Hỏi:
Trong những buổi niệm Phật cho những trường hợp trên VT thấy thường xuyên đọc bài SÁM HỐI.
Con xưa đã tạo bao ác nghiệp.
Đều từ vô thỉ tham sân si…
..
Hết thảy con nay xin xám hối.
Nam Mô cầu xám hối Bồ Tát Ma Ha Tát (đọc 3 lần)
Theo như cách hướng dẫn của Anh về phương pháp hộ niệm và qua những trường hợp hộ niệm vãng sanh mà chính anh là người khai thị VT không thấy cách SÁM HỐI này.
Như vậy cách Sám trên có đúng pháp không?
Trả lời:
Sám nghiệp không có gì sai. Nhắc nhở người bệnh sám hối là điều tốt. Tuy nhiên, khi đi hộ niệm chúng ta nhắc về sám hối một vài lần là có thể đủ, đừng nhắc đến điều sai trái của người bệnh nhiều quá, vì khi nhắc đến lỗi lầm thì có thể khiến cho người bệnh mặc cảm tội lỗi, hoặc cứ nhớ đến những sai trái mà không yên tâm niệm Phật.
Một người, giả sử, bị lỗi lầm nhiều quá, lớn quá, chúng ta phải khuyên họ sám hối, chỉ họ cách sám nghiệp.
Nhưng sau khi sám hối rồi, người hộ niệm tìm lời an ủi, vỗ về, khuyến tấn họ, làm cho họ không còn sợ hãi hay lo ngại về chuyện sai trái nữa. Có vậy họ mới an lòng niệm Phật. An tâm niệm Phật mới có cơ hội vãng sanh.
Phải có tâm lý, thiện xảo phương tiện, chứ không thể thẳng như “ruột ngựa” được, thấy họ sai mà nhắc đến cái sai hoài, thì không khéo họ bị phiền não, mắc cỡ, tức bực… Đã bị vậy rồi rất khó cứu họ.
Như vậy, lời sám hối trên, nếu có thể, nhắc một lần, hai lần là đủ. Sau đó, khuyên họ nhiếp tâm niệm Phật, cố giúp họ quên luôn các sai trái trong quá khứ đi, để chỉ còn nhớ câu Phật hiệu mà niệm.
Hơn nữa, còn khuyên người bệnh rằng, những chuyện sai trái đó chẳng qua là do sự mê muội nhất thời, lúc mình chưa hiểu Phật pháp. Chuyện này ai cũng có, không ai tránh khỏi. Đừng ngại, đừng lo sợ.
Điểm quan trọng là tìm mọi cách để an ủi người bệnh. Đừng để những chuyện sai trái thành ra chuyện lớn làm vướng mắc tâm họ. Khuyên họ, thuyết phục họ hãy hết sức an lòng về chuyện này.
Người hộ niệm khi chỉ cách cho họ sám hối xong, thì coi như nghiệp chướng đã phủ phục. Nói với người bệnh rằng, đã thành tâm sám hối thì Phật đã chấp nhận cho họ được mang nghiệp về Tây phương để Phật giải cho, gọi là: “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Quyết định phải giúp họ an tâm niệm Phật mới được.
Đó là nói với người bệnh. Còn về phần nguời thân trong gia đình, thì mình phải nói riêng. Đòi hỏi gia đình phải thành tâm hóa giải ách nạn cho người bệnh. Phải làm phước, phóng sanh, in kinh, bố thí… cho nhiều để hồi hướng công đức.
Khi bị nghiệp khảo nặng, bị oán thân trái chủ báo hại, thì rất cần sự thành tâm của người thân hóa giải: niệm Phật, lạy Phật cầu Tam bảo gia bị. Ăn chay, phóng sanh, thành tâm cầu xin oan gia trái chủ tha thứ. Nhất là phóng sanh, rất tốt.
Những người nằm trên giường bệnh năm này qua năm khác thì việc làm phước thiện của gia đình rất quan trọng, giúp cho người bệnh dễ thoát ách nạn dở sống dở chết. Nếu gia đình không chịu tiếp tay trong chuyện này thì người hộ niệm cũng đành tùy duyên chứ không cách nào khác hơn. |