• Trang Chủ
  • Khi hộ niệm, chúng ta nên niệm nhanh hay niệm chậm?

Khi hộ niệm, chúng ta nên niệm nhanh hay niệm chậm?

Share on facebook
Share on twitter

Nhanh hay chậm?

  Hỏi 1: Khi hộ niệm, chúng ta nên niệm nhanh hay niệm chậm? Theo như các tài liệu hộ niệm của TTHH Úc Châu thì chỉ niệm nhanh khi hành giả đang hấp hối và sau khi tắt hơi 1 lúc. Nhưng em lại không biết rõ ràng là phải niệm nhanh bao lâu. Có người thì lại niệm nhanh suốt 8 giờ.  Em thấy niệm như vậy rất là tổn hơi, khó mà duy trì lâu dài.  Xin sư huynh cho biết ý kiến.  Cũng có ý kiến cho rằng niệm nhanh để đẩy thần thức lên hướng thượng, thật ra em cũng không biết có đúng hay không nữa.

 Trả lời: Khi hộ niện cho người bệnh chúng ta nên niệm theo tốc độ của người bệnh là tốt nhất, nghĩa là người bệnh niệm chậm ta niệm chậm, người bệnh niệm nhanh ta niệm nhanh. Nếu người bệnh không có quyết định gì cả thì ta nên niệm theo Trung đạo”, nghĩa là không nhanh không chậm (cỡ chừng 2 giây 1 niệm là được), không cao quá cũng không trầm quá.

 Niệm 4 chữ A-di-đà Phật hay Nam mô A-di-đà Phật cũng tùy thuận theo người bệnh. Thông thường nên niệm từng tiếng rõ ràng là tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều người bệnh đã quen theo các âm điệu riêng thì mình cũng nên cố gắng niệm theo âm điệu của người bệnh.

 Nhưng khi niệm theo âm điệu, người hộ niệm phải rất cẩn thận, niệm tiếng rõ ràng, trong sáng, đừng nên kéo nhừa nhựa quá, hoặc âm thanh mờ đục. Niệm rõ để cho người bệnh nhận rõ được từng tiếng “A ….Di…Đà…Phật” chứ không phải “A….i…à….ật”, hay biến thành âm thanh xa lạ khác! Sự thực, trong nhiều kinh nghiệm hộ niệm Diệu Âm đã từng gặp qua trường hợp này, chứ không phải nói đùa. Nhất là những người ít công phu, niệm lâu quá, mệt mỏi, buồn ngủ, họ ngủ gục trong lúc đang niệm Phật, hoăc đôi khi đang nghĩ ngợi chuyện khác thành ra biến chữ A-di-đà Phật thành âm thanh khác liên quan đến điều họ đang nghĩ. Điều này nguy hiểm cho người bệnh vì họ sẽ chìm trong những cảnh giới lạ, không niệm Phật được.

 Khi người bệnh đang hấp hối, đang lâm chung, nên niệm rõ ràng từng tiếng, niệm chậm theo hơi thở, và niệm mạnh tiếng để họ cố gắng niệm theo. Lúc đang hấp hối mà người hộ niệm niệm nhanh quá thì người ra đi có thể nghe theo không kịp. Có thể, lúc người bệnh hắc hơi ra (sắp tắt hơi), cứ một hơi thở một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” hoặc “A-di-đà Phật”. Hoặc có người niệm như vầy, thấy người bệnh hắc ra một hơi thì niệm “A…“, hắc lần nữa thì niệm “DI…“, rồi “ĐÀ…“, rồi “PHẬT…“. Mỗi cái hắc hơi mỗi tiếng. Nói chung lúc hấp hối đều phải niệm chậm để nương cho người bệnh cố hết sức niệm theo mới tốt.

 Khi tắt hơi thì người hộ niệm bắt đầu niệm mạnh, nhanh hơn, đông người hơn một chút rất tốt. Niệm khoảng hai tiếng đồng hồ nên thay ca khác. Mỗi lần thay nên nhớ hồi hướng công đức cho họ. Khi thay ca, thì ca khác sẽ niệm, niệm chậm hay nhanh sau đó đều được, nghĩa là trở lại bình thường, tùy theo sức niệm chung. Chú ý nên niệm đều và thành tâm là được.

 Nên nhớ trong giai đoạn hắc hơi ra, người hộ niệm cần khai thị hướng dẫn, nhắc nhở người bệnh rằng, giờ xả bỏ báo thân đã sắp đến rồi, hãy vui vẻ lên, hãy buông xả tất cả, mau mau nhiếp tâm niệm Phật, chờ A-di-đà Phật đến tiếp dẫn. Đừng để ý đến bất cứ cảnh giới nào khác đang hiện ra, cứ nhiếp tâm niệm A-di-đà Phật, chỉ một lòng theo A-di-đà Phật vãng sanh, không theo bất cứ một ai khác, dù là Phật hay Bồ-tát, cha mẹ, v.v…

 Ngay lúc tắt hơi nên khai thị nhắc nhở liền, ngắn gọn như: Bác, Cụ, Anh… đã phải bỏ báo thân rồi, mau mau nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây-phương Cực-lạc”. Rồi tiếp tục niệm Phật mạnh lên.

Hỏi 2Lúc bình thường niệm Phật thì thật ra niệm chậm hay niệm nhanh là tốt?

 Trả lời: Tùy theo mỗi người. Đây thuộc về công phu. Có người cảm ứng với cách niệm thật nhanh, mỗi giờ niệm mười ngàn câu Phật hiệu mới nhiếp tâm thì tiếp tục niệm nhanh. Có người niệm chậm tha thiết mới cảm ứng thì cứ niệm chậm. Có người thích niệm theo máy thì niệm theo máy, có người thích niệm từng tiếng rõ ràng thì niệm theo từng tiếng rõ ràng. Tất cả đều được. Mỗi cách niệm đều có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Mạnh hay yếu hoàn toàn tùy theo cá nhân.

 Chư Tổ có để lại rất nhiều cách niệm là để đáp ứng với nhiều cách cảm ứng của người niệm Phật. Niệm chậm như pháp “Phản văn trì danh”, nghĩa là lắng nghe lấy tiếng niệm của mình để nhiếp tâm, phá tạp niệm. Niệm nhanh như “Kim cang trì danh” thì niệm rất nhanh, rất khẽ, không còn ra tiếng, lưỡi chỉ đánh đánh nhẹ vào hai hàm răng thôi, để những chuỗi câu Phật hiệu tiếp tục không rời, không để kẽ hở cho tạp niệm xen vào. Cách niệm này giúp cho người niệm Phật một ngày có thể niệm tới 40 ngàn, 50 ngàn, 100 ngàn… câu Phật hiệu.

Đây là những cách công phu, mình không nên chê bai hay bài bác một cách nào được. Mỗi người đều hợp theo một phương cách riêng để nhiếp tâm. Điều chính yếu là phải rõ ràng, trong sáng, từng chữ từng câu minh bạch, chứ không phải niệm lấy có, niệm dối.

Hỏi 3Sư huynh có nói khi cộng tu thì niệm Phật “địa trung” 4 lần, mỗi lần 20 phút, vậy thì khoảng giữa của mỗi lần thì làm gi? Có phải sẽ tĩnh tọa không?  Tại sao chỉ niệm có 20 phút mà không niệm lâu hơn?

 Trả lời: Địa chung chứ không phải địa trung.  Đây là phương pháp đã soạn sẵn cho một buổi cộng tu niệm Phật của Hội Tịnh Tông thế giới, phù hợp với thời gian ba giờ công phu mà thôi chứ không phải là quy tắc bất di bất dịch.

 Cách cộng tu ba giờ này có: tán Liên trì, tụng kinh A-di-đà, tụng chú vãng sanh, xướng tán Phật A-di-đà, Kinh hành niệm Phật (6 chữ), ngồi xuống niệm Phật (4 chữ), giữa hai thời địa chung thì có Tịnh niệm (nghĩa là niệm Phật thầm trong tâm).

 Trong ba giờ công phu, hầu hết thời gian là niệm A-di-đà Phật, nhưng cách cộng tu này khá uyển chuyển, người cộng tu được thay đổi tư thế thường xuyên, có lúc đi kinh hành, có lúc ngồi niệm theo địa chung, có lúc tịnh niệm, có lúc lạy Phật, có lúc buông thư (tức là lúc thư giãn cho khỏi mỏi năm phút) làm cho thời gian trôi qua rất nhanh, ai cũng có thể theo được, không chán. Rất hay!

 A-di-đà Phật

Diệu Âm

(19/11/2008)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –