• Trang Chủ
  • 37. Người Mất Được 1 Tiếng Đã Đụng Chạm Vào Thân Xác, Thấy Lòng Bàn Chân Nóng Và Tuyên Bố Đã Đọa Địa Ngục…Đúng Hay Sai?

37. Người Mất Được 1 Tiếng Đã Đụng Chạm Vào Thân Xác, Thấy Lòng Bàn Chân Nóng Và Tuyên Bố Đã Đọa Địa Ngục…Đúng Hay Sai?

Share on facebook
Share on twitter

Buông Xả, Niệm Phật Để Vãng Sanh

 Hỏi:

Vấn đề: … đi hộ niệm cho 1 cô phật tử (cô phật tử này thường hay cúng dường đồ tứ sự cho chư tăng – việc làm này rất lâu năm rồi), do phải đi bộ nên khi đến nơi thì cô phật tử này đã tắt thở khoảng 1 tiếng đồng hồ, … (vị này) lấy tay sờ vào thân thở cô phật tử này thì thấy lòng bàn chân nóng, … (Vị này) mới nói là: CÁC CON, PHẬT TỬ NÀY ĐỌA ĐỊA NGỤC RỒI CÁC CON AH bây giờ thầy trò mình niệm PHẬT để cứu cô phật tử này, thế là … (Vị này)cùng với 5 … (vị khác) niệm PHẬT liên tục được 2 tiếng đồng hồ, sau 2 tiếng đồng hồ … (Vị này) dùng 2 BÀN TAY đặt vào 2 lòng bàn chân của cô phật tử này (giống như dùng nội lực của mình đẩy hơi nóng của lòng bàn chân lên trên) kết quả là TRÊN NGỰC NÓNG… (Vị này) nói: “THẦY TRÒ MÌNH CHỈ ĐỦ KHẢ NĂNG CỨU CÔ PHẬT TỬ NÀY LÀM NGƯỜI TRỞ LẠI THÔI”. Sau đó … (Vị này) và 5 … (vị khác) không niệm phật nữa, ra về…

Trả lời:

Kính Thầy HP,

 Diệu Âm hơi phân vân rằng, không biết câu chuyện này có đúng chính xác như đã kể hay không? Nếu đúng như vậy thì có nhiều chỗ hơi “lúng túng!”…

 Nói điều liên quan đến Phật pháp, Diệu Âm học sao nói vậy, chứ không dám quanh co, cũng không dám nói trái lệch với những gì đã học được. Cho nên, nếu có điều gì không vừa lòng xin thầy tha thứ.

 Trước khi đi vào câu hỏi chính phía sau, Diệu Âm sẽ dựa theo pháp hộ niệm vãng sanh, xin nêu ra đây những “điều lúng túng!” đã xảy ra chung quanh câu chuyện.

 Thứ nhất, chính cô PT này không tu Tịnh Nghiệp, không biết niệm Phật, không biết đường vãng sanh. Cô ta chỉ là người tu phước thì khó lòng được vãng sanh Tịnh độ!

 Thứ hai, cô PT đã tắt thở cả tiếng đồng hồ rồi mới có người tới “hộ niệm”. Như vậy thì quá trễ. Hộ niệm cần phải thực hiện trước khi lâm chung, ngay thời điểm lâm chung, và suốt thời gian sau khi tắt thở ít ra 8 giờ đồng hồ niệm Phật không gián đoạn. Câu chuyện hộ niệm này không thực hiện được những điều này.

 Thứ ba, thân nhân trong gia đình hình như không có ý niệm gì về hộ niệm. Vì, nếu có người trong nhà biết pháp hộ niệm thì chắc đã nhắc nhở đến rồi. Ở đây hình như chỉ để người chết như vậy một cách im lìm, buồn hiu, không có một tiếng niệm Phật bên cạnh.

 Thứ tư, người tới “hộ niệm”, nhưng xin thưa thực, cách hộ niệm có nhiều điểm khác lạ. Nếu lấy pháp hộ niệm của Tịnh độ tông, thì cách hộ niệm ở đây đã phạm đến nhiều điều cấm kỵ như:

– Mới chết 1 giờ đã đụng chạm vào thân xác để thăm dò.

– Niệm Phật mới được 2 tiếng đồng hồ lại đụng chạm vào thân xác nữa để thăm dò tiếp,

– Hộ niệm mà dùng chưởng lực hay nội công gì đó của mình để đẩy thần thức lên, (lạ quá!)

– “Hộ niệm” mới được 3 giờ sau khi chết, đã vội vàng bỏ ra về.

 Nếu nói đến các cách hộ niệm khác thì Diệu Âm không biết. Chứ còn dựa theo pháp Hộ niệm vãng sanh của Tịnh Tông mà xét, thì sự hộ niệm kể trong câu chuyện này không được hoàn chỉnh. Đầu không hoàn chỉnh, giữa không hoàn chỉnh, cuối cũng không hoàn chỉnh luôn!

 Đầu không hoàn chỉnh, nghĩa là khoảng thời gian trước khi xả bỏ báo thân, chung quanh người chết không có một dấu hiệu gì liên quan đến việc trợ niệm vãng sanh, không có người niệm Phật.

 Cô Phật tử chỉ chuyên cúng dường tứ sự cho chư Tăng, có nghĩa là cô đó là người tu phước, không chủ tâm niệm Phật, không tha thiết nguyện vãng sanh, Tín-Nguyện-hạnh không có, không biết đường về Tây-phương Cực-lạc.  Không tu “Tịnh Nghiệp“, thì chắc rằng khó mà biết đến pháp hộ niệm vãng sanh.

 Thực ra, hộ niện cần phải chuẩn bị trước, càng sớm càng tốt. Trong lúc đang khỏe mạnh, đang tu hành thì phải lo tìm hiểu, học tập và biết cách “Hộ niệm” rồi. Đến lúc lâm chung là giai đoạn cao điểm, và khi tắt hơi cho đến tối thiểu 8 giờ sau là giai đoạn chót để hoàn thành việc hộ niệm. Chứ hộ niệm không phải đợi chết rồi mới tìm người tới tụng kinh niệm Phật đâu.

Giữa không hoàn chỉnh, từ chỗ không tu tịnh nghiệp, không biết hộ niệm, nên thường cứ chờ chết rối tính sau. Người sống mờ mịt không biết làm gì. Người chết mờ mịt không biết đường nào để đi. Thật sự, tương lai quá mờ mịt đen tối!

 Ngược lại, chính vì không biết nên người thế gian thường có những hành động sai lầm. Nói rõ hơn, có thể những điều cấm kỵ đã bị phạm phải rất nhiều trong suốt những ngày cô ta sắp rời bỏ báo thân. Cụ thể như:

– Tâm tham chấp thế gian không xả. Trước cảnh bệnh sắp chết chắc chắn sợ chết, lo âu, bất an, hãi kinh.

– Không biết đường giải thoát tam giới nên chới với trong nghiệp báo, bị nghiệp chướng hiện hành, nghiệp khổ báo hại.

– Lúc đau bệnh không ai khai thị, hướng dẫn, nhắc nhở việc niệm Phật vãng sanh, mê muội dễ bị vướng cạm bẫy của oan gia trái chủ.

– Lúc sắp chết bị sự buồn thảm, than thở, u sầu: làm cho tâm rối như tơ vò.

– Lúc lâm chung bị người thân khóc lóc, kêu gào thảm thiết, khiến tâm rối loạn càng thêm rối loạn.

– Lúc tắt hơi bị người nhà ôm ấp, níu kéo, va chạm… làm cho đau đớn đến hồn kinh phách lạc.

 Nhiều gia đình còn phạm thêm các điều kỵ khác nữa như:

– Người bệnh vừa mới tắt hơi thì đem xác đi tắm rửa, thay áo quần.

– Vội vã mời bác sĩ đến chích thuốc chống rã, chống hư thối.

– Kình cãi với nhau, bất đồng ý kiến, gây náo loạn bên người chết.

– Tẩn liệm quá sớm (do coi ngày coi giờ?).

– v.v…

 Những điều đại cấm kỵ này mà bị phạm phải thì thật là tội nhiệp cho vong nhân! Đây chính là những duyên xấu do hoàn cảnh và người thân đem đến, khiến cho thần thức người chết bị đọa xuống cảnh giới đen tối.

 Người biết rõ phương pháp hộ niệm có thể ngăn ngừa được tất cả những ách nạn này.

  Cuối không hoàn chỉnh, chính là sự hộ niệm có nhiều điểm sơ suất:

– Mới 1 tiếng đồng hồ đã thăm dò hơi ấm. (Hơi ấm trong khoảng thời gian này không thể chính xác được!).

– Hộ niệm thiếu thành khẩn, thiếu lòng ngưỡng cầu Phật gia trì. Cụ thể như không cầu Phật lực của đức Di Đà tiếp dẫn, mà lại dùng nội công của mình để đẩy(!). Đây là tự mình thay thế Phật để tiếp độ(?). Pháp hộ niệm này hơi lạ lùng!

– Khởi tâm hiếu kỳ trong khi hộ niệm, vì vừa hộ niệm vừa thăm dò hơi ấm.

– Niệm Phật quá ít, quá ngắn đã bỏ ra về. Chưa đủ an toàn. Nên nhớ, những điểm ấm trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ cũng không thể chính xác được.

– Không có lời khai thị hướng dẫn cho thần thức tín-nguyện-hạnh vãng sanh

– Không có lời điều giải đối với oan gia trái chủ để gỡ nạn cho người chết.

 Nói chung, sự hộ niệm đã có nhiều điểm sơ suất!

Hỏi:

  1. 1.côphật tử này thường cúng dường đồ tứ sự cho chư tăng. TẠI SAO LẠI BỊ ĐỌA ĐỊA NGỤC? (vì HP đọc trong các kinh thấy nói rằng: phước đức cúng dường đồ tứ sự cho chư tăng rất lớn).

Trả lời:

Cúng dường là tu phước, tu phước thì tạo nhân phước, nhân phước thì hưởng phước. Nhất định không thể nói cúng dường tứ sự cho chư Tăng mà bị đoạ địa ngục được.

 Có thể, trong suốt thời gian tu hành, ngoài hình thức cúng dường ra, cô ta đã sơ ý phạm phải những lỗi lầm khác, khởi tâm động niệm vướng vào các điều tham sân si mà bị nạn đó thôi.

 Người tu phước mà không biết giữ gìn phước thì phước mất trụi lũi. Ví dụ, tu phước mà khoe khoang, cống cao, ngã mạn, ganh tỵ, thị phi, cho mình hay, chê người dở… nói chung chấp trước dẫy đầy, thì phước đâu còn nữa. Ngược lại hoạ đến trùng trùng!

 Tu phước là nhân hưởng phước, nhưng ngu si thì nhân sanh vào hàng súc sanh. Tu phước mà ngu si thì thành súc sanh để hưởng phước. Có những con vật hưởng phước rất lớn, ví dụ con chó trong nhà người tỷ phú.

 Tu phước thì hưởng phước, nhưng thường để tâm sân giận thì tạo nhiều chủng tử địa ngục. Lúc chết nổi cơn sân giận coi chừng bị xuống địa ngục chịu nạn trước, còn phước thì chờ cơ duyên sau này.

 Tu phước thì hưởng phước, nhưng tự hào về việc tu phước, thường cống cao ngã mạn thì coi chừng thành A-tu-la để hưởng phước.

 Tu phước dù cho có lớn tới đâu, nghiệp thiện dù lớn tới đâu, cũng chì là phước báu nhân thiên, nhiều lắm thì cũng chỉ đầu sanh lại trong tam thiện đạo là cùng. Nhất định không thể thoát tam giới.

 Cô này tu phước, không biết tu huệ, thì cơ hội thoát ly sanh tử luân hồi quả thật mờ mịt. Đường tu hành thật sự còn nhiều điểm thiếu sót!

 Làm thiện mà chấp vào việc thiện thì không còn là thiện nữa! Phật dạy, tu phước có hai loại: “Hữu tướng tam luân” và “Vô tướng tam luân“. Tam luân là: Người bố thí, người nhận bố thí và vật bố thí.

 “Hữu tướng tam luân” là bố thí cúng dường mà còn biết rằng mình bố thí cúng dường, còn biết người được bố thí cúng dường, còn nhớ món tiền mình bố thí cúng dường, thì sự cúng dường này không có công đức. Hữu tướng tam luân không thể liễu thoát sanh tử.

 “Vô tướng tam luân” hay “Tam luân thể không” là bố thí cúng dường nhưng phải biết quên nó đi, đừng để nó vướng trong tâm, thì việc thiện này mới có công đức, trợ giúp tích cực cho việc tiến tu đạo nghiệp. Người niệm Phật tu bố thí cúng dường, nhưng đừng chấp tại đó, hằng ngày cứ đem tất cả phước lành gì tu được hồi hướng cho tất cả chúng sanh, hồi hướng về Tây phương cầu vãng sanh, thì phước lành này biến thành tư lương để vãng sanh.

 Phước và Huệ đều tu mới viên mãn đường đạo. Phước là Sự, huệ là Lý. Sự là bố thí, cúng dường, làm thiện. Lý là tâm nguyện giải thoát. Chỉ tu phước thiện, không lo đường giải thoát, thì tương lai còn lắm gian truân!

 Ngài Tĩnh Am đại sư nói, “Thiện nghiệp càng lớn, sanh tử càng nặng“, là lời cảnh cáo những người tu thiện nhưng chấp vào việc thiện. Đã chấp vào việc thiện thì không giải quyết được chuyện sanh tử luân hồi. Còn ở trong luân hồi thì còn vướng vào nghiệp báo. Còn theo nghiệp thì ách nạn còn trùng trùng.

 Kinh Hoa nghiêm có nói, “Quên phát Bồ-đề tâm, mà làm việc thiện, thì toàn là nghiệp của ma“. Người không có tâm thoát ly sanh tử, không có tâm vãng sanh thành đạo, mà cứ chuyên lo làm việc thiện, thì việc thiện này trở thành nghiệp ma. Vì sao vậy? Vì không ra khỏi tam giới thì vẫn trong vòng kiểm soát của Ma Vương. Ma oán, ma sự, ma chướng, nghiệp chướng, oan gia traí chủ chướng, báo chướng… nhất định phải đối đầu, không trước thì sau.

 Cho nên, hướng dẫn tu hành phải chỉ đường tu cho chánh, cho thẳng, cho liễu pháp, chứ không nên sơ ý chỉ nửa vời, mông lung, “Bất liễu giáo”, làm cho chúng sanh lạc đường. Tội nghiệp khá lớn!

 Điển hình, tại sao cô PT này tu hành lâu năm mà còn bị nhiều sơ suất vậy?

 Ta thử nêu ra một số trường hợp thường tình, trong đó có thể cô ta đã vướng phải chăng.

 – Một là, ý niệm rằng tu hành chỉ là việc làm lành, lánh dữ là đủ.

– Hai là, suốt đời chưa có dịp nghe được ai giảng đạo lý thoát lý sanh tử luân hồi, đạo lý niệm Phật vãng sanh Cực-lạc, nên không biết đường nào tu cho đúng.

– Ba là, có thể có nghe pháp, nhưng không hợp căn cơ. Nghĩa là, toàn là những đạo lý huyền diệu, cao siêu. Những pháp vi diệu của hàng thượng căn cao vút trên mây xanh. Lý hay, nhưng làm không được, lại sinh ra vọng tưởng.

– Bốn là, có thể vì không biết đường giải thoát nên chính cô ta đã tự nguyện tu đường lục đạo luân hồi.

– Năm là, mỗi lần làm phước đều được tiếng khen. Thấy vậy tưởng là đủ, là ngon, là đắc… Có ngờ đâu, bên cạnh nhân phước này đã có rất nhiều nhân họa xảy ra. Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện có nói, ở cõi Nam-diêm-phù-đề này, chúng sanh khởi tâm động niệm, không có gì là không nghiệp. Như vậy làm sao cô ta tránh khỏi tạo nghiệp chướng!

– v.v… và v.v..

 Suốt đời tu phước, tâm cứ lần quần trong chuyện phước báu thế gian thì ngàn đời vạn kiếp không có ngày thoát ly tam giới.

 Người không tu thì không biết đạo. Người có tu hành thì gọi có đạo. Có đạo nhưng chỉ biết cái đạo “Bất liễu giáo”, cứ tu lần quần trong ngõ cụt, không biết đâu là đường thành đạo, thì rõ ràng, rốt cuộc cũng uổng phí công phu tu hành.

 Xin hỏi rằng, trách nhiệm này quy cho ai đây?

  Hỏi:

Sư phụ của vị … này đã dùng nội lực của mình đề vận chưởng đẩy hơi nóng từ lòng bàn chân lên trên ngực của người lâm chung. Vậy có đúng với luật nhân quả không?

Trả lời:

Phương pháp hộ niệm này lạ quá. Trong pháp hộ niệm của chư Tổ sư Tịnh độ tông Trung quôc truyền lại không có nói đến cách vận chưởng này. Hơn nữa trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau khi tắt thở chưa thể xác quyết đường tái sanh. Diệu Âm không biết, nên không dám bàn đến.

Hỏi:

Nếu như những vị học tăng này niệm Phật tiếp tục khoảng 1 thời gian nữa có thể cứu cô này được vãng sanh hay không?

 Trả lời:

Trong kinh nghiệm hộ niệm, khi gặp trường hợp bị trở ngại, người đi hiện tướng xấu, hoặc không tốt lắm, nhiều BHN đã phát tâm hộ niệm thêm, thành khẩn khai thị, thành khẩn điều giải oan gia, gia đình thân nhân thành tâm lạy Phật cầu gia bị, thay người chết sám hối nghiệp chướng… Có nhiều trường hợp liền sau đó đã chuyển tướng, từ xấu thành tốt đẹp vô cùng. Thật bất khả tư nghì!

 Nhưng điểm chủ yếu, vẫn là chính người đang bị nạn đó có chịu hồi đầu hay không.

 Người niệm Phật quyết lòng vãng sanh thành đạo, thì hãy tập buông xả, mau mau buông xả thế trần xuống.

 HT Tịnh Không dạy: Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật.

 A-di-đà Phật

Diệu Âm kính bút,

(23/06/09)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –