• Trang Chủ
  • 54. Làm Sao Có Thiện Căn? Làm Sao Tu Phước Báu?

54. Làm Sao Có Thiện Căn? Làm Sao Tu Phước Báu?

Share on facebook
Share on twitter

(28/01/2009)

Hỏi 4:
… Thật rất tiếc KN đã không có phước để biết anh sớm hơn, vì khoảng đầu tháng 8/2005 Ba KN & KN cùng với … có đi một vòng thăm vài trại mồ côi quanh Saigon mà lại không nghe … nói gì về kinh nghiệm của vấn đề trợ niệm, sau đó không lâu thì Ba KN mất và tụi KN lại 1 lần nữa lỡ 1 việc làm nghiêm trọng này, để đến bây giờ luôn mang trong lòng tội bất hiế’u & nỗi ân hận dày vò đến rướm máu!

… Nên last month, khi nghe được cuốn “Khuyên người niệm Phật” của anh, gia đình KN buồn lắm, mấy đứa em KN in ra rất nhiều đem đưa hết cho các thầy và các sư cô nhiều chùa rồi nhắc tất cả phải nghe cho kỹ để còn làm đúng như vậy hầu mang lại lợi ích cho người mất. Ngay cả thầy … cũng đang xin một số CD này.

Hầu hết ở đâu … cũng vậy, khi Má KN mất KN đi … xin một lời khuyên là KN và gia đình nên làm gì để người mất được lợi ích thì 2/3 khuyên đọc kinh Địa Tạng, 1/3 khuyên đọc Kinh A Di Đà. Duy nhất “spirit” của Má KN là khuyên tụi KN niệm A Di Đà Phật và … khuyên nên phóng sanh và làm lễ trai tăng để hồi hướng.

KN có nói với chi. QThiện KN muốn tham dự vào Đạo Tràng của chi. QT & KN đang sắp xếp thời gian.

Trả lời 4:

Một người trong một đời này có phước phần được hộ niệm lúc lâm chung không phải là sự ngẫu nhiên, mà do cái nhân lành tu được trong nhiều đời liếp trước. Cho nên, được vãng sanh suy cho cùng cũng đều có nhân quả.

Chúng ta đều dựa vào nhân và duyên của một người mà giúp họ hưởng cái quả báo tốt đẹp mà thôi.

Tin được pháp môn niệm Phật khó lắm! Một người khi gặp pháp niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ mà không tin là chuyện thường. Vì con người trong thời này rất thiếu thiện căn. Chính vì thiếu thiện căn đã xui khiến họ nghi ngờ pháp Phật, không chịu nương theo lời Phật dạy.. Ngược lại, những sự lý luận thường tình của người thế gian lại hấp dẫn họ. Ví dụ: có người nói rằng, sống mà không lo chuyện thực tế, lại cứ nghĩ đến chuyện hão huyền trong tương lai làm chi? Hoặc, nếu có Tây phương thì Chư Phật còn phải tu vô lượng kiếp mới về tới đó để thành đạo quả thì đâu có lý do gì một phàm phu niệm Phật một đời mà có khả năng mơ tới, v.v.. và v.v…

Không tin vào câu Phật hiệu là do thiếu thiện căn. Thiếu thiện căn thì dù tu tập có hay cách nào đi nữa nhiều khi vẫn chỉ lòng vòng trong những thứ phước báu hữu lậu, giả tạm của thế gian, chứ khó có thể thoát vòng sanh tử trong đời này.

Người thiếu thiện căn cho thế giới Tây-phương là hão huyền, nhưng không ngờ chính họ đang bám vào những điều quá hão huyền để tiếp tục chịu sự huyễn mộng vô thường đắng cay! Đây chỉ vì mê mà mất cơ hội giải thoát vậy!

Điều con người đang nghĩ đang thấy là quá giả tạm mà ít ai ngộ ra! Khi chết đi rồi tự họ sẽ biết thế nào là thực tế, nhìn nấm mồ hoang lạnh trong nghĩa điạ mới biết thế nào là huyễn mộng. Người mê muội mới nghĩ rằng chết là hết. Người giác ngộ phải hiểu rõ rằng cái xác thì rã nát dưới ba tấc đất, nhưng chính con người đó đang bị thảm nạn khổ đau trong các cảnh khổ nào đó chứ không phải hết!

Những cái mà hôm nay họ cho là thực tế, thì thực tế này chỉ là những thứ huyễn mộng, vô thường! Bên cạnh, những điều Phật dạy thì họ lại cho là huyễn mộng, vô thực, xa vời… thì cái xa vời ấy lại là rất thực tế mà họ phải chịu đựng qua hàng vạn kiếp!

Cho nên, sự khác biệt chính ở chỗ mê hay ngộ! Mê cũng ở tại tâm, ngộ cũng ở tại tâm, chứ không phải là những thứ hào nhoáng khoe ra ngoài!

Mong cho nhiều người sớm ngộ ra đạo lý giải thoát. Đừng để quá muộn màng! Tội nghiệp lắm!

Vì nhiều người còn mê trong cái giả tạm nên không biết đường đi, thành ra Khánh Ngọc mới “đi một vòng … mà không nghe ai nói gì về kinh nghiệm của vấn đề trợ niệm, sau đó không lâu thì Ba KN mất và tụi KN lại 1 lần nữa lỡ 1 việc làm nghiêm trọng này, để đến bây giờ luôn mang trong lòng tội bất hiếu & nỗi ân hận dày vò đến rướm máu!…”, Nghe Khánh Ngọc nói mà Diệu Âm cũng đành ngẹn ngào!…

Nhiều người tu học Phật mà không tin lời Phật, không truyền bá ý Phật. Ngược lại cứ đi truyền bá những thừ tư tưởng, học thuật, kiến giải… của chính mình, của thế gian. Thậm chí có người suốt cả một đời tu học theo Phật giáo mà không hề hay biết những điều chính yếu của Phật dạy trong đạo giải thoát giác ngộ!

Đã có nhiều lần Diệu Âm nói chuyện về hộ niệm, khi nghe đến điều này, có người đã ân hận, đã khóc nức nở, hoặc nghẹn ngào rơi lệ, … Họ tâm sự như vầy:
– Tôi đã làm điều sai lầm với người thân của tôi rồi!
– Nếu như tôi nghe được những lời này sớm hơn 2 tháng thì tôi cứ được mẹ tôi rồi;
– Tôi tu hành đến nay đã 40 – 50 năm… mà chưa từng nghe qua những điều hết sức quan trọng này!…
– v.v… và v.v.

Thật là khổ cho chúng sanh!

Có người có phước báu thì thiếu thiện căn. Có người có thiện căn thì thiếu phước báu.

Người có phước báu, thì đường tu trôi chảy, ít chướng ngại, rất dễ tu hành, thuận lợi nhiều mặt. Khi tu được thì họ vội tưởng vậy là đầy đủ. Nhưng có ai ngời rằng, có phước báu mà thiếu thiện căn thì đời này dễ tu phước, khó tu huệ. Huệ không tu thì trí huệ khó phát sinh, mập mờ đường thành đạo.

Người có thiện căn thì trí huệ phát sinh, tin lời Phật dạy, biết đường giải thoát trong một đời này. Nhưng có trí huệ, có thiện căn mà thiếu phước báu thì đường tu cũng thường bị chướng ngại, nhiều sự cản trở, thành ra đường thành đạo cũng có khó khăn.

Chính vì vậy nên chúng ta cần tu cả Phước lẫn Huệ mới tốt.

Vậy xin hỏi, làm sao có thiện căn? Trong kinh Phật dạy, “Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn”. Thiện căn ở tại niềm tin. Có thiện căn thì tin lời Phật, tin lời Phật thì tăng trưởng thiện căn. Hãy nhìn vào tín tâm mà biết được thiện căn của một người.

Làm sao tu phước báu? “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Công đức phước báu nằm ngay ở lòng tin. Người nào cho rằng mình không đủ phước báu, thì hãy nuôi dưỡng niềm tin vào pháp niệm Phật thì tự nhiên phước báu sẽ tăng trưởng. Phước tăng thì thiện căn cũng tăng theo, “Phước chí,Tâm linh”. (Thành tâm tu phước thiện, thì tâm hồn cũng linh thông). Như vậy chính niềm tin là nguồn gốc tạo thiện căn và phước báu. Người có niềm tin rồi thì nhờ đó mà được tăng trưởng thiện căn và phước báu lên.

Khi nhìn những hiện tượng xả bỏ báo thân, chúng ta có thể nhận thức khá rõ ràng.

Một người dù ít tu hành, nhưng cuối đời phát tâm tin tưởng vững vàng vào pháp niệm Phật và trì giữ câu Phật hiệu mà niệm là nhờ nhiều thiện căn kết tụ lại mà có. Người cuối đời được cơ duyên gặp thiện trí thức nhắc nhở, khai thị, hộ niệm, họ niệm Phật mà vãng sanh là nhờ có phước báu trong nhiều đời kiếp trước tu được đưa đẩy đến.

Thiện căn nhiều thì tin tưởng mạnh. Phước báu lớn thì lúc xả bỏ báo thân hưởng được nhiều sự an nhiên, bớt phần đau khổ. Người đủ cả thiện căn và phước đức thì ra đì an nhiên và được vãng sanh một đời viên mãn giải thoát.

Còn nhiều người tu hành tự thấy mình giỏi, vội tự mãn với những chứng đắc(?) của mình, không tin vào pháp niệm Phật… sau cùng thường bị mờ mịt, không biết tương lai sẽ như thế nào?!

Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là người lười biếng cũng được vãng sanh. Xin đừng ỷ lại rằng mình có nhiều thiện căn phước đức mà coi chừng bị vướng phải chông gai.

Người cẩn thận tu phước tu thiện sẽ dễ tạo nên cái duyên thù thắng để sau cùng có cơ hội được hộ niệm, niệm được câu Phật hiệu vãng sanh Cực lạc.

Tuy nhiên, cũng nên nhớ điều này, người chết được an lành mà không biết đường vãng sanh thì nhờ hưởng phước mà được thiện chung đó thôi, họ vẫn thường phải đầu thai lại trong sáu nẻo luân hồi, chưa có phần giải thoát! Cho nên, chết an lành không hẳn là được đắc đạo hay được vãng sanh. Rất nhiều người đã hiểu lầm điều này!

Người có thiện căn, nhưng nếu thiếu phước báu thì khi xả bỏ báo thân khó được an nhiên, có thể họ chịu nhiều đau đớn. Nhưng nếu họ được hộ niệm cẩn thận, ý chí kiên định niệm phật cầu vãng sanh, thì họ cũng có cơ may vãng sanh. Hộ niệm thật sự là đại cứu tinh vậy.

Nhiều người lý luận rằng, một vị nào đó đã tu hành khổ cực suốt đời mà chưa được vãng sanh Tây-Phương, thì làm sao một người bình thường chỉ cần được hộ niệm mà có thể vãng sanh? Đây là vì người đó chỉ nhìn thấy Nhân-Quả hạn hẹp riêng trong một đời này, chứ chưa hiểu rằng “Nhân quả thông ba đời”.

Ba đời là quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ là vô lượng kiếp trong quá khứ, hiện tại là đời này, tương lai là vô lượng kiếp trong tương lai.

Quả báo tùy theo cái duyên mà có thể là hiện báo, sanh báo, hay hậu báo. Hiện báo, hay còn gọi là “Hoa báo”, là nhân đời này hưởng quả trong đời này. Sanh báo là nhân đời này hưởng quả trong khoảng 1,2,3 đời sau. Hậu báo là quả báo hưởng được từ cái nhân trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ.

Người niệm Phật vãng sanh không ngoài ba cái nhân quả này. Hơn thế nữa, được Phật lực gia trì nên thành tựu nhanh chóng, viên mãn.

Vì nhờ cái nhân trong vô lượng kiếp trong quá khứ mà hiện tại họ hưởng cái quả giác ngộ giải thoát này mà thành đạo, để tương lai vô chung họ đi cứu độ chúng sanh. Lúc đó họ mới biết rõ thế nào là tu hành trong vô lượng kiếp.

Người thiếu cái nhân lành trong quá khứ thì thường mất phần giải thoát trong đời này, để tương lai bị trầm luân trong sáu đường sanh tử. Đây là trường hợp một chúng sanh mãi mãi không bao giờ biết được quá khứ của họ là sao?

Nhiều người tu hành mà thiếu mất niềm tin vào lời Phật dạy, làm cho thiện căn phước báu trong nhiều đời kiếp không kết tụ lại được. mặc dầu, đôi khi họ đã có rồi. Đây là vì hoặc vô tình hoặc mê muội, hoặc bị ma chướng gạt, làm họ lãng phí mất thiện căn phước đức của họ để tương lai đành tiếp tục trôi lăn trong sáu đường đau khổ!

Tất cả ở tại niềm tin. Tin tưởng vững chắc thì có cái điểm hội tụ tất cả thiệu căn phước đức trong vô lượng kiếp để làm cái nhân vãng sanh Tây-phương Cực-lạc trong đời này vậy.

Tất cả đều do tâm tạo. Cực lạc hay đọa lạc ở ngay tại tâm. Ngài Trung Phong quốc sư nói, A-Di-Đà Phật là tâm ta, tâm ta là A-Di-Đà Phật. Cực lạc là đây, đây là cực lạc thế giới, chính là đạo lý này.

Nhiều người luận giải đạo lý duy tâm quá siêu hình, quá triết lý, quá cao siêu, quá bóng bẫy… làm cho chúng sanh mê mẫn vào lý luận đó. Nhưng khổ thay, càng mê thì càng mờ mịt, càng mờ mịt thì càng mông lung, càng mông lung thì không có hướng đi nhất định, không biết đâu để nương tựa! Đến khi chết họ tiếp tục cảnh mông lung đó mà đành phải tùng nghiệp thọ nạn.

Người không biết phương pháp hộ niệm, khi đối diện với người lâm chung thì họ chẳng biết gì để khuyên, chẳng biết đâu để hướng dẫn?! Thôi thì đành chờ người đó thọ nạn trước rồi tính sau?!

Đau khổ thay! Mỗi lần thọ nạn thì một chúng sanh phải chịu nạn vạn kiếp khổ đau! Thật quá tội nghiệp!

Chính vì vậy, người biết đạo phải lo tự cứu lấy mình, chớ nên sơ ý nương nhờ vào ai mà phải ân hận vạn kiếp. Tất cả đại lý giải thoát đã được Phật dạy rõ ràng minh bạch. Trong kinh điển, Phật dạy chúng sanh trong thời mạt pháp này hãy quay về niệm Phật để thoát luân hồi. Người niệm Phật quyết cầu vãng sanh Tịnh-độ thì được vãng sanh thành đạo Vô thượng. Đây là tất cả những gì tha thiết nhất của đức Thế-Tôn đã để lại cho chúng sanh.

Nghĩa là, Niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc chính là chỗ nương tựa vững chắc cho chúng ta vậy.

Diệu Âm.
(28/01/09)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –