• Trang Chủ
  • 74. Người Được Vãng Sanh Có Cần Lập Bàn Thờ Để Cúng Giỗ Hàng Năm Không?

74. Người Được Vãng Sanh Có Cần Lập Bàn Thờ Để Cúng Giỗ Hàng Năm Không?

Share on facebook
Share on twitter

Cúng giỗ người Vãng Sanh

Hỏi:

A di đà Phật.

Minh Châu gửi lời vấn an sức khỏe cư sĩ Diệu Âm , MC hơi thắc mắc là khi những người đã được vãng sanh thì mình chỉ cần tưởng nhớ tới người thân mình nên mình cầu siêu và phóng sanh cho thân nhân trong vòng 49 hoặc 100 ngày , rồi sau đó mình có cần thiết phải cầu siêu cho họ nữa không? Và có cần lập bàn thờ để làm giỗ cho thân nhân mỗi năm không? Vì người được vãng sanh đã theo Từ Phụ A Di đà rồi . Xin cư sĩ giải thích cho MC được hiểu thêm. Cảm ơn cư sĩ nhiều.

Triệu Kim Ngọc (Minh Châu)

Trả lời:

Chúng ta, người Phật tử thường tới chùa dâng hương, hoa quả cúng Phật. Phật đâu dùng những thứ đó. Vậy mà mình vẫn cúng. Mình thành tâm lễ Phật, lạy Phật, niệm Phật… Phật đâu cần những chuyện này. Nhưng ta vẫn làm.

Cầu siêu 49 ngày, 100 ngày, phóng sanh, làm các việc lành hồi hướng cho người ra đi, đây là sự tự nguyện của người còn sống. Việc làm này thể hiện lòng hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà cha mẹ đã ra đi, thể hiện tâm thương kính trước sau như một.

Con cháu có nghĩa, có hiếu thì nên thành tâm làm. Nếu quên tình quên nghĩa thì bỏ. Tất cả đều do tâm của con cháu có thành kính hay không.

Nếu người thân bị chết, (nghĩa là không được vãng sanh Cực-lạc), Chắc chắn họ bị kẹt trong sáu nẻo luân hồi. Tệ hơn nữa, hầu hết bị lạc trong ba đường đọa lạc. Con cháu hãy thường tưởng người thân mà thành tâm cầu siêu cho họ. Đây là điều phải làm, rất cần. Hãy chí thành chí kính mà làm đi, đừng nên hỏi đi hỏi lại rằng có linh không? Có thiêng không? Có ích gì không?… Dù kết quả có được viên mãn hay không thì chúng ta cũng không nên bỏ qua. Vì đây là tâm hiếu kính.

Nếu người thân được vãng sanh, thì ta cũng vì tâm hiếu kính mà làm cho trọn phận làm con cháu, đừng nên ngại ngùng. Tất cả những nghi tiết về tụng kinh niệm Phật để cầu siêu, Các việc thiện lành, phóng sanh, v.v… chúng ta cũng nên làm và cố gắng làm với lòng chí thành chí kính để hồi hướng công đức cho họ.

Sau đó, nhân ngày giỗ kỵ ta vẫn nên tổ chức niệm Phật, tụng kinh, trai chay thanh tịnh để hồi hướng công đức và tưởng niệm người đã vãng sanh. Việc làm này rất tốt, rất có lợi.

Tại sao vậy?

– Một là vì lòng kính thương, hiếu nghĩa. “Hiếu dưỡng phụ mẫu” là điều đầu tiên Phật dạy.  “Hiếu” thuộc về xuất thế gian, “Dưỡng” thuộc về thế gian pháp. Phải chu tất khi người còn sống cũng như lúc khuất bóng.

– Hai là nhờ vậy mà họ được dự phần cao phẩm hơn.

– Ba là hồi hướng cho một vị ở cõi Cực lạc công đức sẽ lớn vô cùng, nhờ công đức này mà sau này duyên phận giữa ta với họ càng sâu càng nặng, họ không thể không cứu ta, (tính kỹ mà!),

– Bốn là, nói vãng sanh là xét về sự tướng mà nói, chứ chính chúng ta chưa chứng đắc, chưa có đủ đạo nhãn, thì làm sao dám bảo đảm 100%…

Vậy thì phận làm con cháu phải cẩn thận tối đa, phải thận trọng hành theo đúng pháp mới an tâm, mới tránh được những sơ suất, khỏi bị ân hận về sau.

Thực tế, những việc làm này cho người quá cố thì ít mà  cho chính ta thì nhiều, chính ta đều hưởng hầu hết công đức, còn người đã ra đi chỉ hưởng một phần thôi. Nếu tâm có thành cho mấy đi nữa, dù muốn đem công đức hồi hướng hết đi nữa thì người được hồi hướng chỉ có thể nhận được 1/7 là cùng, còn tất cả chính ta hưởng hết.

Nếu người được vãng sanh Cực lạc, họ đã thành Bồ-tát, thành Thanh Tịnh đại hải chúng rồi. Tình thực mà nói, các Ngài đâu cần chút công đức của ta. Ta có cúng giỗ, tưởng niệm, cầu siêu, lập bàn thờ cho họ hay không, không phải là điều quan trọng đối với họ, mà chính là rất quan trọng đối với chúng ta.

Chính chúng ta rất cần công đức của họ, muốn được quả báo như họ. Muốn đuợc vậy, thì ta phải có lòng chí thành cúng dường công đức lên cho họ.

Tại sao vậy? Thành tất linh. Lòng chân thành của chúng ta sẽ cảm ứng được sự gia trì của các Ngài. Ta không có lòng thành, các Ngài gia trì không được. Đây là sự thật.

 Tất cả đều do chính tâm của chúng ta tạo nên. Tâm chúng ta có “CẢM” thì các Ngài có “ỨNG“. Tâm chúng ta không “Cảm” thì các Ngài không “Ứng” được. Tâm Phật tịch tịnh, chỉ độ được người hữu duyên, không bao giờ phan duyên. Vì vậy, sự cảm ứng đạo giao phải do chính tâm của chúng ta khởi trước. Đây là ý nghĩa: “Nhất thiết duy tâm tạo” vậy.

Chân thành cúng dường, tức là CẢM. Công đức cúng dường sẽ được hồi đáp lại cho chúng ta, tức là ỨNG.

Ta cúng dường lên các Ngài bằng công đức của một người phàm phu, các Ngài hồi đáp lại cho chúng ta bằng công đức của một vị Bồ tát. Công đức của Bồ tát sẽ lớn vô lượng vô biên. Nhờ sự hồi đáp này mà ta hưởng biết bao nhiêu phước lợi, nhờ công đức này mà ta hóa giải được vô lượng tội chướng. Rõ ràng, vô tình, chúng ta đang làm một cuộc trao đổi: “Một vốn – Tỷ lời”. Thế gian chưa có món lợi nào sánh bằng.

Trong kinh Phật nói, thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Chúng ta quỳ trước bàn thờ Phật, thành tâm cúng dường lên các Ngài một câu Phật hiệu, thì các Ngài liền hồi đáp cho chúng ta một cái ân đức bằng sự hóa giải ách nạn đến 80 ức kiếp nghiệp tội sâu nặng.

Tội giảm thì phước tăng. Nhờ phước này chúng ta mới vượt qua được ách nạn mà vãng sanh Tây-phương, chứ tự hỏi thử, thân phận một người phàm phu tội trọng như chúng ta làm sao có khả năng vượt thoát sanh tử luân hồi đây?

Lòng thành cúng dường một chúng sanh phước đức đã lớn. Cúng dường một vị A-La-Hán Bích-Chi Phật phước báu sẽ lớn hơn, hưởng cả trăm kiếp không hết. Cúng dường một vị Bồ-tát công đức sẽ vô lượng. Cúng dường một vị Phật thì công đức này trở thành vô lượng, vô biên, bất khả thuyết, bất khả tư nghì.

Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta vì tham công đức của họ mà mình cúng dường, mà chính tâm thành kính tự nó có công đức. Người tham lam không bao giờ đạt đến tâm thành kính đâu. Các Ngài biết hết. khỏi lo bị lỗ, bị hớ.

Vậy thì, khi người thân khuất bóng, dù được vãng sanh hay không thì chúng ta cũng nên nhân ngày giỗ kỵ mà thiết lễ tụng kinh, niệm Phật, làm việc thiện lành để hồi hướng công đức cho họ.

Đối với người chưa được siêu sanh thì nhờ đó mà được giảm tội tăng phước, giúp họ có cơ duyên siêu sanh. Đối với người đã được siêu sanh, thì chính lòng thành của chúng ta sẽ được hồi đáp bằng những công đức lớn vô lượng. Nhất định có lợi, lợi người, lợi ta, không có gì phải ngại ngùng.

Nhân ngày giỗ kỵ tụng kinh niệm Phật hồi hướng cầu siêu đã tốt, còn hằng ngày đều niệm Phật, tụng kinh, làm việc thiện lành, thường phóng sanh lợi vật, ngày ngày hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ, tứ thân phụ mẫu, bà con quyến thuộc, cho tất cả oán thân trong nhiều đời nhiều kiếp, cầu nguyện cho họ sớm được Phật lực gia trì liễu thoát sanh tử thì lại càng tốt hơn nữa. Vừa trả tròn tứ ân, vừa cứu khổ tam đồ, vừa giải được oán thù từ oán thân trái chủ.

Hãy đem lòng chí thành cầu nguyện cho tất cả đều được vãng sanh Cực-lạc quốc.

A-di-đà Phật

Diệu Âm

(19/06/2009)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –