CÓ NHIỀU TRƯỜNG HỢP NGƯỜI CỐ CHẤP VÀO GIỚI MÀ GÂY NÊN TỘI.
Hỏi: Điều thứ nhất:
Thành kính tri ơn Sư huynh đã thảo cho Qui tắc tu học của NPÐ. Em vừa gởi cho Tịnh Hạnh để có thể sớm áp dụng. Em cũng sẽ forward cho NPÐ Tịnh Liên lấy làm qui tắc cho việc tu học.
Có vài điều chưa thông suốt xin sư huynh chỉ dạy:
1/ Người phật tử, nếu bị bệnh nhiễm trùng bắt buộc phải dùng kháng sinh mới có thể khỏi bệnh, nếu không có thể tử vong. Nếu uống kháng sinh tức là đồng ý sát hại vô số vi trùng, trái với tâm từ (có vị cho như vậy). Không uống có thể uổng mạng, một khi việc vãng sanh chưa nắm chắc! Vấn đề này nên làm sao đúng pháp?
Trả lời:
Bệnh phải uống thuốc, không uống thuốc mình chết mất làm sao? Chết rồi thì tâm Bồ đề của mình ai hoàn thành đây? Không lo cho chính mình, không điều trị chẳng lẽ tự tử à? Tự tử, Phật không cho phép.
Giới có Khai, Già, Trì, Phạm.
Khai: là uyển chuyển cho hợp với đời, với đạo, với hoàn cảnh. Phải dung thông, không được bế tắt. Trì giới mà không hiểu đạo lý này thì càng trì giới bao nhiêu càng lộn xộn bấy nhiêu! Ngài Tuệ Trung nói: “Trì giới kiêm nhẫn nhục, chiêu tội bất chiêu phước” (dịch chữ: Trì gìới và nhẫn nhục thì làm nên tội chứ không có phước), nghĩa chính là, nói lên người trì giới và nhẫn nhục nhưng không biết uyển chuyển, lại cố chấp nên gây nên tội. Chứ Ngài không phải bảo ta bỏ giáo giới, bỏ đức nhẫn nhục đâu.
Có nhiều trường hợp người cố chấp vào giới mà gây nên tội, đây là sự thật.
Như vậy, có nhiều trường hợp, chúng ta cần phải cân nhắc lợi hại để quyết định. Một quyết định có lợi cho chúng sanh nhiều hơn hại, thì nên làm. Đó là khai giới. Ví dụ, một con cọp thoát khỏi sở thú, đang vồ chết nhiều người. Quyết định dứt khoát, mình phải cứu người, nhiều khi đành phải giết con cọp. Vì cứu người mà đành giết cọp, chứ không phải có tâm giết con cọp. Đây là khai giới chứ không phải phạm sát giới.
Giun lãi trong bụng đứa con, đang làm hại đứa con, mình vì cứu đưa con mình đành phải dùng thuốc trị lãi để cứu đứa con, đó là khai giới.
Bệnh swine flu giết người, truyền nhiễm từ người này qua người khác. Gặp người bị bệnh cúm heo mà không cho uống tamiflu, không chữa trị kịp thời, thì hại chết người đó, và còn hại thêm biết bao nhiêu người khác. Người vô lương tâm như vậy làm sao là người tu hành được. Hiểu giới sai lầm thì làm bác sĩ, Bs bị mất bằng, là bệnh viện thì bệnh viện phải đóng cửa, là người tu hành thì người tu hành bị bệnh tâm thần, là người thế gian thì người thế gian này sẽ bị chết la liệt. Người chết queo hết thì đạo Phật cũng không còn chỗ đứng để khai đạo cứu nhân độ thế đâu!
Cho nên, làm đúng pháp là, trước khi làm nên niệm Phật hồi hướng công đức cho chúng sanh trước. Thành tâm làm điều này cho con lãi, cho con vi trùng… cầu cho chúng sanh thoát thân súc vật để thành người lo tu hành để giải thoát. Hay hơn nữa, cầu cho tất cả chúng sanh nương theo công đức này mà siêu sanh thành Phật trước. Hồi hướng xong rồi uống thuốc vậy.
Giải thích thêm:
Già: là ngăn ngừa, tránh các duyên dẫn tới phạm giới;
Trì: là cố gắng gìn giữ, gặp một điều phân vân không biết chọn cách nào, thì dựa vào giới ra mà chọn;
Phạm: là cố tình phạm giới (chứ không phải khai giới).
A-di-đà Phật
Diệu Âm
(22/06/2009)