Hóa giải chướng ngại
Hỏi:
Ở chỗ cháu mọi người đang hộ niệm cho một ông khoảng 80 tuổi rồi, ông đang ở với con gái, mà con gái của ông làm nghề bán ăn sáng, hàng ngày sát hại rất nhiều con cua. Vậy khi mọi người đến trợ niệm thì có chướng ngại cho việc ông vãng sanh. Nếu có chướng ngại thì có cách gì để hóa giải chướng ngại này không ạ ?
Trả lời:
Sát sanh hại vật ảnh hưởng rất lớn đến việc vãng sanh. Người con sát nhiều cua như vậy cũng là một chướng duyên cho Cụ. Nhất là trong lúc hộ niệm mà tiếp tục sát hại sanh vật thì khó lòng cầu được sự cảm ứng.
Còn hộ niệm thì mình chỉ làm hết sức, và phải yêu cầu người nhà không được sát sanh trong suốt thời gian hộ niệm và 49 ngày từ khi người bệnh chết.
Muốn hộ niệm cho cha mẹ vãng sanh mà con cái tiếp tục giết sanh vật không thuơng tiếc, thì sự hộ niệm không có lòng thành. Hơn nữa sát sanh lúc hộ niệm coi chừng bị thêm nạn oan gia trái chủ, vì thù trước thêm oán sau, họ có thể đánh mạnh hơn nữa, thành ra việc hóa giải oán thân trái chủ khó thể thành tựu! Sát sanh chắc chắn là điều phải cấm cữ! Nếu người nhà không chịu ngừng tay thì chúng ta nhiều khi cũng đành phải từ chối hộ niệm vậy.
Vậy thì, người nhà phải ngừng sát sanh, phải thành tâm sám hối, thay vì tiếp tục sát sanh thì hãy thành tâm phóng sanh để chuộc tội. Hơn nữa, từ nay về sau đừng sát sanh nữa mới là tốt.
Hỏi:
Có một bạn đồng tu mới gia nhập ban hộ niệm, vì người này chưa hiểu rõ về đạo Phật nay muốn nhờ ban hộ niệm bốc mộ theo nghi thức nhà Phật, lại không muốn theo những ông thầy cúng. Như vậy ban hộ niệm có nên đi niệm Phật để giúp gia đình họ không , xin nhờ chú chỉ cho cách ban hộ niệm phải biết làm như thế nào trong trường hợp này ạ ?
Trả lời:
Diệu Âm chỉ biết khuyên người niệm Phật và hướng dẫn hộ niệm vãng sanh, không rành về việc bốc mộ. Xin hỏi quý Thầy thì hay hơn.
Thành thật không rành lắm, xin lỗi nghen.
Khuyên rằng, ban hộ niệm chỉ chuyên vào một chuyện duy nhất là hộ niệm cho người vãng sanh thì tốt nhất, những chuyện khác chớ nên xen vào, có vậy tâm chúng ta mới thanh tịnh và làm trọn tâm Bồ-đề thiêng liêng cao cả của mình.
Khi hộ niệm xong coi như xong nhiệm vụ. Nếu gia đình có mong cầu muốn chúng ta tiếp tục niệm Phật hồi hướng công đức, thì cũng có thể làm được, bằng cách mỗi bữa cộng tu gọi người nhà tới tham dự niệm Phật chung và sau cùng hồi hướng công đức cho người đó. Đây cũng là cách giúp cho gia đình kết duyên sâu hơn vào pháp môn Tịnh-độ.
Người nhà muốn ban hộ niệm hồi hướng công đức, nhưng họ không muốn tham gia công tu thì ta cũng nên hồi hướng công đức cho người ra đi, nhưng tâm người trong gia đình không thành, thì người đi cũng hưởng ít thiện lợi!
A-di-đà Phật
Diệu Âm
(25/11/2008)