Hành Trang Căn Bản Cho Người Hộ Niệm 02 – Những Lời Khai Thị Của Tổ Sư Ấn Quang Về Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH TRANG CĂN BẢN CHO NGƯỜI HỘ NIỆM

Biên Soạn: Cư Sĩ Minh Đạt

Cố Vấn: Cư Sĩ Diệu Âm

(tiếp theo) NHỮNG LỜI KHAI THỊ CỦA TỔ SƯ ẤN QUANG VỀ HỘ NIỆM

Lâm chung nếu không có người hướng dẫn trợ niệm, tất bị tai họa phá hoại chánh niệm, người chưa đạt công phu sâu dày sẽ không thể liễu thoát, cho dù đã niệm Phật thành thục cũng khó vãng sanh. (Lời Ấn Tổ).

Hành giả lấy tâm tín nguyện làm nhân, thiện hữu trợ niệm làm duyên. Tín nguyện chân thiết, tu lâu về Tịnh Nghiệp tức là nhân thù thắng. Thiện hữu khai thị hướng dẫn khiến phát cái tâm chí cầu vãng sanh, lại xưng danh hiệu Phật khiến tâm kia chuyên chỉ chứa tiếng Phật hiệu, không có những thứ tạp niệm của thế gian đây gọi là duyên vững mạnh. Nhân thù thắng, duyên vững mạnh, lại thêm Phật từ bi nhiếp thọ, do đó liền được vãng sanh dễ dàng. (Lời Ấn Tổ).

Nếu chí thành khẩn thiết niệm Phật cầu vãng sanh, thì bất luận người nào cũng có thể được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, liễu thoát sinh tử. Riêng người không tin, không phát nguyện vãng sanh thì không thể vãng sanh. Nếu chân tín, thiết nguyện thì không một ai mà không vãng sanh. Pháp này hoàn toàn là nhờ từ lực của Phật gia trì tiếp dẫn. Ví dụ như người ngồi trên tàu được qua biển là nhờ sức của chiếc tàu, chứ chẳng phải là tài năng của tự mình. Vậy nên, nếu làm theo lời ta, thì sẽ không luống qua sự gặp gỡ của đời này. (Lời Ấn Tổ).

1) Thiện xảo khai thị, chỉ dẫn, an ủi, khiến sanh chánh tín. Tha thiết khuyên bệnh nhân buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ.

2) Mọi người thay phiên niệm Phật trợ niệm. Ba nhóm thay phiên nhau niệm tiếng Phật hiệu không gián đoạn. Nếu bệnh nhân sắp tắt thở, ba nhóm có thể cùng một lúc niệm.

3) Chớ nên di chuyển người bệnh, hay khóc lóc hầu tránh làm hỏng việc. Cũng không thể tắm rửa thay áo, đổi giường, cho dù người bệnh lúc mất nằm hoặc ngồi như thế nào phải thuận theo thế của họ, không thể di động một chút nào. Nếu có thể đi theo ba điều này mà làm, quyết định có thể tiêu trừ nghiệp chướng của nhiều đời, tăng trưởng nhân Tịnh-Độ, nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. (Lời Ấn Tổ).

Lâm chung trợ niệm, như dìu người lên núi, dù tự lực không đủ, may nhờ có trước kéo sau đẩy, phải trái gồng nách nên được lên đến đỉnh núi. Phàm những ai bình thường có niệm Phật, hoặc con cháu người đó tin Phật, khi lâm chung mời thỉnh chư vị cư sĩ trợ niệm, thì lợi ích này thật là to lớn. (Lời Ấn Tổ).

Trong kinh nói chứng cớ sau khi chết sanh vào các đường như sau:

– Đỉnh đầu ấm sanh Thánh đạo,

– Mắt ấm sanh thiên,

– Ngực ấm sanh cõi người,

– Bụng ấm sanh ngạ quỷ,

– Súc sanh ấm đầu gối,

– Địa ngục bàn chân ấm,

– Hơi ấm của người chết đi lên phần trên thì được siêu thăng,

– Hơi ấm đi xuống phần dưới là bị đọa lạc,

– Nếu toàn thân đều lạnh đỉnh đầu còn ấm là siêu phàm nhập Thánh. Sanh Tây-Phương Cực-Lạc là siêu phàm nhập Thánh, là thù thắng nhất nên gọi là “Đảnh Thánh”. (Lời Ấn Tổ).

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –