• Trang Chủ
  • 27. Căn Cứ Vào Kinh Sách Nào Của Phật Nói Về Những Điểm Nóng Để Xác Định Người Đó Sanh Về Cảnh Giới Nào?

27. Căn Cứ Vào Kinh Sách Nào Của Phật Nói Về Những Điểm Nóng Để Xác Định Người Đó Sanh Về Cảnh Giới Nào?

Share on facebook
Share on twitter

Điểm nóng

Hỏi:

Trong một buổi nói chuyện trao đổi kinh nghiệm về phương pháp HỘ NIỆM, có một vị thầy đưa ra một câu hỏi. Sau khi hộ niệm cho một người ban hộ niệm sẽ kiểm tra xem điểm nóng cuối cùng ở đâu ,để biết người được hộ niệm có được Vãng Sanh hay không, hay sanh về cảnh giới nào? Nhưng căn cứ  vào Kinh sách nào của Phật để nói về những điểm nóng này mà Thầy đã tu mấy chục năm rồi vẫn chưa đọc qua.

Trả lời:

Điểm chính yếu để một người được vãng sanh về Tây Phương Cực lạc chính là Tín Nguyện Hạnh đầy đủ. Một người giữ vững ba điểm này cho đến giây phút cuối cùng thì sẽ được như nguyện. Trong kinh A-Di-Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, v.v… nói đến thật rõ ràng. Xin tự xem kinh lấy.

 Một khi người được vãng sanh thì sau khi ra đi thường thường để lại những hảo tướng, nghĩa là thoại tướng rất tốt, như: thân xác mềm mại, nét mặt vui tươi, sắc diện hồng, đôi lúc có hương, có quang minh, có hoa nở, có chim tụ lại. Có người biết trước ngày giờ xả bỏ báo thân, có người báo cho biết là A-di-đà Phật cùng Thánh chúng đã đến tiếp dẫn họ, v.v…

 Những thoại tướng này có lúc nhiều, có lúc ít, có người có hầu như đầy đủ, có người rất khó phân biệt. Sở dĩ khác nhau là do phẩm vị vãng sanh sai khác.

 Trong một giảng ký của HT Tịnh Không, Ngài nói rằng: người vãng sanh Thượng Phẩm nhiều khi họ biết trước 2->3 năm trước, họ xác định được ngày giờ vãng sanh một cách chính xác. Rất nhiều vị Tổ niệm Phật họ ra đi giống như sự biểu diễn, nhiều lắm. Xin xem trong các sách về Tịnh độ để lại. Đúng sự thật chứ không ai nói thêm để phải mang tội “Vọng ngữ đâu”.

 Ông Cô-Lô-Giang vào khoảng thập niên 40 thế kỷ 20 đứng vãng sanh 3 ngày mới hạ xuống để lo hậu sự. Cụ Hạ Liên Cư cũng đứng vãng sanh, ông Trịnh Tích Tân ngồi vãng sanh. Mới đây Thượng tọa Thiện Xuân (Chùa Hồng Liên) kể lại chuyện vãng sanh của HT sư phụ thầy trước khi vãng sanh còn thuyết pháp, dặn dò đệ tử, xong ngồi vãng sanh.  Nhiều lắm, không phải ít đâu. Chỉ vì mình phước mỏng quá không thấy đó thôi.

 Những người vãng sanh trung phẩm có thể biết trước ngày giờ từ mấy tháng cho đến hơn một năm. Có người biết trước một vài tuần cũng đã ngon lành rồi.

 Nhưng, biết trước ngày giờ chết cũng không hẳn là được vãng sanh Tịnh độ. Người vãng sanh mà biết trước thì tốt.

 Nhưng nên nhớ cho, người biết trước ngày giờ chết, cũng chưa chắc sẽ vãng sanh về tới Tây-phương Cực Lạc. Hai sự việc này khác nhau.

 (Ví dụ, hôm tháng 3/2009, khi qua Mỹ, trong khoảng thời gian đó, chính Diệu Âm có hay tin, một vị tu Mật tông đã biết ngày giờ ra đi. Người ta gọi là vãng sanh Tịnh độ. Nhưng thực ra, nếu vị đó phát nguyện sanh lại làm người để tiếp tục tu hành, thì không thể nào được về Tây Phương Tịnh độ được, dù sự ra đi có an nhiên thoải mái!).

 Ra đi ngon lành là do công phu tu tập, tinh thần thanh tịnh, nghiệp chướng nhẹ, phước đức tăng trưởng. Còn vãng sanh Tây Phương Cực lạc là do Tín-Nguyện-Hạnh. Hai cách tu khác nhau. (Chuyện này đã bàn quá nhiều rồi).

 Người vãng sanh các phẩm hạ không được tự tại như vậy đâu! Trong kinh Vô lượng thọ nói, “…mộng kiến bỉ Phật diệc đắc vãng sanh“. Nghĩa là, tự họ thấy trong những lúc mê mê, không đủ sức khai báo với mọi người, nhưng vì Tín Tâm vững, Nguyện tha thiết họ vẫn được vãng sanh.

 Những điểm ấm còn sót lại trên thân xác là do điểm xuất ra cuối cùng của thần thức. Nếu xuất ra trên đỉnh đầu là điều rất tốt. Nếu để lâu quá, thì hơi ấm sẽ lạnh dần, nhiều lúc cũng khó nhận ra.

 Điểm nóng dù sao cũng chỉ bổ túc thêm phần thoại tướng tốt. Càng tốt chừng nào càng vững tâm hơn. Còn chư Tổ Sư, trong kinh Phật luôn luôn nhắc nhở việc TÍN-NGUYỆN-HÀNH vãng sanh. Những thoại tướng được ghi lại là kinh nghiệm thu thập được qua hàng ngàn năm tu hành của quý Ngài. Đây là thân chứng vậy.

 Chư Tổ Sư đều là chư Phật Bồ tát thị hiện, lời nói của các Ngài chắc chắn có giá trị. Xin chớ hoang mang!

 Tuy nhiên, nếu được vãng sanh trong thời khoảng hộ niệm thì hầu như đều được mềm maị, tươi hồng, nhìn nét mặt rất vui vẻ, an nhiên. Còn được siêu sanh về Cực lạc sau thời gian đó thì làm sao biết được? Chắc chắc cũng có, nhưng không bảo đảm, khó kiểm chứng hơn.

 Một cuốn sách tên là, “Những điều cần biết lúc lâm chung” của Phật giáo Đài loan phát hành có nói rất rõ những điểm này. Các vị viết ra toàn chư vị Tổ Sư, người có đức cao trọng vọng, uy tín trong Phật giáo, nhất là Tịnh độ tông, đã nghiên cứu từ trong kinh điển, từ những kinh nghiệm đã vãng sanh. Rất cần thiết cho người học đạo như chúng ta.

 Tập sách “Quy tắc trợ niệm lúc lâm chung và pháp ngữ khai thị“, là phần trích ra từ cuốn sách đó. Hãy thử đọc kỹ càng đừng coi lướt nhé, toàn bộ là pháp ngữ của chư Tổ Sư. Các Ngài y kinh mà nói ra đó.

 Người tin thì phải tin cho vững để cứu người cứu ta. Người nào không tin thì họ có quyền bỏ hộ niệm. Chớ nên lo lắng điều này! Tất cả đều tùy duyên chúng sanh. Không ai có thể ép buộc được.

 Người nào muốn chết thì cứ việc chờ chết! Ai muốn vãng sanh về với Phật A-Di-Đà thì lo niệm Phật A-Di-Đà Phật cầu về Cực Lạc.

 Chưa đủ, phải chuẩn bị sự hộ niệm thật cẩn thận, chớ nên lơ là.

 Hãy thử so sánh mà quyết định:

 -Một người chết trong mê mê mờ mờ, lo âu buồn bã!… So với người an nhiên, vui vẻ, tư tại ra đi. Ai hơn ai?

-Một người đi xong thì ác tướng hiện ra, sắc mặt hãi hùng… nhìn thấy phải phát sợ!  Với người ra đi để lại thân tướng tươi hồng, nét mặt mỉm cười, tướng hảo bất khả tư nghì! Ai hơn ai?

-Một người khi chết xong thân xác cứng đơ, chẳng mấy chốc thì mùi tử khí bôc lên, liệm vào hòm không kịp thì ai đi ngang cũng muốn buồn nôn! Với người ra đi mà hương thơm thoang thoảng, hoa nở, chim kêu, để vậy niệm Phật 3-4-5-6… ngày, càng niệm càng tươi, càng niệm càng đẹp, càng niệm càng thêm có điều hay lạ… Ai hơn ai?

 Hầu hết đều nhờ công đức hộ niệm đó.

 Xin hỏi, một người tự cho là tu hành tốt, liệu khi mãn đời có được thoại tướng như vậy không? Hãy tìm hiểu cho thật kỹ để được sáng suốt hơn.

 Ta được thành đạo hay không do chính ở quyết định ngày hôm nay vậy.

Diệu Âm

(30/04/2009)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –