• Trang Chủ
  • 78. Như Thế Nào Là Niệm Phật Thành Phiến?

78. Như Thế Nào Là Niệm Phật Thành Phiến?

Share on facebook
Share on twitter

Niệm Phật thành Phiến.!!!

Hỏi –

Trong thư nhắc người niệm Phật của ngài Hạ Liên Cư là chưa được nhất  tâm phải cần chuyên niệm, muốn không loạn phải niệm thành phiến. Thưa chú niệm thành phiến là phải làm sao?  Xin chú chỉ dạy . Chúng con chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Chữ “Nhất tâm” ở đây có nghĩa là “Nhất tâm bất loạn“, đây là một cảnh giới chứng đắc rất cao, “Sự nhất tâm bất loạn” dù chưa diệt hết được kiến tư hoặc, nhưng đã có khả năng phủ phục được rồi. Lý Nhất tâm bất loạn thì đã diệt được nghiệp hoặc, tương đương với cảnh giới “Minh tâm kiến tánh‘ của Tông môn, hoặc “Đại khai viên giải” của Giáo hạ. Cảnh giới này thực sự không phải đơn giản.

 

Nhưng xin hỏi, đến nay, có ai đã niệm Phật được nhất tâm bất loạn chưa? Thời mạt pháp này, căn tánh chúng sanh hạ liệt dễ gì chứng đắc cảnh giới này! Đôi lúc chúng ta cũng nghe đến có người tự xưng là “Nhất tâm bất loạn”. Nhưng xin thưa thực, một khi đã khoe ra, thì còn gì là “Nhất tâm”, còn đâu là “Bất loạn” nữa?!!!…

 

Niệm Phật chưa được “Nhất tâm bất loạn” thì sự vãng sanh chưa được bảo đảm. Nhưng nhất tâm bất loạn lại quá khó, không thể đạt được. Vậy, người niệm Phật vẫn còn khó khăn đễ được vãng sanh…

 

Tuy nhiên, sự khó khăn này là nói theo nghĩa tự tu chứng đắc, chứ chưa nói đến lực gia trì của đức A-Di-Đà Phật. Đại thệ của đức A-Di-Đà Phật là để cứu độ tất cả chúng sanh, chứ không phải chỉ cứu độ người chứng đến cảnh giới nhất tâm bất loạn.

 

Ngài Cư sĩ Hạ Liên Cư nói, “… chưa được nhất  tâm phải cần chuyên niệm, muốn không loạn phải niệm thành phiến”, là để nhắc nhở chúng ta phải cố gắng niệm Phật tinh tấn hơn nữa, để đường vãng sanh càng được vững vàng hơn, chắc chắn hơn, tránh được nhiều những chướng ngại khi xả bỏ báo thân.

 

Ấy thế,nhiều người niệm Phật chưa Nhất tâm bất loạn, thành phiến cũng chưa đạt được, vậy mà đã sơ ý vội tự cho là đủ, tâm đã có phần tự mãn rồi. Đây thật điều đáng tiếc!

 

Ví dụ, nhiều người, khi gặp được pháp môn niệm Phật, do nhờ thiện căn phước đức nhiều đời kết tập lại, họ phát lòng tin tưởng và thành tâm niệm Phật. Vì sự phát tâm lúc đầu quá mạnh, tâm quá chí thành, nên đã được những điều cảm ứng bất khả tư nghì, như bệnh nặng tự nhiên giảm. Nhiều người mắc bệnh ung thư sắp chết, nhờ niệm Phật một thời gian tự nhiên hết bệnh, v.v… Những hiện tượng này là do lòng thành mà cảm được sự gia trì của Phật.

 

Nếu người bệnh tiếp tục khẩn thiết tu hành, tín nguyện hạnh đầy đủ thì chắc chắn họ sẽ tiếp tục được sự gia trì từ đại nguyện của A-Di-Đà Phật và chư Bồ-tát, sau cùng họ sẽ hưởng được phước phần an nhiên vãng sanh về nước Cực-lạc khi báo thân mãn.

 

Nhưng cũng có một vài trường hợp khá đáng tiếc, là khi người niệm Phật đã hưởng được sự gia trì, nhưng sau cùng vẫn có thể bị chướng ngại, và đôi khi có thể mất vãng sanh. Những trường hợp này, tổng quát có thể quy tụ vào những nguyên nhân sau đây:

 

1/ Người niệm Phật thối tâm. thối tâm vì tưởng mình đã chứng đắc, vì tưởng niệm Phật như vậy là đủ, vì vừa được cảm ứng thì khởi niệm cao ngạo, vì khoe khoang ra ngoài, vì được nhiều người khen tặng mà tỏ ra tự mãn, cao ngạo, v.v… Những trường hợp này chính là tự mình thối tâm. Một khi tâm bị thối chuyển, nếu không kịp thời lấy lại tâm kiên cố bất thối, thì thật là một điều đáng buồn, đáng tiếc cho chính người đó vậy!

 

2/ Bị nghiệp khổ khảo, oán thân trái chủ thử thách… tâm chưa được vững nên thối chuyển, mất niềm tin vàp pháp niệm Phật.

 

3/ Không gặp bạn lành khuyến tấn, lại bị bạn ác công kích, dụ hoặc, bị nghịch duyên… làm cho niềm tin bị chao đảo.

 

Một khi tâm bị thối chuyển thì kéo theo sự phát nguyện vãng sanh không còn tha thiết, công phu niệm Phật hời hợt. Tín-Nguyện-Hạnh không còn đầy đủ nữa. Chính vì thế, có thể đưa đến hậu quả mất phần vãng  sanh. Thật là đáng tiếc lắm vậy!

 

Vậy thì, Ngài Hạ Liên Cư khuyên rằng, người niệm Phật, nếu chưa được nhất tâm, thì phải cố gáng niệm phật thành phiến. Quả thật là chí lý.

 

Niệm Phật mà thuận duyên thì đỡ phần trở ngại. Còn khi người niệm Phật, ở bên cạnh rất nhiều người không niệm Phật: Vợ chồng, con cháu, anh em, bạn bè, v.v… không niệm Phật. Họ thường bài bác, ngăn cản, gây nhiều chướng ngại cho mình, nhất là trong lúc lâm chung thì làm sao có thể an toàn vãng sanh?

 

Để trả lời, Ngài Hạ Liên Cư nói: “nếu chưa được nhất tâm, thì phải cố gắng niệm phật thành phiến“.

 

Diệu Âm xin bổ túc thêm: Ngoài việc niệm Phật thành phiến, hãy cố gắng kết hợp thành một nhóm nhỏ chuyên lòng niệm Phật với nhau, nghiên cứu kỹ về hộ niệm để hộ niệm cho nhau khi có người lâm chung, thì đường vãng sanh Tây-phương trở thành rất vững vàng, rất chắc chắn.

 

Niệm Phật nhất tâm bất loạn thì vãng sanh Thượng phẩm. Nếu không được Thượng phẩm thì niệm Phật thành phiến để tranh phần Trung phẩm, có vậy mới an toàn. Đừng nên lơ là, đừng nên giải đãi, đừng nên cho rằng công phu đã đủ mà coi chừng bị trở ngại lúc cuối cùng.

 

Niệm Phật thành phiến, niệm Phật thành mãng, niệm Phật thành khối, v.v… có ý nghĩa tương tự. Đây là chỉ cho công phu niệm Phật tốt, gần kề với Sự Nhất Tâm Bất Loạn.

 

Ngài Ấn Quang nói: “Từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng luôn luôn niệm Phật. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín… đều giữ trong tâm câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật“. Đây là dạng niệm Phật thành phiến.

 

Ngài Tịnh Không nói: “Lão thật niệm Phật“, cũng có ý nghĩa tương tự. Lão thật niệm Phật là thật thà, hiền lành, không cầu, không chấp, không cần hiểu lý lẽ gì cả, cứ niệm mãi câu Phật hiệu trong tâm.

 

Người quyết lòng vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc thì chỉ cần một câu Phật hiệu niệm tới cùng, tha thiết cầu vãng sanh, không cần gì khác, sẽ nắm vững phần vãng sanh. Ai hỏi về Lý: không biết; Ai hỏi về Sự: không biết; Ai hỏi về Đạo: không biết; Ai hỏi về Đời: không biết; v.v… Nói chung không cần biết nhiều làm chi, chỉ cần thành tâm niệm câu Phật hiệu, niệm luôn luôn, đừng để gián đoạn. Đây gọi là “Định”. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật gọi là “Chánh Định Tụ”. Tâm đã an trú vào câu Phật hiệu.

 

Nếu có sơ suất, lỡ có giây phút nào quên, đừng quá lo ngại, hễ nhớ đến là lo niệm liền. Câu A-Di-Đà Phật nhất định niệm mãi, niệm mãi để cầu nguyện được vãng sanh Cực-Lạc. Được vậy thôi thì dễ dàng được vãng sanh, thành tựu đạo nghiệp.

 

Một câu A-Di-Đà Phật sẽ giải quyết tất cả mọi vấn nạn. Bố-tát Đại-Thế-Chí dạy: “Thanh tịnh niệm mãi câu Phật hiệu, không cần vay mượn phương tiện nào khác, tâm tự khai mở”. Tâm tự khai mở thì sẽ tự biết tất cả pháp vậy.

 

Xin nhắc lại, nếu chưa được nhất tâm bất loạn, thì cố gắng lão thật niệm Phật.

 

Dù có lão thật niệm Phật rồi, cũng chưa đủ đâu. Đừng quên chuẩn bi hộ niệm như lý như pháp cho nhau, thì nhất định chắc chắn ai cũng đều được vãng sanh.

 

Vãng sanh về Tây-phương, gặp Phật A-Di-Đà thì lo gì không khai ngộ.

 

Diệu Âm.

(16/8/2009)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –