• Trang Chủ
  • Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp – Đường tu cần chuyên nhất (02)

Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp – Đường tu cần chuyên nhất (02)

Share on facebook
Share on twitter

Đường tu cần chuyên nhất

Hỏi:

Thầy tôi cũng tu theo pháp môn Tịnh-độ  đó chứ, nhưng không hiểu sao giáo lý  lại không sâu rộng như Pháp sư Tịnh Không và chư vị, phần lớn Phật tử trong chùa bây giờ đều đi lạc đường hết vì không có một người nào hướng dẫn đúng đắn hết, nếu thầy Tịnh Không mà có thể đến Việt Nam khai thị thì phước đức vô lượng vô biên cho Phật tử tại Việt Nam…

Trả lời:

Xin đạo hữu không nên phân biệt như vậy. Nên nhớ mỗi người có mỗi hạnh, mỗi người có mỗi vị trí khác nhau.

Ngài Tịnh Không có cái hạnh giảng pháp (Giảng Pháp Tam Muội), Ngài giảng rất rõ ràng chi tiết cho tất cả chúng sanh hiểu đạo mà tu hành. Ngài không bao giờ giảng nửa vời, vừa giảng vừa dấu, úp úp mở mở. Nghĩa là, trong lòng có bao nhiêu nói ra hết để mong mọi người hiểu thấu đáo mà tu hành cho đúng.

Diệu-Âm nghĩ rằng, nếu Ngài về Việt Nam được thì tốt. Nhưng tốt hơn là người Việt Nam nên nghe pháp của Ngài để tu, chứ không cần gì Ngài phải về Việt Nam. Băng pháp của Ngài nhiều lắm, hãy sưu tầm mà nghe và làm theo là được. Gặp Ngài chưa chắc mình hỏi được gì, vì Ngài nói tiếng Hoa.

Còn việc Phật tử đi lạc đường, đây là chuyện rất phổ thông trong thời nay. Chính là vì có nhiều sự hướng dẫn không giảng thấu đáo, giảng không rõ ràng cho Phật tử tu tập. Rất nhiều người suốt một đời công phu, đến trước giờ tắt hơi cũng không biết đi về đâu, không biết lời nguyện nào để thành đạo, lời nguyện nào đưa đến bị trầm luân trong luân hồi lục đạo. Nhiều người tu hành có chút công phu, nhưng hình như thường kèm theo đó cái tâm ngạo mạn, không chịu theo kinh Phật phụng hành, tự nghĩ ra những cách tu riêng của mình, rồi hướng dẫn đại chúng đi lạc đường, làm họ mất phần giải thoát. Nhiều lắm!

Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm vọng thì theo cảnh vọng. Tu hành mà có tâm cống cao thì dù giỏi cho mấy, theo ngài Vĩnh Minh đại sư nói, nhiều lắm cũng về cảnh giới A-tu-la (Quỷ Thần) là cùng.

Tâm mơ  hồ chắc chắn phải bị cảnh mơ hồ trói buộc. Tu hành mà không rõ đường đi Vãng Sanh thành Phật, thì thường chỉ hưởng được phước nhân thiên. Mà xin thưa thực, chưa chắc đã hưởng được phước báu nhân thiên. Vì sao vậy? Vì một niệm cuối cùng lúc lâm chung nó xác định tương lai đời kiếp về sau. Một ý niệm sân giận con cháu, sân giận đệ tử, sân giận người khác làm xấu… thì chính ta đi tuốt xuống địa ngục. Tham lam đi theo ngạ quỷ, ngu si lọt vào loài bàng sanh. Đạo hữu cố gắng nhớ kỹ lời này, cố gắng bỏ lần tập khí sân giận, tham đắm, mê muội, cạnh tranh, ganh tỵ, nói xấu người này người nọ. Có vậy tâm của mình mới thanh tịnh, thoải mái.

Người tu hành mà thấy ai làm điều gì cũng chê  bai, gặp gì cũng bài xích, chống hết người này đến người khác… thì dù hình tướng có là gì đi nữa cũng không phải là bậc chân chánh tu hành đâu. “Nhược chơn tu đạo nhơn, bất kiến thế gian quả”, (Nếu là người chơn chánh tu hành, không được nhìn lỗi của người khác). Ấy thế mà có nhiều người cứ tìm lỗi lầm của người khác để chống báng. Thậm chí, nhiều khi, họ không có lỗi mình cũng tìm cho ra lỗi để chửi bới, bài xích… Đây là điều rất phổ biến của người thế tục. Tệ hại lắm!

Người tu hành mà tâm không từ bi hỷ xả, cố chấp thì nhất định không phải là người đáng được nương nhờ!

Ta tu hành phải tránh xa điều này.  Muốn Vãng Sanh, đạo hữu nên cố gắng chú ý những điểm này. Cụ thể chứ không cao xa đâu.

Nói thêm, trước khi chết mà không biết Hộ Niệm, cứ  cầu xin bác sĩ chữa trị, cứ nói “Còn nước còn tát”, v.v… chắc chắn sẽ bị hại thê  thảm!

Vừa chết xong thì bị đưa xác vào nhà xác, ướp lạnh, chích thuốc chống rã thân xác, khóc lóc, v.v… chắc chắn người chết sẽ bị hại thê thảm!

Người mới chết mà bị đụng chạm mạnh vào xác thịt, ôm nắm, níu kéo, bị con cháu tắm rữa, thay quần áo, v.v… Bị con cháu khóc lóc, than thở, gào thét, v.v.. tất cả đều gây đau đớn, khốn khổ, buồn bã, luyến tiếc, khủng hoảng… cho thần thức người chết, tạo nên cơ duyên đọa lạc cho họ. Khó tránh khỏi bị hại thê thảm!

Nhiều người tu hành suốt đời mà không hiểu được đạo lý này. Nay xin hãy giựt mình tỉnh ngộ.

Vì thế, phải biết “Đạo” mới đắc đạo. Không biết “Đạo” thì bị đọa lạc. Đạo này chính là đường Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, rồi chuẩn bị Hộ Niệm cho nhau để cứu nhau Vãng Sanh, chứ “Đạo” không phải là gì khác đâu.

Hỏi:

Về thời khóa tu hành của tôi…

Trả  lời:

Thời khóa như vậy tốt lắm, có công phu đều đặn thật  đáng khen. Chúc mừng cho đạo hữu hạ quyết tâm lớn.

Về việc hồi hướng công đức, nên nhớ hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp, hồi hướng cho ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ, bà con thân thuộc nhiều đời nhiều kiếp của mình, cầu nguyện cho họ được siêu sanh. Đừng nên chỉ có hồi hướng riêng cho mình.

Cũng cần hồi hướng cho những người đặc biệt nào của mình đang bị chướng ngại.

Sau cùng hồi hướng về Tây-phương cầu nguyện mình được Vãng Sanh thành đạo để cứu độ chúng sanh.

Hỏi:

Tôi có  nên tiếp tục tụng kinh PHÁP HOA không?

Trả  lời:

Tụng kinh Pháp-Hoa rất tốt, đem công đức hồi hướng về Tây-phương cũng được Vãng Sanh.

Tuy nhiên, trong pháp Niệm Phật rất cần sự chuyên nhất. Tụng nhiều kinh, tu không được chuyên, là do lòng tin không được mạnh, từ đó sức nguyện cũng không tha thiết, Niệm Phật cũng khó chí thành. Do đó, đến khi lâm chung, trong tâm dễ bị hỗn loạn, đưa đến nhiều chướng ngại.

Kinh Pháp-Hoa lý đạo cao lắm chứ không phải thông thường, dành cho chư vị Bồ-tát minh tâm kiến tánh tu trì  chứ không phải dành cho hạng phàm phu tục tử  như chúng ta đâu. Nên nhớ, Phật khai pháp hội Pháp-Hoa, đến như chư vị A-la-hán cũng hiểu không nổi mà đành phải bỏ ra. Chúng ta dễ gì hiểu thấu lý đạo trong kinh Pháp-Hoa. Hiểu không thấu lý đạo, thì làm sao đạt được yêu cầu của kinh. Không hiểu, công phu không đạt, thì coi chừng hiểu sai, thực hành sai, đưa đến kết quả sai lạc. Chính vì thế cần phải chú ý.

Hãy chuyên tụng kinh A-Di-Đà, hoặc tụng kinh Vô-lượng-thọ  thì tốt hơn. Đây là kinh dành cho những người hạ căn. Nhu cầu chính yếu là tin tưởng, phát nguyện Vãng Sanh, thành tâm trì danh Niệm Phật. Mấy điều này ai cũng có thể làm được. Làm được việc này rồi thì các việc khác có Phật gia trì.

Ấy vậy mà những bộ kinh này được gọi là kinh thành Phật đó, chứ không phải tầm thường đâu. Nhân Phật thì quả Phật. Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả. Nhân Quả đồng thời. Ồ! Tối thượng!

Ngài Tịnh Không dạy, suốt đời trì tụng một bộ kinh là đủ. Khi thấu hiểu một bộ kinh thì tất cả kinh sẽ thấu suốt, gọi là “Nhất kinh thông, nhất thiết kinh thông”. Tuyệt với lắm!

Người căn tánh trung hạ mà tụng nhiều kinh rất khó thâm nhập vào đạo lý của pháp Phật. Vô tình, tụng thì nhiều mà rốt cuộc không hiểu được bao nhiêu! Đến lúc chết cũng không biết đường nào để đi. Không biết đường đi, thì “Lạc Đường” rồi vậy!

Ở Việt Nam đến nay có hàng trăm người Niệm Phật Vãng Sanh. Họ chỉ tụng một bộ kinh A-Di-Đà, niệm một câu A-Di-Đà Phật, họ Vãng Sanh bất khả tư nghì! Nhiều không đếm hết. Hỏi rằng, thời nay mấy ai thành tựu được như họ?

Khuyên rằng, nên chuyên nhất Niệm Phật. Trong kinh Phật dạy là: Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc. Chỉ vậy mà thôi, đường thành đạo rất chắc chắn.

Chúc  đạo hữu ngộ đạo. Tín-Nguyện-Hạnh thành tựu  đạo quả.

A-Di-Đà Phật

Diệu  Âm

(09/10/08)

Gieo duyên qua Âu Châu

Gởi Bs Diệu Huệ,

Hỏi: … hiện đang hành nghề bác sĩ ở một nhà thương chuyên môn về ung thư (Cancer). Hằng ngày em tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân bị bệnh ở giai đoạn cuối. Khi em nghe xong cuốn Khuyên Người Niệm Phật em rất muốn dịch nó sang tiếng Đức để truyền bá cho bè bạn người Đức ở đây. Nhưng em biết đó là một công trình phải đầu tư rất nhiều thời gian mà không dễ dàng gì. Đó là một kế hoạch lâu dài. Nhưng khi em tiếp xúc với các bệnh nhân của em, biết họ sắp bị đọa lạc, rơi vào lục đạo luân hồi, mình biết cách cứu họ mà không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào, em cảm thấy thương tâm và bất lực. Mẹ em đã từng viết thư và được anh Diệu Âm trả lời rất tận tình những câu hỏi của bà. Bà khuyên em nên mạnh dạn hỏi anh. Chân thành mong ở anh lời chỉ dạy thấu tình đạt lý.

Trả lời:

1) Vấn đề dịch bộ sách Khuyên Người Niệm Phật:

Nếu Bs Diệu Huệ dịch Khuyên Người Niệm Phật ra tiếng Đức, giúp cho người Đức hiểu được đạo Phật thì công đức lớn lắm. Diệu Âm thành tâm tán thán công đức này.

Nếu quyết định dịch thì cho Diệu Âm biết địa chỉ để Diệu Âm gởi sách qua cho Diệu Huệ, hoặc email trọn bộ Khuyên Người Niệm Phật cũng được. Khuyên Người Niệm Phật viết bằng font VNI.

Hiện  đang có một vị Thầy ở Việt Nam đang dịch bộ sách này ra tiếng Hoa. Diệu Âm không biết tên, vị Thầy đang cộng tác với một người làm việc trong tờ báo tiếng Hoa để dịch. Diệu Âm không biết rõ Thầy đã dịch được tới đâu, chắc có lẽ cũng khả quan lắm rồi. Khi nào có sẽ tìm cách biếu cho Diệu Huệ. (Vì đây là những lá thư của Diệu Âm viết cho thân nhân, bạn bè, nên Diệu Âm không dám tự giới thiệu. “Mèo khen mèo dài đuôi”, không tốt!).

Bộ sách Khuyên Người Niệm Phật dày lắm, bốn tập. Nếu muốn dịch không nên dịch vội vàng, vì Diệu Huệ còn phải làm việc. Tôi đề nghị rằng, hãy dịch dần dần, dịch tới đâu phổ biến tới đó (nếu cần). In từng tập sách nhỏ hay hơn. Nên nhớ, Bộ Khuyên Người Niệm Phật Diệu Âm không giữ bản quyền, xin đừng ngại gì cả. Diệu Huệ thấy điều gì lợi ích thì cứ làm. Làm đúng thì tất cả đều có Phật Bồ-tát gia trì. Không nên ngại ngùng.

2) Muốn cứu bệnh nhân:

Đây là tâm nguyện của Phật Bồ-tát. Diệu Huệ làm Bác sĩ mà có tâm từ bi, thương người, muốn cứu độ chúng sanh, thật là quí hóa. Diệu Âm cảm kích vô cùng. Chỉ cần một tâm nguyện như vậy cũng đã có công đức rồi. Thành Tâm tất sẽ được linh ứng. Nếu tâm nguyện vững vàng và tha thiết thì Phật Bồ-tát sẽ gia trì cho Diệu Huệ để thực hiện. Chắc chắn như vậy.

Diệu Âm đề nghị.

I) Nếu người bệnh là người Việt Nam, Diệu Huệ nên copy video Vãng Sanh gởi biếu cho họ coi, khuyên họ buông xả vạn duyên để Niệm Phật. Khi biết rằng bệnh không thể chữa trị được nữa thì nên thành thật khuyên họ nên Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Hết đường chọn lựa, chắc bệnh nhân cũng dễ chấp nhận lời khuyên của mình.

Sư  cô Thích Đạo Chứng, trước đó cũng là một Bác sĩ chữa trị ung thư, Sư Cô thành tâm khuyên bệnh nhân Niệm Phật, đã cứu được rất nhiều người thoát cảnh khổ đau bằng tiếng Niệm Phật. Nay Bác sĩ Diệu Huệ khuyên bệnh nhân ung thư đã đến thời kỳ phải chết Niệm Phật và hướng dẫn Hộ Niệm cho họ thì có thể Bác Sĩ cứu được họ Vãng Sanh. Công đức không gì sánh bằng.

*) Nên khuyến khích đồng tu lập thành những nhóm cộng tu riêng, chọn một căn nhà của một vị đồng tu nào có căn phòng rộng một chút làm Niệm Phật Đường, rồi cùng nhau Niệm Phật. Chính nhóm cộng tu nhỏ này sẽ là nhóm Hộ Niệm về sau và chính những nhóm này sẽ cứu độ nhau Vãng Sanh. Ngài Ấn Quang dạy, đây là đạo tràng dễ thành tựu nhất trong thời mạt pháp này.

Nếu không có nhiều người thì 2,3,4 người cũng đủ Hộ  Niệm được rồi. Nên xem thật nhiều những video Hộ Niệm. (lên mạngwww.tinhthuquan.com, phần Diệu Âm, có một số video Hộ Niệm Vãng Sanh. Diệu Âm sẽ gởi thêm một số video Vãng Sanh mới khác để nhiều người xem).

Diệu  Âm sẽ chuyển tất cả những tin tức: câu trả lời, câu hỏi về Hộ Niệm cho Diệu Huệ xem qua hầu rút thêm kinh nghiêm.

**) Diệu Huệ đã có MP3 Khuyên Người Niệm Phật chưa?  Nếu chưa thì cho biết để Diệu Âm gởi biếu, các video Vãng Sanh, nếu chưa có thì Diệu Âm cũng có thể gởi biếu luôn.

II) Nếu là người Đức, Diệu Huệ nên dịch vài video Vãng Sanh ra tiếng Đức rồi tìm cách cho họ xem, rồi tìm phương hướng dẫn họ.

Lấy  đạo lý “Tất cả đều do tâm tạo” nói với họ. Nghĩa là, Phật dạy rằng, cái tâm mình đang nghĩ gì sẽ hiện ra cái đó. Tâm muốn chết thì bị chết, tâm muốn Vãng Sanh về cõi Tây-Phương của Phật A-Di-Đà, thì sẽ Vãng Sanh về Tây-phương Cực-lạc.

Nếu lúc chết mà tâm hồn sợ hãi, lo lắng, khủng hoảng… thì sẽ đi về các cảnh giới đau khổ, ích gì đâu? Khuyên họ, tại sao không vui vẻ, an nhiên Niệm Phật, cầu Phật gia trì. Phật dạy mười niệm tất được Vãng Sanh, Vãng Sanh sẽ hưởng đời đời kiếp kiếp sung sướng, an lạc, không hay hơn sao? Hãy giới thiệu cho họ những chứng minh cụ thể, giúp họ phát khởi lòng tin.

(Nếu họ  tu theo Chúa thi cầu Chúa gia trì cũng được). Nhưng Chúa cứu để về cảnh giới Trời, vẫn còn trong tam giới, chưa hoàn toàn chấm dứt sanh tử đâu.)

Nói với họ, vũ trụ này có nhiều cảnh giới huyền diệu lắm. Trong đó cảnh giới Tây-phương Cực-lạc (Western Pureland) của A-Di-Đà Phật là tốt đẹp nhất. Nhiều người cầu nguyện sanh về nước Ngài đã được đi rồi (đưa chứng minh Vãng Sanh ra cho người ta coi, rất cụ thể, không có viễn vong).

Điều kiện là: Tin tưởng, nguyện cầu sanh về đó, Niệm A-Di-Đà Phật. Lúc lâm chung đừng sợ chết, cầu Vãng Sanh sớm càng tốt, mời người khác đến Hộ Niệm, thì sẽ được cảm ứng. Chết sống đã có mạng số. Số mạng chưa mãn nếu Niệm Phật cầu Vãng Sanh thì tự nhiên sẽ hết bệnh. Nếu số phần đã mãn thì sẽ được Vãng Sanh, thoại tướng hiện ra rất tốt, bất khả tư nghì. Hiện tượng này nhiều lắm, không ai có thể chối cải được.

Diệu  Âm nghĩ rằng Diệu Huệ có thể từ  từ thuyết phục họ được. Biết chừng đâu một ngày nào đó Diệu Huệ cứu được người Đức chăng.

Cũng nên nhớ, cứu người ngoại quốc khó lắm, vì tinh thần của họ nặng về khoa học, không tin Phật pháp. Phải kiên nhẫn, từng bước và tùy duyên. Trước tiên, hãy nhắm đến người Việt Nam cứu độ trước, đây là tấm gương cho người Đức sau này vậy.

III) Trong một phiên họp nào đó giữa Hội Đồng Bác sĩ, Diệu Huệ mạnh dạn nói lên sự Vãng Sanh Tịnh-độ của những người Niệm Phật. Mạnh dạn trình bày với họ thử coi, biết chừng đâu có người ủng hộ.

*) Trước khi làm việc này cần nên chuẩn bị rất nhiều bằng chứng Vãng Sanh, những người chết mà biết Niệm Phật, được Hộ Niệm cẩn thận đều ra đi với thân xác mềm mại, tươi hồng, 3,4,5 ngày sau vẫn còn tươi mềm. Đây là hiện tượng tự nhiên như vậy, chứ không phải dùng thuốc hay xoa bóp gì cả.

Diệu  Âm có thể cung cấp cho Diệu Huệ những bằng chứng này.

Cẩn thận thu thập rất nhiều bằng chứng, rất nhiều chi tiết cụ  thể trước khi đưa vấn đề ra trình bày. Hãy coi đây như một dự án, hay một khám phá mới của nhân loại vậy.

Nếu trình bày được chuyện này, truyền bá Phật pháp, nhất là pháp môn Niệm Phật cầu Vãng Sanh, giúp người Âu Châu ngộ ra đạo pháp, thì công đức lớn lắm. Đem công đức truyền bá Phật pháp này hồi hướng về Tây-phương cầu Vãng Sanh, nó sẽ là phần thưởng cho Diệu Huệ cuối đời được Vãng Sanh vậy.

**) Hoặc giả như, mình đưa chương trình ra mà bị thất bại. Nghĩa là, không có ai ủng hộ hay không ai chịu thực hiện theo, thì ít ra cũng giúp bệnh viện, hội đồng y khoa bắt đầu chú ý đến sự kiện này, hy vọng tương lai họ xét đến…

***) Có  thể giúp họ chú ý về Phật pháp vi diệu. Tạo những biến chuyển trong tương lai, ví dụ:

1) Khoa học phục vụ con người rất tốt, nhưng cũng cần tin vào Phật học. Không nên chỉ dựa vào khoa học mà quên rằng con người ngoài xác thân ra còn có thần thức, linh hồn. Đây là sự thật đã có chứng minh, không thể chối cãi được.

2) Kiên cử  những hành động sai lầm thường thấy trong bệnh viện. Cụ thể những điều thường phạm như: đụng chạm vào thân xác người mới chết như: Mổ xẻ, giải phẩu, đưa vào nhà xác quá sớm, hô hấp nhân tạo, v.v.. đều gây tác hại rất xấu đối với thần thức người chết. (Hẳn nhiên tránh được tới đâu hay tới đó, chứ không có cách nào khác hơn! Tâm ý người thế gian đâu dễ gì chuyển đổi!).

Phật dạy rằng, khi một người chết, đã tắt hơi rồi, không nên đụng chạm vào thân xác, mổ bụng, đưa vào nhà xác quá sớm. Vì sau khi tắt hơi, thần thức vẫn còn bám vào thân xác ấy một thời gian tám đến 12 giờ mới ra khỏi. Nếu đụng chạm vào thì họ bị đau đớn, đưa vào nhà xác ướp lạnh thì giống như đưa xuống địa ngục băng hàn, ồn ào, náo loạn… bên cái xác thì bị phiền não, v.v… làm người chết quá sức đau khổ mà bị đọa lạc.

Nghĩa là, sau khi tắt thở rồi không phải là hết, mà  người chết vẫn còn cảm giác. Không những thế, đôi khi họ còn nhạy cảm hơn nữa là khác. Thần thức họ vẫn còn thấy, nghe, hiểu tất cả những sinh hoạt chung quanh. Đây là sự thật.

3) Hãy giúp  đỡ, tạo phương tiện dễ dàng cho những người theo Phật giáo Hộ Niệm, tìm cho họ một căn phòng yên tĩnh để Niệm Phật 8,12,16… giờ, giúp cho Ban Hộ Niệm Niệm Phật cứu người chết được Vãng Sanh.

Cố gắng làm, tới đâu hay tới đó. Còn những người không tin thì đành phải tùy duyên vậy.

4) Vấn đề Hộ Niệm ở Âu châu còn rất lạ, rất ít người biết đến. Nhiều khi, chính Diệu Huệ là người đầu tiên phát khởi chương trình cứu độ chúng sanh ở Âu Châu chăng(?). Nếu được vậy thì công đức càng lớn hơn nữa. Có thể Diệu Âm sẽ giới thiệu vài người khác ở Âu Châu, cũng muốn Hộ Niệm, để cùng nhau hổ trợ cho chương trình này.

5) Cũng nên nhắc nhở điều này, nhiều người vì quá  cảm xúc, tạo nên những chuyện lạ, hoặc cảm ứng đến những điều kỳ lạ như: thần thông, biến hóa, phép lạ, năng lực kỳ diệu nào đó, v.v… Đấy là họ tự chiêu cảm lấy, chứ trong kinh Phật không chủ trương những dạng thần kỳ này. Xin Diệu Huệ cẩn thận, đừng nên hiếu kỳ mà mang họa về sau. Sự Hộ Niệm là cách ứng dụng kinh Phật dạy một cách cụ thể, chính xác, kịp thời, chánh pháp. Các kinh A-Di-Đà, kinh Vô-lượng-thọ, Quán-vô-lượng-thọ v..v… đều có nói. Kinh Phật không có nói các cách thần thông, biến hóa, phép thuật. Xin chú ý.

Chúc Bác Sĩ thành công.

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(12/10/2008)

Cần chọn nơi thích hợp tu hành

Hỏi:

1/Mình chọn đạo tràng để tu có  phải bị phạm phải lỗi phân biệt không?

Trả  lời:

Mình không muốn phân biệt, nhưng tâm cơ, căn tánh của mình thấp kém, nên cần chọn nơi nào thích hợp để tu hành, như vậy mới có ích lợi.

Ví dụ, tại một đạo tràng lộn xộn quá, mình muốn tới để tu hành nhưng tu không được, càng tới càng thấy phiền não. Chẳng lẽ mình lại đi tìm phiền não hay sao?

Phân biệt, chấp trước, nói theo nghĩa thấp nhất cho dễ hiểu, là tâm hồn loạn động, cố chấp, hẹp hòi, đấu tranh, đố kỵ, thị phi, chê bai lẫn nhau, v.v…

Đến một đạo tràng, ở đó xảy ra nhiều điều lộn xộn, mình tu không được, đành phải lặng lẽ tìm chỗ khác để tu tập, đây không phải là phân biệt, chấp trước.

Nếu mình chê bai, kình cãi, phỉ báng, chống lại, moi móc chuyện xấu của họ ra cho mọi người biết… thì mình là kẻ cố chấp, phân biệt, không phải là người chân chánh tu hành!

Thành thực mà nói, đối với hạng người căn tánh hạ liệt như chúng ta, không đủ khả năng chuyển đổi hoàn cảnh, thì nên tìm đến chỗ thanh tịnh để nương tựa mới được thiện lợi. Chỗ nào không yên ổn, mình không tới chính là muốn bảo vệ tâm thanh tịnh của mình, một là tránh sự phiền não cho mình, hai là tránh gây phiền não tới người khác, vì một khi mình cảm thấy khó chịu trước một hoàn cảnh thì nét mặt không thể vui vẻ, tâm hồn không thể thoải mái được. Tâm trạng này nhất định sẽ ảnh hưởng không tốt đến người khác.

Chỗ  nào thích hợp, thanh tịnh thì mình tới tu hành để được thành tựu, thì gọi là hợp duyên, tùy duyên, thuận duyên với mình.

Tu hành cần phải hợp căn cơ mới mong có ngày thành tựu. Nếu tu theo những pháp môn không hợp căn cơ, không hợp ý nguyện, tu một cách gượng ép, không thoải mái…  thì đường tu hành sẽ bị trở ngại, chắc chắn khó có hy vọng thành công! Nếu không cẩn thận, sơ ý trở thành người vô trách nhiệm đối với chính huệ mạng của mình. Đây gọi là phan duyên.

Chính vì  vậy, cần phải chọn lựa chỗ tu hành cho thích hợp với căn tánh và ước nguyện của mình thì sự tu hành mới tiến bộ được.

Nhiều người không rõ căn cơ của mình, không biết đâu là chỗ tốt, thì hãy nghe lời Phât dạy, chọn pháp môn Niệm Phật là vững vàng nhất. Vì sao vậy? Vì còn mập mờ không biết mình thuộc căn cơ nào thì chính là người còn mê muội. Còn mê muội tức là còn phàm phu, hạ căn. Đã là phàm phu hạ căn thì nghiệp chướng sâu nặng, tâm chưa được thanh tịnh, chưa đủ năng lực chuyển đổi hoàn cảnh, các pháp môn khác khó có thể thích hợp được.

Tóm lại, cần phải chọn pháp môn thích hợp, chọn hoàn cảnh tốt để giúp đỡ cho việc tu hành của ta được tốt hơn.

Hỏi:

2/ Vọng Tưởng là gì? Con thường cầu mong sớm được về Tây-phương, Như vậy có phải là Vọng Tưởng không?

Trả  lời:

Vọng Tưởng, nói theo nghĩa rộng là đối tượng của Vô minh hoặc. Nghĩa này cao quá! Nói theo nghĩa bình dân của chúng ta, là nghĩ tưởng lung tung, nghĩ bậy bạ…

Người không để tâm thanh tịnh, an lạc mà cứ nghĩ cái này, nghĩ cái kia, mơ điều này, mơ điều nọ, thích những chuyện xa vời, vượt quá tầm sức của mình, đó là người sống trong Vọng Tưởng.

Ví dụ: Có người nghĩ rằng mình đã chứng đắc, thì ý nghĩ này là Vọng Tưởng! Cho rằng mình giỏi hơn người khác, (gọi là cống cao ngã mạn), là khởi sự cho vọng Tưởng. Thích nói huyền nói diệu: Vọng Tưởng. Lý luận lung tung: Vọng Tưởng. Ham thích thần thông: Vọng Tưởng. Thích có phép lạ: Vọng Tưởng. Cầu xin Phật hiện thân cho mình thấy: Vọng Tưởng, v.v…

Còn việc Niệm Phật cầu Vãng Sanh Tây-phương là nguyện theo lời Phật dạy. Làm đúng theo lời Phật thì gọi là “Y giáo phụng hành”, là Chánh-Nguyện, Chánh-Cầu, chứ không phải là vọng cầu.

Tâm tin tưởng vào Phật pháp thì không tin theo tà pháp khác. Tâm nghĩ về Tây-phương thì không nghĩ đến các Vọng Tưởng khác. Tâm Niệm Phật thì khỏi niệm các vọng niệm khác. Đây gọi là Chánh-Tín, Chánh-Nguyện, Chánh-Hạnh.

Tha thiết nguyện Vãng Sanh là một trong ba điểm quan trọng của pháp Niệm Phật. Ta phải giữ cái tâm nguyện này suốt đời. Lấy nguyện này làm chánh, thì các nguyện khác trở thành phụ, gọi là “Trợ-Nguyện”. Lấy Niệm Phật làm Chánh-Hạnh, thì các việc khác là “Trợ-Hạnh”, (“Trợ” tức là phụ, không phải chính).

Ví dụ, như việc làm thiện, làm lành, giúp người, bố thí, làm website Phật pháp, cúng dường, in kinh, ấn tống, phóng sanh, v.v… tất cả đều là trợ hạnh, trợ nguyện, làm để hỗ trợ cho việc Vãng Sanh. Xác định rõ ràng như vậy, thì lúc lâm chung tâm mình mới buông xả được vạn duyên, vững vàng, vui vẻ, an nhiên, một đường đi về Tây-phương Cực-lạc, không bị lạc.

Rất nhiều người tu hành đã mập mờ giữa CHÁNH và TRỢ, thường lấy trợ-nguyện làm chánh-nguyện, trợ-hạnh làm chánh-hạnh, thành ra suốt đời tu hành, rốt cuộc cũng không được thành tựu. Nói cho rõ hơn, vẫn không thể giải quyết vấn đề thoát ly sanh tử luân hồi!

Có người sơ ý hoặc không chịu tìm hiểu cho thấu đáo mục đích chính của Phật pháp, thường lấy phụ làm chính, lại tưởng vậy là đúng, rồi dẫn dắt người khác chăm chú vào sự Trợ-Tu, đánh mất luôn Chánh-Tu, làm cho chúng sanh mất phần giải thoát, khiến họ tiếp tục trôi lăn trong lục đạo chịu cảnh vô thường.

Ví dụ, có người quan niệm rằng, tu hành là làm thiện. Họ chuyên chú giữ gìn năm giới, làm thiện, bố thí, giúp người. Nguyện như vậy tốt chứ không phải xấu. Nhưng tu hành chỉ có gói ghém vào việc phước thiện, thì đã đi theo đường tu “Bất-Liễu-Giáo”. Nói rõ hơn, là pháp tu không tròn vẹn, không thể thành tựu đường thành đạo! Tu như vậy, sau cùng, đến lúc lâm chung, cái nguyện làm thiện này quá mạnh, nó trói cái tâm họ vào đó. Nguyện làm thiện quá mạnh, thì nguyện Vãng Sanh sẽ yếu, hoặc nhiều khi không có. Nhất thiết duy tâm tạo. Không nguyện Vãng Sanh thì không được Vãng Sanh. Làm thiện nhiều, thì nhiều lắm, họ cũng chỉ hưởng cái phước này mà thọ sanh ở trong ba đường thiện trong sáu đường luân hồi là cùng.

Tu hành không biết đường giải thoát, chỉ biết có làm thiện, tưởng vậy là đủ, nhưng thực ra quá thiếu! Dù tu hành có giỏi cho mấy, cũng bị lọt lại trong vòng sanh tử vô thường. Dù họ có thể tái sanh thành người giàu có để hưởng phước. Nhưng Phật dạy, những người này chỉ biết tu phước báu Nhân-Thiên, không thể thành tựu đạo nghiệp!

Khi hưởng nhiều phước báo rồi thì không còn tu hành nữa. Trái lại, thường sanh tâm hủy báng người tu hành, khinh thị người nghèo khó… Chính vì vậy mà tạo nghiệp rất lớn, để sau cùng bị quả báo nặng. Đây gọi là “Tam Thế Oán” vậy.

Phật dạy: “Quên phát tâm giác ngộ, mà lo làm việc thiện lành, thì việc thiện lành đó chỉ là nghiệp ma mà thôi”. Tại sao vậy? Vì định nghĩa sự tu hành quá cạn cợt, không có tâm giải thoát tam giới, thì không có ngày vượt thoát cảnh sanh tử luân hồi. Chưa thoát tam giới thì chắc chắn, không trước thì sau, tất cả nghiệp chướng, phiền não chướng, oan gia trái chủ chướng… tất cả đều phải trả, phải đền. Một khi đã đến giai đoạn phải đền trả thì rơi vào tam ác đạo rồi. Đây chính là “Nghiệp-Ma” vậy!

Cho nên, phải lấy nguyện Vãng Sanh làm Chánh-Nguyện, Niệm Phật làm Chánh-Hạnh, tin tưởng vững chắc đại nguyện của A-Di-Đà Phật cứu độ mình về Tây-phương một đời viên mãn đạo quả là Chánh-Tín. Còn tất cả các nguyện khác, hạnh khác, đều là Trợ mà thôi.

Tất cả những việc làm của mình hôm nay là đều nhằm vào mục đích: Vãng Sanh Tây-phương để thành đạo vậy.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/niem-phat-van-dap-duong-tu-can-chuyen-nhat-02-1635.html#ixzz7QuNmWI34

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –