• Trang Chủ
  • 55. Làm Sao Giảng Giải, Khuyên Răn Cho Chồng Con Và Mẹ Chồng Cùng Niệm A Di Đà Phật? Vì Họ Là Người Mỹ.

55. Làm Sao Giảng Giải, Khuyên Răn Cho Chồng Con Và Mẹ Chồng Cùng Niệm A Di Đà Phật? Vì Họ Là Người Mỹ.

Share on facebook
Share on twitter

55. Làm Sao Giảng Giải, Khuyên Răn Cho Chồng Con Và Mẹ Chồng Cùng Niệm A Di Đà Phật? Vì Họ Là Người Mỹ.

 

Hỏi 1:
Làm sao giảng giải, khuyên răn cho chồng con và mẹ chồng cùng niệm A Di Đà Phật? Vì họ là người Mỹ.

Trả lời:

Thật khó khăn lắm đấy! Người Mỹ họ sống theo hiện thực, thích về những gì cụ thể trước mắt, ít khi chấp nhận những hiện tượng xa vời..

Sống lên trong môi trường khoa học vật chất cao, hưởng thụ nền khoa học vật chất, văn học hiện thực, họ rất khó cảm ứng đến những chuyện sanh tử luân hồi, nhân quả báo ứng, thế giới mông huân, vãng sanh Tây-phương, v.v… Thành ra rất khó giúp họ khai ngộ.

Thôi thì, nếu đạo hữu có tâm cứu giúp họ thì khi làm được chút công đức nào thì âm thầm hồi hướng cho họ cầu cho họ được cơ duyên tỉnh ngộ đạo pháp.

Về phương tiện thì nên tìm cơ hội gieo duyên lành. Ví dụ, khi có đi phóng sanh thì nên rủ họ đi theo để coi chơi cho vui. Nếu người có thiện căn nhiều, khi nhìn thấy mình phóng sanh lợi vật có thể làm họ khơi dậy tâm từ bi… Khi đi chùa thì rủ họ theo…

Đặc biệt, nếu có dịp niệm Phật, nhất là hộ niệm thì mời họ đi theo và khuyên họ thành tâm cầu nguyện cho người bệnh. Họ muốn cầu gì đó thì cầu, còn mình thì giảng giải cho họ biết rằng mình cầu Phật A-Di-Đà (Amita Buddha) tiếp dẫn người bệnh sau khi chết được về Tây-phương (Western Pureland). Khuyên họ bắt chước niệm theo âm: “A-Di-Đà Phật”, có thể một ngày nào đó sẽ cảm ứng.

Khi có người vãng sanh thì giảng sự vãng sanh cho họ nghe, kèm theo video để làm chứng cho sự ra đi tuyệt vời này(!), khác với cách chết khác. Đây là nhờ sự cứu độ của Phật A-Di-Đà. Dẫn dụ dần dần thử coi, chứ có cách nào khác hơn.

Một điều chú ý khác, người Âu Mỹ thường thích ngồi thiền hơn là niệm Phật, vì hầu hết họ thấy rằng ngồi thiền có thể giúp ích cho sức khỏe, giúp giảm bớt những sự căng thẳng trong đầu, làm tâm an nhàn một chút, hoặc dễ thấy được một vài điều kỳ lạ nào đó. Còn chuyện vãng sanh thì xa vời quá, lâu quá, đợi đến lúc chết mới đi vãng sanh, ít ai đủ kiên nhẫn chờ, v.v…

Hơn nữa, có thể còn ham sống sợ chết! Chờ chết làm chi? Biết bao giờ chết đây? Kiếm vài điều hay hay trước không hơn sao. Hồi giờ có thấy ai chết mà vãng sanh đâu? v.v…

Cũng có thể, nhiều người Mỹ hiểu lầm vãng sanh giống như sanh lên cõi “Trên”, cõi Trời, cõi Thần… chứ không phân biệt rõ các cảnh giới như người học Phật Á Châu. Họ cứ tưởng Phật A-Di-Đà giống như một vị thần linh nào đó, như các tôn giáo khác thường nhắc đến, chứ có gì đâu đặc biệt. Mỗi nơi kêu một tên khác, vậy thôi.

Điều khó khăn khác, giảng về Phật pháp phải có đủ từ ngữ, hầu hết người VN nói tiếng Mỹ không cách nào nói sâu sắc được. Cho nên, bảo giúp một người Mỹ hiểu Phật pháp rất khó vậy.

Trong kinh Phật dạy, thế trí biện thông là một ách nạn cho người học Phật. Người Mỹ đầu óc thực tế, lại có nền khoa học kỹ thuật cao, cho nên tâm của khó có thể chuyển hướng về đường tâm linh cao được. Cũng có một số người Mỹ tu học Phật, nhưng cách tu học của họ khác với người học Phật chân chánh. Ở họ có thể thiên về: “Khoa học Phật giáo”, hoặc là “Triết lý Phật giáo”.

Khoa học Phật giáo là người nghiên cứu Phật giáo đã lường lọc kinh sách của Phật theo tấm kính khoa học. Nghĩa là, điều gì hợp với khoa học thì họ tuyên dương, không hợp với khoa học, hoặc khoa học chứng minh không được thì họ loại bỏ. Đáng tiếc! Khoa học là nghiệm chứng, thuộc về vật chất vô thường. Phật pháp là tâm chứng về sự thật của pháp giới. Hai điều khác nhau.

Loại khoa học này thường định nghĩa Phật giáo như một thứ đạo đức học, hay hội đoàn thiện lành để khuyên người làm lành lánh ác, làm điều tốt để tạo nên mẫu người thiện lương, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, thế thôi.

Triết lý Phật giáo thì ngược lại, thuần về học thuật, tư tưởng, duy tâm, khai thác những tư tưởng triết học có tính trừu tượng, cao siêu. Những hiện tượng như học thuyết, triết học, văn thơ bóng bẫy, tư tưởng siêu vượt,… có thể đại diện cho phái này.

Ngoài ra có thể còn thêm một loại khác nữa là hạng nguời hiếu kỳ thích điều huyến bí, ảo diệu, thần thông. Loại này thường nghiêng về dị đoan mê tín, thần học, cầu phép thần kỳ đặc dị. Họ đã coi Phật giáo như một thứ quỷ thần đạo.

Tất cả những hình thức đó không thể gọi là Phật giáo chân chính được. Nói chung, người hiểu Phật pháp theo đúng nghĩa của Phật pháp rất khó tìm ở người Âu Mỹ.

Thôi thì cái gì cũng tùy duyên của chúng sanh.

Riêng cô Dung, một khi hiểu được sự vãng sanh là thực rồi thì tự mình phải lo cho chính mình là điều quan trọng. Đừng nên thấy người khác không tin mình bỏ đường giải thoát. Nếu tâm không kiên cố thì dễ bị thối lui. Lui tuốt tới chỗ khổ nạn, đời kiếp tương lai rất khó có cơ hội gặp lại câu Phật hiệu để cầu thành Phật đó..

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –