Niệm Phật Bất Niệm Tự Niệm Có Phải Là Chánh Đạo Hay Không?
Tôi là một Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ ở Việt Nam và cũng là người ngộ ra từ các đĩa CD Khuyên Người Niệm Phật của Cư Sĩ.
Hiện nay ở Việt Nam, đối với các Phật tử theo pháp môn Tịnh Độ đang dấy khởi mạnh mẽ phong trào niệm Phật Bất Niệm Tự Niệm. Chỉ trong vòng từ 1 cho đến 2 tuần là có thể đạt được Bất Niệm Tự Niệm.
Tôi rất băn khoăn không hiểu pháp môn này có phải là chánh đạo hay không vì rất nhiều đồng tu cũng đã rủ tôi tham dự.
Vậy kính bạch với Cư Sĩ hãy giảng giải cho tôi được rõ để tôi có thể lựa chọn con đường của mình. Tôi cầu xin Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Thế Chí, Chư Phật, Chư Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng Mười Phương gia trì cho tôi tìm được thiện tri thức để có thể giải đáp cho tôi cái mối băn khoăn trên.
Một lần nữa cúi mong Cư Sĩ chỉ bảo giúp cho tôi được rõ.
Trả lời:
Diệu Âm Thu Quang,
Câu hỏi của Thu-Quang mở ra những vấn đề khá tế nhị và nhạy cảm lắm, không dễ quyết đoán hời hợt đâu. Trong nhiều tọa đàm về Hộ Niệm Diệu Âm có nói qua vấn đề này. Xin Thu-Quang tìm xem qua.
Đầu tiên xin bàn về vấn đề “Chánh-Đạo” hay “Tà-Đạo”. Thật tế khó có thể lên tiếng đánh giá một pháp tu là Chánh-Đạo hay Tà-Đạo được. Vấn đề này không phải đơn giản đâu. Tà hay Chánh ở tại tâm. Tâm Chánh là Phật, Tâm Tà là Ma. Ma hay Phật do nơi khởi tâm động niệm, chứ không phải ở hình thức phô diễn bên ngoài. Một người tu hành theo Phật Giáo mà vọng tâm khởi ra nhiều quá, thì hình thức thấy hình như là Chánh, nhưng coi chừng nội dung có thể là Tà. Một người hiền hòa chất phát thành tâm niệm Phật, hình thức thấy không ra gì, nhưng tâm hồn của họ hiền hòa, khiêm hạ, thành kính, biết y giáo phụng hành thì họ đang thực hiện Chánh-Đạo.
Chánh-Đạo, nói cho dễ hiểu, là con đường chánh, đường tắc, đường thẳng, đường ngắn nhất… dẫn tới mục đích mong muốn. Tà-Đạo là đường xéo, đường dài, đường lạc, đường lệch… thường không dẫn tới mục đích đã định. Ví dụ, muốn tới điểm B, từ điểm A ta đi thẳng tới B, đoạn đường AB là Chánh-Đạo. Nếu ta đi lệch ra một góc độ, hướng về điểm C chẳng hạn, thì đường AC không dẫn tới điểm B, càng đi khoảng cách càng mở rộng, càng xa đường chánh AB. Đối với mục tiêu B, thì đường AC gọi là Tà-Đạo. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ có danh từ Chánh-Định-Tụ và Tà-Định-Tụ để diễn tả Chánh-Đạo và Tà-Đạo. Còn người đi không có mục đích nào hết, nay đi theo hướng này mai theo hướng khác, gặp điều gì lạ lạ cùng chạy theo, theo một vài hôm thì nản lòng lo chạy tìm đường nào khác lạ để thử nghiệm. Họ không có một định hướng nào nhất định, đây gọi là Bất-Định-Tụ. Phật dạy chỉ có Chánh-Định-Tụ mới được vãng-sanh.
Như vậy, Chánh-Đạo hay Tà-Đạo tùy theo mục đích của từng cá nhân. Mục đích chánh là điểm B thì đi theo hướng C là Tà. Mục đích chánh là điểm C thì đi theo hướng B là Tà. Như vậy Chánh-Tà cũng là một vấn đề tương đối để phân định. Nếu theo định nghĩa này mà xét, thì chúng ta dễ bàn luận hơn, tránh tranh cãi, tránh phiền não.
Để dễ hiểu hơn, trong 10 pháp giới, nơi nào cũng có chỗ dung thân. Ta đưa ra vài pháp giới tu hành làm ví dụ:
– Người chủ trương tu hành để trở lại làm người, thì họ lo giữ ngũ giới và làm 10 điều thiện đạt được trung phẩm là đủ. Làm người thì khổ nhiều hơn vui, thọ mạng ngắn ngủi, nhưng đây là duyên của chúng sanh. Pháp tu ngũ giới là Chánh của họ, những điều khác đều bị chê là không Chánh!
– Người thấy các cõi trời là tốt nhất, thì họ chuyên tu rốt ráo 10 điều thiện, cộng thêm tu Thiền-Định thì có thể sanh về các cảnh Trời. Thập-Thiện và Thiền-Định là Chánh của họ. Sanh về một cảnh giới Trời hưởng phước, nhưng vẫn còn trong 6 đường luân hồi. Họ thích như vậy, nên những cách tu khác họ không thèm để mắt tới.
– Người muốn vãng sanh Tịnh-Độ, thì trì giữ một câu A-Di-Đà Phật nguyện vãng-sanh. Một đời này sau khi xả bỏ báo thân họ về Tây-Phương Cực-Lạc thành tựu đạo quả. Đây là Chánh-Đạo, nhất định họ không theo con đường nào khác. Pháp này được chư Phật khuyến khích và hộ niệm, được A-Di-Đà Phật phát nguyện tiếp độ.
Tất cả đều tùy duyên chúng sanh thôi. Vậy thì, tự mỗi người chúng ta hãy kiểm lại mục đích của mình là đâu, ta đi có thẳng đường không?
Hành theo pháp môn Niệm Phật thì phải lấy Tín-Nguyện-Hạnh làm tông chỉ. Đây là pháp môn Phật dạy cho chúng sanh trong thời mạt pháp tu trì để giải thoát. Thời mạt pháp căn tánh thấp kém, tự lực chứng đắc như các pháp môn khác của thời trước không dễ đâu. Nhưng nếu niệm Phật mà không dựa theo đúng tông chỉ này thì cũng dễ lạc ra khỏi quỹ đạo, dễ biến thành Tà-Đạo lắm! Đây là vì vọng tâm mạnh quá vậy.
Xin nhắc lại, chữ “Tà-Đạo” nói ở đây là chỉ cho người muốn vãng-sanh về miền Cực-Lạc, mà sơ ý thực hiện phương pháp sai lạc dẫn tới những nơi nào khác chứ không thể về Tây-Phương Cực-Lạc được. Người Niệm-Phật vãng-sanh phải giữ tâm thanh tịnh mới được, phải định cái tâm vào tông chỉ của pháp môn. Tông chỉ chính là 3 tư lương Tín-Nguyện-Hạnh. Lệch ra khỏi 3 điểm này thì tâm “Bất-Định”. Bất định chính là “Vọng-Tâm”.
Tại sao bị vọng vậy? Vì căn tánh thấp kém! Người có căn tánh thấp kém thì khó tự phân giải Chánh-Tà. Nếu lại thiếu đức tính khiêm hạ, thiếu tính nhẫn nại nữa thì rất dễ bi cám dỗ bởi những miếng mồi hay lạ!… Thấy 3 món tư lương Tín-Nguyện-Hạnh thấp kém quá, thường tình quá nên vừa thấy miếng mồi nào hay hay lạ lạ thì vội vàng chạy theo. Đụng đâu theo đó là người không có chỗ định. Niệm Phật mà rời lời Phật dạy, không theo lời Tổ dạy, hiếu kỳ tham điều cảm ứng, tham có thần thông, tham được sớm chứng đắc… rất dễ lạc vào đường Tà lắm vậy! Còn người thực thà, chí thành thì không dám nghi ngờ lời Phật dạy, không dám tự đi ngang về tắc đâu.
– Tín: Người Niệm Phật phải giữ niềm tin vững vào lời Thế-Tôn dạy, phải nương dựa vững vàng vào đại Nguyện độ sanh của A-di-đà Phật mới được. Phật dạy người niệm Phật tin tưởng, chứ không dạy hiếu kỳ, không dạy tìm tòi điều mới lạ. Người thiếu niềm tin, thì tâm thường chao đảo. Chao đảo là Tà chứ không Phái Chánh.
– Nguyện: Lời cầu nguyện tha thiết nhất là nguyện được Phật tiếp dẫn vãng-sanh khi lâm chung, chứ không phải nguyện chứng đắc. Nên nhớ, Niệm-Phật vãng-sanh là pháp Nhị-Lực cầu Phật tiếp độ, hợp với chúng sanh trong thời Mạt-Pháp này. Tu cho chứng đắc thuộc về pháp Tự-Lực, dành cho các vị Thượng-Căn, hợp với các thời Chánh-Pháp và Tượng-Pháp. Người tu pháp niệm Phật là tu pháp vãng-sanh, chứ không phải tu pháp chứng đắc tự giải thoát sanh tử luân hồi. Tu cầu chứng đắc gì đó là lệch ra khỏi quỹ đạo của pháp niệm Phật vãng-sanh, hay gọi là Tà-Đạo đối với đường về Tây-Phương Cực-Lạc.
– Hạnh: là trì giữ câu Phật hiệu “A-Di-Đà Phật” mà niệm. Người niệm Phật mà không chuyên nhất, nghĩa là tu quá xen tạp thì thường vướng vào cảnh Bất-Định-Tụ chứ không là Chánh-Định-Tụ.
Đây là pháp hành trì “Đới Nghiệp Vãng-Sanh”, rộng độ khắp cả Thượng-Hạ 3 căn.
Xin chư vị, là người Niệm Phật hãy tự xét coi có đi đúng theo lời Phật dạy không, có theo đúng theo lời chư Tổ dạy hay không, để tự hiểu là Chánh hay Tà vậy?…
Hôm nay bàn sơ về Chánh-Đạo hay Tà-Đạo. Thư tới sẽ bàn đến chuyện chứng đắc sau nhé.
Diệu-Âm (Úc Châu)
Về thuật ngữ Phật Học, thì trong pháp Niệm Phật có danh từ Niệm-Phật Tam-Muội, “Nhất-Tâm Bất-Loạn”, “Niệm-Phật Thành-Thục”, “Niệm-Phật-Quán”, v.v… chứ không có thuật ngữ “Niệm-Bất-Niệm”, “Niệm-Tự-Niệm”, “Niệm-Vô-Niệm”. Tuy nhiên chúng ta không nên chấp vào danh từ để lý luận quá cũng không hay. Hãy cố gắng xét coi về ý nghĩa muốn gởi gắm danh từ thì hay hơn.
– Tam-Muội hay Tam-ma-đề gọi Định, Chánh-Thụ, chỉ cho trạng thái tâm định một chỗ không động, điều hòa cái tâm cho định lại không còn tán loạn nữa. Người Niệm-Phật Tam-Muội là người nhất tâm niệm Phật, quyết lòng niệm Phật không còn lay chuyển nữa.
– Nhất-Tâm Bất-Loạn: Đã có cảnh chứng đắc. “Sự-Nhất-Tâm Bất-Loạn” đã phục được phiền não. “Lý-Nhất-Tâm Bất-Loạn” thì trí huệ đã khai, bắt đầu trở về với Tự-Tánh. Muốn chứng đến cảnh giới Nhất-Tâm Bất-Loạn phải là người thực hành được các pháp Thực-Tướng Niệm-Phật, Vô-Tướng Niệm-Phật, pháp tu dành cho hàng đại Bồ-Tát chứ không phải dành cho hàng phàm phu mơ tưởng.
– Niệm-Phật Thành-Thục: Chỉ cho giai đoạn Nhất-Tâm Hệ-Niệm, mức công phu niệm Phật trước khi tiến tới cảnh Sự-Nhất-Tâm Bất-Loạn. Trong kinh Phật nói kinh A-Di-Đà có đoạn nói từ một ngày đến bảy ngày “Nhất-Tâm Bất-Loạn”, thực ra là nói người Nhất-Tâm Hệ-Niệm. Nghĩa là người chí thành một lòng niệm Phật, được cảm ứng A-Di-đà Phật đến gia trì nâng lên thành “Nhất-Tâm Bất-Loạn” mà đi vãng-sanh. Niệm-Phật Thành-Thục ai cũng có thể thực hiện được, chỉ cần chí thành chí kính là được. (Xin xem lời giải thích của Ấn-Quang đại sư, Pháp-Nhiên Thượng Nhân, Tịnh-Không Thượng-Nhân, Kinh A-Di-Đà của Ngài Huyền Trang dịch sát nghĩa, v.v…).
– Niệm-Phật-Quán: Hay còn gọi là Quán-Phật-Quán, thuộc về pháp Ngũ-Đình Tâm-Quán của người tu Thiền, thuộc hàng Thanh Văn.
Bây giờ câu hỏi là những người niệm Phật đạt đến “Niệm-Bất-Niệm” tương xứng với vị trí nào bên trên.
Nếu nói rằng chắc chắn được tự tại vãng sanh thì phải tương xứng với “Lý-Nhất-Tâm Bất-Loạn”. Người chứng đến cảnh giới này đã hiển lộ Chân-Tâm Tự-Tánh rồi, thành Bồ-tát rồi, họ sống trong Chân-Tâm Tự-Tánh rồi. Với họ nhiều khi đã đạt đến chỗ Sự-Vô-Ngại, hay nói cho dễ hiểu hơn, họ có thể xuyên qua tường được rồi đó.
On Monday, 10 March 2014