• Trang Chủ
  • 76. Người Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Cái Gì Là Chánh Hạnh, Cái Gì Là Trợ Hạnh?

76. Người Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Cái Gì Là Chánh Hạnh, Cái Gì Là Trợ Hạnh?

Share on facebook
Share on twitter

Chánh hạnh, trợ hạnh phân minh

 

Hỏi: Điều thứ hai

2/ HT Tịnh Không, trong Tam thời hệ niệm hay nhắc lại lời dạy của Tổ Ấn Quang về Qui tắc tu học cho Ðạo tràng trong thời mạt pháp: 20 người, quanh năm chỉ niệm Phật, không làm pháp sự… Nhưng khi có tai nạn… Ngài lại dạy đọc tụng Tam thời hệ niệm, hoặc làm pháp hội. Vậy chúng ta nên hiểu và làm như thế nào cho đúng lới dạy của ngài ?

 Trả lời:

Niệm Phật là chính mình phải chuyên trì để chắc chắn được vãng sanh. Trong hướng này, kiểu đạo tràng nhỏ và thanh tịnh của Ấn Quang đại sư là tốt nhất để người niệm Phật được thành tựu trong thời mạt pháp này.

Còn tụng tam thời hệ niệm để cứu vong nhân thoát nạn, cầu siêu cho chúng đẳng vong linh, cầu tiêu tai giải nạn cho thế giới. Vì thế giới hiện giờ tai nạn xảy ra nhiều quá. Hãy cố gắng cứu tai nạn của chúng sanh.

Việc đầu là tự mình giải thoát, việc thứ hai là cứu chúng sanh. Vì thấy nhiều người khổ quá nên lương tâm người tu hành bất nhẫn, quá thương hại, vì lòng từ bi mà phải làm vậy. Đem công đức này hỗ trợ cho việc vãng sanh, cũng giống như làm thiện làm lành, phóng sanh, bố thí là Trợ Hạnh, tạo thêm phước hồi hưóng Tây phương. Người phàm phu tu hành cầu vãng sanh như chúng ta luôn luôn phải lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh.

Người tu hành mà cứ chăm chăm làm việc bố thí, giúp người, làm phước, làm thiện mà không lo việc vãng sanh thoát vòng luân hồi sanh tử thì đường tu bị sai lầm, vì dù làm thiện có tốt cho mấy cũng chỉ là phước báo nhân thiên là cùng, không thể thoát ly tam giới. Ngài Tĩnh Am nói rằng, thiện nghiệp càng lớn, sanh tử càng nặng, không thể thoát ly sanh tử luân hồi. Đây là ý nói đến loại người chuyên tu phước báu, không lo chuyện thành đạo.

Còn cứ lo tu hành giải thoát mà gặp lúc chúng sanh bị ách nạn mình làm ngơ không cứu, thì tâm từ bi quá yếu. Vãng sanh thì sau này ra sao chưa tới, hiện thời mà vô tình, vô lương tâm với chúng sanh thì quá thiếu trách nhiệm của một người tu. Thiếu tình thương thì thiếu phước đức, thiếu phước đức thì rất chướng ngại khi lâm chung. Nhiều chướng ngại, thì cũng khó được an nhiên vãng sanh vậy.

Cho nên, tùy duyên mà bất biến. Tùy duyên là nếu mình có khả năng làm thiện thì nên tham gia, cứu người, góp chút công đức để cứu tại nạn của chúng sanh. Tùy duyên là tùy sức tham gia, chứ không phải nặn óc, tính toán mà làm đến nỗi phải chóng mặt nhức đầu, phiền não.

Nếu không có phương tiện thì nhất tâm niệm Phật rồi hồi hướng công đức cũng được. Niệm Phật là điều bất biến, không thể thay đổi, không thể vì lý do gì mà bỏ niệm Phật.

Điểm chính vẫn là, dù sao, đường vãng sanh của mình phải bảo đảm mới được. Không nên vì lo quá nhiều chuyện mà chính mình mất phần vãng sanh. Như vậy thà mình vãng sanh trước rồi cứu độ chúng sanh còn hơn!

Ví dụ khác, hộ niệm cho người vãng sanh là điểm quang trọng, quá lợi ích, cần phải làm, không nên bỏ. Nhưng khi hộ niệm cho một người mà họ không được vãng sanh thì vì tâm từ bi thương xót, mình nên lập bài vị để tên người đó mà hồi hướng. Điều này rất tốt, nên làm. Việc làm lớn nhỏ tuy có khác, nhưng mục đích thì tương đồng.

Chánh hạnh, trợ hạnh phân minh vậy.

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –