Thân nhân cần biết quy luật Hộ Niệm
Hỏi:
Người được hộ niệm là một bệnh nhân bị bệnh Ung Thư ở giai đoạn cuối. Khi được hộ niệm người này đã phát tâm tha thiết cầu vãng sanh. Nhưng khi lâm chung người nhà đã đụng đến thân thể rồi mới gọi Ban hộ niệm. Sau khi được hộ niệm 12 giờ đồng hồ thì phải liệm. Ban hộ niệm thăm hơi nóng có kết quả như sau:
– Ở ngực Ấm nhất.
– Ở đỉnh đầu không lạnh như những chỗ khác.
Như kết quả trên thần thức của người được hộ niệm đã xuất ra khỏi thân chưa?
Trả lời:
Sau 12 giờ mà thấy hơi ấm ở ngực chứng tỏ người đó không được vãng sanh về Cực lạc. Nếu gia đình thành tâm nên hộ niệm thêm, cố gắng khai thị hướng dẫn giúp cho thần thức hiểu đạo mà nhiếp tâm niệm Phật cầu vãng sanh thì cũng có thể chuyển đổi hoàn cảnh.
Trong vòng mới tắt hơi, chưa đủ tám giờ mà người nhà đụng chạm vào thân xác là điều không tốt, có thể gây chướng ngại lớn cho thần thức không được an ổn ra đi. Hơn nữa, người bệnh dù có phát tâm tha thiết nhưng trong đời ít tu hành hoặc gần chết mới được hộ niệm thì cũng khó xóa được nghiệp, thì lúc lâm chung chưa chắc đã chịu đựng nổi nghiệp khổ báo đời, oan gia hãm hại, thành ra tinh thần chưa chắc đã vững vàng thoát khỏi các ách nạn.
Thần thức còn vướng trong thân xác khi có nhiều điểm nóng trên thân. Nếu thấy điểm nóng ở một vùng lớn hay nhiều chỗ còn ấm thì đừng nên nhập quan vội, không tốt. Trong lịch sử người chết một vài ngày rồi sống lại không phải ít.
Khổng Giáo khuyên ít ra ba ngày mới chôn cất. Trong Phật giáo thì chư Tổ khuyên nên để bảy ngày mới thiêu hoặc chôn mới tốt. Đây là điều bảo đảm, khỏi bị sơ suất vì sự hồi dương.
Người tình chấp sâu nặng thường cứ bám vào cái xác rất dễ bị hại.
Hỏi:
Người được hộ niệm cũng bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối đang hấp hối. Là một Phật tử nên đã thực hiện đầy đủ TÍN NGUYỆN HẠNH. Khi lâm chung vẫn còn niệm Phật và ra đi trong tiếng Niệm Phật của ban hộ niệm.
– Sau 7 giờ hộ niệm thì bị xen tạp vì người nhà không thông suốt đã để một ban hộ niệm khác đến hộ niệm bằng micro, QUAY PHIM, RỌI ĐÈN, v.v… hoàn cảnh lúc đó rất hỗn tạp.
Trong trường hợp này ban hộ niệm phải xử lý như thế nào? Hộ niệm tiếp tục hay đình chỉ việc hộ niệm để ra về .
Trả lời:
Trước khi hộ niệm cho một người cần phải làm việc cụ thể với gia đình. Nếu gia đình không chịu những điều kiện của ban hộ niệm, thì xin đừng phan duyên.
Trường hợp này là do ban hộ niệm chưa làm việc cẩn thận, rõ ràng, mới đưa đến tình trạng lỡ cỡ khó xử về sau. Thôi rút kinh nghiệm, mất lòng trước được lòng sau. Phải ra điều kiện trước để khỏi bị phiền sau vậy.
Hiện có nhiều nhóm hộ niệm không biết đã dựa theo phương pháp nào, đã thực hiện nhiều cách không đúng pháp đúng lý, như dùng dao búa, dùng đèn, dùng chú, làm phép này nọ, v.v… Có nhiều người dùng cách cầu siêu để hộ niệm. Tất cả những điều này gây trở ngại cho người chết, họ bị mất phước phần vãng sanh.
Phải dặn dò trước, hễ người nhà không làm đúng cách thì mình nên lặng lẽ ra về, chứ không có cách nào khác hơn.
Chụp hình, lóe đèn, quay phim mà chiếu đèn vào người chết, ồn ào, náo loạn… đều không tốt. Muốn quay phim thì phải thật yên lặng, không được chen qua chen lại để quay, không được làm động tâm người hộ niệm. Nhất là, không được động tâm người bệnh.
Quyết định cấm chỉ chuyện chụp hình là hay nhất. Không được dùng đèn pha vào mặt người bệnh hay thân xác để quay phim… Người quay phim không được kéo dây điện lê thê làm ồn hoặc vướng bận người hộ niệm…
Hộ niệm không phải hát cải lương, đâu phải diễn kịch, thì đâu cần phải la lớn tiếng đến nỗi phải dùng micro, hệ thống âm thanh! Việc này nhất định không tốt!
Nếu người nhà không tuân chỉ, không chịu tạo khung cảnh trang nghiêm. Nghĩa là, họ không tha thiết muốn người thân của họ được phước phần giải thoát, thì người hộ niệm cũng đành chịu thua. Vui vẻ bái chào ra về, chớ nên phiền lòng hoặc miễn cưỡng vậy.
Nhiều người cũng muốn ban hộ niệm tới hộ niệm, nhưng khi tắt hơi thì tìm cách làm hô hấp nhân tạo, ép ngực, đụng chạm vào thân xác… thì có hộ niệm tốt, cũng không thể thâu được kết quả tốt đâu.
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm
(10/03/2009)