61. Như Thế Nào Là Tu Theo Một Vị Thầy?

Share on facebook
Share on twitter

NHƯ THẾ NÀO LÀ TU THEO MỘT VỊ THẦY?

Hỏi 3: … con tự biết mình thuộc vào hạng hạ căn, nhưng may mắn thay lại được biết niệm Phật nhờ đĩa Khuyên Người Niệm Phật của cư sĩ, theo sự chỉ dạy của một vị Thầy thì mới hy vọng thoát khỏi sanh tử luân hồi…

Trả lời 3:

Hạng hạ căn cần suy tính thật kỹ để có cách tu hành đứng đắn theo căn tánh của mình. Lời Phật dạy, người căn tánh hạ liệt nên nương theo đại từ đại lực của Đức Di-Đà mới mong có ngày thành tựu.. Câu nói “theo sự chỉ dạy một vị thầy” chẳng qua là phụ nghĩa cho sự chuyên nhất trong đường tu tập.

“Theo một vị thầy”, nên hiểu là sau khi mình đã lựa chọn thật kỹ, đã biết người nào thật sự là “Thiện Tri Thức” rồi, mới dám y theo tu học.

Ai sẽ là người thiện trí thức? Hãy tìm cho được người giảng giải thật chính xác nghĩa kinh của Như-Lai, đã có thành quả tu học, đã hướng dẫn nhiều người thành tựu, cách hướng dẫn của người đó cụ thể, thích hợp với chính mình, mình thực hành theo cách hướng dẫn đó thì an tâm và thấy rõ đường thành tựu… thì người đó sẽ là thầy của mình. Phải bám sát theo người đó mà y giáo phụng hành. Đó gọi là “một vị thầy duy nhất”.

Và cũng phải nhớ điểm này, “Chọn một vị Thầy duy nhất hoàn toàn không có nghĩa là phỉ báng, chê bai những vị thầy khác. Người thường chê bai người khác, nhất định không thể là người chân chánh tu hành. Theo một vị thầy, nghĩa là nhất định phải theo một người chân tu, thực tu, chánh tu, chứ không thể đụng đâu theo đó.

Mỗi người có một căn cơ riêng, duyên phần riêng. Tất cả phải tùy duyên. Ta có một vị thầy để y giáo phụng hành là do duyên của chính ta, chứ không phải là chấp trước. Nghĩa là, không được theo duyên của ta mà phá duyên người khác, dù cho duyên của người khác có yếu hơn cũng không được phá.

Riêng chính ta, tu hành nhất định đừng sơ ý chạy theo cảm tình. Về xã giao thì chúng ta phải tôn trọng, lịch sự, lễ phép, cung kính. Còn đường thành đạo nhất định phải vững một đường đi. Không thể chạy theo thị hiếu của số đông, đừng lấy cảm tình mà tu. Nên nhớ, nếu sơ ý bị đọa lạc thì chính mình phải hứng chịu mọi quả báo, không ai có khả năng cứu độ mình được.

Nên nhớ, người giảng giải hay, lý luận giỏi, triết lý cao siêu… chưa chắc là người hay đâu nhé.

Người tu hành nên biết ứng dụng thực tế, cụ thể, chính xác lời dạy của Phật trong kinh, có thế mới cứu được chính mình, và mới mong cứu được một chúng sanh thành đạo.

Cụ thể, trong các pháp tu, niệm Phật là pháp cụ thể, dễ dàng, thích hợp với căn tánh hạ ngu như chúng ta. Vậy thì, ta nên nương theo pháp niệm Phật để tu.

Tuy nhiên, người tu theo pháp niệm phật mà chỉ khai triển chung chung, chưa hẳn đã cứu giúp được một người vãng sanh Cực-lạc. Vì sao vậy? Vì, nên nhớ kỹ, thời mạt pháp chúng sanh tội chướng quá nặng, căn trí mê mờ… hướng dẫn không cụ thể, không chính xác, không biết giựt mình từ những kinh nghiệm của sự thất bại mà sửa đổi kịp thời, thì hậu vận của người tu hành cũng thật khó được tốt đẹp hơn vậy.

Nói cụ thể hơn nữa, người niệm Phật tự mình phải cố gắng tinh tấn, nhưng xin đừng quên nghiên cứu thật kỹ phương pháp hộ niệm. Hộ niệm lâm chung là sự hộ trợ rất tích cực cho người học Phật được phước phần vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, thành tựu đạo quả.

Hộ niệm không phải là cầu siêu. Rất nhiều người học Phật, nhưng không biết cách hộ niệm. Cứ chờ người ta chết, rồi đến đọc kinh cầu siêu. Cho rằng tụng kinh cầi siêu, sau đó lo chuyện hậu sự, giúp đỡ đám tang, gọi là hộ niệm. Hoàn toàn đã hiểu lầm!!

Hộ niệm là niệm Phật, giảng giải cách vãng sanh, yểm trợ tinh thần, giúp người niệm Phật giữ vững niềm tin, giữ vững tâm nguyện tha thiết được vãng sanh Cực-lạc, và cố hết sức trì giữ câu A-Di-Đà Phật để niệm cầu xin Ngài phóng quang tiếp độ! Hộ niệm từ lúc còn đang khỏe mạnh, trước khi chết và hộ niệm luôn sau khi tắt hơi (ít ra 8 giờ).

Chết rồi mới tính, thì không thể gọi là hộ niệm một cách đúng nghĩa được.

Nhắc lại, Hộ niệm không phải là cầu siêu. Xin đừng lầm lẫn.

Diệu Âm

(08/04/09)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –