• Trang Chủ
  • Những sơ xuất thông thường khi Hộ Niệm..

Những sơ xuất thông thường khi Hộ Niệm..

Share on facebook
Share on twitter

Những sơ xuất thông thường khi Hộ Niệm

Hỏi

Sau khi Hộ Niệm 8 giờ. Ban Hộ Niệm có cần thiết thăm hơi nóng người được Hộ Niệm ở đâu không? (Để có thể xử lý mọi trường hợp xấu kịp thời hay là tùy duyên )

Trả lời:

Nên làm. Hãy cẩn thận và thành kính làm việc này. Không nên làm với tâm hiếu kỳ, nhưng thành khẩn làm vì để coi người đi có bị chướng ngại nào không, nếu bị chướng ngại thì xử lý kịp thời, nghĩa là bảo với gia đình và Ban Hộ Niệm nên thành khẩn hộ niệm thêm cho người ra đi. Nếu được đồng thuận thì tốt, không đồng thuận thì cũng đành tùy duyên thôi.

Có nhiều người thăm thân xác quá lâu, quá nhiều làm cho chúng ta tưởng tượng rằng họ bắt cái xác chết tập thể dục.

Làm như vậy có vẻ bất kính, nên tránh. Có người, vì muốn biểu diễn sự mềm mại, cầm tay lắc qua lắc lại, ẵm lên rồi thả mạnh xuống giường, để chứng tỏ cho mọi người thấy điều “Bất khả tư nghị” của người chết. Đây là điều bất kính, hãy tránh. 

Hỏi:

Như anh Diệu Âm hướng dẫn. Sau thời gian  Hộ Niệm, người được Hộ Niệm chỉ còn hơi nóng ở một điểm hoặc khi nào toàn thân lạnh hết mới được. Vậy một trường hợp được Hộ Niệm 14 giờ, người được Hộ Niệm ngoài các điều kiện cần thiết và thoại tướng tốt đầy đủ. Toàn thân người được Hộ Niệm đều lạnh hết thì trường hợp này như thế nào? (có  được Vãng Sanh không?). Cũng không nóng ở đỉnh đầu.

Trả lời:

Hơi nóng có nghĩa là hơi ấm, hoặc ít lạnh hơn các nơi khác, chứ không phải nóng “như cái máy sấy tóc” như có người đã diễn tả đâu. Một người được hộ niệm 14 giờ sau khi tắt thở, có thể còn hơi ấm ở đỉnh đầu. Tuy nhiên, nhiều khi trong suốt thời gian hộ niệm, căn phòng mở máy lạnh thường xuyên, hoặc khi trời lạnh quá cũng có thể rất khó phân biệt. Cho nên, nếu ấm ở đỉnh đầu là cách xác định tốt hơn, mạnh hơn, yên tâm hơn, chứ không phải luôn luôn như vậy. Ví dụ, có người lúc chết chưa được vãng sanh, nhờ hộ niệm mà mấy ngày sau mới được vãng sanh thì làm sao còn hơi nóng? Cuộc vãng sanh của Sư Cô Thích Pháp Giác ở tỉnh Sơn Tây Trung Quốc là một ví dụ cụ thể.

Cho nên, yếu tố vãng sanh vẫn phải căn cứ theo ba tư lương là TÍN-NGUYỆN-HẠNH. Người có lòng tin, tha thiết cầu vãng sanh, quyết lòng niệm Phật, trước khi chết được người hộ niệm khuyên nhắc cẩn thận, bảo vệ an toàn, không bị con cháu trong nhà ngăn cản, phá hoại, khi ra đi được thoại tướng tốt đẹp cũng có thể xác định được vãng sanh. Nếu có thêm thoại tướng ấm ở đỉnh đầu thì thêm yếu tố chắc chắn, giúp cho mọi người an tâm hơn, thế thôi.

Nói chung, càng có nhiều thoại tướng tốt, càng vững tâm. Càng nhiều sự cản phá càng khó khăn cho người ra đi. Người Hộ Niệm chúng ta cứ thành tâm cứu độ chúng sanh, cố gắng giảm thiểu mọi rủi ro cho họ, mong cho người ra đi được hoàn mãn, là được. Còn mọi chuyện đều tùy duyên.

Hỏi:

Người được Hộ Niệm là một em bé hơn 10 tuổi bị bệnh Ung Thư chờ chết. Em chịu niệm Phật và phát nguyện Vãng Sanh nhưng lại đòi mua đồ chơi theo anh trường hợp này nên xử lý như thế nào? 

Trả lời:

Hộ niệm cho một người, luôn luôn tìm cách thỏa mãn những yêu cầu của họ. Một đứa bé 10 tuổi thích đồ chơi là chuyện bình thường, trước lúc chết các em còn thích được chìu chuộng, thích người chăm lo, thích người thương yêu bảo vệ… tất cả đều là chuyện bình thường. Người lớn mà đôi khi còn thích như vậy, huống chi là trẻ em.

Cho nên, hãy mua đồ chơi cho nó và nói rằng về Tây Phương muốn có đồ chơi gì thì có liền, không cần đi tìm mua như ở đây. Thần thông đạo lực ở Tây Phương vi diệu, bay lượn khắp không trung, muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, muốn cái nhà bay lên không thì cái nhà bay lên không… muốn cái gì được cái đó. Còn ở đây, mấy thứ  đồ chơi này họ làm để chơi tạm vài bữa thì hư, đâu có gì là hay… Lợi dụng sở thích của em mà khuyến tấn thêm, chứ không phải ngăn các em nhé. Đây không phải là chấp trước, mà lợi dụng sở thích để hướng dẫn, khuyến khích.

Một em bé mà biết niệm Phật, biết cầu vãng sanh thật sự là tốt lắm rồi. Hãy tận dụng tâm lý để thuyết phục và uyển chuyển khuyên nhắc mới thành công được.

Hỏi:

Khi Hộ Niệm người khai thị có cần thiết ngồi khai thị liên tục (ngồi gần nói nhỏ và các thành viên vẫn niệm Phật) hay chỉ khai thị như anh hướng dẫn trong các đĩa Hộ Niệm cho cô Kim Phượng, Cụ Hồ Thị Lan v.v..?

Trả lời: Câu hỏi này hay lắm!

Nhiều Ban Hộ Niệm, Diệu Âm thấy người khai thị nói liên tục bên tai người bệnh. Đây là điều không tốt, dễ làm người bệnh loạn tâm, tức bực, hoặc khó chịu. Có nhiều khi vì mình nói hoài, bắt họ phải chú tâm nghe hoài, làm họ bực mình, tự ái, phiền não… mà không muốn mình Hộ Niệm nữa đó.

Khoảng 1 giờ hoặc 30 phút nhắc nhở một lần là đủ rồi. Nếu người có tín tâm vững, có phát nguyện tha thiết, thường ngày biết niệm Phật tu hành nhiều v.v.. thì nhiều khi khỏi cần khai thị nữa. Xin mọi người hãy nhiếp tâm niệm Phật để người bệnh cũng nhiếp tâm niệm theo thì tốt hơn.

Cụ Hồ Thị Lan, khi Diệu Âm tới thì cụ đã bị mê man nằm im thiêm thiếp. Hỏi gia đình thì biết Cụ không niệm Phật tốt mấy, con cháu trong nhà chưa vững lắm về pháp Phật… chính vì vậy mà Diệu Âm khuyên giải khá nhiều trong những ca Diệu Âm đến HN, nhưng ít ra cũng 30 phút mới nói một lời ngắn. Coi trong video thấy khai thị nhiều là do hộ niệm nhiều lần, và người quay phim quay nhập lại, không có chia ra mà thôi.

Sau khi cụ tắt hơi, thấy thoại tướng không được tốt, nên trong 4 giờ đầu Diệu Âm nói thêm. Khi thấy tướng đã chuyển đổi thì Diệu Âm an lòng ra về… Trước khi ra về có dặn mấy đồng tu tiếp tục niệm Phật là đủ, không cần nói thêm gì nữa.

Riêng Cô KIM PHƯỢNG, như mọi người đều biết, cô bị chướng nạn rất nặng nên Diệu Âm phải cố gắng hết sức để điều giải oan gia trái chủ, (chắc Văn Tập đã biết chứ?). Diễn giải xong việc oan gia nhập thân thì cô mới ra đi được.  Khi cô ra đi rồi, trong vòng 2 giờ đầu, vẫn cần sự hướng dẫn để ngừa các chướng nạn vẫn đeo theo cô. Đây là điều tốt. Đến khi thấy rõ sự chuyển tướng khá rõ rệt, đây là điều cảm ứng tốt, nên Diệu Âm an tâm ra về.

– Có nhiều cuộc hộ niệm, người khai thị nói nhanh quá, nói cứng quá, nói cao ngạo quá, hoặc sơ ý không giữ sự thành kính với Tam Bảo, hoặc nói quá cứng khi hóa giải oan gia trái chủ… đây cũng là điều không tốt lắm, cần nên chú ý sửa chữa lại.

– Có nhiều khi người Hộ Niệm nhắc nhở mà có tính cách bắt buộc người bệnh phải niệm theo, cứ lắc đầu người bệnh, bắt họ phải mở miệng niệm theo, ép buộc họ phải mở mắt ra nhìn tượng Phật… đây cũng là điều không tốt. Nếu thấy người bệnh cứ ngủ hoài, thì lâu lâu cũng nên nhắc nhở họ cố gắng vùng lên kiên cường niệm Phật, vui vẻ khích tấn là điều tốt. Tuy nhiên, nhiều khi người bệnh quá mệt mỏi thì cũng phải cho họ nghỉ một chút, hoặc khuyên họ thầm niệm theo. Chú ý giúp họ giữ vững ý nguyện niệm Phật, chứ không thể bắt buộc họ được.

– Nhiều người hướng dẫn người bệnh mà cứ hỏi nhiều quá, bắt bệnh nhân phải trả lời liên tục, cũng không tốt! Hãy nên nói ngắn, vui vẻ một vài phút là đủ, rồi niệm Phật là được. Hỏi người bệnh nhiều quá làm họ dễ loạn tâm.

– Khi hướng dẫn, khai thị, không nên mở ra những vấn đề lạ, hoặc hỏi những câu hỏi làm cho bệnh nhân khó trả lời. Nếu lỡ mở ra một câu hỏi nào, người bệnh chưa kịp trả lời hoặc suy nghĩ, thì chính người khai thị phải nhanh chóng trả lời giùm cho người bệnh liền, đừng để họ suy nghĩ hoặc phiền não. Ví dụ: mình lỡ hỏi:

Cụ muốn nằm đây hay muốn về Tây Phương? Gặp người vui vẻ thì họ trả lời được, có người họ cảm thấy khó chịu vì họ nghĩ rằng mình khinh thường họ. Thấy vậy, đã lỡ hỏi, thì phải nhanh chóng tự giải quyết liền:

Ở đây khổ quá Cụ à, đau đớn, nhức mỏi, hãy mau về Tây phương với A-Di-Đà Phật hưởng tận sự sung sướng, thành Bồ-tát, thành Phật nghen, v.v.. và v.v..

– Tập nói cho thật tự nhiên, cũng đừng quá vội, quá nhanh, cũng đừng quá nhựa nhựa, quá chậm. Nói tự nhiên và không làm quá vẻ nghiêm trang, căng thẳng. Hay vui vẻ, tự nhiên, thản nhiên, đầy đủ sự khuyến tấn, khích lệ… Những khả năng này sẽ phát triển dần theo kinh nghiệm. Thông thường những lần hộ niệm đầu nói hay bị vấp víu, nhưng không sao đâu, từ từ sẽ tốt dần…

A-di-đà Phật

Diệu Âm

(29/09/2008)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –