80. Mở Gút Lần Lần!

Share on facebook
Share on twitter

Mở gút lần lần!

Cháu Kiệt,

Chú Diệu Âm đọc lại suốt thư của Kiệt, thư khá dài, viết liên tục không cần xuống hàng. Để dễ hiểu chú phân ra tới 26 tiết mục, nhờ vậy mà chú thấy dễ hơn.

Trong 26 tiết mục đó, nếu trả lời dần thì chưa biết đến chừng nào mới xong. Tuy nhiên, thực ra, cũng không cần chi phải chi tiết như vậy. Chú thấy vấn để của Kiệt hình như nó xoay quanh cái tâm trạng bức xúc của cháu mà sanh ra thôi. Nếu bây giờ cháu nghe lời chú, hãy mạnh dạn coi vạn sự như không đi, tất cả đều có nhân quả của nó, thì tốt nhất cháu phải biết tùy duyên để sống, có tùy duyên được thì tâm hồn sẽ tự tại, tâm hồn tự tại thì những phiền não trói buộc mình xưa nay sẽ tự nhiên tan biến.

Tất cả đều do tâm mình tạo ra cả, Kiệt có biết không. Ví dụ, như mục 20, cháu nói cháu bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đọc đến đây chú mắc cười! Vì một người bị tẩu hỏa nhập thì làm sao biết mình bị tẩu hỏa nhập ma được? Mà một khi biết mình bị tẩu hỏa nhập mà thì tự nhiên họ đã thoát được cảnh ma rồi. Nghĩa là, nếu thực sự cháu bị nhập mà cháu đã biết rõ chuyện này thì chính cháu đã thoát ra khỏi cảnh này rồi. Vậy thì còn gì nữa đâu mà sợ?

Đã thoát rồi thì thoát luôn đi. Kéo giữ nó lại làm chi? Làm sao thoát? Tất cả những kinh nghiệm trong qua khứ giúp cho cháu kiên cường, sáng suốt, vững lòng tin để đi tới tương lai. Kéo giữ nó lại tức là chính mình muốn vấn đề nặng nề hơn. Dại gì lại chịu khổ vậy?

Chú không có hay giỏi gì để giải quyết rốt ráo vấn đề của Kiệt. Nhưng chú nghĩ rằng, chính Kiệt phải tự cứu mình. Nếu ngày ngày cứ nghĩ lẩn quẩn mãi những chuyện không đâu, thì không còn cách cứu chữa. Nếu mạnhdạn liệng hết tát cả những cái lẩn quẩn đi, thì tự nhiên sẽ trong sánh. Tâm mình giống như tấn gương bị bụi bám, đừng sợ đừng hán nó, hãy lấy tấm khăn lau sạch bụi bặm đi, tấm gương tức khắc trong sáng.

Tình trạng của Kiệt không có gì là nặng. Có thể giải quyết dễ dàng. Vấn đề là Kiệt có quyết bỏ hay không mà thôi. Quyết bỏ tức là quyết lau bụi vậy thôi.

Bỏ cái gì? Tổng quát, hôm nay chú muốn khuyên rằng, Kiệt đừng nên lăn xả vào những chuyện không phải của mình, đừng nhúng tay giải quyết những gì không thuộc về mình nữa, thì tự nhiên cơn bệnh của Kiệt giảm đi một nửa rồi đó.

Chú tặng cho Kiệt 4 câu thơ này để đọc nghen.

Yếu vô phiền não yếu vô sầu,
Bổn phận tùy duyên mạc cưỡng cầu.
Vô ích ngữ ngôn hựu khai khẩu,
Vô can kỷ sự thiểu đương đầu.

Nghĩa là:

Điều chính yếu là chính mình không phiền não
Bổn phận phải tùy duyên, chớ có cưỡng cầu.
Những lời chi vô ích, chớ nên mở miệng,
Những điều không liên can, chớ được dự vào.

Người biết tu là phải như vậy. Chứ tu hành không phải là cứ lăng xả vào những chuyện bất công của xã hội, nhào vô những chuyện thị phi của chúng sanh để đấu tranh, để giải quyết đâu. Hãy xét cho kỹ khả năng của mình là gì? Vậy thì chớ nên đem chuyện thiên hạ vào tâm, thì tâm mình thanh tịnh vậy.

Người biết tu là người chuyển cảnh. Người không biết tu là người bị cảnh chuyển.

Chuyển cảnh là sao? Gia đình có chuyện buồn, nhưng riêng mình không thèm buồn. Thiên hạ tranh chấp nhưng mình không tranh chấp. Xã hội bất công nhưng mình không thèm bất công. Nghĩa là, phải biết coi vạn sự là vô thường, như trò đùa. Có chi phải chen vào mà tự mình bị ảnh hưởng.

Người bị cảnh chuyển là sao? Cái gì xảy ra chung quanh đều làm mình khó chịu. Chuyen của thiên hạ mà mình cứ muốn nhào vô giải quyết. Cứ lấy cái khó của người làm cái khó của mình. Thế thái nhân tình hỗn loạn, Phật Bồ-tát cứu không nổi, thì làm sao mình cứu được đây?

Mỗi người có mỗi việc, mỗi người có nghiệp riêng. Mình lo nghiệp mình chưa nổi thì làm sao lại đi lo việc người.

Mỗi người đều có nhân quả riêng, mình hãy lo nhân quả của chính mình còn chưa xong, làm sao lo chuyện nhân quả của thiên hạ.

Kiệt đã đi quá xa trong nhiệm vụ của Kiệt, đã lo quá xa khỏi cái lo của mình, đã làm quá sức trong cái sức của Kiệt… Thành ra, tự mình chiêu cảm lấy cái khổ vô cớ đó thôi.

Cha mẹ, anh em, người thân, bạn bè, v.v… trong đời này, tất cả đều có duyên có phận, đền ân, trả ân, đòi nợ, trả nợ. Tất cả đều có số phần.

Kiệt muốn tu hành mà không học hỏi kỹ, lại tự mình nghiên cứu lấy để hành động, làm quá nhiều việc không hợp với khả năng của mình. Vòng tay của mình chí có một mét rưỡi mà muốn ôm cả bầu trời thì làm sao không thất bại!

Vậy thì bỏ đi là xong. Bỏ cái gì?

Theo lần lượt kể trong thư mà bỏ. Tất cả 26 tiết mục đưa ra trong thư toàn là giả vọng hết. Bỏ hết đi là xong. Chỉ vì vọng tâm mà sinh ra như vậy. Hoàn toàn không thực đâu.

Hôm nay chú nói tới đây. Vì quá bận không cách nào nói nhiều được. Vui vẻ đi. Thư sau chú viết tiếp.

Diệu Âm

(23/09/2009)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –