21. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Hãy Quyết Một Đường Đi Mới Tốt)

Share on facebook
Share on twitter

 

Hãy quyết một đường đi mới tốt

Hỏi:

…Tất cả  các pháp đều là Phật Pháp hết, nghĩ rằng Thiền và Tịnh tuy hai mà một, cho nên Liên Bình muốn học thêm về pháp môn Tịnh-độ, để kết hợp và tạo ra cho mình một phương pháp tu rốt ráo…

Trả lời:

Đạo hữu Liên Bình,

Thiền và Tịnh tuy hai mà một. Liên Bình nói rất đúng đó, Diệu Âm tán thán tư tưởng hòa đồng này.

Nhiều người tu hành mà thường phân biệt, chê bai cách này cách nọ thật là điều không hay. Tệ hơn nữa, đâm ra chống báng lẫn nhau.Thật quá dở!

Nhất định chúng ta không nên chống trái hay phê bình người này người nọ, pháp này pháp nọ, thì Phật giáo mới mong có ngày hưng thịnh, độ được nhiều chúng sanh.

Tuy nhiên, chính chúng ta cũng phải biết tự phê phán lấy căn cơ của chính mình, phải gắt gao kiểm điểm lấy trình độ của chính mình, thì học Phật mới đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn. Vì pháp của Phật, thật ra, để ứng đối với nhiều căn cơ khác nhau. Chính vì ứng đối căn cơ khác nhau mà chúng ta cần nên nghiêm chỉnh chọn lựa đúng pháp môn, hợp với căn tánh của mình thì học Phật sẽ dễ có cơ hội thành tựu.

Nhiều người tu học Phật mà quên yếu tố này, thành ra cuối cùng khó có được kết quả như ý, đến nỗi Đức Thế-Tôn nói, tu nhiều đến hàng ức triệu mà thành tựu thì tìm không ra!

Đối với các pháp môn, chúng ta không được chê bai, phân biệt, nhưng riêng chính ta thì bắt buộc phải suy nghĩ cẩn thận về căn cơ, khả năng của chính mình, chứ đừng sơ ý cứ chạy theo kiến giải hoặc chạy theo thị hiếu mà nhiều khi bị trở ngại!

Ngài Tịnh Không nói, mỗi kinh của Phật có một tiêu chuẩn để hành trì, mình phải xem kỹ căn cơ của mình có đầy đủ với tiêu chuẩn của kinh đó hay không? Đủ tiêu chuẩn thì hợp, không đủ tiêu chuẩn thì không hợp.

Ví dụ, trong kinh Kim-Cang Bát-nhã, Phật dạy phải phá tứ tướng: Tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng-sanh, tướngThọ-giã. Hãy liệu coi, tự chính mình có phá được không? Phá được thì trì kinh này để tu hành sẽ đúng. Phá không được, thì đây không phải là cách hành trì thuộc căn cơ của mình. Vậy thì, đừng nên gượng ép!

Còn kinh A-Di-Đà Phật dạy, Tín-Nguyện-Trì danh. Tin tưởng lời Phật dạy, không cần trình độ căn cơ: Dễ đấy! Nguyện Vãng Sanh, ai thành tâm phát nguyện là được, cũng không cần căn cơ: Dễ đấy! Trì danh hiệu Phật A-Di-Đà để công phu, bà già Niệm Phật cũng thông, không cần căn cơ: Dễ đấy!

Cho nên, pháp Niệm Phật thật dễ, ai hành trì cũng được. Chính dễ như vậy nên hợp với tất cả căn cơ. Đây là pháp “Tam căn phổ bị, phàm thánh tề thâu”. Phương pháp thì dễ dàng, mà nhân địa lại cao: Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả. Đây là nhân thành Phật chứ không phải nhân thành A-la-hán, Bồ-tát, Thanh-văn,… Thật bất khả tư nghì!

Pháp của Phật nhiều đến vô lượng, nhưng mỗi một pháp ứng trị với một căn bệnh phiền não của chúng sanh. Bệnh nghiệp của chúng sanh có nhiều vô lượng, nên mới có vô lượng pháp môn.

Như vậy, tu học theo Phật pháp không phải là tu cho đầy đủ vô lượng pháp, mà phải tu pháp nào thích ứng với chính mình. Nên chọn lựa một pháp thật hợp với căn cơ của mình mà huân tu, gọi là “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” để thâm nhập vào cửa đạo là tốt nhất. Khi thâm nhập vào cửa đạo rồi thì tự nhiên tất cả đều thấu suốt.

Vậy thì, “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, không phải là bây giờ chúng ta học cho hết vô lượng pháp môn đâu.

Cuộc đời ngắn ngủi, quá vô thường, phàm phu như chúng ta không đủ sức, không đủ thời gian học hết vô lượng pháp môn! Vì khả năng của chúng ta không làm được chuyện này. Thành ra, hãy nương theo một pháp hợp nhất với tâm cơ của mình mà hành trì, để thâm nhập vào cửa đạo trước. Phải đi bằng mũi nhọn mới dễ thành tựu. Một khi vào được cửa đạo rồi thì sẽ thấy tất cả pháp môn. Thấy tất cả pháp môn là cảnh giới của người khai ngộ vậy.

Ngài Tịnh Không ví dụ rằng, giả sử như một đạo tràng, trong đó có chứa kho tàng Phật pháp, mỗi cửa là một pháp môn. Người muốn biết tất cả pháp môn thì hãy nhắm một cửa đi vào. Khi vào được bên trong rồi thì sẽ thấy tất. Đừng nên do dự, nay cửa này, mai cửa nọ mà khó thâm nhập vào trong.

Người chần chừ, do dự, chưa định vào một pháp nào để tu, hoặc tu nhiều phương pháp khác nhau giống như người không muốn đi vào cửa đạo, mà cứ dạo bên ngoài, ngắm nhìn từ cửa này sang cửa khác, suốt đời vẫn cứ đi lòng vòng bên ngoài, không thể “Thâm nhập kinh tạng” được. Uổng lắm vậy!

Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật nói “Chánh-Định-Tụ” sẽ chứng đến Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác.

Tâm phải định, gọi là “Chánh-Định-Tụ”. Tâm không Chánh-Định, gọi là “Tà-Định-Tụ”. Tà-Định trong kinh Vô Lượng Thọ, không có nghĩa là tà ma ngoại đạo, mà chỉ cho người không Niệm Phật. Niệm Phật là chánh môn để đi thẳng về Tây-phương thành Phật. Người không Niệm Phật là người không đi thẳng. Ví dụ, như người không chịu đi thẳng vào cửa chính để vào đạo tràng, mà lại đi xéo xéo lệch ra khỏi cửa. Đi như vậy rất khó vào được bên trong, khó đạt kết quả, khó tới đích.

Tu không chuyên nhất, gặp đâu tu đó, Phật gọi là “Bất-Định-Tụ”, thì đối với người căn tánh trung hạ cũng vô phương thành tựu. Bất-Định-Tụ giống như người cứ đi lòng vòng xem hết cửa này sang cửa khác. Thích đứng ngoài hiên nhìn vào chứ không muốn vào bên trong.

Ví dụ khác, như người bệnh vào tiệm thuốc để mua thuốc chữa bệnh. Phải mua thuốc trị chính căn bệnh của mình để uống mới trị được bệnh, đừng nên ham muốn hết thuốc này đến thuốc khác, đừng nên đụng đâu mua đó. Đừng nghĩ rằng các món thuốc đắc tiền là tốt.Không đâu, đúng thuốc mới tốt. Nếu dùng sai thuốc, không những không hết bệnh, mà coi chừng bị trở ngại!…

Chính vì thế, riêng đối với người căn tánh thấp phải nên cẩn thận, tu phải có đường, về phải có đích. Phải rõ ràng, minh bạch điều này mới là người biết tu.

Căn bệnh ngặt nghèo nhất của chúng sanh trong thời này là bệnh sanh tử luân hồi. Tu mà không thoát sanh tử luân hồi thì dù có lý hay luận giỏi tới đâu đi nữa, sau cùng cũng đành ngậm đắng nuốt cay, cúi đầu chịu nạn!

Sanh ra trong thời mạt pháp, chúng ta đều là hạng phàm phu tội chướng sâu nặng, khó có thể tiêu trừ ách nạn. Tất cả các pháp tự lực tu chứng, đối với chúng ta rất khó thực hiện nổi. Thành ra, nếu sơ ý, tu theo các pháp không hợp căn cơ sợ rằng đời này phải chịu thiệt thòi!Nghĩa là, không thể ra khỏi vòng tam giới, không thể thoát ly được sanh tử luân hồi.

Cũng có nhiều người biết mình không phải hàng thượng căn, thấy việc thoát ly luân hồi quá khó mà đâm ra thất vọng, nẩy sinh những tư tưởng tiêu cực, thôi cố gắng tu để tìm chút phước, còn chuyện thành đạo thì không dám mơ tới, hãy tu thêm vô lượng kiếp nữa rồi tính!?… Ôi! Chưa thấu rõ đạo giải thoát, khá tội nghiệp!

Xin hỏi, đời này vô vọng, chẳng lẽ đời sau lại có hy vọng sao? Đời này gặp Phật pháp mà còn nói lời tiêu cực, chẳng lẽ đời sau tích cực được sao? Pháp Phật là pháp cứu sanh tử khổ nạn, ta đang học Phật pháp mà không tìm phương thoát nạn, lại chờ vô lượng kiếp sau, chẳng lẽ vô lượng kiếp lăn lộn trong cảnh đọa lạc rồi lại có được thần phương diệu cách cho mình thoát sao?

Thân người khó đuợc, Phật pháp khó nghe! Xin đừng nghĩ rằng chết rồi trở lại làm người dễ dàng. Cũng đừng nên nghĩ đời sau sẽ gặp lại Phật pháp. Xin nhớ cho, nay đã rơi vào mạt pháp của Phật rồi! Mạt pháp nghĩa là Phật pháp càng ngày càng yếu đó…

Người học Phật thường mờ mịt đường giải thoát, thành ra cứ định nghĩa đường tu hành bằng những ý nghĩ rất sai lầm! Thật đáng thương hại!

Ngài Ấn Quang dạy, tu hành hãy lấy lòng thành kính mà Niệm Phật để được cảm ứng với Phật mà đới nghiệp Vãng Sanh, thoát vòng sanh tử. Lời dạy của Ngài không phải đã mở hết tất cả những trở ngại của người học Phật trong thời mạt pháp này rồi sao?

Hãy thành tâm Niệm Phật, đừng nên lý luận lung tung mà coi chừng bị kẹt lại, luống công tu tập.

Còn có nhiều người cứ nói rằng, tu hành là làm lành tạo phước, đừng làm ác là đuợc. Đâu ngờ rằng, thiện có chánh có tà, có lớn có nhỏ, có thẳng có cong, có thực có giả, có tròn có khuyết… Người làm thiện mà không để ý những điều này, cứ tưởng mình làm thiện lành mà coi chừng bị hậu quả xấu đó!

Dù cho, có đúng thiện lành đi nữa, nếu chấp vào việc thiện cũng không thoát vòng tam giới. Không thoát ly tam giới thì không phải là mục đích chính của Phật pháp.

“Vạn thiện đồng quy, quy về Tịnh-độ”, hãy làm thiện lành rồi hồi hướng tất cả về Cực-lạc, Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, mới là viên mãn, mới đúng chánh pháp.

Nhiều người sau khi tu một thời gian, thấy mình chứng cảnh giới này, chứng cảnh giới nọ, vội vã tưởng rằng mình có thành tựu?!!! Thực tế thì… thảm họa đang chờ!

Đời vô thường, ngũ trược ác thế, lại lâm vào thời mạt pháp rồi, thì có gì vững chắc để tin tưởng mà vội cho là chứng đắc?

Mau mau thành tâm Niệm Phật cầu về Tây-phương. Về tới Tây-phương rồi, chưa chứng cũng chứng, chưa đắc cũng đắc. Xin đừng lấy cái giả hợp vô thường của cõi này mà toại nguyện. Thực giả khó phân, chớ nên sơ ý!

Nên hiểu một sự thực rằng, từ cái cửa miệng này đi vào sự thực chứng cách ngăn đến trùng trùng chướng nạn. Từ cái nghĩ, cái nhìn này đi vào tới Chân-Tâm Tự-Tánh phải trải qua vô vàn thử thách, vô lượng chướng ngại của: Kiến-Tư Hoặc, của Trần-Sa hoặc, của Vô-Minh hoặc. Hay nói cho rõ hơn là Vọng-tưởng, Phân-biệt, Chấp-trước đang ngăn che Chơn-Tâm. Nhiều người không chú ý điều này, không giữ tâm hồn thanh tịnh, cứ mãi vọng cầu mà sau cùng càng bị vọng nghiệp bao phủ!

Kiến-Tư hoặc là chướng ngại của hàng phàm phu.  Trần-sa hoặc là chướng ngại của Nhị-thừa. Vô-Minh hoặc là chướng ngại phải phá của Bồ-tát Pháp-thân đại sĩ.

Kiến-Tư hoặc chính là Chấp-trước, là nghiệp hoặc chướng ngại cho hàng phàm phu. Phàm phu chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình sẽ phá được nghiệp hoặc đây? Chư Tổ Sư mà các Ngài còn phải than rằng, phá vài phẩm không nổi, thì chúng ta đâu dám vô ý. Phá không được chấp-trước thì không qua khỏi tam giới. Vượt thoát tam giới không nổi, thì còn mơ gì đến các cảnh giới cao hơn?!

Chướng ngại của phàm phu mà phá không nổi thì làm sao dám mơ ngày thành tựu đạo Bồ-đề?

Hãy thâm tín Nhân-Quả. Niệm Phật là nhân, thành Phật là Quả. Niệm Phật thành Phật.  Không có Nhân-Quả nào qua được Nhân-Quả này.

Mau mau trở về với câu Phật hiệu, thành tâm, đầy đủ TÍN-NGUYỆN-HẠNH là hay nhất vậy.

Còn việc tự kết hợp để tạo phương pháp tu hành cho chính mình, cũng cẩn nên cẩn thận, liệu rằng, chính mình có đủ sáng suốt kết hợp đúng cách hay không? Vậy thì, tốt nhất nên nương theo lời Tổ, y theo kinh Phật dạy mà phụng hành mới an toàn.

Phật dạy “Y pháp bất y nhân”. Đừng nên quá tin vào sáng kiến của mình. Vì ta vẫn còn là phàm phu, có thể thấy sai, nghĩ sai!

Hãy nương vào kinh pháp của Phật, nương theo chư Tổ Sư, nương theo các thiện hữu tri thức mới an toàn hơn vậy.

Chúc Liên Bình sáng suốt.

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(31/03/2009) 

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/niem-phat-van-dap-hay-quyet-mot-duong-di-moi-tot-21-1654.html#ixzz7QvGjGUDz

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –