Nguyện cầu cho đúng
Hỏi:
Hiện tại có một trường hợp này cháu không biết làm sao? Có một bệnh nhân tuổi đã 80 mà bệnh ung thư, ông cụ này không đi được, nhưng còn tỉnh táo và biết mọi chuyện nhưng ông ấy không hiểu về phương diện niệm Phật. Con cháu trong gia đình muốn ông ấy có được hộ niệm cho ông . Ông có ý định trong lòng: “Ông cụ này rất thương người vợ đã mất và quyết lòng đi tìm vợ khi đã qua đời”.
Con không biết bắt đầu làm sao, khi ông cứ cố quyết lòng như vậy?
Trả lời:
Người còn chấp chuyện thế gian nhất định khó được giải thoát. Khó giải thoát thì chắc phải chịu đọa lạc. Đó là tại chính mình mê muội nên đành chịu vậy thôi!
Người trước khi chết mà quyết chạy theo người chết thì chắc chắn phải chết. Chết thì kinh khủng lắm! Vì chết là bị đọa lạc. Người chết trước bị nạn, người sắp chết muốn theo đường đọa lạc nữa thì làm sao được vui vẻ, tự do?
Vợ có nghiệp của vợ, chồng có nghiệp của chồng. Nghiệp khác nhau thì thọ báo khác nhau, khi chết làm sao có thể gặp nhau? Mà dù có gặp nhau đi nữa thì ở trong cảnh khổ đau đọa lạc cũng đành ngậm đắng nuốt cay, sống dở chết dở, nhìn nhau mà khóc, mà chịu phũ phàng ân hận ngàn năm. Càng ân hận càng khổ đau, lúc đó biết mình đã vụng dại cũng đã quá muộn màng!
Người vợ đã chết, có thể đang bị khổ đau. Trong cảnh khổ ấy, người vợ đang mong đợi ngày đêm người chồng tìm cách cứu mình ra. Người chồng là niềm hi vọng cứu độ cho vợ, vậy mà người chồng không chịu tìm cách cứu vợ ra, lại muốn chui vào chỗ khổ nạn để chịu chung số phận đọa đày. Sao mà nghĩ sai lầm vậy?
Một người bị tù cứu còn dễ, hai người bị tù thì cứu càng khó. Cùng nhau vào tù thì ai cứu được ai đây? Người bị đọa lạc trông người thân được giải thoát để cứu mình, người chưa chết không chịu tìm đường giải thoát để cứu người thân, lại muốn chui vào chỗ khổ để cùng bị đọa đày. Chẳng lẽ gặp nhau để khóc than mà vui sao?
Người mê mờ cứ đâm đầu vào chỗ chết. Ông bà, cha mẹ, vợ con cứ dắt nhau nhảy vào hầm lửa để cùng bị thiêu đốt. Xưa nay có ai bị vậy mà được thoát nạn đâu?
Cho nên, Hải hãy cố gắng khuyên ông cụ mau mau niệm nam mô A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Cực-lạc, về được Tây-phương Cực-lạc rồi mới có khả năng gặp người vợ đã chết của cụ đang bị nạn ở nơi nào mà tới đó cứu. Còn nếu cụ nhất định muốn tìm người vợ đã chết thì nhất định cụ bị khổ nạn, dễ lâm vào cảnh lang thang không nhà không cửa, không nơi nương tựa trải qua hàng ngàn vạn năm đó. Tội nghiệp lắm! Đừng nên sơ ý.
Cố gắng khai thị, nói rõ điều lợi hại cho ông cụ biết. Hãy nói vững vàng, rõ ràng để cho cụ giựt mình tỉnh ngộ, mau mau thay đổi ý niệm sai lầm. Chính cụ phải đổi ý niệm, tha thiết cầu vãng sanh thì mới có thể vãng sanh. Có được vãng sanh thì mới có thể thành tựu đạo quả, mới có khả năng cứu độ người thương, thân nhân.
Vãng sanh Tây-phương không khó, tin tưởng, phát nguyện vãng sanh và thành tâm niệm Phật thì được. Nói với gia đình cùng nhau khuyên nhắc, chớ có nghi ngờ.
Cụ phải có lòng tin sâu sắc vào lời Phật dạy thì được thôi. Lời đức Phật A-Di-Đà thề rằng, ai nghe danh hiệu Ngài mà tin tưởng, vui vẻ, niệm danh hiệu Ngài cầu vãng sanh về nước Ngài thì dẫu niệm mười niệm (trước khi xả bỏ báo thân) cũng được Phật đến tiếp dẫn về Tây-phương, hưởng đời sung sướng vô lượng. Phật dạy như vậy xin cụ phải tin tưởng, đừng nghi.
Nguyện vãng sanh phải thật tha thiết, chứ không được nguyện dối. Tha thiết muốn vãng sanh thì phải buông bỏ tất cả những ý muốn khác, không được sợ chết, không được nhớ con cháu, không được muốn theo vợ.
Tin tưởng vào lời Phật dạy và tha thiết cầu vãng sanh thì được cảm ứng, lúc đó cất lời niệm câu Phật hiệu thì đời này được vãng sanh, thoát khỏi tất cả khổ nạn, sanh về cõi Phật A-Di-Đà thành tựu giải thoát.
Còn nếu không chịu nghe theo lời này, cứ muốn chạy theo đường đọa lạc, thì sau khi chết khó tránh khỏi nạn, ngàn đời vạn kiếp bị đọa lạc khổ đau! Không ai cứu được đâu.
Về phần gia đình, con cháu của cụ phải hỗ trợ tích cực về việc hộ niệm. Nếu con cháu không chịu tin tưởng Phật pháp, không hỗ trợ cho việc vãng sanh Cực-lạc, lại cứ đem chuyện thế gian ra ai ủi, vỗ về, tham sống sợ chết, cầu cho được sống thêm, v.v… thì thật là khó giải quyết.
Hộ niệm là con cháu trong những lúc chăm sóc, phải chú tâm khuyên nhắc cụ niệm Phật, và cùng niệm Phật với cụ, cầu xin cho cụ được vãng sanh, Bất cứ trường hợp nào cũng thành tâm cầu cho cụ được Phật A-Di-Đà phóng quang đến tiếp dẫn. Nhất định không có tư tưởng sầu khổ, buồn lo, than khóc…
Đừng để người hàng xóm, người quen thân tới lui thăm lom, nói điều tiêu cực mà làm lạc tâm người bệnh.
Rất chú trọng việc phóng sanh lợi vật, làm nhiều việc thiện lành để hồi hướng công đức cho cụ. Thường ngày gia đình cần nên lạy Phật, niệm Phật, thành tâm thay cho người bệnh cầu xin sám hối nghiệp chướng, v.v… rồi hồi hướng công đức cho cụ, hồi hướng cho oan gia trái chủ, cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ, để hóa giải ách nạn, cầu cho cụ vãng sanh. (Xem thêm các video vãng sanh để biết cách điều giải).
Nhất định phải tìm mọi cách thuyết phục cụ thay đổi ý niệm, thay vì muốn đi tìm người chết thì giờ đây hãy một lòng một dạ niệm A-Di-Đà Phật, cầu vãng sanh. Đây là điều tối quan trọng. Nếu cụ không chịu thay đổi thì việc hộ niệm sẽ thất bại. Cần dùng nhiều thiện xảo, tâm lý, vui vẻ… khuyên nhủ, khai thị…
Lòng thành tất linh ứng. Nên nhớ chỉ cầu vãng sanh, không được cầu hết bệnh. Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ thì tự nhiên được hưởng đại lợi lạc. Nghĩa là, cụ sẽ được tỉnh táo vui vẻ hoặc sẽ vãng sanh nếu thân mạng đã mãn, hoặc là sẽ hết bệnh nếu số phần chưa hết. Nếu sơ ý cầu nguyện sai cách thì cụ sẽ bị thêm ách nạn, khó tránh miễn khổ đau về sau.
Đọa lạc hay Cực lạc đều ở chính ý niệm của cụ thôi.
Chúc Cụ sớm ngộ đường giải thoát. Chúc Hải thành công.
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm
(05/03/2009)