phát niềm tin. Một khi họ khởi phát được một niềm tin vững như tường đồng vách sắt, vô tình bao nhiêu thiện căn phước đức trồng được trong nhiều đời nhiều kiếp nhờ cái duyên này mà tựu lại. Họ lấy cái nhân trồng được trong quá khứ để thành tựu trong đời này.
Còn đời này mình tu mà không tin, cho nên thiện căn của mình bị tản lạc khắp nơi. Một chút thiện căn phước đức nho nhỏ tu được trong đời này chưa đủ sức để thành
tựu cái quả vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đâu…
Mong chư vị nhớ quyết lòng đi thẳng một đường để đời này ta được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
(Tọa Đàm: 36)
Cái điểm tối quan trọng mà chúng ta cần lưu ý về “Khai Thị” trong pháp hộ niệm là làm sao gây được “Tín Tâm” vững vàng cho bệnh nhân. Gây được cái tín tâm vững vàng cho họ thì coi như tất cả những gút mắc sau đó sẽ được hóa giải dễ dàng.
… Cách đây gần bốn tháng, khi Diệu Âm đi qua tây Úc, thì có duyên gặp một vị bị ung thư, chính là Phật tử Đặng Hồng Khanh. Nhờ chư vị giới thiệu, Diệu Âm tới thăm, gặp chị này đang ngồi trên cái ghế bành, ôm chiếc gối, mặt thì xanh mét, nói không ra lời, và đang trong cơn đau đớn! Chị bị ung thư! Chị đó cũng có hỏi:
• Bây giờ tôi phải trì tụng kinh nào để được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc?
Thì Diệu Âm cũng nói là:
• Chỉ có một câu A-Di-Đà Phật niệm ngay từ bây giờ, cho đến ngày chị tắt hơi ra đi, thì chị có hy vọng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, chứ không có kinh nào giúp cho chị về Tây-Phương Cực-Lạc hết.
(Tọa Đàm: 28)
Buổi chiều hôm nay Diệu Âm có liên lạc với một người ung thư cũng sắp ra đi ở Tuy Hòa. Sau một vài mươi phút nói chuyện thì người bệnh này đã quyết thề niệm một câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh.
Ở tại đó chưa có ban hộ niệm, nhưng nghe nói hôm
nay có hẹn Diệu Âm gọi về nói chuyện về hộ niệm, nên có khoảng mười mấy người tới nghe. Sau khi nói chuyện xong, Diệu Âm mời các vị đó mỗi tuần bỏ ra một vài buổi tới niệm Phật hộ niệm cho người bệnh được không? Tất cả mọi người đều nói: “Được! Chúng tôi sẵn sàng”. Sẵn cơ hội đó tôi kêu gọi thành lập một ban Hộ Niệm tại chỗ luôn. Quý vị mừng quá, vỗ tay. Ấy thế mà mấy năm qua tại nơi đó muốn thành lập ban hộ niệm mà thành lập không được.
Tôi có hỏi người bệnh:
• Trong thời gian qua chị nghe kinh nào?
Chị nói:
• Tôi không có nghe kinh nào hết. Nhưng có một vị đạo hữu hai tuần nay đem biếu bộ tọa đàm “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu” của Diệu Âm. Tôi đang nghe cái đĩa đó.
Tôi nói:
• Tốt! Nhưng bắt đầu từ hôm nay chị nên giao cái đĩa đó cho chồng của chị, con của chị và ban hộ niệm họ nghe, riêng chị không nên nghe, tại vì nếu chị nghe như vậy thì tôi sợ rằng chị không có đủ thì giờ để niệm câu A- Di-Đà Phật.
Chị đó nói:
• Nhưng mà cái băng này hay quá.
Tôi nói:
• Vì hay cho nên chị mới thích. Vì thích nên chị mới tham. Vì tham nên chị mê những đoạn băng này mà coi chừng câu A-Di-Đà Phật bị hững hờ không nhập vào tâm được. Tôi nói tọa đàm này là để cho những người không
biết hộ niệm, chưa biết hộ niệm, chưa tin vào phương pháp hộ niệm họ nghe. Người ta nghe để biết cách hộ niệm cho chị. Chớ bây giờ chị đang nằm trên giường bệnh, bác sỹ nói còn một vài tháng nữa là chết, thì còn thời gian đâu nữa mà chị nghe những lời này. Chính những lời tôi nói mà tôi cũng cấm chị nghe. Chị có quyết thề với tôi là chỉ niệm một câu A-Di-Đà Phật, nửa đêm thức giấc đau mình, chị cũng phải niệm câu A-Di-Đà Phật, không than không thở gì hết, quyết lòng nguyện vãng sanh.
Tôi nói chuyện với chị xong, rồi tôi khuyến tấn tiếp, chị sắp sửa được về Tây-Phương gặp A-Di-Đà Phật rồi, hãy mừng đi, vỗ tay lên… Chị vỗ tay. Người chồng cũng ủng hộ trong tinh thần đó.
Tôi nói tiếp:
• Được rồi! Ban Hộ-Niệm của quý vị khỏi cần tới tôi hướng dẫn. Tôi sẽ giới thiệu chị Thu Hương ngoài Đà Nẵng vào trực tiếp hướng dẫn cho chư vị.
Sau đó tôi bắt điện thoại gọi chị Thu Hương… Chị Thu Hương là người hộ niệm rất là tuyệt vời ở Việt Nam. Chị đã hộ niệm được trên một trăm người đã vãng sanh bất khả tư nghì, có nhiều người còn ngồi được để vãng sanh, có những người niệm Phật tới giờ phút chót vãng sanh nữa. Chị là người rất cứng rắn trong điều lệ hộ niệm. Giả sử như vị ung thư đó mà tham cái nầy tham cái nọ, còn nghiên cứu cái nầy nghiên cứu cái nọ, còn muốn đọc nầy đọc nọ… Khi chị tới hỏi một vài tiếng mà người bệnh không buông bỏ thì có thể chị rút lui liền lập tức. Tính tình của chị cứng lắm. Trải qua hằng trăm cuộc hộ niệm rồi, chị đã nắm khá vững những yếu tố nào được vãng sanh, yếu tố nào sẽ bị trở ngại.
Chính vì vậy, những lời tọa đàm của Diệu Âm này chẳng qua là nói với những người có niềm tin yếu về chuyện vãng sanh, nói với những người mà niềm tin không vững rằng pháp hộ niệm có thể giúp người vãng sanh. Cho nên những cuộc tọa đàm này là mong cho nhiều người có duyên nghe được những lời này mà giật mình tỉnh ngộ. Còn những người đã quyết lòng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì còn thì giờ đâu mà nghiên cứu, còn thì giờ đâu mà nghe cái nầy nghe cái nọ, còn thì giờ đâu mà đọc cái nầy đọc cái nọ! Đọc một cái gì là một chủng tử đi vào trong tâm của mình. Đọc nhiều thứ quá thì câu A-Di-Đà Phật nhất định không sáng suốt trong tâm của mình được.
Nên nhớ, bây giờ đây mình có thể lý luận. Nhưng khi nằm xuống rồi quý vị mới thấy rằng không còn lý luận được nữa đâu. Chủng tử A-Di-Đà Phật mà yếu thì nhất định những chủng tử khác sẽ mạnh, nó sẽ lấn hết tất cả. Bên cạnh đó, nghiệp chướng, Oan Gia Trái Chủ sẽ thừa cơ lồng vào thì chịu thua! Lúc đó không có cách nào có thể cứu vãn được!
Cho nên, nếu người bị bệnh ở Tuy Hòa chỉ cần vững tâm như vậy, tôi có thể dám mạnh dạn bảo đảm rằng chín mươi lăm phần trăm vãng sanh. Còn bây giờ mà không chịu nghe, đối với chị Thu Hương, thì vấn đề này chị xử lý cứng lắm. Thường gặp bệnh nhân chị hỏi rằng: “Chị có thề với tôi là trì giữ một câu A-Di-Đà Phật không?”. Không quyết định thì chị rút về liền, chị thẳng thắn như vậy. Vì cái kinh nghiệm của những người hộ niệm quý giá vô cùng, còn mình ngồi đây nói chẳng qua là sự lý luận theo sách vở, hoàn toàn chưa chứng nghiệm một cái gì hết.
Hiểu được như vậy, mình muốn đi về Tây-Phương Cực-Lạc thì cần phải “Tịnh niệm tương kế, tự đắc tâm khai”. Tâm mình tự nó sẽ khai ra… Nhất định như vậy. Đây mới chính là sự hiểu biết đúng đắn của mình đó, còn tất cả những gì ở ngoài đưa vô chẳng qua là thứ đối trị với những người không tin mà thôi.
Ba điểm “Tín-Nguyện-Hạnh” là tông chỉ. Muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mà cửa ải “Tin” này cứ chập chờn chập chờn thì…
• Làm sao có thể thâm nhập vào đường đạo?…
• Làm sao mà phát nguyện được tha thiết?…
• Làm sao mà niệm câu A-Di-Đà Phật được chí thành?…
Chính vì thế, nghiệp chướng phá không nổi! Mà muốn phá, phá cũng không xong!
Hôm nay chúng ta nói thêm về “Khai Thị – Hộ Niệm”. Thật ra là chỉ để khai thị cho những người có niềm tin quá bạc nhược! Vì người sắp chết đó niềm tin không đủ, nghiệp chướng sâu nặng, nên mình phải tìm phương tiện gỡ lần, gỡ lần, gỡ lần cho họ. Chứ nếu như niềm tin đã vững vàng, thì chúng ta cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, không còn xen cái gì khác. Bảo đảm lúc đó khỏi cần khai thị nữa, chỉ cần nói, “Anh Hai ơi! Niệm Phật đi”, là tự nhiên người bệnh niệm leo lẻo. “Quyết tâm nghe anh Hai…”. Thế thôi, khỏi cần gì khác.
Chứ còn người mà khuôn mặt chập chờn chập chờn, nửa đỏ nửa xanh, mộng này mị nọ… Thành ra mình đành phải cứ khai, khai, khai hoài là vì vậy. Mong rằng ai muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì “Tín-Nguyện-Hạnh”
phải nhập vào tâm, đừng để tâm hồn chập chờn bên ngoài. Tất cả những thiện căn phước đức nó nằm ở ngay tại chữ “Tín” đó. Mình tin không vững chứng tỏ thiện căn mình không đủ! Thiện căn không đủ mà còn không vững tin nữa, thì nhất định thiện căn sẽ bị tản mạn khắp, nhất là đối với những người tu hành, Oan Gia Trái Chủ sẽ có cách phá tinh vi vô cùng!
Mong chư vị nào muốn vãng sanh thì nhất định nên nghe những người hộ niệm, vì họ đã từng hộ niệm hằng trăm người rồi, họ đã nắm vững rất nhiều yếu tố để thành công rồi. Chúng ta đang nói đến “Khai Thị – Hướng Dẫn” đây chính là để củng cố niềm tin cho những người còn chập chờn đó thôi, chứ không có gì khác. Mình đâu có thể đợi tới lúc hấp hối xuống mới củng cố niềm tin. Xin hỏi rằng, lỡ bị đọa lạc rồi thì làm sao đây?… Cho nên phải củng cố niềm tin trước. Để chi vậy?… Để lúc đó chúng ta không cần phải khai thị với nhau nữa.
(Tọa Đàm: 32)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –