• Trang Chủ
  • Nghi thức càng đơn giản càng dễ Vãng sanh

Nghi thức càng đơn giản càng dễ Vãng sanh

Share on facebook
Share on twitter

Nghi thức càng đơn giản càng dễ Vãng sanh

Hỏi:

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Xin hỏi:

Cô bạn này có một người Dì bi bệnh nằm nửa mê nửa tỉnh đã một năm nay. Gia đình lại chưa hiểu biết về Phật Pháp. Vì muốn cứu người Dì nên Cô đã cùng ban hộ niệm đến Kinh Địa-Tạng trong ba ngày (để chuyển nghiệp cho người bênh, sau đó nếu có chuyển biến mới chính thức hộ niệm). Sau mỗi thời đọc Kinh có phóng sanh và Cúng thí thực. Đối với Gia Đình thì cho xem những băng đĩa của chùa Hoằng Pháp.

Qua sự hướng dẫn của Anh và trong những buổi nói chuyện ở Niệm Phật Đường Tịnh Nghiêm. Văn Tập có nghe Anh  giảng, Hộ niệm cho một người các nghi thức càng đơn giản chừng nào thì ngươì đó càng dễ Vãng sanh. Chỉ đọc Kinh khi nào người bệnh yêu cầu rồi sau đó phải niệm Phật tiếp .


Trong trường hợp này Cô bạn của Văn Tập làm có đúng pháp không? Theo Anh phải làm như thế nào? Văn Tập kính mong Anh trả lời. Cám ơn Anh rất nhiều


Trả lời:

Bệnh về nghiệp chướng đọc kinh Địa-tạng Bồ-tát bổn nguyện tốt, phóng sanh hồi hướng công đức cũng tốt. Nhiều oan gia trái chủ họ cảm ứng với kinh Địa-tạng.

Đọc Từ bi thủy sám cũng tốt. Nói chung đọc kinh Phật đều có ảnh hưởng tốt cho người sắp chết.

Người nhà quyết định đọc kinh Địa-tạng ba ngày rồi bắt đầu hộ niệm, đây cũng là điều hay, không có gì trở ngại.

 Có nhiều oan gia trái chủ có cảm ứng với kinh Địa-tạng Bồ-tát. Đọc kinh này có thể hoá giải phần nào chướng nạn về oan gia trái chủ, và chư đẳng vong linh chung quanh.

 Còn việc quyết lòng cứu người vãng sanh thì phải chú trọng vào việc niệm Phật. Cần khai thị giảng giải để cho người bệnh hiểu mà phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh.

 Khi hộ niệm, thì chúng ta niệm Phật, dùng công đức niệm Phật mà hồi hướng cho oan gia trái chủ thì cũng có tác dụng tương tự như đọc kinh Địa-tạng. Nhưng niệm Phật có lợi hơn vì được phần vãng sanh. Nghĩa là, vừa tiêu bớt nghiệp, nếu nghiệp không hết thì cũng được đới nghiệp vãng sanh. (Đới nghiệp vãng sanh nghĩa là còn nghiệp nhưng mang nghiệp đi vãng sanh).  Còn tụng kinh Địa-tạng thì tiêu bớt nghiệp cho nhẹ bớt tội, nhẹ nhưng dễ gì hết, thành ra đành phải tùng theo nghiệp mà chịu sanh tử luân hồi. Có thể thoát địa ngục, chứ không được đới nghiệp vãng sanh Tây-phương, một đời thành tựu đạo quả.

 Cúng thí thực để hòa giải với chư đẳng vong linh cũng không sao. Cúng thí thực cũng là lòng từ bi thương xót chúng sanh, cũng vừa có hình thức lo lót, gỡ bớt những rắc rối từ chúng đẳng vong linh, chúng loại cô hồn, v.v… trong pháp giới.

 Nhưng cúng thí thực thường bị vướng vào cái lệ là phải cúng thường xuyên, vì chúng vong linh các nơi khác có thể tới, nếu tình trạng kẻ có người không đôi lúc cũng phiền hà! Sợ rằng chúng ta không có giờ, hoặc bận bịu đi làm, có ngày cúng, có ngày không cúng cũng tạo ra sự trở ngại về sau. Cho nên, cúng thí thực nên dành cho các chùa, miễu… họ làm thì hay hơn, vì ở đó có người thường trực cúng thí hằng ngày, chúng ta đem tiền tới cúng dường cho chùa, nhờ chùa họ làm.

 Tụng kinh Địa-tạng thì giống như niệm Phật. Hình thức có khác nhưng mục đích đều để hoá giải oan gia trái chủ, giải bớt nghiệp cho người bệnh. Có thể liệt kê ra vài điều cụ thể hơi khác sau đây:

 1/Tụng kinh thì cần phải có lòng chân thành trì tụng, lúc tụng phải thành khẩn nhiếp tâm vào lời kinh mới có hiệu dụng, nếu tụng không chân thành thì không có hiệu dụng lắm. Còn niệm Phật thì chỉ có sáu chữ nên rất dễ nhiếp tâm.

2/ Tụng kinh dài quá thường bị lộn, bị quên làm tâm dễ xao lãng, lo ra… còn niệm Phật thì không thể quên được, tâm không lo,  cho nên dễ nhiếp tâm niệm Phật, cầu Phật gia trì, tiếp độ, dễ dàng cảm ứng.

 3/Tụng kinh thì nguời bệnh không thể tụng theo được, khó hiểu được ý kinh và lời kinh. Còn niệm Phật thì người bệnh có thể niệm theo dễ dàng, hiểu dễ dàng.

 4/Tụng kinh rất khó khai thị, hướng dẫn, còn niệm Phật thì khai thị hướng dẫn thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, thấy chướng nạn xảy ra kịp thời khai thị, hướng dẫn, điều giải, vỗ tay, hoan hô, khích lệ… làm cho người bệnh lên tinh thần, thấy hết khổ, hết sợ chết, vui vẻ cầu vãng sanh.

5/Tụng kinh gieo duyên Phật pháp thì được, chứ trực tiếp cứu độ vãng sanh thì rất là phiêu phỏng. Còn niệm Phật thì trực tiếp cứu độ vãng sanh. Nếu niệm có yếu đi nữa thì cũng kết duyên Phật pháp. Như vậy, rõ ràng, niệm Phật thì có lợi hoặc ít ra cũng được huề vốn, còn tụng kinh nếu tốt thì được huề vốn còn không thì bị lỗ. Niệm Phật vẫn hay hơn.

 Nên nhớ, mười niệm tất vãng sanh là niệm mười câu Phật hiệu trước phút xả bỏ báo thân, chứ không phải tụng mười bộ kinh.

 Cho nên, lúc còn tỉnh táo thì có thể tụng kinh để vừa lòng người bệnh(!), tụng vài biến rồi niệm Phật cũng tốt chứ không có gì trở ngại, chứ còn cứ tiếp tục tụng kinh cho đến chết luôn thì coi chừng người chết bị lỗ vốn, vì họ không biết đường nào để vãng sanh! Không biết thì phải đành theo nghiệp thọ báo trong lục đạo thôi! Xấu tốt khó đoán lắm! Vì nên nhớ, oan gia trái chủ luôn luôn là mối nguy hại đáng sợ cho người chết. Nếu không biết điều giải, không dễ gì họ buông tha. Nghiệp chướng nặng nề, gỡ một đôi phần không thấm thía gì đâu!

 Nói tóm laị, niệm Phật có lợi lạc rất nhiều, tụng kinh cũng có lợi, nhưng không nhiều bằng niệm Phật.

 Cố gắng giúp cho nguời bệnh niệm được mười câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật lúc lâm chung cầu sanh Cực-lạc thì giúp họ vãng sanh thoát vòng sanh tử thật quí hoá vô cùng, thật là một đại ơn huệ cho họ. Chúng ta hãy cố gắng lên nhé.

 A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(15/11/2008)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –