Coi chừng chó mèo
Hỏi:
Người được hộ niệm là một ông cụ 89 tuổi đã được hộ niệm gần 1 năm, mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 1 giờ. Ông vẫn còn tỉnh táo chỉ không đi được thôi và phát âm khó nên thường niệm thầm theo ban hộ niệm. Ông và gia đình đều rất thành tâm, nhưng gần đây ông hay bị hôn trầm trong giờ hộ niệm.
Bên cạnh ông luôn luôn có một con chó đi theo, bất cứ ai lại gần nó, nó đều không bằng lòng. Vì ban hộ niệm quen thuộc rồi nên nó không cắn. Như anh đã hướng dẫn trong các buổi nói chuyện về hộ niệm. Văn tập sợ chú chó sẽ là chướng ngại khi ông lâm chung.
Theo Anh trường hợp này thường xử lý như thế nào? (Ban hộ niệm và gia đình của ông cần làm những gì?)
Trả lời:
Cảm ơn Văn Tập, em đã hỏi một câu hỏi rất hay, rất đặc biệt, rất cần cho người đi hộ niệm và gia đình người bệnh, nhất là ở thôn quê Việt Nam.
Câu hỏi có mấy vấn đề riêng rẽ.
1) Ông cụ lâu nay tỉnh táo, nhưng gần đây lại hôn trầm trong giờ hộ niệm.
Có thể là gần đến giai đoạn cuối cùng nên ông thường rơi vào trạng thái hôn mê chứ chưa chắc là hôn trầm lúc hộ niệm đâu. Người nghiệp chướng nặng, trước lúc lâm chung khó tránh khỏi cảnh này. Không những hôn trầm, mà coi chừng nhiều khi bị oan gia trái chủ tấn công đến thất điên bát đảo trong tâm mà mình không hay đó! Đây là chuyện thường tình chứ không có gì đặc biệt.
Hãy khuyên gia đình ăn chay, phóng sanh, làm thiện, bố thí, cúng dường, niệm Phật, v.v… hồi hướng công đức cầu giải oan gia trái chủ, giải nghiệp cho ông. Thường lạy Phật, cầu tam bảo gia bị, và thành tâm thay cho ông sám hối nghiệp chướng. Tuyệt đối không sát sanh hại vật.
Nếu ông cụ nằm lâu năm quá, hãy chăm sóc kỹ một chút, có thể ông mệt mỏi quá mà sanh ra như vậy. Hãy xoa bóp các khớp xương, xoa lưng, các huyệt ở thái dương, sau ót, vai, bóp tay chân để máu huyết lưu thông tốt hơn. Xoa bóp trên đầu nhiều một chút để tránh chóng mặt nhức đầu, tránh hôn trầm. Nên cho uống nước nhiều một chút để khỏi bị thiếu nuớc mà kiệt sức. Ăn uống khỏi cần kiên cữ nữa làm chi (hẳn nhiên là ăn chay mới tốt nhé).
Khuyên ông cụ mau mau sám hối nghiệp chướng, ngày đêm niệm Phật cầu Vãng sanh. Mau mau buông xả, đừng lưu luyến gì khác, vì ngày giờ ra đi không còn xa nữa đâu. Con cháu trong nhà phải tích cực hỗ trợ đuờng vãng sanh cho ông cụ, nếu con cháu không hỗ trợ thi coi chừng bị trở ngại lớn đó.
Và, đây cũng là một bài học rất hay, người tu hành chớ nên ỷ lại. Bây giờ thì lý luận trên mây xanh, chứ lúc cuối đời thì coi chừng mê man bất tỉnh. Triệu triệu người tu hành, khó tìm ra một người thoát sanh tử là do chuyện này đây.
Vậy thì mau mau buông xả, đừng chấp, đừng chê, đừng luyến lưu, đừng tham sân si nữa. Hãy mạnh dạn buông tất cả xuống để tìm đường Vãng sanh về với Phật A-di-đà. Tất cả yêu thương, giận hờn, ganh ghét, v.v… trên đời này đều có duyên nợ cả. Người biết tu hãy biến tình yêu thành tri kỷ, biến thù hận thành bạn hiền. Hãy quyết lòng chuyển tất cả những duyên nợ này về Tịnh-độ hết đi, để chúng ta cùng nhau về Tây phương thành Phật độ chúng sanh thì hay hơn. Đây chính là vì chúng ta yêu thương nhau đó.
Đời là khổ, người tu hành biết khổ thì hãy mạnh dạn lìa khổ ra để đi về cõi Cực-lạc, đây gọi là “cát ái”, có lià bỏ ái nhiễm mới thoát ly Ta-bà, mới thoát được nghiệp, mới tránh được cảnh hôn mê ở giây phút cuối cùng.
2) Bên cạnh ông luôn luôn có một con chó đi theo, bất cứ ai lại gần nó đều không bằng lòng.
Đây là điểm chính của vấn đề. Nêu lên câu hỏi này rất hay.
Nếu Văn Tập đọc kỹ trong Khuyên Người Niệm Phật, thì có chỗ Diệu Âm đã nói đến vấn đề này rồi. Nhưng mấy ai đọc hết được bộ Khuyên Người Niệm Phật.
Nêu chuyện này ra để giúp cho nhiều người cùng biết, thì câu hỏi này thuộc về loại “Vì lợi ích chúng mà hỏi”, công đức vô lượng.
Nhiều người hộ niệm mà không chú ý đến chuyện này, nhiều khi công phu hộ niệm cả năm trường bị phá hỏng bởi môt con chó, một con mèo trong nhà. Thật đáng tiếc, và nhất là rất tội nghiệp cho người chết!
Ông cụ thương con chó, con chó thương ông cụ, nó cứ bám sát theo ông cụ để bảo vệ cho ông cụ, thì đây thật sự là một chướng ngại rất lớn cho đường V/S của ông cụ. Thương là “ÁI”, nhớ là “LUYẾN”. Luyến ái con chó thì thật sự là hiểm họa cho kiếp số của mình trong tương lai!
Trước khi hộ niệm, những lời dặn dò gia đình, có điều yêu cầu gia đình, nếu có nuôi chó, nuôi mèo, nói chung là gia súc, thì phải nhốt chúng lại, không được để chúng đi tự do, nhất là chó, mèo.
Nếu không nhốt được thì phải đặc biệt lưu ý coi chừng chúng, đừng để chúng lại gần, nhất là lúc lâm chung, vừa tắt hơi.
Hơn nữa, không được để chúng lai vãng trong suốt thời gian hộ niệm sau khi tắt thở cho đến khi thật sự an toàn vãng sanh.
Lưu ý: canh chừng không an toàn bằng nhốt lại. Ở đây không những không nhốt mà còn để con chó kèm theo sát bên người sắp chết thì thật là đại hiểm họa!
Nên nhớ, lúc tắt hơi xong, ta thì không thấy gì cả, chứ coi chừng con chó nó thấy rất rõ ông chủ nó đang làm gì, đang bị chướng ngại gì, đi đâu, có bị ai hà hiếp không, nó có thể thấy những hình ảnh mà ta không thấy v.v… Nó có thể phản ứng rất mạnh, nhanh chóng, hung dữ… không ai có thể cản ngăn nó được đâu. Ví dụ, nó nhảy vô vồ tới chụp cái xác, cấu xé cái xác người chết (thật ra là nó có thể hiểu lầm, hoặc còn nhiều nguyên do khác nữa…) nếu vậy, thì chắc chắn mất Vãng sanh, mà còn tạo cảm giác kinh hoàng cho người chết nữa, đưa đến chỗ đọa lạc. Hậu quả chắc chắn không tốt!
Cho nên, phải khuyên người nhà nhốt nó lại, nếu không nhốt được thì nhờ ban thú y họ cho thuốc mê trước để nhốt. Khuyên ông cụ phải biết xa con chó ra, không nhớ nó nữa. Lúc chết mà nhớ thương con cháu còn bị trở ngại thay, huống chi quyến luyến con chó!
Xin đừng để quá trễ!
Câu hỏi này cũng là dịp nhắc nhở người hộ niệm, khi hộ niệm phải chú tâm coi chừng mèo chó. Bên này xem chừng bên kia, nếu thấy có mèo chó tới thì đứng lên chận chúng lại, hay đuổi chúng đi.
A-di-đà Phật
Diệu Âm
(20/10/2008)