Hộ niệm có cần tụng kinh, đọc chú?

Share on facebook
Share on twitter

Hộ niệm có cần tụng kinh, đọc chú?

   Hỏi:

Người cư sĩ bạn của người mất, có mời chúng em đến hộ niệm trong vòng 8 tiếng, sau 8 tiếng thì người nhà của người mất gọi nhà quàng họ xuống mang xác đi. Trong thời gian chờ nhà quàng xuống thì em thấy người cư sĩ trưởng nhóm họ làm những việc sau đây, em không biết có đúng không, em xin anh giải thích.

Chẳng hạn như họ đọc Chú Đại Bi, đến Bát Nhã Tâm Kinh, xong tụng kinh A Di Đà, chú Vãng sanh, và niệm Phật thêm để chờ người nhà quàng đến…

 Em cũng có dự hộ niệm vài lần, nhưng chỉ thấy niệm Phật, từ 8-12 tiềng xong rồi thôi chứ không có làm thêm phần tụng kinh, trì chú.

 Xin anh Diệu Âm hoan hỉ giải thích giúp em giải toả những phân vân, để khi đi hộ niệm mình biết những gì mình cần làm và những gì minh không nên làm để cho người ra đi không bị thiệt thòi mất phần vãng sanh.

 Trả lời:

Đọc chú Đại bi, tụng Bát nhã tâm kinh, tụng kinh A-Di-Đà khi hộ niệm không có gì sai cả, nhưng thật sự để trực tiếp giúp người lâm chung vãng sanh thì câu Phật hiệu là mạnh nhất, thẳng nhất, trực tiếp chuyển cảnh giới cho người ra đi.

 Trong kinh Vô lượng thọ, Phật dạy 10 niệm tất sanh. 10 niệm này là niệm 10 lần danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-phương Cực-Lạc.  Hãy quyết tâm giúp cho người sắp chết niệm cho kỳ được 10 câu Phật hiệu cầu vãng sanh.

 Tụng chú Đại-bi giải ách nạn, tiêu nghiệp chướng, tốt chứ không phải sai. Nhưng trong một thời gian quá ngắn ngủi và cấp bách này, người bệnh khó có thể tụng được để tiêu nghiệp. Dù có tụng được cũng khó nhất tâm trong tình huống quá cấp bách, tứ đại phân ly đau đớn cùng cực! Khó nhất tâm tụng niệm thì làm sao tiêu nghiệp!? Vấn đề là ở chỗ này.

 Tụng Bát nhã tâm kinh để hiểu thấu lý không của chơn tâm tự tánh. Hiểu được lý không này thì thành Phật. Nhưng thưa thực rằng, chính người còn đang khỏe cũng chưa chắc đã hiểu thấu lý đạo trong tâm kinh, thì làm sao người bệnh (nghĩa là còn sống) bình tĩnh để hiểu. Khi chết rồi, trong khoảng thời gian ngắn ngủi, thần thức đang trăn trở đấu tranh rất căng thẳng với tình chấp, đang quay cuồn trong cơn gió nghiệp, nào là oan gia trái chủ bủa vây báo hại, v.v… Thật là vạn điều thống khổ nói không nên lời, thì thật sự cũng quá khó cho họ bình tâm để hiểu thấu đạo lý cao diệu trong tâm kinh.

 Hãy niệm Phật cầu Phật quang chiếu xúc, cứu độ người vãng sanh. Câu Phật hiệu, ngắn gọn, rõ ràng giúp cho bệnh nhân còn sống hay thân trung ấm giựt mình tỉnh ngộ niệm theo. Lời Phật A-Di-Đà thề rằng, người nào khi xả bỏ báo thân, niệm danh hiệu Ngài cầu vãng sanh, dẫu cho mười niệm mà không được sanh, thì Ngài không giữ ngôi Chánh-Giác.

  Niệm sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” mà Phật còn sợ dài, còn sợ cho người sắp chết khó niệm được, nên chư Phật, cũng chư Tổ khuyên hãy niệm 4 chữ “A-di-đà Phật”. Trong kinh Vô lượng thọ Phật cũng dạy 4 chữ “A-Di-Đà Phật”. Ngắn gọn để dễ vãng sanh hơn. Tại sao chúng sanh không chịu vâng lời Phật dạy!?…

 Mau mau chộp lấy cơ hội này mà thành tựu đạo quả, chớ sơ ý nữa mà ân hận vạn kiếp đó!

 Tụng kinh A-Di-Đà cũng rất tốt, nhưng suy cho cùng lý, thì kinh A-Di-Đà Phật dạy cho chúng sanh niệm câu Phật hiệu để vãng sanh, thì lúc tối cần thiết này chúng ta hãy nhiếp tâm niệm câu Phật hiệu, tức là niệm toàn bộ kinh A-Di-Đà rồi đó.

 Nói chung, lúc lâm chung, không có gì khác hơn là niệm một câu Phật hiệu “A-Di-Đà”, thành tâm, chí thành chí kính, cùng nhau niệm sẽ giúp cho người ra đi nhiếp tâm niệm theo, cầu xin vãng sanh mà đưọc vãng sanh.

 Đây là đường dễ nhất, trực tiếp nhất, chuyển đổi hẳn từ cảnh phàm phu tội chướng nặng ở cõi ta bà khổ lụy, về Tây-phương thành bậc bất thối chuyển. Nhất thiết duy tâm tạo. Tâm niệm A-Di-Đà Phật thì chủng tử A-Di-Đà Phật sẽ xuất hiện, chủng tử A-Di-Đà hiện ra thì tương ứng với từ lực tiếp dẫn của Phật A-Di-Đà mà vãng sanh về Tây-phương.

 Tóm lại, trong suốt thời gian từ sau khi tắt hơi cho đến 8 giờ, 12 giờ, 16 giờ… Tốt nhất là hãy cùng nhau niệm câu Phật hiệu, niệm cho đến khi nhà quàng đem xác đi mới tốt. Tất cả kinh điển gì khác có thể tụng sau đó cũng được, chưa phải muộn.

 Nên nhớ, trong lúc lâm chung rất cần sự khai thị hướng dẫn, cần ngắn gọn, rõ ràng, chủ đích là khuyên buông xả tất cả để niệm Phật cầu Phật phóng quang tiếp độ vãng sanh Cực-lạc. Đang vừa tắt hơi thì khai thị ngay để người đó kịp thời tỉnh ngộ mà niệm Phật. Trong khoảng một vài giờ đầu sau khi tắt hơi rất cần tiếp tục nhắc nhở, khai thị, hướng dẫn thần thức niệm Phật cầu vãng sanh. Cần nhắc thần thức đừng nên chạy theo những cảnh giới lạ, cứ một lòng niệm A-Di-Đà Phật, chờ A-Di-Đà Phật đến tiếp dẫn là được vãng sanh. A-Di-Đà Phật hóa hiện sẽ giống như ảnh tượng đang treo trước mặt bệnh nhân.

 Tụng kinh, tụng chú trong những lúc này không mạnh bằng câu Phật hiệu. Chư Tổ thường xuyên nhắc nhở rằng, tụng kinh không bằng tụng chú, tụng chú không bằng niệm A-Di-Đà Phật. Nhất là trong lúc hộ niệm, câu A-Di-Đà Phật là tất cả nguồn vãng sanh thành đạo vậy.

 Niệm tám tiếng đồng hồ là thời gian tối thiểu, chứ không phải tối đa. Nếu niệm tám giờ mà người chết vẫn chưa hiển hiện tướng tốt thì có thể họ chưa được phước phần thoát nạn. Đây là do nghiệp chướng báo hại, oan gia cản trở, hoặc tâm người ra đi còn mê muội tham chấp vào chuyện thế gian vô thường, như thương tiếc cái thân, thương nhớ con cháu, tham tiếc tài sản, uất hận chuyện gì, v.v… Nếu thuận duyên, hãy phát tâm niệm thêm cho họ đến 16, 20 tiếng. Rất tốt.

 Nên khai thị, hướng dẫn cụ thể, nghĩ thử người chết đang bị chướng nạn gì mà khai nói thẳng đến vấn nạn đó. Hãy hỏi người nhà để biết tâm chấp của người bệnh.  Hãy xem thử người nhà có tin hay không, có khóc hay không, có làm điều gì lôi kéo họ lại không?

 Khai thị rất quan trọng. Cần phải học tập cách nói trôi chảy, đừng nói ấp úng, ngập ngừng, giọng nói vững vàng, tin tưởng, thành tâm… Phải tập ứng đối suông sẻ, sáng suốt và phải đi thẳng vào trọng tâm của sự gút mắc mới cứu người được.

 Còn chuyện tụng kinh cầu siêu, cúng tế,… không phải phần hành chính của người hộ niệm.

 Mong cho nhiều người sớm ngộ pháp Phật nhiệm mầu, mau mau ứng dụng phương cách hộ niệm vi diệu để cứu độ được người nào hay người đó. Còn như cứ tiếp tục mê muội, không tin tưởng… thì Phật cũng đành “tùy duyên”!

  A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(29/01/2009)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –