14. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Nên Giữ Tâm Thoải Mái)

Share on facebook
Share on twitter

Nên giữ tâm thoải mái

Hỏi: 

Mẹ em trước khi về Việt Nam, ở bên đây rất tinh tấn Niệm Phật, mỗi ngày đều tụng kinh A-Di-Đà, trong thời gian ở Việt Nam mẹ em có nhiều biểu hiện khác lạ, em không biết giải thích làm sao, chỉ biết rằng dường như có oan gia trái chủ theo sát. Tụi em rất lo lắng, ngoài việc Niệm Phật cầu xin chư Phật gia hộ, tụi em không biết phải làm sao?

Trả lời:

Kính Bác Sĩ Diệu Huệ,

Diệu Âm xin gởi lời thăm Cụ Diệu Thiện, mẹ của Bác Sĩ. Cụ Diệu Thiện tâm đạo rất tốt, biết Niệm Phật, biết đường cầu Vãng Sanh Tịnh-độ. như vậy là tốt. Mong gia đình yểm trợ cụ cho trọn vẹn. Ngoài ra không có gì trở ngại đâu. Khi về Việt Nam qua, nhiều khi thay đổi không khí nên khó chịu một vài hôm đó thôi.  Trước tiên xin cô Diệu Huệ hãy an lòng về người mẹ, Diệu Âm thấy cụ rất hiền và đáng kính.

Điều thứ nhất, tại sao lại nghĩ rằng có oan gia trái chủ theo? Có thấy không hay chỉ nghĩ như vậy thôi?

1- Nếu thấy rõ ràng có oan gia trái chủ thì mình mau mau cầu giải liền đi…

Bằng cách:

– Thành tâm sám hối nghiệp chướng, sám hối những lỗi lầm của mình, nhất định đừng làm sai trái nữa, nhất là chấm dứt sát sanh.

– Thành tâm khuyên oan gia trái chủ Niệm Phật cầu siêu sanh là hay hơn hết, đừng nên bám víu vào cõi vô thường đau khổ này làm chi cho thêm đau khổ!

– Còn mình thì ngày đêm tụng kinh, Niệm Phật hồi hướng công đức cho họ. Cố gắng phóng sanh lợi vật để sám nghiệp, rất tốt.

2- Nếu chỉ nghĩ rằng là có oan gia chứ không biết sự thực như thế nào, thì tốt nhất đừng nghĩ thêm nữa. Phật dạy, tất cả đều do tâm tạo, những sự suy nghĩ của mình thường gạt mình vào những chỗ thực thực hư hư không tốt. Một nghi thì mười ngờ, một ngờ thì mười nghi, nghi-ngờ; ngờ-nghi… cứ thế làm cho mình rối lên. Từ chỗ không có chuyện cũng thành ra có chuyện. Không tốt!

Niệm Phật xóa tan tất cả ách nạn. Người Niệm Phật được chư Long-Thiên Hộ Pháp bảo hộ, làm cho mình an toàn. Niệm Phật có chư Bồ-tát gia trì bảo vệ, còn có điều kiện nào an tâm hơn? Vững tâm Niệm Phật thì tất cả những sự chập chờn trong tâm sẽ tan biến. Niệm Phật mà tâm không an chính vì mình còn thiếu lòng tin đó thôi. Hãy mau mau củng cố niềm tin cho vững vàng.

Người Niệm Phật thiếu niềm tin vững vàng thường bị những sinh hoạt chung quanh chi phối làm chao đảo. Người mới khởi phát tâm Niệm Phật thường nên chuyên tu một thời gian mới tốt, chớ vội phát tâm làm việc đạo sớm. Vì tâm đạo thì có, nhưng lực thì chưa có, gọi là “Lực bất tòng tâm”, cũng dễ gặp chướng ngại làm cho mình thối tâm Bồ-đề. Những chướng ngại này, nói cho có vẻ Phật học một chút, gọi là “Ma chướng”. Ma chướng chính là những nghịch duyên làm cho mình thoái tâm.

Ví dụ, mình muốn Niệm Phật cầu Vãng Sanh, mình tin như vậy nhưng lý đạo chưa chắc gì đã thông suốt. Khi đi ra ngoài, gặp người không hiểu đạo, họ chê bai. bài bác, ngăn trở hoặc không đồng thuận với mình, hoặc có những luận điệu phản chống lại, v.v… Đây là những thử thách rất thường xảy ra, làm cho mình chao đảo và thoái tâm. Nghĩa là, lòng tin của mình bị giảm sút.

Những gì làm cho tâm mình thối chuyển gọi là “Ma chướng”. Bị “Ma chướng”, thực ra chỉ vì tâm mình chưa vững, thành ra bị hoàn cảnh chuyển đổi. Tâm không vững gọi là “Nội-Ma”. Hoàn cảnh hỗn loạn bên ngoài gọi là “Ngoại-Ma”, hay gọi là “Thiên-Ma”.

Như vậy, Ngoại-Ma hay Nội-Ma đều do tâm của mình sanh ra cả. Tâm vững là Chánh-Tâm, Chánh-Tâm sẽ chuyển đổi hoàn cảnh theoChánh-Đạo, tất cả đều hỗ trợ tốt.

Tâm không vững, thì bị hoàn cảnh chi phối, chuyển đổi theo chiều hướng bên ngoài, gọi là Tà-Đạo. Tà-Đạo này suy cho cùng là do tâm của ta không vững trước.

“Chánh” là thẳng, là trực. Tu Chánh là đi thẳng một đường tới chỗ thành tựu. “Tà” là không thẳng, đi xeo-xéo, đi lần-quần, đi vòng-vo, v.v… Tu Tà là tu không thẳng, tu như vậy suốt cuộc đời, hết đời này qua đời khác, tu tới vô lượng kiếp… cũng không tới đích!

Tu hành mà không có đường rõ rệt, nhắm về tương lai mà không có hướng đến nhất định, thường bị vướng vào cái tệ hại này. Người tu hành mà không có sự hướng dẫn tốt thường bị vậy.

Phật giáo là đạo thoát ly sanh tử luân hồi, thế mà nhiều người tu học Phật lại chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện vượt thoát sanh tử luân hồi, chưa có tâm muốn qua khỏi tam giới, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể Vãng Sanh Tây-phương Cực-lạc để hoàn thành đạo nghiệp, trong khi lời Phật dạy rõ ràng rằng: Niệm Phật Vãng Sanh Cực lạc, bất thối thành Phật.

Tất cả đều do niềm tin quá bạc nhược, quá thiếu phước thiện, thành ra học Phật mà lại nghi ngờ lời Phật, không theo lời Phật dạy, không chịu y giáo phụng hành. Ngược lại, ưa thích chạy theo những thứ triết lý bóng bẫy của người đời, những kiểu lý luận lòng vòng của thế gian, ở đó chỉ cần lòe ra một chút tâm lý thì mê tít, rồi mạnh dạn đem cả công phu và lý tưởng tu hành của mình để đổi lấy từng chút hào nhoáng phù phiếm, tạm bợ, tìm kiếm một vài cái phước báu nhỏ nhen trong tam giới lục đạo, mà quên mất lối giải thoát.

Tu hành như vậy, dù rằng, tiếng là đang tu theo Chánh-Đạo, nhưng kết cuộc không thể nào đạt được Chánh-Quả! Tu mà không đạt được Chánh-Quả thì nhất định còn bị trói buộc trong nghiệp Ma. Trong kinh Hoa-Nghiêm Phật dạy, “người quên mất tâm giác ngộ, mà đi tu các hạnh lành. đó toàn là nghiệp của ma”, là chỉ cho việc này đây!…

Tâm giác ngộ là tâm thành Phật. Muốn thành Phật thì phải về Tây-phương Cực-lạc. Vì về tới Tây-phương Cực-lạc thì một đời thành Phật.

Không lo chuyện thành Phật, chỉ dẫn dắt chúng sanh tạo nghiệp thiện, quên bẵng chuyện thoát ly sanh tử luân hồi, làm cho chúng sanh đời đời kiếp kiếp bị kẹt trong tử sanh không thoát nạn được. Ngài Tĩnh Am nói, thiện nghiệp càng lớn, sanh tử càng nặng…. như vậy làm sao thành đạo?

Cho nên, dạy chúng sanh làm thiện mà không biết dạy hướng giải thoát, thì chẳng khác gì nhử cho chúng sanh một miếng mồi thật ngon trong cái bẫy sanh tử. Ngược lại, người biết hướng giải thoát mà không chịu làm thiện, chính là người biết được đường đi nhưng bị thiếu cơm ăn. Vì vậy, tu thiện rất cần, nhưng xin đừng ngừng lại đây, hãy hướng tới Tịnh nghiệp mới đúng.

Trong kinh Phật có câu: Tâm tịnh quốc độ tịnh. Hay nói ngược lại, tâm loạn quốc độ loạn.  Nghĩa là, tâm mình vững vàng, thanh tịnh thì hoàn cảnh chung quanh sẽ ảnh hưởng cái tâm của mình mà dần dần sẽ thanh tịnh. Ngược lại tâm mình chưa có chỗ nương dựa vững vàng, còn chơi vơi, thì dần dần sẽ bị xã hội lôi cuốn mà loạn lên giống như xã hội đang loạn vậy.

Chính vì vậy, chúng ta cần hàm dưỡng công phu, cố gắng Niệm Phật cho nhiều, khi ra ngoài gặp những người không biết tu hành, chống đối, hiểu lầm hay những sinh hoạt trái nghịch nào khác thì đừng nên chú ý đến, cũng đừng nên can thiệp vào, tốt nhất là lánh xa để tâm ta khỏi bị chao đảo.

Tâm chưa thanh tịnh rất cần hoàn cảnh thanh tịnh. Hãy cùng nhau tạo môi trường thanh tịnh để giúp đỡ nhau thoát được nhiều ách nạn. Sự lo lắng, buồn phiền, sợ sệt, nghi ngờ, v.v… đều có ảnh hưởng không tốt! Những người chung quanh cố gắng đừng sơ ý tạo những ý tưởng tiêu cực, đây là một thứ từ trường không tốt cho nhau. Người sắp chết mà ta biết cách hướng dẫn, họ còn vui vẻ, thích thú, vững tâm để Vãng Sanh thay huống chi là sự nghi ngờ không căn cứ, một vài nét buồn man mác vu vơ!

Trở lại chuyện của Cụ, Cụ bị khó chịu trong người có lẽ vì thấy người thân của Cụ bị bệnh, nằm trên giường nhiều năm mà cứu không được, nên đâm ra ưu buồn đó. Người chị em của Cụ chưa hiểu đạo lắm, có vẻ còn sợ chết, bên cạnh đó, tại địa phương chưa có Ban Hộ Niệm, chưa ai nắm vững cách thức cứu người Vãng Sanh. Chắc chỉ vậy thôi, không có gì liên quan đến oan gia trái chủ đâu.

Xin Bác Sĩ hãy khuyên Cụ rằng, mỗi người đều có phần số riêng, nghiệp ai nấy trả. Mình biết đạo thì cố hết sức khuyên giải, nhưng được hay không còn tùy thuộc vào nhiều nhân duyên khác. Điều cần nhất là chính ta phải lo tu hành để thành đạo. Thành đạo rồi thì thiếu gì dịp để cứu độ nhau.

Trong việc tu hành giải thoát, muốn giải thoát thì chính ta phải tự cởi mở những chướng ngại, buông hết những vướng mắc ra.

Cứu người thì tốt, nhưng cứu người không được làm cho mình buồn phiền, thì buồn phiền cũng là một sự vướng mắc. Tu hành thì tốt, nhưng tu mà thõa mãn với công phu của mình thì cũng bị vướng mắc. Đã vướng mắc thì chính mình bị kẹt.

Thôi thì an nhiên là tốt. Tất cả đều có Nhân-Duyên-Quả báo. Thưa với Cụ nên tùy duyên để tâm mình thanh tịnh là điều tốt đẹp vậy.

Khuyên cả gia đình đều phát tâm Niệm Phật, cầu Tam Bảo gia trì, nên phóng sanh lợi vật,… đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho oan gia trái chủ, hồi hướng cho ông bà cha mẹ, thân quyến trong nhiều đời kiếp để họ được lợi lạc, khuyên họ nên Niệm Phật cầu Vãng Sanh Tịnh-độ.

Riêng mình xác lập cho vững đường Vãng Sanh, đừng chao đảo mà lỡ luống qua cơ hội này, khó tìm lại lắm.

Chúc Bác Sĩ Diệu Huệ vạn sự kiết tường.

Chúc Cụ vui trong tiếng Niệm Phật Vãng Sanh.

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(17/01/2009)

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/niem-phat-van-dap-nen-giu-tam-thoai-mai-14-1647.html#ixzz7QvF4V28g

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –