Hỏi:
1.cô phật tử này thường cúng dường đồ tứ sự cho chư tăng. TẠI SAO LẠI BỊ ĐỌA ĐỊA NGỤC? (vì HP đọc trong các kinh thấy nói rằng: phước đức cúng dường đồ tứ sự cho chư tăng rất lớn).
Trả lời:
Cúng dường là tu phước, tu phước thì tạo nhân phước, nhân phước thì hưởng phước. Nhất định không thể nói cúng dường tứ sự cho chư Tăng mà bị đoạ địa ngục được.
Có thể, trong suốt thời gian tu hành, ngoài hình thức cúng dường ra, cô ta đã sơ ý phạm phải những lỗi lầm khác, khởi tâm động niệm vướng vào các điều tham sân si mà bị nạn đó thôi.
Người tu phước mà không biết giữ gìn phước thì phước mất trụi lũi. Ví dụ, tu phước mà khoe khoang, cống cao, ngã mạn, ganh tỵ, thị phi, cho mình hay, chê người dở… nói chung chấp trước dẫy đầy, thì phước đâu còn nữa. Ngược lại hoạ đến trùng trùng!
Tu phước là nhân hưởng phước, nhưng ngu si thì nhân sanh vào hàng súc sanh. Tu phước mà ngu si thì thành súc sanh để hưởng phước. Có những con vật hưởng phước rất lớn, ví dụ con chó trong nhà người tỷ phú.
Tu phước thì hưởng phước, nhưng thường để tâm sân giận thì tạo nhiều chủng tử địa ngục. Lúc chết nổi cơn sân giận coi chừng bị xuống địa ngục chịu nạn trước, còn phước thì chờ cơ duyên sau này.
Tu phước thì hưởng phước, nhưng tự hào về việc tu phước, thường cống cao ngã mạn thì coi chừng thành A-tu-la để hưởng phước.
Tu phước dù cho có lớn tới đâu, nghiệp thiện dù lớn tới đâu, cũng chì là phước báu nhân thiên, nhiều lắm thì cũng chỉ đầu sanh lại trong tam thiện đạo là cùng. Nhất định không thể thoát tam giới.
Cô này tu phước, không biết tu huệ, thì cơ hội thoát ly sanh tử luân hồi quả thật mờ mịt. Đường tu hành thật sự còn nhiều điểm thiếu sót!
Làm thiện mà chấp vào việc thiện thì không còn là thiện nữa! Phật dạy, tu phước có hai loại: “Hữu tướng tam luân” và “Vô tướng tam luân“. Tam luân là: Người bố thí, người nhận bố thí và vật bố thí.
“Hữu tướng tam luân” là bố thí cúng dường mà còn biết rằng mình bố thí cúng dường, còn biết người được bố thí cúng dường, còn nhớ món tiền mình bố thí cúng dường, thì sự cúng dường này không có công đức. Hữu tướng tam luân không thể liễu thoát sanh tử.
“Vô tướng tam luân” hay “Tam luân thể không” là bố thí cúng dường nhưng phải biết quên nó đi, đừng để nó vướng trong tâm, thì việc thiện này mới có công đức, trợ giúp tích cực cho việc tiến tu đạo nghiệp. Người niệm Phật tu bố thí cúng dường, nhưng đừng chấp tại đó, hằng ngày cứ đem tất cả phước lành gì tu được hồi hướng cho tất cả chúng sanh, hồi hướng về Tây phương cầu vãng sanh, thì phước lành này biến thành tư lương để vãng sanh.
Phước và Huệ đều tu mới viên mãn đường đạo. Phước là Sự, huệ là Lý. Sự là bố thí, cúng dường, làm thiện. Lý là tâm nguyện giải thoát. Chỉ tu phước thiện, không lo đường giải thoát, thì tương lai còn lắm gian truân!
Ngài Tĩnh Am đại sư nói, “Thiện nghiệp càng lớn, sanh tử càng nặng“, là lời cảnh cáo những người tu thiện nhưng chấp vào việc thiện. Đã chấp vào việc thiện thì không giải quyết được chuyện sanh tử luân hồi. Còn ở trong luân hồi thì còn vướng vào nghiệp báo. Còn theo nghiệp thì ách nạn còn trùng trùng.
Kinh Hoa nghiêm có nói, “Quên phát Bồ-đề tâm, mà làm việc thiện, thì toàn là nghiệp của ma“. Người không có tâm thoát ly sanh tử, không có tâm vãng sanh thành đạo, mà cứ chuyên lo làm việc thiện, thì việc thiện này trở thành nghiệp ma. Vì sao vậy? Vì không ra khỏi tam giới thì vẫn trong vòng kiểm soát của Ma Vương. Ma oán, ma sự, ma chướng, nghiệp chướng, oan gia traí chủ chướng, báo chướng… nhất định phải đối đầu, không trước thì sau.
Cho nên, hướng dẫn tu hành phải chỉ đường tu cho chánh, cho thẳng, cho liễu pháp, chứ không nên sơ ý chỉ nửa vời, mông lung, “Bất liễu giáo”, làm cho chúng sanh lạc đường. Tội nghiệp khá lớn!
Điển hình, tại sao cô PT này tu hành lâu năm mà còn bị nhiều sơ suất vậy?
Ta thử nêu ra một số trường hợp thường tình, trong đó có thể cô ta đã vướng phải chăng.
– Một là, ý niệm rằng tu hành chỉ là việc làm lành, lánh dữ là đủ.
– Hai là, suốt đời chưa có dịp nghe được ai giảng đạo lý thoát lý sanh tử luân hồi, đạo lý niệm Phật vãng sanh Cực-lạc, nên không biết đường nào tu cho đúng.
– Ba là, có thể có nghe pháp, nhưng không hợp căn cơ. Nghĩa là, toàn là những đạo lý huyền diệu, cao siêu. Những pháp vi diệu của hàng thượng căn cao vút trên mây xanh. Lý hay, nhưng làm không được, lại sinh ra vọng tưởng.
– Bốn là, có thể vì không biết đường giải thoát nên chính cô ta đã tự nguyện tu đường lục đạo luân hồi.
– Năm là, mỗi lần làm phước đều được tiếng khen. Thấy vậy tưởng là đủ, là ngon, là đắc… Có ngờ đâu, bên cạnh nhân phước này đã có rất nhiều nhân họa xảy ra. Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện có nói, ở cõi Nam-diêm-phù-đề này, chúng sanh khởi tâm động niệm, không có gì là không nghiệp. Như vậy làm sao cô ta tránh khỏi tạo nghiệp chướng!
– v.v… và v.v..
Suốt đời tu phước, tâm cứ lần quần trong chuyện phước báu thế gian thì ngàn đời vạn kiếp không có ngày thoát ly tam giới.
Người không tu thì không biết đạo. Người có tu hành thì gọi có đạo. Có đạo nhưng chỉ biết cái đạo “Bất liễu giáo”, cứ tu lần quần trong ngõ cụt, không biết đâu là đường thành đạo, thì rõ ràng, rốt cuộc cũng uổng phí công phu tu hành.
Xin hỏi rằng, trách nhiệm này quy cho ai đây?