07. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Tu Tịnh Lâu Năm)

Share on facebook
Share on twitter

Tu Tịnh Lâu Năm

 

Hỏi:

Có một cư sĩ ở Việt Nam, tương đối thân quen với em, khuyên em nên theo phương pháp tu Thiền. Người này trước đây đã tu Tịnh-độ rất lâu năm, bây giờ chuyển sang tu thiền. Theo người này thì tu Thiền là bước đi thẳng, còn tu Tịnh-độ mới chỉ về Tây-Phương, đến đó chưa phải thoát luân hồi mà chỉ được sống lâu, ở đó phải tu tiếp thì mới được giải thoát thật sự. Có phải vậy không?

Theo người đó thì tất cả các Phật đều có thể bị giả Kể cả Phật A Di Đà cũng có thể bị giả? Và nêu một ví dụ, có một nhà sư đã nhìn thấy Phật A Di Đà hiện ra, nhưng sau đó thì phát hiện là giả. Theo anh nói thì Phật A Di Đà không thể nào bị giả được. Theo ai mới đúng?

Trả lời:

Tu Thiền, tu Tịnh, tu Mật, tu Hiển, tu Giáo… tu pháp nào cũng có thể đắc đạo. Nhưng phải hợp với căn cơ mới được thành tựu. Còn tu mà không hợp căn cơ thì không thể nào thành tựu được. Tu không thành tựu thì tu làm chi cho uổng phí công sức mà sau cùng hưởng lấy một kết quả trống không! Tệ hơn nữa, coi chừng bị trở ngại, bị chướng nạn, bị sập bẫy… tự mình chịu mất phần thiện lợi, đôi khi còn bị thiệt hại cả cuộc đời của mình nữa là khác!

Trong câu nói của vị nào đó, Diệu Âm chú ý mấy điểm:

1) Tu Tịnh độ lâu năm rồi;

2) Tu Thiền là bước đi thẳng;

3) Về Tây-phương chưa thoát luân hồi.

4) Phật A-di-đà bị giả, một vị …..

Những điểm này thật đáng nên phân tích kỹ lưỡng.

(Vì vấn đề này lớn quá, sợ rằng một thư này mổ xẻ không đủ. Kiều Thanh cần kiên nhẫn nhé).

1) Tu Tịnh lâu năm:

Một người tự xưng là tu Tịnh-độ lâu rồi. Nhưng xin hỏi, tu Tịnh mà đã tu theo kinh nào vậy? Hành trì như thế nào? Ai hướng dẫn vậy?Mà sao, khi nói ra lại nghe thấy hình như chưa bao giờ tu qua Tịnh độ vậy?

Đã gọi là tu Tịnh thì lý Tịnh-độ phải thông suốt, nếu không thông suốt thì ít ra cũng hiểu phần căn bản chứ. Còn ở đây, qua lời thuật lại của K.Th, thì hoàn toàn không có một nét gì về Tịnh-độ cả!?…

Trong Pháp môn Tịnh-độ, có ba bộ kinh căn bản là: kinh Phật thuyết A-Di-Đà, kinh Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác, kinh quán vô lượng thọ và cộng thêm một bộ luận nữa, gọi là luận Vãng Sanh của Bồ-tát Thiên-Thân, gọi chunglà tam kinh nhất luận.

Người tu Tịnh-độ lâu năm, thì ba bộ kinh và một bộ luận này chắc phải tụng qua, không thuộc lòng thì ít ra cũng nắm được phần chính yếu. Xin hỏi, thực sự người đó đã đọc qua chưa? Nếu đã đọc qua, xin hỏi có hiểu lời Phật dạy trong đó không? Nếu nói hiểu, xin hỏi có hiểu rõ ràng không? Nếu nói đã hiểu rõ, thì xin hỏi, tại sao lại nói những lời hoàn toàn trái ngược với lời Phật dạy trong Kinh vậy!?…

Vì để cho chúng sanh thời mạt pháp này tin tưởng vững mạnh hơn vào pháp môn Tịnh-độ hầu được viên mãn thành đạo, Tổ Ấn Quang cùng chư đại đức đã đưa Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa-Nghiêm và chương Đại Thế Chí viên thông vào hệ thống kinh luận Tịnh-độ, thành ra có năm kinh và một luận. Tất cả tông chỉ của pháp môn Tịnh-độ đã gói trọn trong năm kinh và một luận này.

Một người tu Tịnh lâu năm, nghĩa là lâu năm phải đọc tụng kinh điển Tịnh-độ, phải nghiên cứu kinh điển Tịnh-độ, phải lý giải được lời Phật dạy trong pháp tu Niệm Phật. Như vậy, LÝ-SỰ Tịnh độ đã nhập vào tâm, một lời nói ra phải có âm hưởng Tịnh-độ, phải hợp theo lời Phật dạy trong kinh điển Tịnh-độ chứ. Ở đây, những lời nói, ý tưởng hoàn toàn trái ngược với kinh Phật, hoàn toàn sai lý Tịnh-độ, thì xin hỏi rằng, suốt thời gian gọi là tu Tịnh-độ, người đó đã tu như thế nào? Hành như thế nào? Y cứ vào kinh nào? Chứ còn tất cả năm bộ kinh và một bộ luận chính yếu chuyên công của pháp môn Tịnh-độ hoàn toàn không có chỗ nào nói những lời như người cư sĩ đó nói, cũng không có một ngụ ý nào hàm chỉ đến những điều như người đó nói.  Như vậy, thì làm sao dám tự xưng là tu Tịnh lâu năm được!?

Trong kinh Phật nói rõ ràng rằng, “Thời mạt pháp kinh đạo diệt tận”, nghĩa là, kinh của Phật dần dần bị diệt, pháp của Phật dần dần bị tận. Chánh pháp càng ngày càng yếu, tà pháp càng ngày càng mạnh, cho đến hết pháp vận của Phật (tất cả 12 ngàn năm) thì đến thời diệt pháp, (có nghĩa là không còn pháp Phật nữa).

Tại sao bị diệt vậy? Chính vì chúng sanh mê muội chạy theo kiến chấp sai lầm, tạo nên nghiệp chướng sâu nặng. Thế thì tự chúng sanh phải thọ báo nạn. Báo nạn này bắt nguồn từ chỗ chúng sanh không tu theo kinh Phật, không làm theo kinh Phật. Ngược lại còn nghi ngờ lời Phật, nói sai lời Phật dạy trong kinh điển. Không chịu y giáo phụng hành, mà còn tự vạch lấy đường riêng để đi. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn, tu theo người khác, hành theo hướng khác, chứ không tu hành theo pháp Phật.

Xin chư vị đồng tu cần nên sáng suốt nhận định trong vấn đề tu hành, cần chú ý hiểu rõ những phương cách hành trì. Sự đạo, Lý đạo cần phải phân minh hầu tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc!

Cụ thể, hiện nay, trong xã hội, có rất nhiều người tự xưng là tu theo Thiền, theo Tịnh, theo Mật… nhưng thực ra, họ tu hành theo kiểu tự sáng chế ra, không theo một quy củ nào hết, cứ nghĩ sao làm vậy. Rất nhiều giáo phái hoàn toàn tự chế, tự hành, thật là mới lạ, hoàn toàntheo tôn chỉ riêng của họ. Nếu quí vị chú ý một chút thì thấy ngay hiện tượng này, rõ ràng lắm chứ không phải úp mở gì đâu…

Ví dụ, chúng ta thường nghe có người tự xưng là tu Tịnh, nhưng thật ra họ không tu Tịnh. Trong cách hành trì, kinh Tịnh-độ thỉnh thoảng một tháng có tụng qua được một vài lần, còn suốt thời gian khác thì họ tụng đủ thứ, họ hành đủ thứ, ngay cả dùng bùa, dùng ngải, pháp thuật, lên đồng, nhập xác… đều được cố tâm thực hành cả. Ấy thế mà tự xưng là Tịnh-độ. Trong kinh Tịnh-độ, có chỗ nào Phật dạy như vậy đâu?

Tu như vậy gọi là “Tu Tạp” chứ không phải “Tu Tịnh”. Tu Tịnh là tu “Nhất”, tu Tạp là tu “Loạn”!  Nhất là “Nhất tâm bất loạn”, Loạn là: “Loạn tâm bất tịnh”. Nói chung, họ không tu theo Tịnh, không hành theo Tịnh. Ngược lại, họ hoàn toàn tu theo Tạp, hành theo Loạn, mà vẫn hiểu lầm là tu theo Tịnh-độ. Dù cho, đôi khi họ cũng đọc qua kinh Tịnh-độ, nhưng xét cho kỹ, sự đọc tụng này cũng nằm trong cái tạp loạn mà thôi. Vì sao vậy? Vì họ không nguyện Vãng Sanh, không tin Vãng Sanh, không tin có A-Di-Đà Phật. Họ tụng kinh Tịnh-độ lấy lệ, hoặc chỉ để cầu phước, cầu pháp thuật, cầu thần thông, cầu công năng đặc dị nào đó… Những thứ này Phật cấm tuyệt mà họ lại thích. (Xin mở ngoặc, đây là nói chung chứ không nói riêng ai).

Thành ra, khi gặp một người tự xưng là tu hành, chúng ta cần nên xem xét cho kỹ về cách hành trì và hướng đi của họ mới dám xác quyết, dám tin tưởng, chứ không thể bừa bãi vội vã chạy theo được. Ví dụ, Phật dạy Vãng Sanh về Tây-phương để thành đạo Vô-thượng, vậy mà họ lại nói, về Tây-phương còn luân hồi sanh tử. Kinh A-Di-Đà, kinh Vô-lượng-thọ, kinh Hoa-Nghiêm, kinh Lăng-nghiêm, kinh Đại-tập, v.v… và v.v… nhiều lắm, rất nhiều kinh điển của Phật đều nói điều này, bằng cách này hay cách khác đều khuyên chúng sanh phải nguyện sanh về đó để viên thành Phật đạo. Vậy mà có người không tin có cõi Cực-Lạc, có người nói sanh về Tây-phương là sanh qua nước Ấn-độ, (về Ấn độ nóng bức, nghèo khổ, đói khát có gì vui đâu mà ham?), về Tây-phương là ích kỷ, là trốn đời, v.v…và v.v… Những lời này hoàn toàn ngược với lời Phật dạy, ngược với lý đạo, sai Phật pháp. Ngũ kinh Tịnh-độ hoàn toàn không có nói. Tam tạng kinh điển của Phật để lại, chắc chắn không có kinh nào Phật nói điều này. Chúng ta phải cẩn thận, chớ để những lời tà vạy chi phối vào tâm.

Tu Tịnh là chuyên lòng Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, người nào quyết lòng tu như vậy, trong kinh Vô lượng thọ Phật gọi là “Chánh Định Tụ”;

Còn tu Tạp nhạp, đụng đâu tu đó, không có hướng nhất định, hiếu kỳ, thấy điều gì lạ lạ đều muốn làm thử, Phật gọi những người này là”Bất Định Tụ”;

Những người không tin pháp môn Niệm Phật, bài bác pháp Niệm Phật, phật gọi là “Tà Định Tụ”.

Phật dạy, chỉ có “Chánh Định Tụ”, nghĩa là người chân chánh Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ mới đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, (Nghĩa là thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Còn người “Bất Định Tụ” và “Tà Định Tụ” thì thời này nhất định không thể nào thành tựu đạo quả. Đây là Phật dạy.

Trong kinh A-Di-Đà Phật, hai lần đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật thọ ký rằng, “Người Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ sẽ không còn thối chuyển cho đến khi chứng Vô Thượng Bồ Đề”. Trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Phật xác quyết rằng Vãng Sanh Tây-phương thì sẽ thành Phật, cho nên Phật tuyên bố thẳng rằng, “Vãng Sanh Tây-phương tức là thành Phật”.

Vậy thì tại sao có người dám nói rằng về Tây-phương là còn chết sống, còn luân hồi sanh tử?

Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết! Nói sai kinh Phật tội lỗi vô cùng lớn, xin chớ vọng ngôn!

Một người tu Tịnh, nếu đúng là Tịnh, thì chắc chắn Lý Vãng Sanh vững vàng, Sự Vãng Sanh vững vàng. Đã vững vàng lý sự, thì đâu có thể nói điều sai trái, ngược ngạo với kinh Phật được! Cần phải kiệt thành sám hối, chớ khá khinh thường!!!

Còn người tu tạp, không thể tự xưng là tu Tịnh được.Tạp là loạn, đã loạn thì không tịnh. LOẠN và TỊNH là hai nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, xin chư vị đừng lầm lẫn!

Trong pháp tu Tịnh-độ có ba điều cấm kỵ là: Hồ Nghi, Xen Tạp, Gián Đoạn. Hồ nghi lời Phật thì không thể chấp nhận là người học Phật chân chính được, nhất là pháp môn Tịnh-độ. Giáo pháp của Phật là khuyên nhắc chúng sanh “Đoạn nghi sanh tín”, chứ có bao giờ dạy chúng sanh đoạn tín sanh nghi đâu? Nhiều người vì thiện căn quá kém nên không tin lời Phật, vì cống cao ngã mạn nên cứ đề khởi mối nghi. Phật đại từ đại bi thấy vậy cũng phải tùy duyên mà giáo hóa, giảng giải cho chúng sanh mau mau phá mê khai ngộ, bỏ mối nghi sanh được tín tâm vững vàng để sớm được Vãng Sanh thành đạo Vô thượng… Đáng tiếc thay! Thương hại cho chúng sanh cứ mãi mãi mê mờ nghi ngờ lời Phật mà đành phải chịu mãi cảnh trầm luân!

Đã nghi ngờ lời Phật, là phạm điều kỵ thứ nhất. Phạm điều thứ nhất thì dẫn đến phạm tất cả các điều. Chính vì thế, dù cho nhiều năm sinh hoạt dưới hình thức Tịnh-độ, hoặc xưng danh là Tịnh-độ, chứ thực chất không phải là tu Tịnh-độ. Không tu Tịnh-độ nên Lý Tịnh-độ không hiểu sâu, hoặc nhiều khi không biết gì cả. Từ đó, hình tướng thì nói tu, nhưng tâm hồn thì chạy theo vọng tưởng, vọng cầu, hiếu kỳ những thứ hư huyễn để sau cùng bị loạn tâm, mất cả lý tưởng chân chánh. Khi đã mất lý tưởng chân chánh thì không còn biết đâu là chánh, đâu là tà.

Điều này thấy được khá rõ ràng, vì người học Phật mà dám mạnh dạn nói sai lời Phật dạy, không lấy kinh điển làm tiêu chuẩn tu hành, mà lại chạy theo tư tưởng thế gian, lấy kiến giải của người thế gian để hành theo. Thật sai lầm lắm vậy!

Thời mạt pháp, Phât dạy chúng sanh phải theo “Tứ y pháp để tu” thì mới được thiện lợi. Tứ Y pháp là, “Y Pháp bất Y nhân, Y ý bất Y ngữ, Y liễu pháp bất Y bất liễu pháp, Y trí bất Y thức”. (Tứ Y pháp này có bàn kỹ trong bộ KNNP). Trong bốn điều y cứ này, đầu tiên Phật nhấn mạnh, chúng sanh phải “Y Pháp bất Y Nhân”. Nghĩa là, nhất định phải y theo kinh điển tu hành, không được nghe theo bất cứ ai cả. Xin chư vị đồng tu nhớ lấy điểm này. Khi nghe một người nào nói điều gì liên quan đến Phật pháp, thì phải xét lại cho thật kỹ điều này có đúng theo kinh hay không? Hễ đúng thì theo, không đúng thì nhất định không được làm theo, dù người nói đó là ai. Quyết định vững chắc như vậy, ta mới tránh khỏi lạc vào đường Tà, tránh tai họa vào thân, tránh điều khổ nạn cho vạn kiếp về sau.

Tu không chuyên nhất, lại “Xen tạp” đủ thứ là phạm điều kỵ thứ hai. Vì xen tạp thành ra nghiên cứu tùm lum. Hơn nữa lại không nghiên cứu chánh pháp, không chịu ngày đêm đọc tụng kinh Phật, suy nghiệm lời Phật trong kinh điển để thực hành cho chính xác, mà cứ để tâm chạy theo thế trí biện thông, những luận giải vô căn cứ, thành ra lời Phật dạy thì quên mất, còn lời chúng sanh dạy thì để trong tâm. Chính vì thế mà nói lên toàn là luận điệu sai trái, hoàn toàn không có trong kinh Phật. Vậy mà vẫn cứ yên chí làm theo, không một chút giựt mình sợ hãi! Nếu không mau mau sám hối, chắc chắn sẽ tự dẫn độ tới chỗ tai họa!

Trong ba điều kỵ của pháp Niệm Phật, xen tạp là điều tối kỵ trong các điều kỵ. Tu hành xen tạp quyết định khó phần thoát ly sanh tử luân hồi, nhất định đời này sẽ bị kẹt lại trong tam đồ lục đạo. Đáng thương quá!

Điều thứ ba là Gián đoạn. Gián đoạn, không phải nói đến công việc làm ăn làm trở ngại việc Niệm Phật liên tục, mà chính là cách tu hành xen tạp. Tu xen tạp, suy cho cùng chỉ vì lý Tịnh-độ chưa thông, không đủ niềm tin vào pháp “Niệm Phật Thành Phật” này. Tín tâm không đủ nên đứng đầu này trông đầu nọ, vay cách này cầu cách khác, tâm lao chao chẳng yên, gọi là “Tâm viên ý mã”. Không có lòng chí thành chí kính y theo lời Phật, thành ra cơ hội liễu đoạn sanh tử có sẵn trước mũi bàn chân mà đành phải mất phần giải thoát. Đáng tiếc thay!

(Hôm nay trả lời điều (1). Các điểm khác, xin hẹn thư sau.

 

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(28/10/2008)

 

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –