81. Hoạ Phước Do Chính Mình Tạo

Share on facebook
Share on twitter

Hoạ Phước Do Chính Mình Tạo.


Cháu Kiệt,

Chú đang xem lại toàn bộ lời thư của cháu. Sau khi đọc kỹ, chú thấy vấn đề của cháu không có gì là nặng nề đến nỗi cháu phải quýnh lên như vậy.

Theo chú nghĩ, cháu có thể thoát được khổ tâm nếu cháu cương quyết thoát khổ. Tất cả đều ở chính cháu giải quyết.

Trong suốt 26 mục của cháu đưa ra, thật ra cũng chỉ là chuyện thường tình của người thế gian, không có gì đặc biệt. Phật dạy đời là khổ, tất cả những cảnh khổ này là chuyện thường xuyên xảy ra hằng ngày của người thế gian vậy.

Người nào bình tĩnh thì nhận ra đây là chuyện thường tình. Đã thường tình thì có gì đâu mà lo lắng cho mệt óc? Người nào thiếu bình tĩnh thì đối với cảnh này sẽ cuống cuồng lên, làm sự việc đã rối càng rối hơn, nó rối bùng đến điên đầu, tối tăm mù mịt!

Chú nghĩ, cháu thuộc dạng người đang bị rối đó. Nghĩa là, chuyện không có gì, chỉ vì rối mà có. Có một, rồi không bình tĩnh nên quậy lên thành 10. Rõ ràng từ 0 đến 10 cũng chỉ là một niệm. Có hay không, không hay có ở ngay trong tâm!

Vậy thì, ngay khi đọc được dòng chữ này, mau mau lấy lại bình tĩnh đi nhé. Hãy coi tất cả những ý tưởng, những sự cố gì xảy ra trước đây như một giấc mơ. Đã là giấc mơ, thì khi tỉnh giấc, tất cả đều tan biến. Hy vọng cháu hết khổ.

Chú không thể trả lời theo từng tiết mục được, chỉ cảm chỗ nào nói chỗ đó mà thôi.

Hôm nay nói đến mục thứ 19. Cháu nói,”….con đã bị vong linh nào đó nhập vào người (Thầy Th. Th. L. cũng nói con có 2-3 người trong đó)”.

Nghe nói như vậy cháu sợ lắm phải không? Ngày đêm hồi họp lo âu nhiều khi đến mất ăn mất ngủ phải không? Nếu cảnh này cứ tái diễn mãi, thì dù thực tế không có điều gì trở ngại, cháu cũng bị trở ngại? Đúng là vạn pháp do tâm tạo! Trở ngại chỉ vì nghỉ vẩn vơ! Thôi đừng nghĩ vẩn vơ nữa mà tự hại đời mình nghen cháu.

Trong năm 2006, ở Đà Nẵng, có một chị Phật tử đến gặp chú rồi nói rằng:
– Xin anh Diệu Âm giúp tôi.
– Giúp chuyện gì?
– Tôi có nghiệp chướng lớn lắm, lớn không thể tưởng tượng được! Và tôi cũng biết có một vong linh đang bám sát bên tôi để tìm cách hãm hại tôi.

Chị đó nói rất thành tâm, và rất căng thẳng. Lúc đó chú thấy thần sắc của chị ta rất bạc nhược, mặt xanh mét, không còn khí sắc của một người bình thường. Chú hỏi,
– Nghiệp chướng của chị lớn như thế nào? Vong linh đó là ai? Chị đã thấy qua chưa?
– Tôi chưa thấy nhưng tôi biết có. Cách đây ba năm, có một Thầy nói với tôi như vậy.

Chỉ vì nghe một lời nói mà chị ta chịu khổ sở suốt ba năm trường qua, tâm trí bất an, tối tăm mờ mịt, lo sợ đến nỗi ăn ngủ không yên. Chú nói vài câu tâm lý, rồi khuyến tấn chị đó hãy vui vẻ sống, hãy thường đến đạo tràng đó niệm Phật, đừng đụng đâu tin đó mà mang khổ vào thân. Chị lấy lạiu được niềm tin, vui vẻ sống và không còn lo âu sợ sệt gì nữa cả. Sau đó chị cảm thấy thoải mái, không còn thấy bệnh nữa.

Bệnh nhiều khi không thực, chỉ vì mình sơ ý mà cảm nhận lấy. Rõ ràng, “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”. (tạm dịch; Hoạ phước không có hình tướng, tự con người chuốc lấy). Người vui đi đâu cũng gieo nguồn vui. Nguồn vui giúp cho tâm hồn họ vui tươi. Người nhiều phiền não, đi đâu cũng đem phiền não theo, rồi gieo phiền não cho người khác. Vô tình mình gặp nhiều phiền não hơn. Phiền não nhiều quá thì đầu óc trở nên mù mịt, tối tăm. Phiền não chính là ma chướng vậy.

Trong năm 2000, chú có một người bạn, khi cuộc tình đổ vỡ, anh ta buồn chán đến nỗi không muốn sống nữa. Anh liền tự thực tập tọa thiền để cho tâm hồn lắng đọng lại. Không ngờ, ngay sau đó anh gặp ma chướng. Chuyện ma chướng này, so ra còn nặng hơn cháu rất nhiều.

Ma chướng từ đâu vậy? Từ ngay cái tâm buồn chán, đau khổ chiêu cảm lấy. Chú khuyên anh ta thoải mái, coi vạn sự đều không hết đi. Anh ta lấy lại tinh thần, vui vẻ niệm Phật. Hai ngày hết bệnh.

Ma chướng không sợ, sợ rằng tâm mình có duyên theo ma hay không.

Thế nào là duyên theo ma? Giận dữ là cảnh ma. Buồn phiền là cảnh ma. Đố kỵ là cảnh ma. Buồn chán là cảnh ma. Ngũ dục lục trần là cảnh ma, v.v… Quá nhiều cảnh ma đang ở sát bên ta mà không sợ, lại đi sợ những chuyện vẩn vơ đâu đâu.

Ma là “Chiết ma”, chính là những gì dày vò thân tâm ta bất an, chứ không phải chỉ cho những chúng sanh vô hình đang chịu khổ sở trong pháp giới này đâu.

Đừng bao giờ cho rằng những chúng đẳng vong linh, những vị oan gia trái chủ, những vị cô hồn không nhà không cửa là ma. Nếu có tâm như vậy thật là thiếu đức tính từ bi của Phật. Hơn nữa, coi chừng, nhiều khi họ chính là ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của chúng ta đang bị nạn đó.

Con người vi tham ăn, bắt con vật mổ bụng phanh thây, lóc thịt, lóc xương họ ra từng mảnh. Giả sử như chính mình bị người khác phanh thây xẻ thịt, mình nghĩ như thế nào? Ai là ác, ai là thiện đây? Ai là ma, ai là người đây?

Trở lại chuyện của cháu. Nếu đúng như có vong linh nào đó đang dựa vào cháu, họ cũng chưa hại cháu chết, chưa làm việc phanh thây xẻ thịt cháu ra, thì có gì đâu mà sợ, phải không?

Ở tại Brisbane, Australia, nơi chú đang ở,cách đây cỡ sáu năm, có một chị kia bị một vong linh nào đó dựa vào, khi dựa vào thì chị nói tiếng Anh rất giỏi mà lại ăn nói hỗn hào với người khác. Người chồng lo sợ cuống cuồng. Người ta điềm chỉ đến gặp Ngài Tịnh Không, Ngài nói nhẹ nhàng rằng, không sao đâu, đừng sợ. Đó có lẽ là một vị “Thiện Thần”, không ác, có duyên với mình nên dựa vào để nhờ điều gì đó. Hãy thành tâm cầu nguyện cho vị đó, khuyên vị đó nên niệm Phật cầu Phật gia trì để vãng sanh Tịnh độ. Nói với họ, chính mình khả năng còn yếu kém, không giúp được gì đắc lực cho họ. Mình nên niệm Phật tu hành rồi hồi hướng cho họ là xong. Người đó vâng lời, vững lòng tin tưởng, sám hối nghiệp chướng, thành tâm làm theo lời dạy, vài ngày sau thì trở lại bình thường.

Họ đâu phải là “Ma”, HT nói “Thiện Thần” nào đó có duyên. Nghĩa là Ngài tôn trọng vị vong nhân đó, thông cảm, thương hại cho vị vong linh đó. Nếu là duyên với nhau, thì bây giờ, mình nương theo cái duyên này mà khuyến tấn lẫn nhau, cùng nhau niệm Phật, biến nghịch cảnh này thành thuận cảnh, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thoát ly sanh tử luân hồi. Đó mới chính là người chân chính tu học Phật pháp. Chớ nên vội vã gọi họ là ma, rồi tìm cách đánh phá họ. Làm vậy, coi chừng chính ta còn “Ma” hơn họ nữa đó!

Con người sanh ra trong thời mạt pháp này nghiệp chướng sâu nặng, oán thân trái chủ rất nhiều. Mỗi người chúng ta có hàng vô số những mối thù hằn đang chờ từng ngày đòi nợ sanh mạng. Đây mới là mối nguy hại đáng sợ, chứ đâu phải đơn giản như một vài vị vong linh nào đó có duyên với mình trong hiện tại. Vậy thì sự việc này có gì đâu mà phải lo ngại, bất an!

HT Tịnh Không khuyên mỗi người phải có tâm thành kính điều giải oan gia hàng ngày. Hồi hướng công đức cho họ hàng ngày. Đem kinh pháp Phật cúng dường cho pháp giới chúng sanh, cho oan gia trái chủ, cho cửu huyền thất tổ, để họ có dịp thính pháp văn kinh hầu hóa giải ách nạn trong thời điểm xả bỏ báo thân.

Năm 2007, ở Việt Nam có một chị Phât tử đến gặp chú, chị nói rằng: “Em tôi và tôi hôm nay đến gặp anh”. Chú hỏi: “Em của chị là ai?”. Chị nói: “Em của tôi đã chết rồi, bây giờ nó nhập vào người tôi…”.

Phải chăng, những người nương dựa vào mình hầu hết là người thân thuộc của mình chứ có ai xa lạ đâu mà sợ! Đã là thân thuộc với nhau, ai lại nỡ hại người thân! Chỉ vì họ khổ quá nên mới cầu khẩn người sống giúp đỡ họ.

Trước đây, khi chưa hiểu đạo lắm, chị sợ hãi vô cùng! Trong những lúc lo âu, sợ hãi, thì em của chị xúi chị quậy phá lung tung. Nhưng khi chị đã hiểu được chút Phật đạo, chị không còn sợ nữa, chị đã thành tâm khuyên cô em làm thiện làm lành, giúp đỡ lẫn nhau để chị em cùng tu, cùng niệm Phật. Hai chị em đều phát tâm bồ đề, niệm Phật, cầu sanh Tây-phương Cực-lạc. Từ đó, chị thấy vui vẻ và thoải mái vô cùng. Chị hỗ trợ cho em, ngày đêm hồi hướng công đức cho em. Em hỗ trợ cho chị, ngày đêm hộ pháp cho chị tu hành. Âm-Dương lưỡng lợi, chúng sanh cùng tu, cùng được quang minh chư Phật phổ chiếu gia trì tiếp độ vãng sanh thành đạo.

Trong Tịnh-Tông Học-Hội, HT Tịnh Không khuyên thường xuyên làm Tam thời hệ niệm pháp sự để cầu siêu độ cho chúng đẳng vong linh. Các chùa chiền ở VN cũng thường xuyên lập trai đàn siêu độ vong nhân, tất cả nhằm cứu độ các vị bị nạn trong các cảnh giới (gọi là) “Vô Hình”. Họ ở sát bên mình chứ đâu có xa. Họ khổ sở vô cùng! Nhân số của họ có thể đông gấp trăm, gấp ngàn lần nhân số người sống, vậy mà họ đâu có phá phách gì mình. Họ hiền hơn con người đang sống này rất nhiều. Vậy thì, chúng ta nên thương họ, hàng ngày tu hành tốt rồi đem công đức hồi hướng cho họ, cầu nguyện cho họ được sớm thoát cảnh giới khổ đau. Người chân chánh tu hành phải làm vậy, chứ sao lại bỏ họ, chê họ, sợ hãi họ, gọi họ là “Ma”?

Nói thật với cháu, nếu cháu biết chút Phật pháp rồi mới thấy rằng vũ trụ vạn vật mông huân này huyền ảo lắm, rất nhiều điều con người chúng ta không thể nào tưởng tượng được đâu. Trong đó, con người, quỷ thần, chúng đẳng vong linh, chúng sanh hữu hình và vô hình đang sống chung với nhau mà chúng ta không hay. Đã sống chung với nhau thì gặp nhau, có liên hệ với nhau là chuyện thường chứ đâu có gì lạ lùng. Chỉ có điều khác nhau là trước một sự việc xảy ra, có người bình tĩnh, an nhiên tự tại; Có người rối loạn, điên đảo, làm cho sự việc tối tăm, mù mịt!

An nhiên hay rối loạn là do chính chúng ta tạo ra.

Cụ thể, sự việc của cháu, nếu cháu cho là đơn giản thì sẽ đơn giản, chú hy vọng cháu sẽ hóa giải được dễ dàng. Nếu cháu quậy tung lên, thì tự cháu làm rối bùng ben, cháu bị kẹt trong đó, thoát ra không được.

Còn mục thứ 20 thi cháu tự cho mình bị “Tẩu Hỏa Nhập Ma”, còn chú thì không nghĩ là như vậy. Người bị tẩu hỏa nhập ma mà biết mình bị tẩu hỏa nhập ma, tức là ngộ rồi đó, đã thoát rồi đó. Đã ngộ rồi thì vui lên chứ. Chẳng lẽ đã ngộ rồi lại muốn mê trở lại để được buồn cho thấm thía hơn sao?!

Buồn là buồn cho người mê mà cứ tưởng mình ngộ! Sợ là sợ cho hạng người bị tẩu hỏa nhập ma rồi mà chưa biết mình bị tẩu hỏa nhập ma, ngược lại còn cứ khoe rằng mình đã đắc đạo. Đó mới thật là tội nghiệp! Vô phương cứu chữa!

HT Tịnh Không nói, “Ma”, mình không sợ, chỉ sợ mình có nhận ra chúng hay không mà thôi.

Thế nào là ma? Tham lam, sân giận, ngu si, là ma. Phải bỏ. Nếu không bỏ thì chịu nạn, không ai cứu được. Đó là nhận ra ma rồi vậy.

Thế nào là không nhận ra ma? Tâm tánh kiêu ngạo, bướng bỉnh. Thường tự nhận mình là chứng đắc. Bị tẩu hỏa nhập ma mà không biết, đó mới bị hại tàn đời.

Cháu đã biết tham sân si là sai thì biết nhận rõ đâu là ma. Quyết bỏ đi, tránh tất cả những duyên phát sinh tham sân si đi.
Phật dạy, “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nói chung, tất cả đều do chính tâm mình tạo ra. Tâm an lạc thấy cảnh an lạc. Tâm khủng hoảng thấy cảnh khủng hoảng.

Hãy mau tập tánh hiền hòa, vui tươi thì cuộc sống sẽ được tự tại. Đó gọi là “Ngộ”. An nhàn, thanh tịnh.

Nếu cứ lăn xăn lo chuyện thế gian, buồn người này, ghét người nọ, sầu người kia, thì không rối cũng phải rối, không khổ cũng phải khổ, không điên đầu cũng phải điên đầu. Đó gọi là “Mê”. Mê thì nhất định bị cơn mê nó quay cháu vòng vòng như con vụ. Bị vậy thì tâm hồn mất thanh tịnh, không có được một phút giây an lạc, mà kết cuộc chính mình sẽ là gánh nặng báo hại người khác.

Cụ thể, cháu nói cháu có vong linh nào đó dựa vào. Không sao đâu. Nếu tâm cháu chánh trực, từ bi, hỉ xả, một lòng thành tâm niệm Phật. Thì vị đó sẽ hỗ trợ cho cháu, hộ pháp cho cháu. Cháu có được người hộ pháp sát bên cạnh, không phải là an toàn hơn người khác sao? Còn cháu lo âu phiền muộn thì biến vấn đề này thành sự thiệt hại cho chính bản thân.

Phước cũng ở đây mà họa cũng ở đây: Gọi là “Phước Họa vô môn”. Tất cả đều do chính tâm mình tạo ra. Tin tưởng vui vẻ thì chiêu phước; Buồn phiền lo lắng thì chiêu họa: Gọi là “Duy nhân tự triệu”.

Những điều cháu cần phải làm là:
– Phải thành tâm xác định với các vị đó rằng chính mình không có khả năng giúp được gì cho họ cả.
– Chỉ biết hằng ngày chuyên tâm niệm Phật, quyết cầu sanh Tịnh-độ để thành đạo, rồi mới cứu được người có duyên với mình, (tức là họ).
– Hằng ngày đều đem công đức tu hành, làm thiện làm lành, in kinh, bố thí, cúng dường, phóng sanh… hồi hướng cho họ cầu nguyện cho họ được siêu sanh Tịnh-độ.
– Nếu trong quá khứ có làm điều sai trái thì nay hết lòng thành tâm sám hối, xin bỏ hẳn đi.
– Những chất độc Tham-Sân-Si nhất định đừng khởi. Đây chính là ma chướng đó, (chứ không được cho rằng, các vị có duyên đang nương vào mình là “ma”).
– Phải vui vẻ, thoải mái niệm Phật. Tuyệt đối không lo âu sầu muộn viễn vong, không có gì là hoảng sợ cả.
– Nên nhớ, tốt hay xấu là do chính mình tạo ra. Tâm tốt, mình gặp sự hỗ trợ tốt. Tâm xấu mình bị quả báo xấu. Tốt hay xấu do chính tâm mình tạo ra. Tất cả đều hiển hiện theo đúng trạng thái tâm hồn minh. Không thể đổ lỗi cho bên ngoài được.

Ngài Ấn Quang dạy, hãy lo chuyện nhà mình, không lo chuyện nhà người. Luôn luôn cho mình là hàng hạ căn ngu muội. Ngày ngày thành tâm niệm “Nam mô A-Di-Đà Phật”.

Riêng cháu, nhất định không được hiếu kỳ, không được tự ý nghiên cứu, không được tự vạch ra đường lối tu hành riêng cho mình như trước đây nữa. Tu hành cần nên kết hợp với đại chúng, hoặc lập nhóm tu chung. Nhưng dù sao cũng phải theo sự hướng dẫn của thiện tri thức, của các vị cao tăng mới tốt. Có vậy mới an toàn.

Hôm nay chú viết tới đây. Cháu đọc thật kỹ nhé.

Diệu Âm,
(26/09/2009)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –