Để làm trưởng ban Hộ Niệm
Hỏi:
Theo kinh nghiệm cảm nhận của con:
Để làm 1 trưởng BHN thì chỉ có mấy điều sau đây:
1/Phải đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh (tin sâu)
2/Kiến thức Phật Pháp phải vững vàng (Pháp môn Tịnh-độ)
3/Phải có năng lực sáng tạo (Thông minh)
4/Lời nói phải có lực (công năng) vì mình nói không có lực, thì lực khai thị cho oan gia trái chủ họ sẽ không nghe, không sợ.
VD: Vị tướng ở sa trường lời nói phải có uy nên hét một tiếng là lính phải khiếp sợ…
5/Phải ăn chay trường
6/Phải có lòng từ bi
Theo chú những điều kiện như vậy có đúng không?
A-Di-Đà Phật
Trả lời:
Huy đưa ra những mục khá hay! Cố gắng kết hợp, thương yêu và giúp đỡ nhau để hộ niệm nghen.
Điều thứ nhất, nói về: “Đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh” thì rất cần thiết cho người hộ niệm. Điều này không chỉ riêng cho người trưởng ban hộ niệm, mà tất cả mọi người trong ban hộ niệm cần nên có. Không có ba điểm này mà đi hộ niệm thì kết quả thường sanh ra những chướng nạn khác, gây trở ngại cho việc vãng sanh.
Trong đó, chữ Tín là điều quan trọng nhất. Tất cả đều từ tín tâm mà ra cả. Có tín tâm thì nguyện vãng sanh mới tha thiết, niệm Phật mới chuyên nhất.
Người không có tín tâm thì hay đi niệm thử, hiếu kỳ, soi mói, v.v…. đem tâm này niệm Phật thì rất khó đạt được kết quả như ý muốn.
Người hộ niệm thiếu tin tưởng thì ý chí dễ bị lung lay. Chỉ cần gặp một vài trở ngại thì tinh thần sẽ suy sụp, chao đảo, từ đó mới xen tạp những cách thức khác như: cầu siêu, hậu sự, bùa chú… hoặc vay mượn những hình thức lạ của thế gian.
Hộ niệm như vậy khó tránh sự sai lệch, biến chất… Nghĩa là, coi chừng chánh pháp sẽ bị mai một, hoặc biến chất .
Không vững lòng tin nên khi nghe những sự bàn tán bên ngoài thì chính mình đâm ra nghi ngờ pháp Phật. Ví dụ: như người cứ thắc mắc rằng: vãng sanh sao dễ dàng như vậy? Nhiều người tu hành cả đời chưa được vãng sanh thì làm sao niệm Phật vài câu mà được vãng sanh? Đâu thể thấy một tướng chết đẹp là gọi là vãng sanh? Hồi giờ không ai được vãng sanh thì sao bây giờ nghe chuyện vãng sanh khắp nơi vậy? Ngay khi thấy tận mắt được người vãng sanh, họ cũng không dám tin tưởng có chuyện này!…
Họ tự đặt ra rất nhiều vấn nạn để hồ nghi. Hẳn nhiên, sự hồ nghi này không phải không có lý, nhưng vấn đề ở đây chính là: sự “Hồ Nghi” đã đến trước sự thành tâm.
Sự chủ bại đã dự bị sẵn trước khi ra trận. Tâm chủ bại nhất định khó thể thắng trận!
Từ trước đến nay chúng sanh đã bị thua bại quá nhiều trong trận chiến đấu với sanh tử luân hồi, thành ra ai cũng đã quen thuộc đến sự bại trận!
Ách nạn sanh tử đã thắng thế từ vô lượng kiếp rồi. Chúng sanh, ông bà, cha mẹ, người thân, kẻ lạ trong vô lượng kiếp qua đã bị khổ lụy vô tận. Thành ra, chúng sanh chấp nhận sự đọa lạc một cách tự nhiên. Họ tưởng rằng, đây là một định luật chắc chắn, không có con đường nào khác!
Đến nay, may nhờ có chút duyên lành, gặp được pháp niệm Phật, biết được phần nào phương pháp hộ niệm, mới cứu được một ít người vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, số luợng nhiều lắm cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thế mà, nhiều người đã vội cho là nhiều quá, là lạm phát quá. Dù cho, đôi khi họ thấy được rồi vẫn chưa dám tin!
Thật đáng tiếc! Chẳng lẽ, chúng sanh cứ muốn tiếp tục mê mê mờ mờ đâm đầu vô hầm lửa như vô lượng vô biên người đã từng đi, để tiếp tục đọa lạc khổ đau, đời đời kiếp kiếp, mới vừa lòng sao?!…
Thôi thì, hôm nay xin khuyên rằng, ai hồ nghi thì cứ để họ hồ nghi. Riêng người niệm Phật phải giữ vững lòng tin, giữ vững chí nguyện vãng sanh để về Tây phương thành Phật. Đừng mê muội chạy theo ngã luân hồi nữa nghen, ân hận ngàn đời vạn kiếp đó!
Người hộ niệm với lòng hồ nghi tạo nên ảnh hưởng không tốt:
– Làm cho người bệnh mất ổn định niệm Phật,
– Làm người thân nhân của họ không đủ tin tưởng để an tâm niệm Phật cầu xin cho người thân vãng sanh,
– Những lời khai thị hướng dẫn của người hộ niệm khó khai mở đuợc nỗi uẩn khúc trong lòng người bệnh,
– Không phá được chướng nạn từ oan trái, khó cảm thông với oan gia trái chủ.
– Chính vì thế, người hồ nghi tạo nhiều hoang mang trong môi trường hộ niệm, phá hỏng rất nhiều sự cảm ứng đạo giao.
Ấn Quang Đại sự dạy. Vãng sanh là do lòng CHÍ THÀNH CHÍ KÍNH mà được cảm ứng với Phật.
Người thiếu lòng tin không thể đạt đến chỗ chí thành chí kính được.
Người trưởng ban hộ niệm và người muốn tham gia vào ban hộ niệm nên nhớ nằm lòng câu này, để cho lòng chí thành chí kính phải nhập sâu vào tâm mới được.
Tâm tâm tương ứng. Tâm tin tưởng giúp người tin tưởng. Tâm hồ nghi tạo môi trường hồ nghi. Tâm chủ bại làm suy sụp tinh thần đại chúng.
Đây là nội dung điều thứ tư của Huy đưa ra: “Lời nói phải có lực…”. (Sẽ nói sau)
Điều thứ hai: nói về: “Kiến thức Phật Pháp phải vững vàng? (Pháp môn Tịnh-độ)”
Có kiến thức thì tốt, nhưng tốt nhất vẫn là lòng chân thật, thành tâm. Người hộ niệm nên dùng tâm chí thành, chí kính, tha thiết để khuyên người bệnh buông xả vạn duyên, cầu vãng sanh, cầu giải thoát ách nạn.
Không nên tự mãn vào kiến thức về Phật học mà giảng rộng kinh pháp trong khi khai thị hộ niệm. Nên tránh những điều triết lý, nói huyền, nói diệu, hay diễn giải những đạo lý cao siêu khi hộ niệm.
Nhất là đối với người bệnh chưa tắt hơi, những cách nói huyền nói diệu này rất dễ làm người bệnh rối mù, khó hiểu, nhứt đầu… khiến cho tâm đã bị đau loạn lại càng loạn thêm…!
Điều thứ ba: nói về: “Phải có năng lực sáng tạo (thông minh)”.
Nên nói rằng, chú ý rút tỉa kinh nghiệm để giảm thiểu lỗi lầm trong những lần hộ niệm thì hay hơn.
Hẳn nhiên, không có điều gì cứng nhắc, thì người hộ niệm cũng cần biết uyển chuyển để sự việc được êm xuôi. Đây là điều cho phép.
Khai thị, nghĩa là gỡ nạn cho bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân có mỗi nạn riêng. Cần khéo léo giúp bệnh nhân giải tỏa tâm tư đang bị vướng mắc của họ. (Nên hỏi người nhà nhiều về: tình cảm, ý nghĩ, thương ai, ghét ai, luyến lưu điều gì… của bệnh nhân để dễ có lời khuyên đúng mức).
Còn việc sáng tạo trong phương pháp hộ niệm thì không nên. Vì sáng tạo sẽ dễ lạc xa với sự hướng dẫn của chư Tổ Sư. Chư Tổ Sư, y theo kinh điển của Phật, đã ứng dụng cứu độ chúng sanh qua hàng ngàn năm rồi. Chúng ta phải y giáo phụng hành mới tránh tình trạng “Tam sao thất bổn” về sau.
Nên nhớ rằng, sự sáng tạo thường dẫn tới chỗ xen tạp, sai lệch, mất chánh pháp.
Mình sáng tạo được thì người khác cũng sáng tạo được. Nhóm này sáng tạo được thì nhóm khác cũng sáng tạo được. Sau một thời gian, chắc rằng phương pháp hộ niệm sẽ bị sai lệch rất nhiều. Lúc đó, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Nghĩa là, sau nay sẽ mù mịt, mất chỗ dựa, là mạt pháp!
Khi sửa đổi phương pháp, thì ai cũng nghĩ rằng mình đúng mới sửa đổi. Nhưng thực tế, có thực sự đúng hay không là một điều hoàn toàn khác!
Về Phật pháp, xin chư vị phải thật hết sức cẩn trọng.
Phật dạy, thời mạt pháp này, tu hành phải: “Y pháp bất y nhân”. Phải y giáo theo kinh điển, không được y theo ý kiến cá nhân. Cần nương theo thiện tri thức, chư vị Tổ Sư, các vị cao tăng đắc đạo… mới thực là điều tốt hơn vậy.
Sáng tạo theo ý mình tức là y theo cá-nhân đó. Nên tự trả lời câu hỏi này: mình đã có trí huệ chưa? Nếu thực sự mình có trí huệ, thì tại sao trước giờ mình không biết điều này!
Điều thứ tư: nói về: “Lời nói phải có lực (công năng) vì mình nói không có lực, thì lúc khai thị cho oan gia trái chủ họ sẽ không nghe, không sợ…”
Khai thị phải có lực mới tốt. Khai thị mà nói nhừa nhựa, nét mặt ưu sầu, tư tưởng tiêu cực, cử chỉ thiểu não, nói mập mờ, v.v.. rất khó cảm ứng, rất khó giải tỏa những uẩn khúc trong tâm, khó phá được những nỗi lo âu sầu muộn trong tâm người sắp chết.
Nên nhớ, người sắp chết họ bị rất nhiều áp lực như: hãi hùng, lo sợ, âu sầu, luyến lưu, phân vân… Nói chung tâm trạng họ rối bời bời!
Lúc bình thưòng, thì người nào cũng có thể lý luận hay, chứ đến khi chính mình ở vào cảnh trạng đó, chưa chắc đã vững như họ!
Người yếu đuối, không vững tâm đang rất cần người vững tâm giúp đỡ.
Rơi vào tính trạng yếu đuối này, nếu gặp được người trợ niệm giỏi là cả một sự may mắn, còn gặp người trợ niệm yếu thì người bệnh đó còn có thể bị nhiều rủi ro!
Người hộ niệm thế nào là giỏi? Tin tưởng, kinh nghiệm.
Người hộ niệm thế nào là yếu? Mất niềm tin, thiếu kinh nghiệm.
Muốn có kinh nghiệm thì nên tham gia nhiều cuộc hộ niệm. Chú ý rút kinh nghiệm từ người khác. Hãy quay phim lại để tự coi lại mình để tự nhận ra những điểm sơ suất.
Nếu thiếu niềm tin thì mau mau lấy lại niềm tin. Đừng nghĩ ngợi lung tung nữa.
Phât dạy 10 niệm tất sanh. Ta phải tin cho vững, thì mới giúp được người chuyển đổi cảnh giới, từ chỗ hồ nghi, âu lo, sầu bi, sợ hãi, khủng hoảng… chuyển thành tin tưởng, an tâm, vui vẻ, bình tĩnh, vững dạ… niệm Phật cầu sanh Cực-lạc.
Chính người hộ niệm phải có đủ những ưu điểm này trước. Có thế mới chuyển những cảnh giới đang bất thuận lợi trước mắt.
Cho nên, nếu người khai thị mà còn lo lắng, bồn chồn, không tin tưởng… thì diễn nói cách nào đi nữa, cũng khó mà tránh được tâm trạng tiêu cực hiện ra. Tiêu cực của mình lây sang người đối diện, thật khó có thể giúp người giải tỏa chướng nạn. Rõ ràng, sự thất bại đã đến truớc khi hộ niệm vậy!
Tuy nhiên, nên nhớ thật kỹ điều này, lực này không phải là lực gì đó giúp mình khai thị làm cho oan gia trái chủ sợ mà nghe theo đâu.
Hộ niệm mà sơ ý, coi chừng tạo nghiệp! Khởi một tâm cao ngạo, coi chừng bị oán nghiệp!
Khai thị, điều giải oan gia, người hộ niệm luôn phải có tính thần cung kính, khẩn cầu, thỉnh nguyện chư pháp giới chúng sanh buông bỏ hận thù để cùng chúng ta niệm Phật, kết duyên lành với A-Di-Đà Phật, cùng cầu về miền Cực-lạc, để cùng nhau liễu thoát sanh tử luân hồi, cùng thành tựu đạo giải thoát.
Nhất định, xin đừng bao giờ dùng “nội lực gì đó” riêng của mình mà chèn ép oan gia. Không nên vì cứu người bệnh sắp chết mà làm hại đến chư vị oan gia trái chủ.
Từ bi thương chúng sanh, thì tất cả hữu tình trong pháp giới đều là chúng sanh. Người hộ niệm phải có tâm từ bi một cách bình đẳng. Ta không thể vì người này mà hại đến người khác, dù là họ đang ở trong bất cứ cảnh giới nào, vô hình hay hữu hình.
Hãy thành tâm khuyên họ buông xả oán thù, buông xả lục đạo luân hồi, buông xả tham sân si mạn… để niệm Phật cầu vãng sanh thoát vòng sanh tử khổ đau. Hãy tha thiết làm điều này. (Nếu họ không chịu buông xả, thì đó là nghiệp chướng riêng của họ).
Tất cả đều có nhân quả. Hãy nương theo nhân quả mà khuyên nhau làm thiện làm lành để hưởng quả báo thiện lành.
Người tu hành tốt, tự họ có đức hạnh tốt, lời nói của họ được chư oan gia kính nể, tin tưởng, vâng lời. Chúng ta nên nhờ các vị này khai thị là điều tốt. Đây là do cái đức của họ mà có ảnh hưởng tốt, chứ không phải họ dùng nội lực riêng mà trấn áp người khác đâu. Người cố tình dùng “nội lực(?)” riêng của mình để ép buộc người khác không thể gọi là “Chánh Pháp” được!
Mình muốn có cái đức lớn thì tự tu hành tốt. Đối với pháp niệm Phật, thì Tín-Nguyện-Hạnh thật vững là tu tốt vậy.
Hãy thành tâm khuyên oan gia trái chủ, nhân cơ hội này tạo duyên cực lành để giải thoát, đó là cùng nhau niệm Phật, hộ niện cho người bệnh vãng sanh. Nhân này sẽ giúp cho họ được vãng sanh, và mình sẽ hồi hướng công đức cho họ, cầu cho họ sớm liễu thoát sanh tử khổ nạn.
Xin nhắc lại, luôn luôn giữ một tâm nguyện duy nhất là: THÀNH TÂM KHẨN CẦU ĐỂ HÓA GIẢI. Không nên cưỡng ép bằng sức mạnh.
Điều thứ năm: nói về: “Phải ăn chay trường”.
Ăn chay trường thì tốt hơn không ăn chay trường.
Nhưng đây cũng không phải là luật cứng nhắc áp dụng cho người hộ niệm. Các phái tiểu thừa bên Thái-Lan, Nhật-Bản, Tây-Tạng, và còn nhiều nước khác, người tu sĩ Phật giáo đều còn ăn mặn, nhưng đức tu của họ rất tốt, họ vẫn có thể thành tựu cao.
Ăn chay để giữ gìn tâm từ bi của mình, tránh nhiều chướng duyên với chúng sanh. Đây là pháp tự giải bớt nghiệp nhân xấu. Vậy thì, tốt nhất chúng ta nên ăn chay.
Tuy nhiên, ăn chay là để giảm bớt nghiệp của mình (vì mình là người nghiệp nặng), chứ ăn chay không phải là thành Phật, là thành đạo đâu nhé. Đừng quá chấp vào đây mà chính mình bị kẹt.
Nên nhớ, làm thiện mà chấp vào thiện, thì không còn là thiện nữa!
Ăn chay chỉ là việc thiện mà thôi. Ăn chay mà không chấp vào ăn chay, thì gọi là: “Trai giới thanh tịnh”. Tốt.
Ăn chay mà chấp vào ăn chay thì biến thành “Tố-thực”. Nghĩa là, giống như loại chúng sanh không ăn thịt được, thế thôi! (ví dụ: con bò chẳng hạn, chúng ăn chay trường, nhưng không phải để thành đạo đâu!). Đây là vấn đề khác, không bàn thêm ở đây.
Cho nên, hãy khuyên người niệm Phật đi. Khi niệm Phật rồi, người đó phát tâm ăn chay thì hay hơn là bắt ăn chay rồi mới niệm Phật. Tất cả đều có tâm Phật, không được vì một lý do gì mà ngăn cản hay đoạn mất cái duyên niệm Phật của chúng sanh.
Điều thứ sáu: nói về: “Phải có lòng từ bi”.
Chắc chắn điều này đúng. Từ bi là Tính-đức, tự mỗi người phải lo gìn giữ, chứ làm sao đo được đây?
Tu-Đức là sự tập luyện. Tính-Đức là điều sẵn có. Chính chơn tâm của chúng sanh đã có Tính-đức. Hãy lo niệm Phật tu hành thì các Tính-đức này sẽ từ từ hiển lộ.
(Những vấn đề này hay lắm! Nên phổ biến cho nhau cùng tham khảo)
Diệu Âm
(28/04/09)