Khả năng hộ niệm
Hỏi:
Khi hộ niệm cho trường hợp đang hấp hối lại có một trường hợp khác cũng hấp hối (2 trường hợp này ban hộ niệm đều hộ niệm thường xuyên khi chưa hấp hối) ban hộ niệm gặp trở ngại vì:
– Phải niệm 24/24.
-Thành viên chỉ có 8 người .
-Các ban hộ niệm khác đều bận.
Trả lời:
Mình đâu có thần thông, biết phân thân như Thánh chúng ở cõi Tây-phương đâu mà phân thân đi hộ niệm cho đủ khắp. Cần đòi hỏi người trong gia đình phải lo việc hộ niệm cho người thân của họ.
Hộ niệm 24/24 có nghĩa là người bệnh hoặc người lâm chung phải được hộ niệm 24/24 chứ đâu phải người ban hộ niệm phải có mặt 24/24. Mình tham dự trong khả năng tối đa của mình, bắt buộc gia đình phải lo hết tất cả. Khi nào ban hộ niệm của mình có người thì tới phụ hộ niệm. Chứ có cách nào khác hơn.
Hỏi:
Ban hộ niệm đang hộ niệm cho một trường hợp đã được 8 giờ nhưng chưa tốt phải niệm tiếp tục. Lại có một trường hợp hấp hối cần hộ niệm (2 trường hợp này cũng được hộ niệm thường xuyên).
-Thành viên chỉ có 8 người, có người phải đi làm nên niệm 8 giờ đã mệt rồi .
-Các ban hộ niệm khác cũng bận .
Trả lời:
Hai câu hỏi gần giống nhau. Tùy duyên chứ không cách nào khác. Mình làm vì chúng sanh, nhưng chúng sanh phải tự lo cho chúng sanh thì mới tương ưng với đại nguyện của Phật. Nhờ thế mới được cứu. Được cứu nghĩa là được sự sắp xếp.
Tất cả đều do nghiệp duyên dẫn dắt. Người thiếu phước thì đành chịu chướng ngại, chứ biết làm sao hơn.
Người trong gia đình bắt buộc phải lo hộ niệm và chạy tìm người hộ niệm cho người thân, chứ không thể đổ dồn cho ban hộ niệm được. Phải nói rõ chuyện này với thân chủ trước khi khởi sự hộ niệm. Đừng để ban hộ niệm thì lo hụt hơi, còn người nhà của họ thì ỷ lại. Không tốt!
Ban hộ niệm cần thêm người tham gia, và ban hộ niệm phải biết chia phiên nhau, không nên dồn hết lực lượng cùng niệm. Dồn lực lượng hộ niệm, ban đầu thấy ngon lành, nhưng không có đường dài. Nhiều cuộc hộ niệm, một phiên có tới mấy chục người. Tổ chức như vậy cũng tốt trong một số trường hợp, nhưng nhiều lúc có thể làm cho người bệnh bị mệt, căng thẳng, phiền não, hoặc không dám xin nghỉ khi bị quá mệt. Hơn nữa tổ chức như vậy thật quá phí sức cho ban hộ niệm, khổ cho người hộ niệm. Không ổn!
Quyết định cần phải uyển chuyển mới tốt. Tối đa 10 người một ca là đủ rồi, các người khác lo nghỉ ngơi. Phải làm đường dài, không làm đường ngắn mà sinh trở ngại về sau.
Ban hộ niệm chỉ có 8 người thì chia làm 4 ra, mỗi lần 2 người tới niệm Phật, bắt buộc người nhà phải tăng cường thêm 2,3 người nữa là đủ.
Quan trọng là khai thị tốt, hướng dẫn chính xác, lòng thành tâm, chứ không hẳn phải thật đông là tốt, nhất là nhà nhỏ hẹp quá, nhiều người cùng hà hơi sẽ không đủ thanh khí, điều này cũng gây trở ngại cho việc vãng sanh.
Không làm phiền não người bệnh, không được ỷ thị hay sơ ý gây thù hằn với oan gia trái chủ. Hòa giải được thì tốt cho cả oan gia và người lâm chung, không được thì đó là duyên phận của họ.
Nhiều người, khi thấy mình đưa được một số người vãng sanh xong thì vội tưởng mình ngon, đâm ra ngạo mạn, nói lời khinh bạc với oan gia trái chủ, nói lời như ra lệnh, hăm dọa họ, v.v… Tất cả phải tránh.
Phải tùy duyên vậy.
Hỏi:
Có một vị trưởng nhóm của một ban hộ niệm nói với rằng: Sau thời gian hộ niệm cho một người, nếu còn hai điểm nóng thì có thể niệm tiếp. Nếu chỉ còn một điểm nóng thì niệm tiếp không có tác dụng.
Trả lời:
Diệu Âm chưa bao giờ hướng dẫn như vậy, hãy đọc kỹ lại.
Nếu chỉ còn nóng một chỗ thôi thì có thể xác định được cảnh giới họ đi lúc đó, chứ chưa bao giờ nói rằng còn nóng một chỗ thì hộ niệm không có tác dụng nữa. Thêm vào câu “không có tác dụng nữa” là “ăn gian”, không “ăn gian” thì hiểu lầm, hay đọc lướt qua mà sót ý.
Có nghĩa là, khi thấy họ chưa được vãng sanh Tây-phương mình cũng nên phát tâm hướng dẫn tiếp, hộ niệm tiếp để cảnh giới họ cao hơn. Ngay cả người chết, đã bỏ trong hòm, mình còn đi dự cầu siêu để mong họ được cơ hội vãng sanh, thì tại sao lại nói “hộ niệm không còn tác dụng nữa”?
Còn nóng nhiều chỗ (hai chỗ trở lên) trên thân thể thì mình nên nghĩ rằng, thần thức có thể còn vướng trong thân thể, chưa ra được. Chư Tổ dạy, trường hợp này không được tẩn liệm, mà phải tiếp tục hộ niệm để giúp họ vãng sanh. Nếu sau 8 giờ, 12 giờ, 16 giờ mà thoại tướng không được tốt thì mình nên phát tâm niệm thêm cho họ. Cần khai thị chỉ điểm đường vãng sanh, cầu cho thần thức ngộ ra đường giải thoát, đừng lưu luyến thế gian, con cháu, thân xác, v.v… mà bị kẹt. Hoặc họ đang bị kẹt chỗ nào đó mình khuyên cho nhiều để họ tỉnh ngộ mà niệm Phật cầu A-Di-Đà Phật tiếp dẫn. Vấn đề này gia đình phải hiểu đạo mới được. Nếu họ muốn chôn sớm cho khỏe thì mình niệm một câu: “A-Di-Đà Phật” rồi ra về, chứ không cách nào khác!
Vì thế, khi người chết mà chôn hoặc thiêu sớm quá thì tội nghiệp cho họ. Người không hiểu đạo cứ tưởng tắt hơi là hết. Hoàn toàn không đúng. Chôn, thiêu quá sớm, nhiều lúc chẳng khác gì chôn sống vậy.
Hỏi:
Có một trường hợp người được hộ niệm sau 8 giờ còn nóng ở 2 điểm Ở BỤNG VÀ NGỰC. Ban hộ niệm tiếp tục niệm thêm 4 giờ nữa, hơi nóng chỉ còn Ở NGỰC. Trong trường hợp này nếu niệm thêm thì người này có CƠ HỘI VÃNG SANH không?
Trả lời:
Chắc chắn vãng sanh thì không dám nói, nhưng nói “có thể được” vãng sanh thì dám nói. Rất nhiều trường hợp sau 8 giờ, thân xác không tốt, nét mặt không tươi, vậy mà hộ niệm thêm một thời gian nữa thì thân xác biến chuyển, mặt tươi ra, thân thể mềm mại, và sau cùng thì kiểm lại có nhiều người ấm trên đỉnh đầu.
Đó là, khi tắt thở còn bị nạn, 8 giờ tâm còn vướng víu, còn bị trở ngại, chưa biết đường nào đi. Nhưng nhờ tiếp tục hộ niệm, tiếp tục khai thị hướng dẫn mà họ đã ngộ và được vãng sanh.
Hãy kiểm điểm lại về phương thức hộ niệm: khai thi, gia đình, tín tâm, v.v… Đừng để hộ niệm mà người ra đi mất vãng sanh. Lâu lâu nên họp mà bàn bạc ưu khuyết điểm.
Nếu người đi tin tưởng, gia đình tin tưởng hỗ trợ, hộ niệm đúng cách, thì thường không có trở ngại nhiều như vậy đâu. Sau 8 giờ thoại tướng sẽ rất tốt. Nếu sau 8 giờ thường khi không được viên mãn, thì ban hộ niệm hãy kiểm điểm lại cách hộ niệm, xét thử mình có sơ ý chỗ nào không? Nếu nguyên nhân là do chính tại người chết hay tại gia đình thì khỏi bàn.
Ban hộ niệm nên kiểm lại các điểm sau:
– Khai thị có thiếu sót không?
– Cách nói có trôi chảy không? Đúng trọng tâm không? Lời nói có nặng nề quá không? Có hỏi bệnh nhân nhiều quá không? Có cầu kỳ hay ngạo mạn không? Có chấp lỗi người bệnh quá không? Có nói nhanh quá, nhiều quá không? v.v…
– Cách niệm có hợp với người bệnh không?
– Nhiều cuộc hộ niệm bị xen tạp nhiều thứ quá. Người HN hình như có khuynh hướng muốn thêm nhiều thứ vào cho rậm đám, đây là điều nên tránh. Ví dụ, niệm Phật thì niệm 6 chữ hoặc 4 chữ là được rồi. Chớ nên niệm:
Nam mô tiếp dẫn đạo sư A-di-đà Phật (10 chữ) hoặc Nam mô pháp giới tạng thân A-di-đà Phật (10 chữ) v.v… không cần thiết. Không tốt lắm! 4 chữ hoặc 6 chữ là tốt nhất.
Nên nhớ, chủ yếu là niệm Phật. Có thể tụng kinh, tụng chú… Nhưng chỉ là phần phụ thuộc.
– Người nhà có thường thầm thì chuyện gia đình, than khóc, cầu xin hết bệnh, còn mong: “Còn nước còn tát”, âm thầm chống phá việc hộ niệm… không?
– Gia đình kình cãi, bất hòa trong khi hộ niệm? Lúc chết rồi mà kình chống nhau sẽ ảnh hưởng rất xấu đến thần thức người ra đi.
– v.v… và v.v…
Chúc thành công.
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm
(26/10/2008)