09. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Do duyên kết hợp)

Share on facebook
Share on twitter

Do duyên kết hợp

Hỏi:

Người vợ thì rất tinh tấn, đi chùa và làm các việc từ thiện, cũng như tu tập, nhưng ngược lại người chồng một mực phản đối. Người chồng nói rằng: “Dành hết thời gian tu hành rồi thời gian đâu mà lo việc buôn bán và lo cho con, không làm tròn bổn phận một người vợ và người mẹ”.

Trả lời:

L.H

Diệu Âm chỉ nhắm giải đáp việc Hộ Niệm, sao đạo hữu lại bắt chú Diệu Âm giải quyết chuyện khó khăn gia đình?

Sự đời rắc rối quá. Diệu Âm chỉ biết Niệm Phật, chứ đâu rành chuyện thế gian! Bắt trả lời chuyện thế gian thì đành phải cố gắng trả lời, nhưng xác xuất thành công không dám chắc chắn!

Tất cả đều có nhân quả. Người biết nhân quả thì đừng tạo nhân xấu nữa để tương lai khỏi chịu quả xấu. Người mà cứ tạo thêm nhân xấu mới thì tương lai tránh sao cho khỏi rước lấy quả báo xấu ác khổ đau!

Người vợ bị chồng hành hạ là do cái nghiệp của vợ làm trong nhiều đời kiếp trước, đến đời này quả báo hiện hành. Người chồng đánh đập vợ thì người chồng đang tạo nghiệp xấu, tương lai phải chịu người khác hành hạ lại là điều chắc chắn, chứ tránh sao khỏi!

Đời là khổ, biết khổ thì lo tu hành. Tu hành để tiêu giảm nghiệp chướng. Nói vậy nhưng nhiều lúc muốn vẹn toàn mà cũng khó bề vẹn toàn, vì được vẹn toàn thì đâu còn khổ nữa!?

Trường hợp L.H nói, trong xã hội này nhiều lắm. Có nhiều khi chồng tu bị vợ chống đối, vợ tu bị chồng chống đối, cha mẹ tu bị con cái chống đối, v.v… Đây là chướng ngại gần gũi và dễ xảy ra cho người tu hành. Suy cho cùng, tất cả đều có nhân quả cả. Biết như vậy, khi chúng ta biết tu hành thì đừng nên tạo chướng duyên cho người khác để tương lai tránh người tới gây chướng ngại cho ta.

Cụ thể, Diệu Âm chỉ đề nghị một vài điều nên làm thử coi.

1)Vợ tu mà chồng chống đối thì người chồng chính là nguồn ngăn trở sự Vãng Sanh của mình. Khuyên xa nhau thì không nên, và không ai dám nói đến điều này. Như vậy khi sống chung trong nghịch cảnh này chính người trong cuộc phải cố gắng hòa giải để gỡ mối họa, bằng cách:

– Đầu tiên, hãy coi đây là nghiệp mình phải trả, mạnh dạn trả để một đời này nghiệp mình nhẹ nhàng. Đừng coi người chồng là oan gia trái chủ của mình, vì nếu coi người chồng là oan gia trái chủ thì mãi mãi oan nghiệp này không gỡ được.  Hãy coi đây là bài pháp về nhân quả thì hay hơn.

– Bị nhân quả thì dùng nhân quả để cứu. Nhân quả ở đâu? Ở ngay trong tâm. Tâm oán hờn thì quả oán hờn, tâm ganh ghét thì quả ganh ghét… Tâm nghĩ sao nó thành ra vậy. Nếu biết rằng nghịch chống nhau sẽ trở ngại đường Vãng Sanh của mình, vậy thì phải cố gắng biến nghịch duyên thành thuận duyên, bằng cách hãy coi những sự chống đối thành lời khuyên nhắc ta phải lo Niệm Phật cho nhiều. Chồng càng chống ta càng quyết tâm Niệm Phật. Tìm mọi cách Niệm Phật, niệm lớn bị la rầy thì âm thầm niệm, niệm cho thuần thục, niệm cho nhất tâm, để lúc cuối cuộc đời, lúc lâm chung ta có đủ sức định mà giữ vững câu Phật hiệu để Vãng Sanh. Thực hiện điều này gọi là biến phiền não thành Bồ-đề, biến cảnh khổ đau thành Cực-lạc đó.

– Luôn luôn cầu Phật Bồ tát gia trì, hồi hướng công đức cho chồng, hồi hướng cho oan gia trái chủ. Nhờ công đức này sẽ cảm ứng và hóa giải oan khiên. Lòng thành có cảm ứng.

– Đã không coi chồng là oan gia, thì chính mình phải mau mau thay đổi cách sống, tập ăn nói vui vẻ, sinh hoạt trẻ trung, chìu chuộng… Nên nhớ, biết tu hành thi tâm hồn phải cởi mở, rộng rãi hơn người không biết tu mới đúng. Nhờ cách sống này dần dần làm cho người chồng phản tỉnh, ăn năn hối hận việc sai trái của mình.

– Cũng cần nhắc điều này, nhiều người khi biết đường tu hành thường đi tới chỗ quá cực đoan, cố chấp, không để ý đến ý kiến, cảm giác… của người bên cạnh. Hãy tự xét lấy mình thử coi có vướng phải lỗi lầm này không? Tại sao trước kia có cuộc sống vui vẻ, sau khi tu hành thì cuộc sống xảy ra nhiều sự xung đột? Cố gắng bình tĩnh tự phản tỉnh nhé. Nếu tình trạng gia đình thực sự có liên quan đến vấn đề thay đổi quá nhiều về tánh tình, tâm lý, cách sinh hoạt của người vợ, làm cho người bên cạnh phải chới với, xáo trộn, thì người vợ cần chú ý điều chỉnh. Ví dụ cụ thể hơn, nếu người vợ cứ lo chuyện tu mà quên chuyện đời, tỏ ra lãnh đạm, lạnh nhạt, quần áo xốc xếch, tỏ vẻ khinh thường người không tu… thì sự xào xáo trong nhà bắt nguồn từ người vợ thiếu cẩn thận ngay từ lúc đầu.

– Nên nhớ, chỉ có người biết tu chuyển hóa người không tu mới tốt, vì có hướng đi lên, thăng tiến. Đừng nên chờ mong người không tu chuyển hóa người biết tu, vì đây là hướng thối hóa, không tốt! Muốn chuyển hóa đòi hỏi phải biết tâm lý, như: nhẹ nhàng, vui vẻ, tế nhị, có lòng từ bi và kiên nhẫn một chút mới được. Nghĩa là, người biết tu cần phải cố gắng, uyển chuyển, chịu khó hơn nữa mới được.

(Cũng nhắc điều này, chúng ta không thể khuyên gì được với người không tu. Chỉ cầu mong cho họ có ngày hiểu chút đạo lý nhân quả mà thay đổi.  Nếu còn chính họ không thay đổi thì chịu thua. Diệu Âm không khuyên họ được. Ở đây chúng ta chỉ khuyên người biết tu mà thôi).

– Phật dạy, xây dựng đạo hạnh đừng cầu không ma chướng, vì không ma chướng thì chí nguyện không bền. Vậy hãy coi đây là điều thử thách cho mình bền chí. Phật dạy rằng, lấy ma quân làm bạn là ý này.

– Phật dạy, với người đừng cầu thuận ý, vì thuận ý thì tánh kiêu căng phát triển. Tánh kiêu căng phát triển thì chắc chắn tu hành không thành tựu. Cho nên, Phật dạy hãy lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ, có vậy mới ngăn ngừa tánh kiêu ngạo.

– Phật dạy, ở đời đừng cầu không hoạn nạn, không hoạn nạn thì tâm kiêu sa. Vậy hãy lấy chướng nạn từ trong gia đình làm điều giải thoát.

Vậy giải thoát hay không ở ngay tâm mình. Cùng một hoàn cảnh nếu tâm biết tu thì giải thoát, không biết tu thì mắc kẹt. Biết giải thoát thì coi người chồng chống đối như Bồ-tát dạy mình thành đạo giải thoát. Không biết tu, thì cũng chính người chồng đó sẽ trở thành oan gia, luôn luôn làm khổ mình, sẽ kéo mình xuống địa ngục.

Hỏi :

Đây là nghiệp chướng của người vợ phải trả, thì người vợ sanh ra trong đời này phải gặp người chồng như vậy, tất cả là do nhân quả sắp xếp, thì người chồng chỉ là nhân vật được sắp xếp để tạo nên chướng ngại này thôi, là một cái quả mà người vợ phải chịu trong đời này, nếu không có người chồng như vậy thì người vợ đâu có trả được quả đâu!

Trả lời:

Không phải vậy đâu! Người vợ sanh ra không phải là để phải gặp người chồng. Người chồng cũng không phải là nhân vật được sắp xếp để gặp người vợ. Không ai sắp xếp cho họ cả.

Gặp nhau là do cái duyên, hay gọi là có cơ hội. Còn oan trái, oán nghiệp là do cái nhân tự mình tạo ra trước đây. Cái nhân duyên này (cơ hội và nguyên nhân) do chính con người tạo nên. Nếu biết cắt cái duyên thì cái nhân cũng đâu có cơ hội phát triển?

Làm sao cắt? Người tu hành mà không thoát được sanh tử luân hồi thì không trước thì sau cũng đối đầu với oan gia trái chủ. Ví dụ, người vợ trong đời trước biết Niệm Phật, tha thiết cầu Vãng Sanh Tây-phương thì đã Vãng Sanh về Tây-phương rồi, thành Bồ-tát rồi, thì trong đời này làm sao có thể phải đối đầu với ân oán tiền khiên nữa?

Vì thế, người vợ sanh ra trong đời này không phải là sự sắp xếp để bắt buộc phải gặp người chồng, mà đây là do cái duyên mình tạo ra nó phù hợp cái nhân đã gây mà kết lại thành quả khổ. Còn rất nhiều cái nhân khác chưa gặp cơ hội nên nó trốn ở chỗ nào đó, chứ không phải chỉ có bấy nhiêu này thôi đâu.

Biết vậy thì phải cố gắng ăn ở hiền lành để hợp với nhân lành mà được quả lành.

Phải ăn ở hiền lành, phải lánh xa tham sân si, phải bỏ việc ác thì nhân ác cũng khó tạo thành quả ác. Ví dụ, đối với một người chồng cộc cằn, nhưng có người vợ hóa giải được, có người hóa giải không được. Nếu quyết sống với nhau thì tự mình phải cố gắng vui vẻ, cần có chút tâm lý để chuyển. Nếu không cố gắng thì tiến tới chỗ đổ vỡ. (Đây là một vấn đề khác!).

Hỏi :

Như vậy người chồng có tội hay không?

Trả lời:

Có. chắc chắn có. Dù vợ chồng có ân oán nợ nần với nhau thì đòi nợ cũ là tạo nghiệp mới. Không đòi nợ cũ thì nhân cũ coi như hết.Chính vì vậy mà Phật dạy chúng ta không được trả thù, ganh ghét, đố kỵ… Phật dạy chúng ta phải đoạn ác tu thiện để chuyển nghiệp, tiêu nghiệp, xóa nghiệp…

Nếu xóa nghiệp không nổi thì phải nghe lời Phật dạy, Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Vãng Sanh là mang cái nghiệp về Tây-phương nhờ A-Di-Đà Phật gia trì cho chúng ta thành tựu đạo quả, có thần thông đạo lực, biến du trong mười phương cứu độ chúng sanh để trả chuyện nhân quả.

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(11/11/2008)

 

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –