Hỏi:
Khi cầu xin oan gia trái chủ thường nói lớn với nội dung như: Kính thưa chư vị hương linh có mặt ở đây, cùng chư vị hương linh Cửu Huyền Thất Tổ… Vì vô minh che lấp nên Phật tử… đã gây ra nhiều lỗi lầm đã làm cho chư vị đau khổ. Có thể là ăn thịt, giết hại, não loạn… Bây giờ Phật tử… đã thành tâm sám hối phát Bồ Đề tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc…
Cách cầu xin oan gia trái chủ như vậy có làm cho người được hộ niệm sợ không? Có làm ảnh hưởng đến tinh thần của người được hộ niệm không? (vì thường xuyên nhắc lại)
Trả lời:
Cầu giải oan gia trái chủ nên thành tâm, nói chầm chậm, một vài lần thì có thể đủ để giải được. Không nên nói lớn tiếng, vì nói lớn tiếng giống như kiểu ra lệnh, không tốt.
Có nhiều người điều giải nói nhanh quá, nói xẳn giọng, lớn tiếng quá,… không tốt.
Mình là Phật tử, chưa có công đức lớn, lúc nào cũng nên khiêm nhường, khiêm tốn. Nhất định không có một chút ác ý nào đối với oan gia trái chủ, hay chư vong linh. Vì tất cả họ đều là chúng sanh như chúng ta. Không bao giờ có ý hãm hại hay ghét bỏ họ. Không thể vì cứu người bệnh mà gây hại đến họ.
Hãy một lòng khuyên giải, khẩn nguyện, cầu xin… họ quay đầu hướng Phật để hỗ trợ nhau giải thoát. Giả như họ không chịu buông tha, thì đó cũng là nhân quả của họ với người bệnh. Mình chỉ thành tâm điều giải là tốt nhất, chứ không có cách nào khác hơn.
Mỗi khi muốn điều giải, hãy chắp tay, im lặng tịnh tâm một chút rồi mới nói. Nói chậm rải, nói tha thiết, nói thẳng vấn đề. Chỉ một vài lần là đủ, đừng lập đi lập lại quá nhiều lần, (ngoại trừ những trường hợp quá đặc biệt và cần thiết).
Đừng nhắc đến những cảnh giới quá hung dữ trong tam ác đạo cho người bệnh nghe làm chi. Đây là điều không tốt lắm, mà có thể dễ làm người bệnh hoảng sợ. Hoảng sợ thì bất an, hãi kinh, rất khó tịnh tâm được. Đây là vấn đề tâm lý.
Có thể soạn thành bài, rồi cầm bài đọc một cách trang trọng. (Trong quy tắc trợ niệm lâm chung có một số bài mẫu).
Câu hỏi này hay lắm. Hãy phổ biến cho nhiều người xem để tránh lỗi lầm trong khi hộ niệm. |