(07) Chương 5: THÀNH VIÊN BAN HỘ NIỆM

Share on facebook
Share on twitter
Chương 5:
THÀNH VIÊN BAN HỘ NIỆM
Hộ niệm là một đại sự có ảnh hưởng đến huệ mạng của một người. Cực Lạc hay đọa lạc của họ tùy thuộc rất nhiều vào hành động và ý niệm chánh pháp hay không của người hộ niệm. Để cho công đức được tròn đầy, tâm bồ-đề được viên mãn, mong tất cả chư vị phát tâm hộ niệm cần phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng theo quy tắc của pháp hộ niệm, chớ nên tự ý thêm bớt, hầu gìn giữ chánh pháp lưu trụ dài lâu và cứu được nhiều người vãng sanh thành đạo. Công đức vô lượng.
Xin miễn tham gia vào BHN vì sự hiếu kỳ, thiếu tin tưởng.
1. Thành viên BHN cần chú ý:
a) Mọi người đều được tự do tham gia BHN, nhân lực càng đông càng tốt, không cần quy luật gì cả. [Sai]
b) Một người phải trải qua nhiều thử thách cam go mới được làm thành viên của BHN. [Sai]
c) Liên-Hữu, Phật-Tử, Đồng-Tu nếu gìn giữ vững vàng Tín-Nguyện-Hạnh của tông chỉ pháp niệm Phật thì được tham gia BHN. [Đúng]
d) Người hộ niệm nghiêm chỉnh nghiên cứu quy luật hộ niệm và tích cực tham gia hộ niệm khi cần thiết. [Đúng]
e) Cần nghiên cứu nhiều pháp hộ niệm khác là điều cần thiết để bổ khuyết cho pháp hộ niệm vãng sanh. [Sai]
f) Mỗi pháp tu, mỗi tôn giáo đều có cách hộ niệm riêng, dẫn dắt về cảnh giới riêng. Người hộ niệm vãng sanh Tịnh-Độ chỉ nên nghiên cứu pháp hộ niệm của Tịnh-Độ Tông mới chính xác. [Đúng]
g) Nghiên cứu nhiều pháp hộ niệm khác nhau dẫn đến sự khai thị mông lung vô định, hướng dẫn người bệnh lạc mất đường vãng sanh TPCL. [Đúng]
h) Cảnh giới huyễn hóa vô cùng, người hộ niệm vãng sanh mà nghiên cứu không chánh không thẳng rất dễ bị phân tâm, hoài nghi, rối loạn. [Đúng]
i) Tạp loạn là sự đại kỵ của pháp niệm Phật, đem sự tạp loạn mà hộ niệm thì không thể giúp người bệnh vãng sanh TPCL được. [Đúng]
j) Phải tinh tấn niệm Phật tu hành, chứ không phải chỉ lo hộ niệm mà lơ là công phu niệm Phật. [Đúng]
k) Mỗi thành viên phải đóng lệ phí hộ niệm đầy đủ cho BHN. [Sai]
l) Không được nhận tiền thù lao hay quà cáp trả ơn cho việc Hộ-Niệm. [Đúng]
m) Mục đích hộ niệm là giúp người vãng sanh, hoàn toàn không liên quan tới chuyện tiền bạc. [Đúng]
n) Khi tham gia hộ niệm không được tự ý thêm bớt, phan duyên. [Đúng]
2. Những điều người trưởng và phó BHN (T/P BHN) cần biết:
a) T/P BHN được bình bầu bởi thành viên của ban BHN. [Đúng]
b) Người T/P BHN phải hiểu biết vững về pháp hộ niệm của Tịnh Tông. [Đúng]
c) Khai thị thường dành cho T/P BHN hoặc chư vị Tăng-Ni biết pháp hộ niệm. [Đúng]
d) Tuyệt đối chỉ có T/P BHN và chư Tăng-Ni mới được quyền khai thị trong một ca hộ niệm. [Sai]
e) Mọi người đều được quyền khai thị không cần hỏi qua T/P BHN. [Sai]
f) Nếu cần, T/P BHN có thể chọn người thay thế mình khai thị trong các ca hộ niệm. [Đúng]
g) T/P BHN liên lạc với gia đình, phân chia nhân lực cho các ca hộ niệm. [Đúng]
h) T/P BHN phải tôn trọng luật pháp quốc gia, phải thuận theo những quy định của chính quyền địa phương. [Đúng]
i) T/P BHN cần theo dõi mọi chuyển biến trong các ca hộ niệm. [Đúng]
j) T/P BHN cần linh động giải quyết các vấn đề trong lúc hộ niệm. [Đúng]
k) T/P BHN cần có mặt trong lần đầu tiên nhận một ca hộ niệm. [Đúng]
l) T/P BHN không được vận động bất cứ một hình thức nào về tiền bạc. [Đúng]
m) T/P BHN có thể làm lễ tiếp độ vãng sanh cho người chết. [Sai]
n) T/P BHN phải có năng lực tiếp độ thần thức người chết vãng sanh. [Sai]
o) T/P BHN có thể làm lễ truyền thọ tam quy y ngũ giới cho người bệnh. [Sai]
p) T/P BHN có thể thay mặt BHN vận động tịnh tài để làm Phật sự. [Sai]
q) T/P BHN có thể lập đàn siêu độ cho người chết. [Sai]
r) T/P BHN phải đảm trách luôn việc hậu sự mai táng cho người được hộ niệm. [Sai]
s) T/P BHN phải cúng tuần thất cho người được hộ niệm. [Sai]
t) Thành viên ban hộ niệm có thể tham dự tất cả các lễ như: cầu siêu, cầu an, tuần thất, hộ quốc tức tai, tam thời hệ niệm, hậu sự, mai táng, hỏa thiêu, v.v… [Đúng]
u) Phải có một năng lực đặc biệt mới được làm T/P BHN. [Sai]
v) Người tu luyện một năng lực đặc dị nào đó dễ lạc vào tà đạo, không thể làm được một T/P BHN chân chánh. [Đúng]
w) Người tự xưng có năng lực đặc biệt thường khó tránh khỏi nạn ma chướng. [Đúng]
x) Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Nếu người nào tự cho mình đã chứng đắc thì chắc chắn vướng nạn ma ngũ ấm”, xin hết sức cẩn thận. [Đúng]
y) T/P BHN phải có năng lực đẩy khí nóng trên xác người chết lên cao. [Sai]
z) T/P BHN phải có năng lực vận công điểm huyệt trên xác người chết giúp thần thức vãng sanh. [Sai]
aa) T/P BHN được quyền dùng cây đập vào xác người chết để trị oán thân trái chủ. [Sai]
bb) Người hộ niệm lâu năm nếu có được sự cảm ứng với người âm, thấy rõ hình tướng oan gia trái chủ, là điều tốt. [Sai]
cc) Những cảm ứng bất bình thường đều từ vọng tưởng mà ra. Người hộ niệm chân chánh phải quyết lòng đoạn trừ những tà niệm này. [Đúng]
dd) T/P BHN phải có năng lực trấn áp oan gia trái chủ. [Sai]
ee) Đàn áp oan gia trái chủ là hành động sai lầm, tư tưởng tà vạy, không phải chánh pháp. [Đúng]
ff) Điều giải oán thân trái chủ, phải lấy lòng chân thành ra khuyên giải họ xóa bỏ hận thù, quay đầu niệm Phật cầu vãng sanh để thoát nạn. [Đúng]
gg) T/P BHN phải có tâm bình đẳng, từ bi, biết thương xót những chúng sanh đang bị khổ nạn. Hãy khuyên giải họ hồi đầu tỉnh ngộ, buông xả cõi khổ này trở về TPCL thành đạo. [Đúng]
hh) T/P BHN có quyền cưỡng bức gia đình người bệnh phải làm theo chỉ thị của mình. [Sai]
ii) T/P BHN giảng giải quy tắc hộ niệm, nếu gia đình cố tình không làm theo thì T/P BHN có thể quyết định đình chỉ việc hộ niệm. [Đúng]
3. Những gì thành viên BHN cần nên làm?
a) Không nên tham gia BHN với tâm hiếu kỳ. [Đúng]
b) Tự mình phải tinh tấn niệm Phật tu hành. [Đúng]
c) Khi hộ niệm phải giữ thân khẩu ý thanh tịnh, nhiếp tâm cầu A-Di-đà Phật tiếp dẫn người bệnh vãng sanh. [Đúng]
d) Không được tự ý làm sai quy luật trợ niệm. [Đúng]
e) Được quyền tự ý khai thị hướng dẫn bệnh nhân bất cứ lúc nào. [Sai].
f) Không được đi lại, gây ồn náo, trò chuyện khi giải lao. [Đúng]
g) Nên ngồi hai bên và cách thân xác người ra đi ít nhất 2m (nếu được). [Đúng]
h) Có thể niệm Phật theo âm điệu riêng của mình. [Sai]
i) Để giữ tỉnh táo có thể hút thuốc lá, uống rượu khi đang hộ niệm. [Sai]
j) Có thể ăn loại ngũ tân, nhưng tuyệt đối phải ăn chay trường. [Sai]
k) Không bắt buộc phải ăn chay trường, nhưng phải cữ tuyệt ăn ngũ tân. [Đúng]
l) Ngày thường có thể ăn “Tam Tịnh Nhục”, nhưng ngày hộ niệm nên ăn chay mới tốt. [Đúng]
m) Khuyến khích tất cả thành viên nên ăn chay trường, nuôi dưỡng tâm từ bi. [Đúng]
n) Xong ca hộ niệm, nếu rảnh rỗi có thể lưu lại nhà người bệnh để tâm sự riêng tư với họ. [Sai]
o) Xong ca hộ niệm nên ra về liền, tránh làm bận tâm gia đình người bệnh. [Đúng]
p) Khi Hộ-Niệm, mỗi thành viên cố gắng tự lo về ăn uống, tránh tối đa làm phiền đến gia đình bệnh nhân (trừ khi ở quá xa). [Đúng]
q) Đang chờ tới phiên hộ niệm của mình, nên tham gia phụ giúp việc lặt vặt trong nhà người bệnh. [Sai].
r) Người hộ niệm cần nhiếp tâm niệm Phật là chính, không nên chú tâm phụ giúp vào việc nhà của người bệnh. [Đúng]
s) Tham gia những phiên họp BHN, đóng góp ý kiến phát triển BHN tốt hơn. [Đúng]
t) Khi hộ niệm có quyền đứng lên cướp lời khai thị liền nếu thấy T/P BHN nói lệch vấn đề. [Sai]
u) Mỗi thành viên nên tập luyện khả năng khai thị, học hỏi, rút tỉa ưu khuyết điểm. [Đúng]
v) Cố gắng hỗ trợ gia đình người bệnh về việc thuốc thang, cầu cho người bệnh chóng bình phục. [Sai]
w) Lo lắng về bệnh tình, thăm hỏi nóng lạnh, an ủi bệnh nhân. [Sai]
4. Hướng dẫn khai thị trong ca hộ niệm thường dành cho ai?
a) Chư vị Tăng-Ni biết hộ niệm, trưởng và phó BHN, hoặc những thành viên đã được chỉ định trước. [Đúng]
b) Mỗi ca hộ niệm chỉ nên có một người khai thị, các thành viên khác nên nhiếp tâm niệm Phật cầu Phật gia bị cho người bệnh. [Đúng]
c) Phải là người quen biết với bệnh nhân và hiểu rõ hoàn cảnh gia đình bệnh nhân mới được khai thị. [Sai]
5. Về sinh hoạt nội bộ, thông thường BHN cần nên làm gì?
a) Tổ chức hội họp định kỳ để rút tỉa ưu khuyết điểm, học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hộ niệm. [Đúng]
b) Tất cả thành viên hoan hỉ học tập, sống theo sáu điều hòa kính của Phật dạy. [Đúng]
c) Thành viên trong BHN nên tạo điều kiện gặp gỡ, giúp đỡ nhau cùng thực hiện tâm nguyện giúp người vãng sanh. [Đúng]
6. Những ai không nên tham gia cuộc hộ niệm?
a) Những người đang bị bệnh cảm cúm, ho, bệnh truyền nhiễm… [Đúng]
b) Những người thường có chuyện xích mích với người bệnh. [Đúng]
c) Những người còn đang ăn ngũ tân: Tỏi, hành, hẹ, kiệu, nén, ba-rô… [Đúng]
d) Những người không nghiêm chỉnh tuân theo quy luật hộ niệm. [Đúng]

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –