Cách hộ niệm của Tịnh Tông Học Hội

Share on facebook
Share on twitter

Cách trợ niệm của Tịnh Tông Học Hội

 Hỏi:

Sau khi tụi em niệm được vài tiếng, 3-4 giờ gì đó thì gia đình đó có mời một vị tới … vị đó tới thì bắt đầu đụng vào thân thể của người quá cố, tìm hơi ấm, vẽ chữ lên tay chân v.v…  Khi em thấy vậy thì nhóm tụi em liền rút lui ra về vì cảm thấy không hợp với phương pháp trợ niệm của Tịnh Tông Học Hội.  Sau đó em có nghe các đồng tu khác kể lại là vị đó dùng tay ấn vô trán của người quá cố suốt buổi, và lúc đó … CD lên mọi người niệm Phật theo, niệm rất nhanh…  Vì em cảm thấy phương pháp làm như vậy có thể ảnh hưởng tới việc vãng sanh…

 Trả lời:

Trên thế gian này có rất nhiều cách hộ niệm khác nhau. Diệu-Âm chỉ biết cách hộ niệm cho người lâm chung vãng sanh về Tây-phương Cực-Lạc của Tịnh-tông học hội, đây cũng là Phương pháp của chư Tổ Tịnh-Tông ứng dụng xưa nay cứu  người vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Phương Pháp này là sự ứng dụng kinh Phật một cách cụ thể, chính xác và rất đúng theo các kinh A-Di-Đà, Vô-Lượng-Thọ, Quán-Vô-Lượng-Thọ và các kinh đại thừa khác.

Còn những cách hộ niệm khác thì vì không biết cho nên không dám bàn tới!

Trước đây Diệu-Âm có đọc qua những cách gọi là “Trợ niệm” rất lạ lùng, ví dụ như người hộ niệm lấy tay chận động mạch máu chính ở cổ của người bệnh, chỉ cho phép máu chạy lên đầu, không cho máu chạy xuống dưới(?). Hoặc có cách hướng dẫn phải tạo một vết thương cho chảy máu để thần thức theo đó mà xuất ra(?), v.v… những phương cách này nghe qua quá nguy hiểm! Mất tự nhiên! Cũng không biết bắt nguồn từ đâu? Nên Diệu-Âm quyết định không dám theo!

 Có một sách khác viết ra, trình bày cho người bệnh nghe đến những cảnh giới rất ghê sợ! Những hình ảnh đó, người bình thường nghe đến nhiều khi cũng phải sợ rợn tóc gáy, huống chi là người sắp chết! Điều này thật trái với cách hộ niệm của Tịnh-độ tông. Tịnh-độ tông thì làm cho người ra đi an lành, vui vẻ, ứng theo kinh gọi là tâm bất điên đảo, còn ở đây thì ngược lại. Thấy vậy Diệu-Âm không dám theo.

 Có nhiều cách gọi là “Hộ niệm”, nhưng thực ra hình thức giống như một pháp chiêu hồn, lên đồng, pháp cầu siêu sau khi chết, v.v… chứ không phải hộ niệm vãng sanh.

 Có những pháp khác hộ niệm cho người chết, nhưng không chủ tâm giúp cho người sắp bỏ báo thân vãng sanh Cực-lạc quốc của Phật A-Di-Đà, mà họ chỉ nhắm đến việc giúp cho người chết thoát được cảnh giới xấu nào hay cảnh đó, rồi cầu cho người đó tái sanh trở lại làm người, hoặc các cảnh giới khác trong ba đường thiện…

 Tất cả những cách hộ niệm khác lạ này Diệu-Âm không biết rõ, nên không dám phê bình đến. Chư vị muốn biết phải tự tìm hiểu lấy. Nếu chưa thấu rõ những phương pháp đó ứng hợp căn cơ nào, trường hợp nào, mà chư vị vội vã đem ra áp dụng thì hậu quả đúng hay sai, quí vị phải tự chịu trách nhiệm lấy về vấn đề nhân quả. Trong đời Diệu-Âm đã chứng kiến tận mắt rất nhiều cuộc niệm Phật vãng sanh, thoại tướng tốt đẹp bất khả tư nghì, người ra đi theo A-Di-Đà Phật về nước Cực-lạc, thật đúng như kinh Phật dạy. Thấy vậy Diệu-Âm quyết lòng tin theo pháp hộ niệm của Tịnh-tông và nhiệt lòng tuyên dương pháp này để cứu người vãng sanh. Quyết lòng không dám thay đổi, cũng không dám hiếu kỳ hay bắt chước người khác để thí nghiệm những phương pháp lạ.

 Nhắc lại, phương pháp hộ niệm của Tịnh-tông là giúp cho người sắp xả bỏ báo thân niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nếu người đi làm được ba điều Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ, hơn nữa được trợ niệm cẩn thận thì hình như người nào cũng ra đi an nhiên, nhiều tướng lành hiện ra bất khả tư nghì. Dựa vào kinh mà ấn chứng, ta tin tưởng người đó được vãng sanh Cực-lạc. Hiện tại ở Việt-Nam hiện tượng này đã xảy ra khắp nơi, hàng ngày, thật là một cơ duyên thù thắng cho người Việt chúng ta vậy.

 Những điều cấm kỵ căn bản là trong vòng 8 giờ từ lúc tắt thở:

– Không được đụng chạm vào thân xác người chết.

– Không được hiếu kỳ sờ mó, thăm dò hơi ấm.

– Người thân không được khóc lóc, than thở bên cạnh thân xác.

 Trường hợp nêu ra trong câu hỏi này thì thân xác đã bị đụng chạm, bị vẽ vời, bị ấn vào trán để làm phép gì đó(?), v.v… nghĩa là bị đụng chạm quá sớm sau khi tắt thở. Đây là điều không hợp với cách hộ niệm của Tịnh-tông.

 Hỏi rằng, đó là phương pháp gì? Có đúng pháp hộ niệm không? Thần thức có được vãng sanh không? Có bị nạn gì không? Sẽ đi về cảnh giới nào? … Xin thưa rằng, Diệu-Âm không biết. Chỉ biết chư Tổ Tịnh-độ cấm làm như vậy, thì Diệu-Âm nói không nên làm! Thế thôi.

 A-di-đà Phật

Diệu Âm

(20/11/2008)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –