• Trang Chủ
  • 30. Có Phải Thời Xưa Số Lượng Người Vãng Sanh Ít Hơn Thời Nay Không?

30. Có Phải Thời Xưa Số Lượng Người Vãng Sanh Ít Hơn Thời Nay Không?

Share on facebook
Share on twitter

Hãy niệm Phật, chứ đặt vấn đề làm chi!

 Hỏi:

Trong sách tuyển tập các bài của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam do Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa  trích dịch, ấn tống 2008, nhà sách Papyrus San Jose, trang 57:

“Trong 25 năm tại Đài Trung, có hơn hai ngàn vị đồng tu đã qua đời, nhưng lúc mất có lưu lại tướng vãng sanh để chứng nghiệm thì chẳng nhiều hơn 10 người”

Trước lão cư sĩ, cũng đã có các lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư (?), không lẽ nào như vậy (mà) trong lúc hiện nay, theo các DVD thì rất nhiều người có thoại tướng vãng sanh?

Xin bổ túc giúp

  Trả lời:

Coi chừng sự nhận xét của chúng ta bị lầm lẫn hoặc sơ suất ở một phương diện nào đó!

Niệm Phật vãng sanh đã có hàng ngàn năm nay rồi, số ngưòi vãng sanh nhiều lắm chứ không phải ít. Nhưng trước đây sao lại hình như ít nghe đến, ngày nay thì nghe nhiều quá. Chẳng lẽ trước đây người học Phật dở lắm sao? Chẳng lẽ, ngày nay chúng sanh có nhiều trí huệ hơn người xưa nên ngộ đạo nhiều hơn sao?

  Đề nghị chư vị đạo hữu bình tĩnh xét theo các tiêu chuẩn sau đây, có lẽ sẽ rõ hơn.

 Điểm thứ nhất: Kỷ thuật truyền tin.

  Thời xưa, vấn đề truyền thông rất thô sơ, tin tức không thể truyền đi rộng rãi. Một sự cố xảy ra tại làng này khó có thể truyền qua làng bên cạnh. Tin tức tự nó thường bị đóng kín.

Thời đó, phương tiện di chuyển thiếu thốn, đi lại rất khó khăn. Báo chí, TV, điện thoại, Internet… không có. Con người lúc bấy giờ chỉ sống âm thầm trong một hoàn cảnh nhỏ hẹp, sinh hoạt đơn giản, không dễ gì có thể nhận được tin tức đó đây. Thế thì, tin tức về sự vãng sanh, nếu có, chẳng qua cũng chỉ là sự truyền miệng cho nhau, giới hạn trong một vài người thân thuộc, rồi xuyên ra ngoài thoáng qua một vài người, rồi sau đó tự nó đi vào im lặng, quên lãng!

  Cho nên, đến ngày nay mà chúng ta nghe được một cuộc vãng sanh của người thời trước là cả một sự hy hữu, đầy may mắn! Một ngàn người vãng sanh, may mắn lắm lưu lại tin tức một vài người qua sự truyền miệng, rỉ tai. Những người được ghi trong truyện ký chẳng qua là nêu ra một vài trường hợp tiêu biểu, điển hình quá đặc biệt hay có duyên nào đó mà thôi. Còn tất cả đều đã chìm vào sự quên lãng, biến mất theo thời gian hết rồi. Không có video, DVD, quay phim làm chứng cứ gì được đâu.

  Ví dụ cụ thể, trong năm 1945, tại miền bắc VN, một nạn đói đã xảy ra làm chết hàng mấy triệu người. Người chết đầy đường, chết chôn không kịp, không còn chỗ chôn! Ấy thế mà cả thế giới vẫn im lìm không hay biết? Thậm chí, ngay trong nước người dân cũng không hay. Ngoài bắc thì người chết nằm đầy đường, trong khi ấy người miền trung, miền nam VN đa phần không ai hay biết gì cả!

  Hàng triệu người chết đói đâu phải là ít!… Tại sao không biết? Thông tin quá yếu!

  Còn hiện nay, có một bệnh dịch swine flu (cúm heo) phát sinh, làm chết chỉ hơn 150 người ở Mexico, mà làm cho cả thế giới kinh hoàng, nước nước đều hoảng sợ, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. 150 người chưa phải là nhiều lắm, nhưng làm cho cả nhân loại trên quả địa cầu phải hoang man, sợ hãi!

Tại sao vậy? Do sự tiếp tay đúng mức của kỷ thuật truyền thông.

  Điểm thứ hai: lòng tin:

  Trước đây lòng người chân thành, thanh tịnh, tín tâm cao, nên niệm Phật vãng sanh nhiều, (nhiều chứ không phải ít như ta tưởng). Nhưng đây là điều tự nhiên, quen thuộc, không ai nghi ngờ, không ai thèm đặt vấn đề này nọ. Người nào vãng sanh thì mừng cho người đó, người còn ở lại thì cứ tiếp tục lặng lẽ tu niệm để chờ ngày mình vãng sanh. Họ đâu cần tuyên truyền, rao bán, phô trương ra làm chi?

  Còn đến thời này, lòng người tán loạn, niềm tin cạn cợt, người tu hành không có lòng chí thành chí kính, nghiệp chướng lại nặng, oán thân càng nhiều. Chính vì thế sự vãng sanh ít hoặc không có. Sự chết, bị đọa lạc trở thành hiển nhiên. Nhiều người đã thực sự chấp nhận sự cố này như một định luật không thể thay đổi!

  Chính vì thế, khi thấy người chết họ cho là tự nhiên, là đúng! Ngược lại, khi thấy hoặc nghe đến một người vãng sanh thì thật là chuyện lạ lùng, hoang đường, huyền hoặc! Chúng sanh trong thời mạt pháp này thật sự chỉ biết đọa lạc, chứ không phước phần biết sự giải thoát. Đây là do nghiệp nặng phước mỏng, do tâm thối hóa của chúng sanh mà biến ra tình trạng này!

  Chính vì vậy, thời trước dẫu có hàng ngàn người được vãng sanh thì xã hội vẫn lặng lờ, yên tịnh. Với lòng thanh tịnh sẵn có, không ai nghi ngờ, không ai đặt nên vấn đề làm chi cả.

  Ngày nay, nếu có một người vãng sanh là cả một chuyện lớn, khó gặp. Vì để tạo niềm tin cho nhiều người, nhiều khi được quay phim, làm video, DVD, TV, báo chí tung tin rộng rãi. Có 1 người vãng sanh, tung ra 100 VCD, 1.000 VCD, 10.000 VCD, v.v… sự thông tin nhanh chóng và rộng rãi làm cho nhiều người biết được… Đây là sự tiếp sức hiệu quả của kỷ thuật truyền tin.

  Nên nhớ, rất nhiều người biết, cả triệu người biết chứ không phải một triệu người vãng sanh. Đừng có cảm giác sai lầm!

  Điều này rất có lợi, giúp những người có thiện căn phước đức khắp nơi củng cố được niềm tin, kiên cố bất thối, vững lòng niệm Phật.

  Ngược lại, người phước mỏng nghiệp sâu, mới nghe qua thì vội nghi ngờ, cho là chuyện hoang đường, viễn vông, “lạm phát”, khó tin… tìm cách đặt ra nhiều vấn đề sai lạc…

  Ôi, tốt hay xấu chính do tâm của chúng sanh vậy!

  Trong thời Chánh pháp và Tượng pháp, lòng người còn thanh tịnh, công phu tu hành tốt, hiện tượng vãng sanh quá nhiều. Nhiều người đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biết trước ngày giờ vãng sanh còn lưu lại trong sách vở, truyện ký. Sự vãng sanh nhiều lúc tự tại giống như trò biễu diễn.

  Hãy đọc trong: “Tịnh độ Thánh Hiền lục”, “Truyện vãng sanh”, “Những điệu sen Thanh” (do Ngài Thích Thiền Tâm dịch thuật), v.v… kể lại rất nhiều trường hợp vãng sanh. Đây chỉ là sự tiêu biểu chứ không phải chỉ bấy nhiêu đó đâu.

  Nhiều lắm! Người vãng sanh nhiều đến nỗi chư Tổ còn dám nói rằng, “trăm người niệm Phật trăm người vãng sanh, ngàn người niệm Phật ngàn người vãng sanh, muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh”. Hãy xem lại các lời khai thị của Tổ Sư ta sẽ thấy rõ chuyện này. Nếu không có nhiều làm sao các Ngài dám nói lời này? Các Ngài Thiện Đạo, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích, Ấn Quang, v.v… nhiều vị Tổ, vị nào cũng nói vậy cả. Các Ngài đều dạy, chỉ cần tin trưởng cho vững, tha thiết cầu nguyện vãng sanh rồi chân thật trì danh niệm Phật thì ai cũng được phần vãng sanh.

  Ấy thế mà con người thời nay cứ đứng thấp thỏm ngắm nhìn, suy đi xét lại, đặt vấn đề này vấn đề nọ, nghi đủ chuyện để đành chịu mất phần vãng sanh.

  Điểm thứ ba: Cách tu hành.

  Nhiều người, tiếng gọi là tu hành nhưng thật sự có tu hay không là chuyện khác? Nhiều nơi tự xưng là tu Tịnh-độ, nhưng hãy để ý kỹ thử coi, họ có thực sự là tu Tịnh hay không?

  Tu Tịnh thì mục đích chính là hết báo thân cầu được vãng sanh về Cực-lạc quốc. Vậy mà, nhiều người suốt đời tự xưng tu Tịnh nhiệp, nhưng chưa bao giờ tha thiết đọc lời nguyện vãng sanh, chưa bao giờ có ý niệm vãng sanh, chưa bao giờ giảng giải sự vãng sanh cho đại chúng nghe qua, trước những giờ phút chết họ nguyện cầu đời sau sẽ được sanh trở lại làm người, cầu gặp được minh sư, cầu gặp được chùa lớn, cầu thuận duyên để được tu tiếp, v.v…

  Nghĩa là, họ tự nguyện tiếp tục bị kẹt trong vòng sanh tử luân hồi, họ không muốn thoát ly tam giới, họ không muốn vãng sanh Cực-lạc như lời đức Thế Tôn dạy.

  Không giảng giải đạo vãng sanh, thì đường vãng sanh của chúng sanh mù mịt. Mù mịt đường giải thoát nên chúng sanh đành chờ chết, chết để chịu khổ. Tội nghiệp thay!…

  Còn có người cứ thích nói cao, nói diệu, nói điều siêu huyền diệu lý. Chúng sanh phàm phu nghiệp nặng đang lê lếch tấm thân nhiệp báo dưới đất đen, tương lai thật tăm tối, liệu họ có ngộ được gì bởi những triết lý cao siêu không? Liệu họ có nhờ được gì từ những lý đạo trên mây xanh không?

  Tổ Ấn Quang nói rằng, đừng đem lý đạo của hàng thượng căn mà dạy cho hàng trung hạ, không ích lợi gì mà còn tạo thêm vọng tưởng. Vọng tưởng thì làm sao thành đạo?

  Tâm mơ tưởng nhiều quá, tâm lý luận nhiều quá, nếu không lạc vào “Tà Định” thì cũng bị “Bất Định”, nghĩa là mất “Chánh Định”, nhất định lạc đường vãng sanh Tịnh-độ. (Kinh VLT)

  Trong khi đức A-Di-Đà ngày đêm thõng tay tiếp độ tất cả chúng sanh, thì không ai chịu tiến dẫn, mà cứ bày vẽ cho chúng sanh những điều vọng tưởng, loạn tâm! Hỏi rằng, đâu là Tịnh-độ đây?

  Lòng tin không thanh tịnh, mà hành trì còn đầy tạp loạn thì làm sao được thanh tịnh? Tu hành tạp loạn thì giống như kẻ đi không biết đường, về không rõ đích, làm sao tránh khỏi bị lạc? Chúng sanh bị hướng dẫn sai lầm, nên từ cảnh khổ này chuyển sang cảnh khác còn khổ hơn! Thật tội nghiệp!

  Chướng duyên của con người thời nay nặng quá, nên khó thấy được người vãng sanh? Không nhìn thấy được, không đủ khả năng vãng sanh, thì khi nghe thấy đến chuyện vãng sanh mới đâm ra nghi ngờ, đặt đủ mọi vấn nạn. Đâu ngờ rằng, chính tâm hồ nghi là chướng nạn lớn nhất làm mất đường vãng sanh của chính họ!

  Trong một giảng ký, HT Tịnh Không nói, những người theo lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam niệm Phật có trên vài trăm ngàn (hơn 200.000) người, nhưng tổng cộng người vãng sanh (tính cho đến khi Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh) cỡ khoảng trên năm trăm (> 500) người). Theo Ngài nói, đây là con số thành tựu quá ít, nhưng so ra còn cao hơn sự cứu độ của lục tổ Huệ Năng, vị tổ nổi tiếng trong Thiền-tông, vị có công phát dương quảng đại Tông môn ở Trung Quốc, với vài trăm ngàn (>200.000) đệ tử theo lục tổ tu tập, chỉ có 93 người được xác nhận thành tựu.

  Trong hai trăm ngàn (> 200.000) người tu hành chỉ kiểm chứng được hơn năm trăm (> 500) người, nghĩa là cứ 2.000 người thì được 5 người vãng sanh, con số còn thấp hơn sự thống kê trong trang sách trên!

  Tại sao số người vãng sanh ít vậy?

Vì niềm tin bạc nhược! Niệm Phật mà không có lòng tin được vãng sanh.

  Vì không tin tưởng nên hành trì tạp nhạp, trước mắt sư phụ thì giả đò niệm Phật, giả đò cầu vãng sanh. Sau đó thì cầu xin đử thứ phước báu để kiếm chác chút ít…!

  Như vậy mất phần vãng sanh không phải do pháp Phật dở, mà do người tu không chịu y giáo phụng hành.

  Bây giời quý đạo hữu quyết lòng y giáo phụng hành thử coi, sự vãng sanh sẽ hiện ra trước mắt.

  Cụ thể, phải một lòng niệm Phật. Nếu biết mình nghiệp chướng sâu nặng thì hãy chuẩn bị người hộ niệm khi lâm chung. Nghĩa là, lập Ban Hộ Niệm, nghiên cứu thật kỹ phương pháp hộ niệm, cách khai thị… để giúp người lâm chung vãng sanh. Giúp người hiểu sự hộ niệm tức là giúp chính ta vậy.

  Ở Đắk-Lắk chính tôi đã gặp một bà cụ quyết lòng niệm Phật vãng sanh. Cụ luôn luôn cầm xâu chuỗi trên tay và luôn luôn niệm Phật. Gặp chúng tôi, Cụ chỉ cúi đầu chào, rồi ngồi trên giường niệm Phật, không bao giờ xen tạp một câu chúc tụng xã giao nào nữa. Gặp Cụ, Diệu-Âm này thật sự muốn quỳ xuống đảnh lễ để tỏ lòng kính trọng. Có ai quyết lòng vãng sanh như Cụ này không?

  Khi Cụ này vãng sanh, nếu có VCD, xin quý đạo hữu đừng nên nghi ngờ nhé, mà hãy tiếp tay phổ biến rộng rãi, giúp cho nhiều người xem mà tỉnh ngộ đường tu.

  Tại Sydney Úc châu, có một cư sĩ, tên là ĐTH, mẹ của anh là cụ bà Dư Thị Ky, đã vãng sanh vào năm 2000. Bây giờ anh ta luôn luôn hộ niệm cho cha. Ngày ngày, gia đình anh đều có công phu niệm Phật. Đêm đêm, tự anh ta ngồi cạnh giường người cha để niệm Phật cho đến khi ông cụ ngủ thiếp rồi anh mới về phòng ngủ.

  Có ai hiếu thảo như anh này không? Có ai chuẩn bị cách hộ niệm cho người thân của mình vãng sanh chưa? Có thường khuyên cha mẹ mình niệm Phật chưa? Nếu chưa thì bắt đầu khuyên đi, tìm mọi cách mà khuyên. Nếu không khuyên, không biết hộ nệm, thì làm sao thấy được người vãng sanh?

  Khi ông cụ này vãng sanh, VCD, DVD tung ra khắp nơi, mong quý vị hãy coi kỹ tấm gương này mà học tập theo, hầu trọn đạo làm người đại hiếu. Hãy sang ra hàng ngàn VCD để giúp người biết Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh.

  Xin nhắc lại, in ra hàng ngàn VCD vãng sanh cho hàng ngàn người xem, chứ đừng lầm rằng hàng ngàn người vãng sanh đâu nhé!

  Mong cho nhiều người ngộ ra đạo lý nhiệm mầu, nhiều người được vãng sanh thành đạo.

  Đạo lý là: TÍN-NGUYỆN-NIỆM PHẬT VÃNG SANH.

  A-Di-Đà Phật

Diệu-Âm

(05/05/2009)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –