• Trang Chủ
  • 47. Vọng Tưởng Là Gì? Con Thường Mong Sớm Về Tây Phương, Như Vậy Có Phải Là Vọng Tưởng Không?

47. Vọng Tưởng Là Gì? Con Thường Mong Sớm Về Tây Phương, Như Vậy Có Phải Là Vọng Tưởng Không?

Share on facebook
Share on twitter

Hỏi: 2/ VỌNG TƯỞNG LÀ GÌ? CON THƯỜNG MONG CON SỚM VỀ TÂY PHƯƠNG, NHƯ VẬY ĐÓ CÓ LÀ VỌNG TƯỞNG KHÔNG?

Trả lời: Vọng tưởng, nói theo nghĩa rộng là đối tượng của Vô minh phiền não. Nghĩa này cao quá! Nói theo nghĩa bình dân của chúng ta, là nghĩ tưởng lung tung, bậy bạ.

Người không để tâm thanh tịnh, an lạc mà cứ nghĩ cái này, nghĩ cái kia, mơ điều này, mơ điều nọ, thích những chuyện xa vời, vượt quá tầm sức của mình, v.v.. đó là người sống trong vọng tưởng.

Ví dụ: Có người nghĩ rằng mình đã chứng đắc, thì ý nghĩ này là vọng tưởng! Cho rằng mình giỏi hơn người khác, (gọi là cống cao ngã mạn), là khởi sự cho vọng tưởng. Thích nói huyền nói diệu: Vọng tưởng. Lý luận lung tung: Vọng tưởng. Ham thích thần thông: Vọng tưởng. Thích có phép lạ: vọng tưởng. Cầu xin Phật hiện thân cho mình thấy: Vọng tưởng, v.v…

Còn việc niệm Phật cầu vãng sanh Tây-phương là nguyện theo lời Phật dạy. Làm đúng theo lời Phật thì gọi là “Y giáo phụng hành“, là Chánh-NguyệnChánh-Cầu, chứ không phải là vọng cầu.

Tâm tin tưởng vào Phật pháp thì không tin theo tà pháp khác. Tâm nghĩ về Tây-phương thì không nghĩ đến các vọng tưởng khác. Tâm niệm Phật thì khỏi niệm các vọng niệm khác. Đây gọi là Chánh-Tín, Chánh-Nguyện, Chánh-Hạnh.

Tha thiết nguyện vãng sanh là một trong ba điểm quan trọng của pháp niệm Phật. Ta phải giữ cái tâm nguyện này suốt đời. Lấy nguyện này làm chánh, thì các nguyện khác trở thành phụ, gọi là Trợ-Nguyện. Lấy niệm Phật làm Chánh-Hạnh, thì các việc khác là trợ-Hạnh, (tức là phụ thuộc).

Ví dụ, như việc làm thiện, làm lành, giúp người, bố thí, làm website Phật pháp, cúng dường, in kinh, ấn tống, phóng sanh, v.v… tất cả đều là trợ hạnh, trợ nguyện, làm để hỗ trợ cho việc vãng sanh. Có như vậy, lúc lâm chung tâm mình mới buông xả được vạn duyên, vững vàng, vui vẻ, an nhiên, một đường đi về Tây-phương Cực-lạc, không bị lạc.

Rất nhiều người tu hành đã mập mờ giữa CHÁNH và TRỢ, thường lấy trợ nguyện làm chánh nguyện, trợ hạnh làm chánh hạnh, thành ra suốt đời tu hành, rốt cuộc cũng không được thành tựu. Nói cho rõ hơn, vẫn không thể giải quyết vấn đề thoát ly sanh tử luân hồi!

Đây là vì sơ ý hoặc không hiểu thấu đáo mục đích chính của Phật pháp! Tệ hơn nữa, lấy phụ làm chính, lại tưởng vậy là đúng, dẫn dắt người khác chăm chú vào sự Trợ-Tu, đánh mất luôn Chánh-Tu, làm cho chúng sanh mất phần giải thoát, khiến họ tiếp tục trôi lăn trong lục đạo chịu cảnh vô thường.

Vi du, có người quan niệm rằng, tu hành là làm thiện. Họ chuyên chú giữ gìn năm giới, làm thiện, bố thí, giúp người. Nguyện như vậy rất tốt, chứ không phải xấu. Nhưng tu hành chỉ có như vậy thì đã đi theo đường “Bất-Liễu-Giáo“, tức là pháp tu không tròn vẹn, không thể thành tựu giác ngộ! Sau cùng, đến lúc lâm chung thì cái nguyện làm thiện này quá mạnh, nó trói cái tâm họ vào đó. Nguyện làm thiện quá mạnh, thì nguyện vãng sanh sẽ yếu, hoặc nhiều khi không có. Nhất thiết duy tâm tạo. Không nguyện vãng sanh thì không được vãng sanh. Làm thiện nhiều, thì nhiều lắm, họ cũng chỉ hưởng cái phước này mà thọ sanh ở trong ba đường thiện trong sáu đường luân hồi là cùng.

Tu hành không biết đường giải thoát, chỉ biết có làm thiện, tưởng vậy là đủ. Nhưng thực ra quá thiếu! Dù tu hành có giỏi cho mấy, cũng bị lọt lại trong vòng sanh tử vô thường. Dù họ có thể tái sanh thành người giàu có để hưởng phước. Nhưng Phật dạy, những người này chỉ biết tu phước báu Nhân-Thiên, không thể thành tựu đạo nghiệp!

Khi hưởng nhiều phước báo rồi thì không còn tu hành nữa. Trái lại, lại đâm ra hủy báng người tu hành, khinh thị người nghèo khó… Chính vì vậy mà tạo nghiệp rất lớn, để sau cùng bị quá báo nặng. Đây gọi là “Tam Thế Oán” vậy.

Phật dạy, quên phát tâm giác ngộ, mà lo làm việc thiện lành, thì việc thiện lành đó chỉ là nghiệp ma mà thôi. Tại sao vậy? Vì định nghĩa sự tu hành quá cạn cợt, không có tâm giải thoát tam giới, thì không có ngày vượt thoát cảnh sanh tử luân hồi. Chưa thoát tam giới thì chắc chắc, không trước thì sau, tất cả nghiệp chướng, phiền não chướng, oan gia trái chủ chướng phải trả, phải đền. Một khi đã đến giai đoạn phải đền trả thì rơi vào tam ác đạo rồi. Đây chính là “Nghiệp-Ma” vậy!

Cho nên, phải lấy nguyện vãng sanh làm Chánh-Nguyện, Niệm Phật làm Chánh-Hạnh, tin tưởng vững chắc đại nguyện của A-Di-Đà Phật cứu độ mình về Tây-phương một đời viên mãn đạo quả là Chánh-Tín. Còn tất cả các nguyện khác, hạnh khác, đều là Trợ mà thôi.

Tất cả những việc làm của mình hôm nay là đều nhằm vào mục đích: vãng sanh Tây-phương để thành đạo vậy.

 

A-di-đà Phật

Diệu Âm

(13/10/2008)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –