32. Khuyên Người Niệm Phật (Niệm Phật: Con Đường Thành Phật)

Share on facebook
Share on twitter

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Niệm Phật: Con Đường Thành Phật

 

Em Thứ,

Anh đang bận lắm nhưng cũng cố gắng viết thư cho em vì anh nghĩ trong gia đình mình nếu có được người nào phát tâm niệm Phật thì cũng là một đại phước cho chính người đó và cũng là đại phước chung, vì những người khác cũng ít nhiều hưởng theo.

Mới vừa rồi anh nhận được thư của em Hồng con cô Sáu, vì một thiện duyên, Hồng về quê đọc được thư của anh gởi cho cha, nhờ thư đó mà Hồng đã ngộ được đạo. Theo như thư Hồng nói đã thường tới chùa tu hành trong bảy năm qua, nhưng vẫn mơ mơ hồ hồ không biết đường nào đi rõ rệt, nên cứ thờ thẫn chờ một cơ may nào đó để gặp thiện tri thức hay minh sư dìu dắt. Đến khi đọc được thư của anh gởi về cha má, chợt ngộ ra được, Hồng rất là vui mừng! Đọc thư của Hồng, anh Năm vừa cảm động vừa sung sướng. Cảm động vì lời thư tha thiết muốn tu học, mừng vì dù sao anh cũng giúp được thêm người nữa trong đại gia đình của mình. Anh sẽ viết thư và trực tiếp hướng dẫn cho em Hồng tu học. Người ngoài mà anh còn giúp thay huống chi là anh chị em trong gia đình.

Sự đời có nhiều chuyện lạ, có người mình muốn giúp họ cũng khó mà giúp, có người thì lại tìm mình xin được giúp. Rõ ràng tất cả đều do cái duyên, ai có thiện căn phước đức thì không tìm cũng tự nhiên đến.

Ngày 26/2/2001, Niệm Phật Đường ở đây mở một khóa kiết thất thứ hai trong năm 2001. Khóa tu chỉ có bảy ngày để kỷ niệm bà Hán quản tràng ở Singapore đã vãng sanh cách đây bốn năm. Bà Hán khi ngộ đạo đã bỏ hết công sức và gia tài ra lập đạo tràng khắp nơi cho người ta tu học. Khi vãng sanh bà đã thấy Phật tới hai lần, một lần tới báo tin, một lần trước lúc vãng sanh. Nhớ công đức của bà, lúc vãng sanh tất cả Tăng Ni, cư sĩ đều hộ niệm suốt 49 ngày đêm. Năm nay là kỷ niệm năm thứ tư, được tổ chức tại Úc, đạo tràng chỗ anh ở. Tất cả các đạo tràng trên khắp thế giới về đây dự, mỗi đạo tràng chỉ được gởi ba người, mà số người về tham dự khóa tu đã đông nghẹt, không còn chỗ chứa nữa. Sự thành kính tu hành của họ chỉ nhìn rồi cảm nhận, chứ không thể diễn tả bằng lời nói được đâu!

Anh thấy em có phát lòng tin Phật, hôm nay anh giảng thêm cho em hiểu tại sao niệm Phật được thành Phật? Nếu em thành tâm tin tưởng vững chắc, thì chính em cũng được như bao nhiêu người khác, sẽ hiểu đạo rất nhanh, đường đi bấy giờ trở nên rõ rõ ràng ràng như ban ngày vậy. Lúc ấy em cũng nên đi khuyên nhiều người niệm Phật, khuyên chồng con, khuyên anh chị em, khuyên cha má, tất cả cố gắng tu hành. Ai tinh tấn niệm Phật đều được giải thoát cả. Chắc như vậy chứ anh Năm không nói ngoa.

  Tín-Nguyện-Hạnh là tông chỉ của pháp môn Tịnh-độ. Tín là tin Phật; Nguyện là nguyện về Tây-phương Cực-lạc sau khi mãn báo thân (anh đã nói trong thư trước). Hôm nay anh nói về chữ HẠNH. Hạnh là niệm Phật. Vậy Niệm Phật là sao? Tại sao niệm Phật có nhiều sự vi diệu thù thắng không thể nghĩ bàn? Sao có người niệm Phật cũng lâu rồi mà không thấy gì cả, có người chỉ niệm một vài năm thì thành tựu? v.v… Những câu hỏi này hôm nay anh sẽ cố gắng giải thích cho em. Hẳn nhiên, chỉ có thể hiểu tổng quát, rồi sau đó tùy theo thiện căn và duyên lành, em sẽ hiểu sâu dần. Vì thật sự chỉ có mấy chữ “Nam-mô Adi-đà Phật” thôi mà Ngài Tịnh Không đã giảng liên tục hơn 40 năm trường qua, mỗi ngày giảng hai tiếng, một năm 365 ngày không sót ngày nào. Hai năm nay Ngài tăng lên hai tiếng rưỡi một ngày mà vẫn còn tiếp tục giảng, thì làm sao trong một lá thư ngắn anh có thể nói cho hết được. Chính anh cũng hiểu được đạo Phật nhờ câu “A-di-đà Phật” và nghe theo lời giảng của Ngài để tu tập. Càng nghe càng ngộ, càng ngộ càng nghe nhiều, càng nghe nhiều càng phát hiện sự thậm thâm vi diệu ngoài sức tưởng tượng của anh!

Phật đạo mênh mông như biển, vi tế không lường, lý đạo thì cao siêu vô cùng vô tận, khó có thể giảng rốt ráo trong một vài hàng được. Có người tu nhưng vì ít nghe pháp thường hay bị rối, hoặc giả trở thành dị đoan mê tín, hoặc tu sai đường. Cho nên tu không phải dễ! Khó thì có khó, nhưng chỉ cần ta nắm bắt được cái đầu mối của vấn đề, thì tự nhiên ta phăng ra cái lý đạo không khó. Hôm nay anh sẽ cố gắng chỉ cho em cái đầu mối đó. Nếu tin tưởng vào anh, xem kỹ thư anh, chắc chắn một ngày rất gần em sẽ hiểu đạo.

Niệm Phật thành Phật. Không niệm Phật không bao giờ thành Phật. Người nào chí tâm niệm Phật thì một đời này sẽ vãng sanh về Tây-phương, bất thối thành Phật, nghĩa là trong một đời này thôi sẽ vượt qua khỏi tam giới, sanh về cõi Cực-lạc của Phật A-di-đà, trở thành ngôi bất thối chuyển chờ ngày thành Phật tại thế giới Tây-phương. Người niệm Phật không chơn thành, không chí tâm thì dù niệm Phật đến long hầu bể họng cũng không thành gì cả. Ngược lại vì tâm không thành nên hạnh không chánh, họ làm mất lòng tin của người khác, từ đó Phật đạo bị ảnh hưởng rất lớn, làm cho con người xa lìa đạo pháp, chạy theo tham sân si, gây ra khổ đau vô cùng vô tận!

Em phải nhớ, nhơn duyên quả báo, vay trả, trả vay tơ hào không sót. Chính mình tạo ra nghiệp ác, thì chính mình phải thọ lãnh quả ác. Nói đúng hơn, chính cái tâm mình tạo ra khổ hải cho mình. Hôm trước cha có nói với anh “Tâm chánh là Phật, tâm tà là ma. Ma hay Phật đều ở tại tâm mình mà thôi”. Câu này rất đúng. Tất cả mọi cảnh giới đều do tâm mình tạo ra cả. Mình tạo tâm Phật, mình thành Phật. Mình tạo tâm ma, mình thành ma. Chính mình dựng lên rồi tự mình lãnh lấy, không trốn đường nào được cả. Trước đây anh thường lấy chuyện nằm ác mộng để làm ví dụ, ác mộng do chính mình tạo nên chứ không ai hại mình cả. Nó chỉ là sự chiêu cảm mà thôi, nhưng ảnh hưởng của ác mộng thật sự rất dễ sợ, nhiều khi gây ra hậu quả thật khủng khiếp, không lường được!

Từ cái giả mà thành ra hậu quả thật. Cảnh giới ác mộng đó chỉ riêng người nằm mộng mới thấy, người nằm bên cạnh không hay biết, muốn thấy cũng không cách nào thấy được. Như vậy cảnh giới mình sống là do chính mình tạo chứ không ai khác cả.

  Tại sao lại ác mộng? Vì vọng tưởng, vì tâm mình nghĩ ác. Tại sao người khác ngủ an lành? Tại vì tâm họ hiền lương. Thiện ác, phải trái, tất cả mọi động niệm của mình đều lưu lại trong tiềm thức, không bao giờ mất. Nói rộng ra, địa ngục, ngạ quỷû, súc sanh, v.v… đều do tự tâm mình tạo ra để tự mình nhận lấy quả báo. Mình sân giận, thù ghét người, muốn hãm hại ai, đó cũng là cái nhân địa ngục, nghĩa là chính mình tạo ra cảnh giới địa ngục trong tâm, khuôn mặt tự nhiên trở nên dữ dằn, hung tợn, ai nhìn cũng phát sợ, giấc ngủ không sao tránh khỏi những ác mộng khủng bố.

Tất cả những lời thề độc hiểm, những mưu toan xấu xa tồn trữ trong tiềm thức để rồi từng ngày và từng ngày nó tàn phá mình bằng những cơn ác mộng, bằng những cảm giác kinh hoàng, ví dụ như: bị ác thú rượt cắn, lửa cháy, tai nạn, bị chém, v.v… Lòng tham lam thì tạo ra cảnh giới ngạ quỷ, sự keo kiệt rít rắm làm mặt mày nhăn túm, con mắt láo liêng, cú vọ, trong giấc ngủ làm sao tránh khỏi không bị gặp ma? Làm sao khỏi điên loạn? Làm sao tránh khỏi tan gia bại sản! Lòng tham vô bờ vô bến có lúc thô thiển như trộm cướp, giành giựt, cũng có lúc tế vi như tới chùa lạy Phật để cầu cho phát tài, cầu trúng số, cầu buôn mau bán đắc, v.v… Tất cả những lòng tham đó nó dẫn dắt con người vào trong những cảnh giới ngạ quỷ khốn khổ trong tương lai.

Ví dụ dễ hiểu hơn, như ở VN có những người thích đánh số đề. Vì lòng tham tiền cho nên đêm nào họ cũng nằm mộng thấy thần minh về mách bảo, điềm này, cơ nọ ứng chỉ lung tung. Họ chạy tới các đền, miễu, đồng bóng, lạy xin mách chỉ để được trúng. Xin lần nào cũng có “thai đề” cả. Nhưng kết quả thì tan gia bại sản, nợ nần chồng chất. Em nghĩ thử, nếu linh hiển thì đâu bị nợ nần, đâu bị sạt nghiệp? Những quỷ thần, (nếu có ở đó), thì họ thường biết rõ được việc trong quá khứ, chứ ít có năng lực biết được chuyện sắp xảy ra, nhưng vì lòng tham của con người quá lớn, cứ nằng nặc đòi họ phải ra thai đề, cho nên đôi khi họ cũng nói đại, mặc sức cho người về nhà tự đoán lấy, cộng trừ, nhân chia, đủ mọi cách! Có một điều, cứ xổ xong thì tính cách nào cũng trúng! Linh quá! Thật là buồn cười!…

Biết bao nhiêu ví dụ khác để chứng tỏ rằng chính cái tâm của mình tạo cảnh giới cho mình. Em cứ tưởng tượng như vầy, cái tiềm thức của mình giống như cái thùng xổ số “lô-tô” thật lớn, tất cả những việc mình làm, tốt hay xấu, đều tồn trữ vào đó như những con số lô-tô. Chúng là cái nghiệp của chính mình, lâu lâu nó xổ cho mình hưởng. Xổ cái nào mình “mộng” cái đó. Ở hiền thì nghiệp lành, xổ ra việc lành, mình thấy cảnh đẹp. Ở ác thì nghiệp dữ, nó xổ ra việc dữ, mình thấy ác mộng, đau khổ, hãi hùng. Nó xổ ra như vậy rồi cất lại chứ không phải hết đâu, nghĩa là cái nghiệp của mình vẫn còn đó chờ cho mình trả nợ mới thôi, một tơ hào cũng không sai sót. Như vậy, từ hồi giờ tính thử mình tạo bao nhiêu “con số lôtô” tội lỗi rồi? Đời này, kiếp trước, ngàn kiếp trước? Chất đâu cho đủ đây?

Tâm mình nghĩ cái gì thì nó hiện ra cái đó. Đạo Phật gọi là “nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả đều do tâm tạo ra cả. Như vậy khi tâm mình nghĩ Phật thì mình sẽ trở về với Phật là sự đương nhiên. Chữ NIỆM (   ) nó có chữ Kim (   ) và chữ Tâm (    ). Nghĩa là, trong tâm ta đang nghĩ tưởng cái gì tức là ta đang có cái đó. Nghĩ tiền thì tâm có tham, cho nên niệm tham thì thích tiền; niệm sân thì ganh ghét, thù hằn; niệm ma có ma, niệm quỷ có quỷ, v.v… Mình nghĩ đến cái gì thì tự nhiên cảnh giới đó hiện tiền. Chính mình tự bày vẽ cho mình cảnh giới hung dữ thì tự mình phải chịu lấy. Muốn thoát khỏi, tự mình phải gỡ ra chứ không ai có thể giúp mình được. Đó là định luật nhân-quả, tự làm tự chịu, không ai chịu thế cho mình được. Ví dụ cụ thể, người nào giết người thì chắc chắn trước sau gì họ cũng tự ra đầu thú, tự khai tội, phải chịu tù đày hoặc bị tử hình để trả quả. Nếu không bị luật pháp trừng phạt, thì chính họ cũng sẽ bị lương tâm cắn rứt, khổ đau từng ngày trong cảnh giới hãi hùng, chính họ chịu không nổi nhiều khi phải bị điên loạn. Nếu quá bạo tợn, họ không sợ gì cả, thì sau cùng họ phải lãnh cái nghiệp quả một cách ghê rợn, không tài nào trốn thoát! Cảnh giới của nghiệp báo là vậy đó.

Đến đây có lẽ em đã hiểu được phần nào tại sao “Niệm Phật thành Phật” rồi chứ. Nếu từng phút, từng giây, lúc nào mình cũng nhớ Phật, tưởng Phật thì mình biến cái tâm mình thành tâm Phật. Bất cứ thời thời khắc khắc đều niệm Phật thì trong tâm đã có Phật, ác niệm không sinh ra, tham sân si không phát triển được. Chính đây là cái đạo lý tối cao, vi diệu. Nghiệp báo nhân quả trả vay, nhân nào quả đó. Mình gây nhân Phật thì chắc chắn gặt quả Phật là lẽ tất nhiên vậy.

Niệm Phật là mình đang gây cái nhân Phật trong tâm mình để chờ ngày thành đạt quả Phật, đây là một pháp môn đặc biệt, gọi là “Môn dư đại đạo”, một phương tiện rốt ráo để viên thành Phật đạo. Trong 49 năm thuyết kinh giảng đạo, Phật để lại vô lượng pháp môn, tất cả đều là phương tiện tự tu chứng từng phẩm vị một để đến quả vị Phật. Vì thế thời gian tu hành phải trải qua hàng A Tăng Kỳ kiếp, vô lượng kiếp, mới mong thành đạo quả. Còn niệm Phật thì: “Niệm Phật là Nhân, thành Phật là quả”, lấy thẳng nhân địa Phật để tu thành quả vị Phật. Một pháp môn vi diệu, thù thắng, dễ tu trì. Vì nó quá dễ dàng cho nên ít người chịu tin.

Nhưng đây là lời Phật dạy, đã là người con Phật không thể không tin. Một người chân thành, chí thiết tin Phật, niệm Phật, nguyện sanh Tây-phương, họ viên thành Phật đạo ngay trong một đời này. Dễ dàng, dứt khoát, chắc chắn. Chính anh đã có đủ bằng chứng, đủ kinh nói về điều này và đã nắm rõ được cái lý đạo thâm sâu rồi.

Chính vì thế, khi chợt thấy con đường thành Phật rốt ráo, anh không chần chờ, anh quyết định đi và hứa chắc rằng, hết một đời này anh Năm nhất định về tới Tây-phương, không thèm trở lại cái xứ Ta-bà khổ hải này nữa, ngoại trừ là để độ người. Anh Năm đã thấy được bí quyết thành Phật, anh đã đọc hằng ngày quyển kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A-di-đà. Anh đọc từng chữ, từng câu của lời Phật dạy là rõ ràng, tường tận, cặn kẽ, cụ thể. Anh Năm đang đọc giảng ký của HT Tịnh Không hằng ngày, anh đã thấy được không những một vài bộ kinh, mà theo như Ngài dẫn chứng, toàn bộ tam tạng kinh điển của Phật cũng chỉ để dạy cho chúng sanh NIỆM PHẬT mà thôi. Hơn nữa, không những chỉ có chúng sanh mới niệm Phật, mà chư Phật cũng phải niệm Phật mới thành Phật. Thật là một chuyện không ngờ được! Đầu tiên, chính anh cũng không tin, nhưng khi thấy quá rõ ràng, anh không còn hồ nghi nữa. Đây là sự thật, chỉ tại con người vô duyên, chưa đủ thiện căn phước báu để niệm câu Phật hiệu, thành ra cứ bị lôi theo những con đường hóc hiểm để mãi mãi trầm luân trong luân hồi sanh tử.

Trong thế giới gọi là “Tự-Do”, con người được quyền tự xướng lên những học thuyết rồi phổ biến cho đại chúng. Nhiều học thuyết mới nghe rất hay, nhưng coi chừng hậu quả là một trường thảm hại hay đau thương! Ví dụ, như cách đây khoảng 30 năm về trước, ở đại học văn khoa Sài gòn, có một môn triết học chủ trương rằng con người sánh ngang hàng với trời đất, gọi là “Tam-Tài”: Thiên-Tài, Nhân-Tài, Địa-Tài, trong đó con người là độc tôn, vinh hạnh nhứt. Câu văn thích ý nhất của họ là: “Nhân giả kỳ Thiên Địa chi đức, Âm Dương chi giao, Quỷ Thần chi hội, Ngũ Hành chi tú khí”, nghĩa là con người là cái đức của trời đất, là chỗ dựa của âm dương, là cái tụ điểm của quỷ thần, là cái linh khí của vạn vật. Môn triết học lạ lùng này là một trong những môn tư tưởng triết lý của ban triết học ở đại học văn khoa, đã đưa con người lên tận mây xanh. Hồi đó, học được điều này, anh cũng vỗ ngực tự xưng mình là cao hơn trời, linh hơn đất, cho nên không thèm tu hành, không thèm lạy Phật, không thèm tới chùa, không coi ai ra cái gì cả. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình thật là mê muội, lộng ngôn, vọng ngữ! Môn triết học đó cho rằng, VN là nước số một trên thế giới, vì đa phần người Việt Nam chỉ thờ Ông-Bà, Tổ-Tiên, không thèm thờ ai khác. Con người là “vạn vật chi linh”, là đức của Trời Đất thì thờ người là tốt nhứt chứ còn thờ ai nữa?! ….

Thờ cúng Tổ-Tiên, Ông-Bà, là phong tục của người Việt Nam, để nhắc nhở con người về phần hiếu đức, kỷ niệm về tộc phả, uống nước nhớ nguồn, thọ ơn trả ơn. Thờ cúng thì về hình thức là hành “Lễ”, về nội dung thì trưởng dưỡng cái tâm “Kính”, gọi là lễ kính Tổ-Tiên. Đó là luân thường đạo đức của người Đông phương, chứ lễ kính Ông-Bà Tổ-Tiên đâu phải xa lìa Phật, xa lìa Chúa!

Nếu thấu hiểu đạo lý xuất thế gian, thì lễ kính Tổ-Tiên không phải chỉ có thờ lạy hay giỗ kỵ ông bà. Đây chỉ là hình thức thế gian. Người thực sự có lòng thương tưởng đến người thân đã khuất bóng thì phải làm sao tìm cách cứu vãng cho được khổ nạn của họ. Đó mới là chí hiếu, chí kính.

Chỉ chủ trương thờ lạy mà không tìm cách cứu ông bà, cha mẹ thoát nạn, không màng đến chuyện nhân quả, xa lìa Phật, xa lìa Chúa, lại vỗ ngực tự cho mình là ngang bằng trời đất để tương lai rước lấy tai họa vào thân, thì thực là bất thông!

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật dạy, thời mạt pháp tà sư xuất hiện nói pháp nhiều như cát sông Hằng. Nhiều lý thuyết nghe qua rất hay, họ biết áp dụng khoa học kỹ thuật tân tiến để hỗ trợ vào triết lý nhân sinh, họ biết tận dùng về tâm lý và triết học để hấp dẫn đại chúng. Tất cả những hiện tượng lạ này chúng ta nên sáng suốt nhận xét và cẩn thận đề phòng.

Nên nhớ, triết lý hay không có nghĩa là đúng! Người con Phật phải lấy kinh Phật làm đuốc soi đường, bất cứ những gì ở ngoài kinh Phật không được hiếu kỳ, nếu sơ ý có ngày mang họa!…

  Thế tại sao nhiều người tới chùa niệm Phật hoài mà không được gì hết? Em ạ, tu hành chủ yếu ở cái tâm thành kính, chứ không phải ở hình thức bên ngoài. Nhiều người thường tới chùa, miệng niệm Phật mà tâm thì cầu danh, cầu lợi, cầu trúng số, v.v… đó là họ đang phát triển lòng tham, làm sai lời Phật dạy mà họ không hay. Đáng tiếc!

Niệm Phật để thành Phật, đây là đạo lý “nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm nhớ Phật, miệng niệm Phật, thân lạy Phật. Thân khẩu ý hướng trọn về Phật thì ta sẽ có ngày thành Phật. Niệm Phật có 3 điều cần phải nhớ rõ là: không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn.

1) Không hoài nghi: nghĩa là dù hiểu được lý đạo hay không cũng phải nhứt tâm tin tưởng vào Phật sẽ cứu độ được mình, vững lòng tin sắt son như vậy, không lay chuyển. Đừng niệm Phật theo kiểu hiếu kỳ, niệm thử, niệm để vui chơi, niệm mà còn mắc cỡ, niệm để cầu xin tiền tài, phước lộc, vì niệm như vậy chỉ thêm tội mà thôi. Niệm Phật chỉ một lòng muốn về với Phật, để thành Phật, để có công đức đầy đủ sanh về Tây-phương Cực-lạc khi mãn báo thân này. Niệm Phật để tâm mình hòa với tâm Phật, nhớ Phật, tưởng Phật, thời thời khắc khắc không quên Phật. Để lúc sắp sửa lâm chung mở lời niệm được 10 tiếng thì chắc chắn được Phật A-di-đà đến tiếp dẫn về Tây-phương với Phật. Trong kinh Vô Lượng Thọ, lời nguyện thứ 18 của Phật A-di-đà là: Khi Ta thành Phật, chúng sanh nào trong mười phương nghe danh hiệu Ta, chí tâm tin kính, ai có thiện căn, tâm tâm hồi hướng nguyện sanh về nước Ta, cho đến 10 niệm, nếu không được vãng sanh, Ta thề không thành bậc Chánh Giác. Duy trừ tội ngũ nghịch và phỉ báng chánh pháp”.

Đây là lời thề của Đức Phật A-di-đà. Ngài giữ đúng như vậy, cho nên không biết bao nhiêu người tin tưởng niệm Phật, họ đã đi về với Phật tự nhiên như mình đi hái hoa sen trong đầm. Trước khi lâm chung ai thành tâm niệm 10 câu “Nam-mô A-di-đà Phật” (hoặc “A-di-đà Phật”) thì tức khắc Phật A-di-đà đến tiếp dẫn về Tây-phương, vĩnh viễn được hưởng an lạc, không còn thối chuyển, dù cho người ấy trong đời làm những chuyện tội ngũ nghịch như: 1)giết cha; 2)hại mẹ; 3)giết A-la-hán; 4)phá hoà hợp Tăng; 5)làm thân Phật ra máu, mà biết ăn năn sám hối nghiệp chướng, biết quay đầu tỉnh ngộ, niệm Phật vẫn được cứu như thường, với điều kiện không được phỉ báng chánh Pháp của Phật.

Một người có tội ngũ nghịch hay hủy báng chánh pháp của Phật đều bị đọa địa ngục A-tỳ. Đây là địa ngục “vô gián”, nghĩa là vĩnh viễn không thoát được. Không có Bồ-tát hay Phật nào cứu được. Thế nhưng, Phật A-di-đà cứu được, Ngài thề rằng ai đã lỡ phạm vào đại ác như trên, nếu chưa phỉ báng pháp Phật thì Ngài cứu được. Nếu Ngài cứu không được Ngài thề không thành Phật. Chính vì điểm này mà lâu nay anh Năm viết thư khuyên cha má rất nhiều mà anh không dám trích kinh Phật để giảng. Anh phải chờ cho cha má mở lời tin tưởng, rồi lúc đó anh mới dám nói sâu vào kinh, còn không anh chỉ nói khơi khơi bên ngoài mà thôi. Đó là vì sợ cho cha má chứ không phải cho anh.

Mười niệm vãng sanh. Đây là lời thề của Phật A-di-đà. Điều này rất lạ lùng, khó có thể nghĩ bàn được! HT Tịnh Không giảng riêng lời nguyện ngắn ngủi này liên tục trong 14 ngày, và giảng qua nhiều hội như vậy. Ngài giải thích cặn kẽ tại sao. Đây thuộc về lý “Sám hối vãng sanh”, cao lắm. Thế thì, người dù có tội trọng, nhưng chỉ cần biết thành tâm quay đầu sám hối, thành tâm cải đổi, chân thành chí thiết niệm Phật, chí nguyện cầu sanh về Tịnh-độ, cũng được đức Phật A-di-đà cứu độ vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc.

Như vậy, xét lại chính chúng ta, dù có tội lỗi đến đâu đi nữa, nhưng chắc chắn cũng chưa làm tội đến như thế, thì làm sao mà mình không được vãng sanh chứ! Cái lý này cao vời vợi, không thể giải thích thấu đáo trong một vài câu đâu. Ở đây chỉ nhắc điều căn bản là tội lỗi này là tội lỗi của quá khứ chứ không phải tội lỗi tương lai. Nghĩa là năm ngoái, năm kia, hôm qua, tháng trước, v.v… vì mình không hiểu đạo, không biết nên mới làm bậy. Bây giờ biết lỗi rồi, thấy tội ác của mình quá lớn rồi, sợ quá rồi, thì phải mau mau thành tâm sám hối để nhờ Phật cứu độ. Nếu thẳng thắn nhận tội, chí thành sám hối, chân thật hổ thẹn, quyết định nghe lời Phật dạy mà cải ác làm lành, một lòng một dạ niệm Phật cầu xin về Tây-phương, không dám lưu lại thế giới này nữa, thì chắc chắn mình sẽ được cứu theo diện “Sám Hối Vãng Sanh”. Còn người không mang tội trọng thì “tu hành vãng sanh”, lấy công đức để cầu vãng sanh thì yên ổn hơn nhiều.

  • Không xen tạp: Xen tạp là vừa niệm Phật mà còn niệm nhiều thứ khác, đụng đâu tu đó, cầu miễu, cầu thần, cầu quỷ, cúng sao, cúng hạn, chơi bùa, chơi ngải, v.v… Làm như vậy tâm mình sẽ loạn lên, rối beng như đống tơ vò. Tạo nợ nần nghiệp chướng tràn trề, thì lúc lâm chung nhiều cảnh giới hãi hùng ào ào ập tới, tâm hốt hoảng, mê muội, thân thể đau nhức, hoàn cảnh hỗn loạn như vậy làm sao mở lời niệm câu “A-di-đà Phật”.

Cho nên niệm Phật chỉ một lòng một dạ niệm hồng danh: “A-di-đà Phật hoặc Nammô A-di-đà Phật” mà thôi, không niệm nhiều danh hiệu Phật khác. Đây là pháp tu “nhất tâm bất loạn”. Loạn là “Tạp”, bất loạn là “Chuyên”, trong kinh Phật gọi là nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, nguyện sanh bỉ quốc. Chỉ có một lòng, một hướng, một nguyện cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc, ngoài ra không niệm không cầu gì khác cả.

  1. Không gián đoạn: là liên tục niệm Phật, niệm ngày niệm đêm, đi, đứng, nằm, ngồi, làm bất cứ chuyện gì cũng đều niệm Phật được cả. Chỗ trang nghiêm thì niệm lớn tiếng, chỗ không trang nghiêm thì niệm thầm. Đưa con ru cháu bằng tiếng Phật hiệu rất tốt, nói chung luôn luôn phải giữ trong tâm câu “A-di-đà Phật”. Đây là phép tập cho nhất tâm bất loạn. Nhờ vậy, khi lâm chung ta niệm câu Phật hiệu được dễ dàng, nghĩa là chắc chắn ta được vãng sanh.

Em Thứ, người còn trẻ như em mà muốn tìm hiểu đạo thật là ít có. Thường những người già, sau khi trải qua sự khổ nạn cuộc đời kết cuộc họ trực giác thấy cuộc đời như giấc chiêm bao nên mới lo tu hành. Nhưng tuổi trẻ mà có tâm thiện lương hướng về Phật thì thật sự là em có căn lành. Vì ở vùng quê, nhất là VN, cơ duyên học Phật khó khăn, bên cạnh dị đoan mê tín, buôn thần bán thánh nhiều lắm. Vì vậy, hãy ghi nhớ lời anh, cứ một lòng niệm Phật thì em chắc chắn an toàn trong mọi hoàn cảnh, không có một lực lượng nào dám tới gần em đâu. Gặp bất cứ cảnh dọa nạt nào em cứ vững tâm niệm liên tục “Nam-mô A-di-đà Phật”, chắc chắn em được bảo vệ an toàn.

Niệm Phật, và chỉ nên niệm Phật, đây là chánh pháp tối thượng của đức Thích-ca Mâuni Phật. Chư Tổ-sư, Đại-đức dạy rằng, 49 năm thuyết kinh giảng đạo của Thế Tôn, rốt cùng chỉ dồn vào câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” để quy hướng chúng sanh về Tây-phương của Phật A-di-đà. Đức Phật Thích-ca đã tôn xưng đức Phật A-di-đà là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, nghĩa là quang minh vĩ đại nhứt trong tất cả quang minh, là vua của tất cả chư Phật. Mười phương tất cả chư Phật đều đồng thanh gia trì vào câu Phật hiệu này để làm phương tiện tối thắng, vi diệu nhất, nhanh chóng nhất để cứu độ chúng sanh. Cho nên cái uy lực của câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” có năng lực lớn vô cùng vô tận, không thể nghĩ bàn được đâu!…

 

Vì thư cũng đã bắt đầu dài rồi, anh còn nhiều điều muốn nói nữa lắm nhưng không cách nào nói hết. Tất cả những thư này em nên giữ gìn để đọc, hơn nữa cũng nên nhiệt tâm khuyên anh chị em trong gia đình, làng xóm, tu hành.

Cái điều mà anh Năm tha thiết nhất là anh chị em cùng nhau lo báo đền chữ hiếu với cha má. Hãy mời anh chị em lại một lòng một dạ khuyên cha má niệm Phật cầu sanh về Cựclạc Thế Giới để khi trọn tuổi dương ra đi an lành với Phật. Đó là cái đại phước báu của cha má và cũng của gia đình mình. Tuổi già như trái chín cây, nếu sơ ý một chút thì ngàn đời ân hận. Báo hiếu không phải mua thịt cá cho ăn thật nhiều là hiếu đâu. Phải cứu cho được cái huệ mạng của cha má mới thật sự chu tròn hiếu đạo. (Cha mẹ của hai bên chồng và vợ nữa nhé). Hãy đi gặp tất cả anh chị em đi, đề nghị mỗi người hàng tháng tự nguyện dành dụm nhiều ít tùy theo khả năng để phụng dưỡng cha mẹ, tạo điều kiện cho người yên tâm niệm Phật. Khi anh chị em cùng nhau quyết định rồi, viết thư cho anh Năm hay, thiếu đủ bao nhiêu để anh Năm lo liệu.

 

Nếu anh chị em đồng tâm làm việc này thì cha má sẽ cảm động và có thể an tâm tu tập. Còn anh em mình đều tròn được chữ hiếu làm con. Anh bảo đảm chắc chắn rằng nếu anh chị em gia đình mình phát tâm làm vậy thì tự nhiên có sự cảm ứng liền, tất cả mọi sự đều được giải quyết thỏa đáng, nhất thiết không ngại.

 

Đây là lời tha thiết của anh Năm.

Nam-mô A-di-đà Phật.

Anh Năm.

(Viết xong ngày 26/02/2001)

Trong thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi. 

(Lời Phật dạy ‐ Kinh Đại Tập).

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –