Niệm Phật Xuất Tam Giới Bất Khả Tư Nghì (Khuyên Người Niệm Phật 72)

Share on facebook
Share on twitter

https://www.youtube.com/watch?v=yvAZIbcEvwI&t=1560s

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Niệm Phật Xuất Tam Giới Bất Khả Tư Nghì

Chị Nhung,

 

Niệm Phật bất khả tư nghì! Trước đây chị chỉ nghe nói sự vi diệu của pháp niệm Phật, chứ chắc chưa từng thấy qua. Nay chính người mẹ đã vãng sanh, chị đã thấy được tận mắt những hiện tượng bất khả tư nghì. Phải chăng đây là một bài hiện thân thuyết pháp, làm cho chị cùng gia đình tăng trưởng niềm tin vào pháp niệm Phật. Xin thành tâm chúc mừng cho chị, chúc mừng cho cả gia đình và thành kính chúc mừng cho Bác. Nguyện cầu hương linh Bác vãng sanh cao phẩm, sớm ngày trở lại cõi Ta-bà cứu độ chúng sanh.

 

Phật nói: Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc. Người ít thiện căn, ít phước đức, ít nhân duyên không thể nào được vãng sanh về thế giới Tây-phương Cực-lạc của đức Phật A-di-đà. Nghĩa là, vãng sanh được về thế giới Cực-lạc không phải là chuyện dễ. Nhiều người tu hành lâu năm, khổ cực dụng công, sức tu tập thật giỏi, nhưng cuối cùng chưa chắc đã biết đâu là chỗ quy hướng tối thắng. Thế mà, Bác vừa được vãng sanh, Bác đã hưởng được một đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên. Cái thiện căn phước đức này mấy ai sánh bằng?… Và có lẽ, tôi nghĩ rằng, cái phước đức mà Bác hưởng được này là lớn nhất trong dòng họ của chị từ trước tới nay chăng(?). So sánh xa hơn nữa, chúng ta cứ bình tâm suy nghĩ kỹ thử coi, có phải hàng triệu người, hàng tỉ người trên thế gian này liệu có mấy ai được như vậy. Từ xưa tới nay, hàng vô lượng, vô biên, vô số người đã chết, chúng ta vẫn chỉ nghe thấy những cảnh lâm chung buồn thảm, tâm thần mê man, sắc diện u ám, thần thái khổ đau, vài tiếng đồng hồ sau thì thân xác cứng đơ, tái xanh, trông rất khó coi, ít ai đủ can đảm nhìn lâu! Tại sao vậy? Vì họ đã bị chết, chết trong cảnh sợ hãi, khủng hoảng, hãi kinh! Tại sao lại có hiện tướng chẳng tốt lành? Vì người đang chết phải đối diện với những cảnh giới xấu ác, hung hiểm, nghiệp báo hiện hành, oan gia trái chủ hãm hại… Gặp những cảnh ngộ này thì bạc phước lắm vậy! Thế mà Bác đã niệm Phật ra đi an lành trong tiếng niệm Phật của chị, của gia đình, của nhiều vị đồng tu hộ niệm. Bác được niệm Phật hộ niệm suốt 32 tiếng đồng hồ mới nhập quan mà thân xác vẫn mềm mại, sắc tướng tươi vui, trang nghiêm hơn lúc sống gấp bội lần. Thật bất khả tư nghì!

 

Trước khi thành Phật, Pháp Tạng Tỳ-kheo có lời thề rằng: Chúng sanh trong mười phương thế giới, ai nghe danh hiệu Ta mà chí tâm tin vui, đem các căn lành chí tâm hồi hướng về nước Ta, tha thiết nguyện sanh về đó, niệm danh hiệu Ta dẫu đến 10 niệm mà không được vãng sanh, Ta thề không thành Phật, duy trừ người vừa phạm tội ngũ nghịch vừa phỉ báng chánh pháp. (ng. 18; k. VLT).

 

Tín-Nguyện-Hạnh vãng sanh. 48 đại nguyện của A-di-đà Phật, nguyện nào cũng bao gồm tín-nguyện-hạnh. Ngài đã thực hiện trọn vẹn vì Ngài đã thành Phật hiệu là A-di-đà 10 kiếp qua. Người phạm tội lớn như ngũ nghịch thập ác mà cuối cùng biết quay đầu thành tâm sám hối, tín-nguyện-hạnh cũng được vãng sanh (xem Quán Kinh). Chỉ có người vừa ngũ nghịch vừa phỉ báng chánh pháp thì đường vãng sanh mới bị bế tắc. Nên nhớ, tất cả tội ác trên đều có quả báo địa ngục A-tỳ mà vẫn được Phật cứu độ, thì huống chi là chúng ta. Bác có tin tưởng, có tha thiết nguyện vãng sanh, có quyết lòng niệm Phật cho đến giây phút cuối cùng, thì Bác đã thực hiện đầy đủ tín-nguyện-hạnh, lại được hộ niệm liên tục hết sức cẩn thận trước và sau khi lâm chung. Đây là lòng chí thành chí kính của cả người vãng sanh lẫn người hộ niệm. Hành như vậy là hợp với kinh Phật, niệm như vậy là hợp với điều kiện vãng sanh, tâm tâm đều hợp với đại nguyện và bản hoài của Phật, thì chắc chắn được cảm ứng đạo giao. Thoại tướng hiển hiện rõ ràng, giúp chúng ta tin tưởng rằng Bác được vãng sanh.

 

Nếu hiểu được chân tướng của vũ trụ pháp giới ta mới thấy vãng sanh Cực-lạc quí hóa không gì có thể sánh bằng. Thành tâm chúc mừng, cảm phục và tán thán tấm lòng đại hiếu của chị. Kính lời thăm anh Tuấn, gia đình, cùng các vị đồng tu có tâm “Bồ-tát” cùng anh chị em trong gia đình… và chắc chắn rằng, bác Năm khen ngợi không hết lời đến các cháu: bé Tú, bé Năm, bé Sáu, bé Tuyến… mọi người vừa tạo nên một công đức lớn vô lượng vô biên…

 

Niệm Phật vãng sanh Cực-lạc là một sự thật hiển nhiên. Lời Phật dạy trong kinh chắc chắn đúng. Người nào muốn hưởng được cái đại phước đức này hãy tin tưởng vững chắc pháp niệm Phật, hãy tha thiết phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh-độ, hãy thành khẩn niệm Nam-mô A-di-đà Phật, thì đại phước báu, đại an vui, đại cực lạc, đại thành tựu đạo Bồ-đề đang dành cho người đó. Còn nếu vẫn không tin lời Phật dạy, chưa chịu cúi đầu lạy Phật, chưa chịu niệm Phật cầu về Tây-phương, thì nghiệp chướng oan trái tràn trề từ vô lượng kiếp là món nợ nhất định phải thanh toán, không trốn thoát được đâu. Cho nên, nếu không biết giựt mình tỉnh ngộ thì đành chịu vậy thôi! Cực-lạc hay đọa-lạc đều do tự con người chọn lấy. Nếu cứ bám riết vào thế sự hão huyền mà cạnh tranh ganh tị, mà phân biệt chấp trước, mà tham sân si mạn… thì đó là tự ta chọn đường đọa lạc, khi nghiệp báo tới rồi, nó lôi mình theo dòng nghiệp lực, ở đó mặc sức mà giành nhau để hưởng “Khổ”! Cứ say mê pháp trần mà lý hay, luận giỏi, rồi bài bác chánh pháp, cái thế trí biện thông của thế gian hợp với cái “Vọng danh” lắm đó, lý luận riết đi sẽ dễ dàng lạc vào nơi hiểm nạn, tới đó rồi mặc sức mà thu thập những kiến thức về sự ân hận, sầu đau!…

 

Trong kinh Phật thuyết A-di-đà, đức Thích-ca Mâu-ni Phật nói: Xá-lợi Phất, như Ngã kim giả tán thán A-di-đà Phật bất khả tư nghị công đức chi lợi. (Này Xá-lợi Phất, như ta ngày nay tán thán rằng công đức của Phật A-di-đà lợi lạc không thể nghĩ bàn). Niệm Phật công đức bất khả tư nghì, không thể diễn tả cho xiết! Trong kinh A-di-đà yếu giải, ngài Ngẫu Ích đưa ra năm ý nghĩa bất khả tư nghì của pháp niệm Phật: 1) Người niệm Phật có thể vượt qua khỏi tam giới, không cần phải đợi đoạn diệt hết nghiệp hoặc; 2) Vãng sanh Tây-phương một độ tức 4 độ; 3) Chỉ cần niệm danh hiệu Phật, chẳng cần đến các pháp phương tiện nào khác; 4) Bảy ngày có thể thành công; 5) Trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà thì được chư Phật hộ niệm, nghĩa là niệm A-di-đà Phật chẳng khác gì đã niệm hết thảy chư Phật trong mười phương thế giới.

 

Năm điều bất khả tư nghì chỉ là phương tiện nói, tóm lược cho chúng sanh biết cái công hiệu thực tiễn của câu Phật hiệu để phát tín tâm, hầu chuyên công niệm Phật, chứ công đức của câu Phật hiệu vô lượng vô biên nói sao cho xuể. Trong kinh Phật nói, Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh, chỉ có Phật với Phật mới biết rõ được công đức này, đến nỗi Đẳng-giác Bồ-tát cũng chưa triệt để thấu hiểu, thì phàm phu chúng ta làm sao mà lý giải. Hôm nay, nhân dịp mừng Bác vừa vãng sanh, chúng ta nói đến lý đạo này, hay lắm!… Thấy được một người vãng sanh là thêm một bằng chứng về công đức bất khả tư nghì của pháp niệm Phật. Người vãng sanh ấy lại là người mẹ của mình thì chắc chắn chị đang hưởng trọn vẹn một nguồn vui to lớn, hạnh phúc vô tận, niềm tin đã dâng tràn lại được tăng trưởng vô biên. Phật dạy, thời này chúng sanh phải nương theo pháp niệm Phật mới thoát ly luân hồi. Nghĩa là không niệm Phật không thể liễu sanh thoát tử. Điều này đã quá hiển nhiên, quyết định không còn gì để nghi ngờ nữa.

 

Niệm Phật vượt tam giới, khỏi cần phải đoạn diệt hết nghiệp hoặc. Đây là điều bất khả tư nghì đầu tiên. Sự lợi ích này quá lớn, phải nói là thù thắng bậc nhất cho kiếp tu hành! Vượt tam giới thì thành đạo, không vượt tam giới thì không thể thành đạo. Cái mốc điểm này quan trọng lắm. Tu hành mà chưa có phương cách cụ thể để giải quyết dứt khoát vấn nạn này thì coi như thất bại, vì dù công phu tu tập có giỏi cho mấy đi nữa nhiều lắm cũng chỉ thâu được một chút danh, chút lợi, chút phước báu hữu lậu tạm bợ nào đó của thế gian rồi chờ ngày đọa lạc mà thôi. Đã là tạm bợ thì có đây mất đó, huyễn mộng vô thường! Vô thường thì phải trả về cho vô thường, mọi cố gắng rốt cuộc cũng hoàn về bàn tay trắng! Người thông minh có bao giờ lại đi tìm cầu những thành quả trống không!

 

Nhưng vượt qua tam giới đâu phải dễ. Khó vô cùng! Đây là cửa ải phân chia giữa hai dòng Phàm và Thánh. Trong kinh Phật nói, muốn tự lực tu chứng, tối thiểu phải đoạn hết Kiến Tư phiền não mới có thể thoát ly lục đạo. Kiến-hoặc có 88 phẩm thô thiển thuộc về cái nhìn cái thấy, cái suy nghĩ lệch lạc. Tư-hoặc có 16 phẩm vi tế thuộc về tham sân si trong tâm. Đoạn hết Kiến-hoặc là Kiến-đạo, đoạn hết Tư-hoặc gọi là Tu-đạo, đoạn hết cả hai gọi là Vô-học-đạo tức là chứng quả A-la-hán của Tiểu-thừa giáo. Sau đó còn phải phá Trần-sa-hoặc của Trung-thừa để qua Thập-tín vị, rồi phá đến Vô-minh-hoặc của Đại-thừa mới bước vào cảnh giới Minh-tâm-kiến-tánh. Đường tu hành này thật quá truân chuyên! Nhiều vị Đại-đức Tổ-sư mà vẫn phải than rằng một vài phẩm Kiến-hoặc thô tháo mà đoạn không nổi, thì nói chi đến đoạn Tư-hoặc vi tế và những cảnh giới khác! Tổ-sư mà còn than như vậy thì phàm phu hạ căn chúng ta sao dám mơ tới!

 

Ấy thế, dẫu cho đạt đến cảnh giới đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh của đại thừa thì sự chứng đắc đó vẫn còn thua xa năng lực của người vãng sanh Tây-phương hạ hạ phẩm. Đây là một điều mà rất nhiều người chưa để ý tới. Người đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì không những đoạn dứt Kiến-Tư-hoặc (A-la-hán), mà còn đoạn luôn Trần-sa-hoặc (Thập-tín Bồ-tát), và phá được một phẩm Vô-minh, chứng một phần Pháp-thân, tức là Sơ-trụ Bồ-tát ở Hoa-tạng thế giới hải. Đây đâu phải là chuyện cho hạng phàm phu thường tình chúng ta mơ tới. Nhưng thật bất ngờ, một người vãng sanh ở Tây-phương Cực-lạc, dù là hạ hạ phẩm, vẫn được viên chứng tam bất thối, năng lực của họ thấp nhất cũng từ Viễn-hành-địa, tức là Thất-địa Bồ-tát trở lên. Trong giảng ký kinh Vô-lượng-thọ huyền nghĩa, ngài Tịnh-Không giải thích rằng, Sơ-trụ Bồ-tát phá được một phẩm Vô-minh, Thất-địa Bồ-tát phá được 37 phẩm Vô-minh, hai địa vị chứng đắc cách nhau 36 phẩm Vô-minh hoặc, thời gian tự tu hành chứng quả để san bằng khoảng cách này phải trải qua ít nhất 2 đại A-tăng-kỳ kiếp. Hiểu được những cảnh giới này, mới giựt mình giác ngộ ra công đức niệm Phật thật không thể nghĩ bàn. Cũng xin nhấn mạnh điểm này, chúng tôi nói Năng-lực chứ không nói Địa-vị. Ngài Tịnh-Không giảng rằng, trên cõi Tây-phương là thế giới bình đẳng, chỉ có A-duy-việt-trí Bồ-tát, không có 41 địa vị chứng đắc như ở Hoa-tạng thế giới.

 

Ngày nay, nhiều người thường tự cho rằng mình là thông minh trí huệ, thích triết lý, ưa nói huyền nói diệu. Tội nghiệp! Nói huyền nói diệu làm chi mà không chịu niệm Phật, lỡ cuộc đời kết thúc trong mê mê mờ mờ, nhận lấy những cảnh ngộ phũ phàng, đau khổ, thì còn gì là huyền với diệu nữa! Được vãng sanh là đại phước, mất vãng sanh là bạc phước, hãy cố gắng tạo duyên phần thoát nạn không hay hơn sao? Một bà già hiền lành, ngày ngày chỉ biết cầm chuỗi niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ chỉ một vài năm mà ra đi với thoại tướng tốt đẹp phi thường. Bà già niệm Phật đã vãng sanh về Tây-phương hưởng cảnh Cực-lạc, thần thông đạo lực vô biên, một đời thành Phật. Còn người tự cho là thông minh, cứ cống cao ngã mạn để sau cùng bị chết. Khi chết rồi thì có lẽ bá thiên vạn kiếp sau vẫn còn sanh tử luân hồi, chưa chắc được gặp lại chánh pháp để cầu thoát nạn. Trong vô lượng kiếp qua con người đã xả thân thọ thân trong lục đạo, chết trong đau khổ rồi đầu thai lại trong khổ đau, sống lên tạo nghiệp để chờ lãnh quả báo, mỗi lần chết mỗi lần khổ đau hơn… Một đời sẽ khổ hơn một đời, chúng sanh cứ tiếp tục lún sâu vào cảnh khổ. Rõ ràng quá khổ! Cái khổ này lớn quá, nhiều quá, dễ sợ quá… không thể diễn tả nên lời!

 

Thời này đã mạt pháp rồi, Ức ức người tu hành khó tìm ra người chứng đắc. Tại sao tệ quá vậy? Vì căn cơ hạ liệt, vọng tưởng nhiều, nghiệp chướng nặng, v.v… chính cái mầm móng này xui khiến con người nghi ngờ lời Phật, không chịu y giáo phụng hành. Tôi nghĩ như vầy, tôi nghĩ như kia, v.v… Căn tánh đã hạ liệt mà không chịu y cứ vào kinh Phật tu hành, lại còn chấp chặt vào cái Ngã mê mờ của mình rồi tự tạo ra đường riêng để đi. Đúng chăng? Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết. Theo tà thuyết thì phải chết, lập ra tà thuyết thì càng chết nặng hơn! Thời nay hiện tượng này nhiều lắm. Chính vì thế, tu hành phải cẩn thận dựa vào kinh điển, không được nghi ngờ, không được tự ý làm điều mông lung để tránh tai họa vào thân. Trong kinh Đại-tập, Phật dạy: Thời mạt pháp chúng sanh phải nương theo pháp niệm Phật mà thoát luân hồi. Niệm Phật nhất định lấy Tín-Nguyện-Hạnh làm tông chỉ. Nghĩa là phải thâm tín, thiết nguyện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nhiều người sử dụng câu Phật hiệu giống như một loại Thoại đầu, hoặc coi đó giống như một thứ phương tiện giúp cho tâm hồn an lạc, chứ không phải niệm Phật để cầu vãng sanh. Tu tập như vậy là không y giáo phụng hành, làm sai tông chỉ Tịnh-độ. Hoặc có người dùng câu Phật hiệu để khai mở điển lực, phát triển những thứ năng lực thần kỳ nào đó, v.v… Theo như tổ Ấn-Quang nói, đó là hành tà đạo. Tất cả tự mình làm chướng ngại đường giải thoát, dẫn độ vào cảnh giới luân hồi đọa lạc.

 

Trong một lời khai thị về sự hộ niệm của tổ Ấn-Quang, có câu thơ như vầy:

 

Ngã kiến tha nhân tử, ngã tâm nhiệt như hỏa.

Bất thị nhiệt tha nhân, khán khán luân đáo ngã.

(Diệu Âm tạm dịch:

Nhìn xem người khác lìa trần, tâm như lửa đốt nát tan cõi lòng.

Đâu phải do người mạng vong, vì lo phần số mong manh của mình!…)

 

Tổ-sư đã than thở hay cảnh cáo chúng ta? Cảnh cáo gì đây? Đời vô thường chớ nên lần lựa. Hôm nay người chết, ngày mai tới ta. Chính mỗi người chúng ta trong vô lượng kiếp qua đã từng khóc than không biết bao nhiêu lần để tiễn biệt người thân. Giọt lệ biệt ly buồn đau vô hạn! Tiễn người thân chết thì hãy nhớ rằng ta cũng sẽ chết. Nhưng nếu là người biết cách tu hành, thì tiếng Chết này chỉ dành cho cái nhục thân đã đến lúc hết dùng, phải bỏ, còn thần thức của họ đã được siêu sanh, hưởng cảnh Cực-lạc, An-dưỡng, Thanh-lương, Vô-sanh Vô-tử, vĩnh viễn không còn luân hồi sống chết nữa. Còn người không biết đường tu hành giải thoát, thì cảnh Chết này dành cho cả thể xác lần tinh thần. Thể xác thì quằn quại đau thương trước phút lâm chung. Tinh thần thì u ám hãi hùng trước khi bị đày vào cảnh giới càng u ám hãi hùng hơn, trải qua vạn kiếp!

 

Chết buồn lắm, khổ lắm! Vậy thì tại sao không sớm lo toan thoát vòng sanh tử?…

 

Niệm một câu danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, một phàm phu có thể dễ dàng vượt qua tam giới, vĩnh đoạn cảnh chết sống. Có người tu hành vạn kiếp không cách nào ra khỏi trần lao, còn người niệm Phật thì niệm một câu A-di-đà Phật, siêu xuất càn khôn, sanh về Cực-lạc cảnh Phật, thọ mạng, trí huệ, đạo lực vô lượng. Vậy nên, thời mạt pháp này, người muốn thoát nạn thì không còn đường nào dễ hơn đường niệm Phật. Người không niệm Phật, phải chăng chỉ vì quá ít thiện căn, quá ít phước đức, thành ra không đủ duyên phần được vãng sanh để thành tựu đạo nghiệp đó thôi! Trong kinh Vô lượng thọ, Phật nói: Trụ Chánh-định-tụ quyết định chứng ư A nậu đa la tam miệu tam bồ-đề. Nhược Tà-định-tụ cập Bất-định-tụ bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố. Kinh vô lượng thọ dạy chúng sanh niệm A-di-đà Phật cầu vãng sanh Tây-phương. Cho nên, Chánh-định là niệm A-di-đà Phật. Tà-định là tu hành mà không niệm Phật. Bất-định là đụng đâu tu đó, tu xen tạp, không có định hướng. A nậu đa la tam miệu tam bồ-đề là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Chuyên lòng niệm Phật thì nhất định thành Phật. Không niệm Phật hoặc tu quá tạp nhạp thì thời này vô phương thành tựu vậy.

 

Niệm Phật là pháp môn băng ngang qua tam giới để thành đạo, không cần phải chứng đắc từng phẩm hạnh một. Đây là pháp: Hoành triệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc. Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân (K. VLT, Ph.32). Niệm Phật là cách đi tắt vượt qua ngũ thú, tức là tam giới lục đạo. Về tới Tây-phương rồi các nẻo ác tự đóng chặt. Đây là con đường vô cùng thù thắng, dễ dàng vãng sanh mà người ta không chịu đi. Chị có một người mẹ vừa mới vãng sanh, đây là một chứng minh cụ thể cho câu kinh băng ngang qua tam giới dễ dàng. Một pháp tu đơn giản, chỉ cần: Tín-Nguyện-Trì danh Phật A-di-đà thì thẳng tắt đi về Tây-phương ngự trên hoa sen ở ao thất bảo. Thật bất khả tư nghì! Thế mà nhiều người vẫn không tin. Phật nói: “Dị vãng nhi vô nhân”, thật không sai vậy. Rõ ràng, Bác chỉ niệm Nam-mô A-di-đà Phật cầu vãng sanh, thế mà đã an nhiên ra đi vào đêm 6/6/2006, thoại tướng hiển hiện quá tốt. Đời này mấy người được vậy. Lời Phật là chân ngữ, thực ngữ, bất cuống ngữ, nhất định đúng. Kinh Phật thuyết không thể sai. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Niệm Phật thành Phật. Niệm Phật vãng sanh Tây-phương viên thành Phật đạo. Chúng ta phải tin vào lời Phật, phải làm đúng theo lời Phật để vượt thoát tam giới, đừng quá lưu luyến cõi Ta-bà này mà vĩnh kiếp khổ đau. Nhớ cho, hễ chưa vượt qua cửa ải này, thì chưa thể thành tựu được gì đâu. Trải qua một cuộc cách ấm, kí ức đều quên sạch, nhân thiện lành trong đời này, nếu có, chẳng qua cũng chỉ là những chủng tử thiện, xen lẫn với vô lượng chủng khác, thiện có, ác có, vô-ký có, chứa sẵn trong kho tàng vô đáy của A-lại-da thức mà thôi. Muốn hưởng được quả báo thiện, chắc chắn còn cần phải tùy thuộc nhiều cái duyên tương ứng mới có thể hiện hành được.

 

Cho nên, nếu là người đã hiểu được Phật pháp thì phải luôn luôn đặt vấn đề thoát ly sanh tử lên hàng đầu, phải tự quán xét cho rõ ràng xem cách tu hành của mình có thể siêu xuất tam giới được không. Dễ hay khó. Làm sao để biết được? Hãy nhìn chung quanh mà thấy. Hãy lấy kết quả của người đi trước làm gương. Nếu có thành tựu cụ thể, thì biết sự tu hành có ích lợi thực tế. Còn như, mù mù mịt mịt, chẳng biết hướng nào để quy hướng, chẳng biết đường nào rõ rệt để đi, hoặc chạy theo những lộ trình quá chông gai, nhiều chướng nạn, thì coi chừng niềm hy vọng cho tương lai chỉ là một tiền đồ đen tối! Hãy mau mau hồi đầu tỉnh ngộ, phải biết giựt mình chỉnh đốn lại, phải thực sự giác ngộ để tự cứu lấy mình. Đừng quá mê chấp vào tập quán, không những không cứu được ai, mà chính mình đành vùi dập huệ mạng vạn kiếp trong chốn tối tăm…

 

Trong Trí-độ-luận, có đưa ra Ngũ chủng Bồ-đề tâm là: Phát-tâm Bồ-đề, Phục-tâm Bồ-đề, Minh-tâm Bồ-đề, Xuất-đáo-tâm Bồ-đề, Vô-thượng-tâm Bồ-đề, thì Phát-tâm Bồ-đề chính là tâm nguyện thoát ly tam giới. Đây là cái tâm Bồ-đề căn bản của người học đạo. Chưa phát cái tâm này thì chưa thực sự tu hành. Trong kinh Hoa-nghiêm Phật nói: Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp. (Người tu hành mà quên phát Bồ-đề tâm, dù có làm những việc (gọi là) thiện lành, thì đó chỉ là nghiệp ma!). Nên cố gắng hiểu cho thấu đạo lý này mới nhận thức được đâu là Chánh, đâu là . Chánh pháp là pháp cứu độ chúng sanh thoát ly sanh tử, đây là mục đích chính yếu của đạo Phật. Một pháp nào, dù có thiện lành, nhưng mãi giữ chân chúng sanh trong luân hồi lục đạo, thì lạc xa chánh pháp của Phật rồi đó! Vì thế khi tu hành, mức tối thiểu phải là thoát được tam giới, chứ không chỉ là để làm thiện. Rất nhiều người còn mơ hồ về chuyện này, thành ra thường nhầm lẫn giữa lý tưởng giải thoát và phương tiện hành đạo. Ngài Tĩnh Am Đại-sư nói: (Việc thiện) tốt thì có tốt đấy! Nhưng việc lớn sanh tử thì như thế nào? Nếu không coi việc lớn sanh tử là gấp, mà cứ mải mê làm việc thiện, thì dẫu làm việc thiện lớn như núi Tu-di đi nữa, cũng đều là nghiệp duyên sanh tử mà thôi… Thoát vòng tam giới, vãng sanh Tây-phương là lý tưởng giải thoát. Làm lành làm thiện là sinh hoạt căn bản, là phương tiện sử dụng để thành đạt mục đích mà thôi. Nếu sơ ý coi phương tiện là chính, thì mãi mãi vẫn lòng vòng trong phương tiện, không có cứu cánh giải thoát. Không có cứu cánh giải thoát thì hợp với ý muốn của ma, mãi mãi sống dưới sự kềm tỏa của ma. Nghiệp chướng, ma nạn, oán thân trái chủ… còn phải gặp dài dài, nhất định không trốn thoát được.

 

Chính vì thế, làm thiện làm lành không phải đơn giản lắm đâu! Làm thiện lành mà thiếu trí huệ coi chừng có thể tiếp tay cho tội ác. Nhiều người chưa nhận rõ lý tưởng cứu cánh của Phật giáo, cứ nói rằng, tu hành thì làm thiện làm lành là đủ. Đây là ý niệm sai lầm! Quán xét cho thấu đáo mới thấy thiếu sót, cạn cợt, chứ không phải đủ! Làm thiện mà không phân biệt rõ ràng thế nào là trực là ngụy, là chánh là tà, là âm là dương, v.v… thì coi chừng cái ở tướng thiện lành đã hàm chứa cái tâm sai lạc. Lạc trong nhân quả nghiệp báo, lạc trong lục đạo luân hồi, lạc trong bể khổ sanh tử, v.v… Càng mê vào đó càng xa chánh pháp, càng chấp vào sự thiện ác thế gian càng chướng ngại đường đạo. Nên nhớ, nghiệp ác hay nghiệp thiện vẫn là nghiệp, đã là nghiệp thì có ngày phải thọ báo, không thoát khỏi luân hồi. Làm thiện mà quên đường vãng sanh Tịnh-độ thì không bao giờ thành tựu đạo quả. Vậy thì có khác gì với nghiệp ma!…

 

Cụ thể hơn, nếu như khuyên rằng: Các vị đồng tu ơi, hãy tu thập thiện, hãy quyết lòng làm lành không làm ác để có nhân lành, tạo được công đức hồi hướng Tây-phương, rồi niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thoát vòng trần lao… Khuyên như vậy thì chính xác. Đây là Tịnh-nghiệp, là Chánh-pháp, là Liễu-giáo. Còn như khuyên rằng: Các vị đồng tu ơi, tu hành tức là làm lành lánh ác chứ có gì đâu, hãy giữ tâm an lạc là được!… Thì đây chỉ là cách tu phước báu hữu lậu sanh tử luân hồi của thế gian, thuộc về Bất-liễu-giáo! Sự hướng dẫn này, xét cho kỹ, rất mơ hồ, dẫn chúng sanh thả lơ lửng giữa vạn nẻo đường mông lung vô định hướng, đối diện với nhiều cảnh khốn nạn, không dễ gì có cơ hội thoát thân! Rõ ràng, thêm một lời trở thành Tịnh nghiệp giải thoát, bớt một lời biến thành phước Nhân-Thiên lục đạo. Tu hành, chúng ta cần suy xét thật kỹ điều này. Hơn thế nữa, để tránh sự nhầm lẫn giữa Chánh-hạnh với Trợ-hạnh, thì Chánh hạnh cần phải được thường xuyên nhắc đi nhắc lại hằng ngày cho người học đạo thâm nhập vào tâm. Chứ sơ ý, chuyện làm phước thế gian là phụ thì nhắc nhở hàng ngày, còn chuyện liễu đạo giải thoát là chính mà lâu lâu mới nói tới một lần, thì làm sao tránh khỏi lạc lối.

 

Niệm Phật vãng sanh Tây-phương bất thối thành Phật là đại thiện trong đại thiện. Một chúng sanh vãng sanh là một chúng sanh thành Phật. Thêm một vị Phật là thêm một nguồn giải thoát cho tận hư không biến pháp giới, thêm một năng lực cứu độ vô biên hữu tình, công đức này tính đếm sao cho xuể. Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới. Tâm Bồ-đề là cái tâm rộng lớn như hư không, vậy mà nhiều người cứ muốn gói nó lại thành cái tâm thiện ác hữu hạn của thế gian, rồi tham đắm vào đó, mà biến trợ hạnh thành chánh hạnh, để sau cùng tự mình đánh mất đường giải thoát. Tu theo lục đạo thì phải ở lại trong lục đạo để trả nghiệp, chịu luân hồi sanh tử. Nghiệp chướng càng ngày càng tăng, quả báo càng ngày càng xấu, oan gia trái chủ càng ngày càng khốc liệt, ân oán nợ nần từ vô lượng kiếp dồn về làm sao giải quyết cho xong đây?!

 

Chính vì mơ hồ đường giải thoát mà sinh ra lầm lẫn trong cách tu hành, biến pháp Phật thành ra những cách cầu phước, cầu lợi, cầu tiếng, cầu danh, v.v… rồi coi nhẹ hoặc quên mất ý niệm thoát ly tam giới, lơ là chuyện vãng sanh thành Phật. Từ cái ý niệm lệch lạc này làm cho tâm danh-văn-lợi-dưỡng phát triển càng ngày càng mạnh, từ đó mới dẫn tới chỗ thiếu lý tưởng chân chính. Có rất nhiều người, suốt những năm tháng khổ sở dụng công tu hành, nhưng thật ra thì nội dung chỉ toàn là phước báu nhân thiên. Đây chỉ vì còn bận bịu vào lòng Tham cạn cợt thành ra phải bị vướng mãi trong cảnh giới ngã quỉ. Đã tham, nếu tham không được thì thành Sân. Cạnh tranh, ganh tị, đố kị, hơn thua… Đây toàn là nhân chủng của địa ngục, thì mơ làm sao có được một tương lai tươi sáng! Còn tham, còn sân chính vì còn cái gốc Si. Si là ngu si. Những người ỷ mình có chút ít kiến thức, vội vã tự cho là hàng thông minh trí huệ, dùng cái thế trí biện thông thế gian mà bẻ cong pháp Phật, dựa vào cái vốn khoa học vô thường mà chống báng việc niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ. Họ đã quá cẩu thả nên phạm đến tội phỉ báng chánh pháp. Phỉ báng chánh pháp có quả báo quá xấu, thì làm sao tránh khỏi sa hầm!… Tội nghiệp thay!  Họ có biết được đâu, một bà cụ già cả hiền lành, một lòng tin tưởng, chỉ vài năm thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ đã an nhiên vãng sanh, từ bỏ thế giới Ta-bà với sắc tướng tốt đẹp, 32 giờ sau khi lâm chung mới tẩn liệm mà thân xác vẫn mềm mại, khuông mặt vẫn tươi hồng như người đang ngủ. Tướng lành này mấy ai có được? Người nào dám khinh thường?

 

Vậy nên, nếu là người tu hành chân chính thì nhất định không thể có tư tưởng mập mờ, lấp lửng, nhất định không thể vì một lý do gì mà hành động lệch ra khỏi kinh Phật, lạc mất đường vãng sanh Cực-lạc, để tự đánh mất phần thành tựu đạo quả của mình. Nên nhớ, tu phải đúng chánh pháp mới được thiện lợi. Muốn đúng chánh pháp phải dựa theo kinh, y giáo tu hành. Chứ tu hành không phải là giống như kiểu bầu phiếu, thấy nhiều người làm sao mình làm theo vậy. Hãy quyết tâm làm theo lời Phật dạy, nương vào pháp niệm Phật để thoát luân hồi, chứ không thể nhắm mắt chạy theo ức ức người kia để tiếp tục chìm đắm trong bể khổ sông mê. Tự ta phải quyết thành tựu thì chúng sanh sẽ có ngày giựt mình tỉnh ngộ, chứ không phải tùng theo chúng sanh để chung bè chịu hoạn nạn là từ bi, hòa đồng hay “hằng thuận chúng sanh” đâu. Ấn tổ dạy: Độ chúng sanh là giúp cho một chúng sanh vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Công đức này vô lượng vô biên, lớn hơn là gieo duyên Phật pháp cho vạn người. Ngược lại, nếu đánh lạc mất cơ hội vãng sanh Tây-phương của người khác, thì tội này nặng lắm, nhất định xin đừng phạm đến.

 

Chị Nhung, khi nghe được tin Bác niệm Phật ra đi an lành, có hộ niệm trước 8 tiếng đồng hồ, có khai thị rõ ràng. Chị cẩn thận kêu gọi đồng tu khắp nơi hội về hộ niệm cho Bác liên tục tới 32 tiếng đồng hồ, thật chu toàn, quí hóa. Phàm phu chúng ta đều có nghiệp trọng, lúc xả bỏ báo thân khó có người tránh khỏi khổ sở. Nhưng Bác thì thân xác mềm mại, khuôn mặt tươi đẹp, sắc mặt trang nghiêm, nghe được điều này tôi mừng không kể xiết. Trước đó khoảng một vài tuần lễ, những ngày tôi còn ở VN, đến hộ niệm cho Bác, nhiều lần Bác làm tôi cảm động. Một cụ già đau bệnh yếu đuối, phải thường xuyên ngồi trên võng, ôm chiếc gối tranh từng hơi thở một để niệm Phật cầu vãng sanh… Thấy vậy mà tôi cảm động vô cùng! Một điều quí hóa nữa là Bác rất an nhiên, không sợ chết, không cầu hết bệnh, không tham tiếc thân mạng nữa, Bác tha thiết được vãng sanh sớm. Tâm hồn đã vững vàng, an định. Trong kinh A-di-đà nói: Tâm bất điên đảo, chính là trạng thái này đây. Có một lần, bác nói rằng: Cầu xin Phật A-di-đà cho tôi được vãng sanh liền trong ngày hôm nay, chứ sống làm chi mà khổ dữ vầy. Đây là những yếu tố rất tốt, hợp với tín-nguyện-hạnh của pháp niệm Phật, hợp với bản hoài của Phật. Thấy được tinh thần thiết tha vãng sanh như vậy, tôi rất an tâm. Tôi nói: Bác quyết lòng niệm Phật, quyết chí vãng sanh thì chắc chắn được vãng sanh về Cực-lạc, còn chuyện lâu hay mau thì để Phật lo, Bác khỏi lo. Và có lần tôi nói đùa cho Bác vui: Bác về Tây-phương đừng quên con và những người đang hộ niệm đây nghen Bác, Bác nhớ phải về cứu độ lại chúng con mới được đó. Bác nói: Tôi sẽ cứu hết, không quên một ai đâu chú Năm ạ. Bây giờ ngồi đây viết thư cho chị, nhớ lại những lời này mà lòng tôi vẫn còn cảm động, vẫn còn thấy vui. Niềm vui thật khó diễn tả…

 

Bác vãng sanh mà tôi mừng, chính tôi vui, chính tôi thấy nhẹ nhõm như người vừa may mắn làm xong một trách nhiệm. Một trách nhiệm? Đúng như vậy: Một trách nhiệm, nhất là đối với chị, một người quyết lòng tin tưởng, trung hậu, nhiệt thành. Tôi còn nhớ mãi những lời nói đầu tiên khi gặp chị: Em thấy em là người may mắn nhất…, em quyết định nghe lời anh Năm mà niệm Phật vãng sanh…, em thấy rõ đường đi rồi…, em không thay đổi gì nữa cả.

 

Thật sự chúng ta đã cùng kết được duyên lành Tịnh-độ!

 

Một người mình khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, nếu họ chống báng, không tin, không làm theo… thì thôi mình buông thõng hai tay ra đi khỏi cần bận bịu, vì dù sao đi nữa, cũng đành phải chấp nhận sự rủi ro theo số phần riêng của họ, chứ không còn cách nào khác hơn! Thuận duyên thì khuyên nhau vài lời để cùng niệm Phật, nghịch duyên thì cần gì ta phải đeo thêm nợ mới? Nhưng một người đã tin tưởng, phát lòng niệm Phật, quyết chí cầu vãng sanh, gia đình quyết lòng tổ chức trợ niệm đúng như pháp, nhưng vì nếu một nguyên nhân nào đó, lỡ sơ suất, không được vãng sanh, thì thực sự không biết sẽ giải thích làm sao cho trọn đây?…

 

Thế nhưng, chánh pháp vẫn là chánh pháp, không thể tà vạy. Sự sơ suất, nếu có, là điều nhân quả của chính con người tạo ra chứ không phải Phật pháp. Lời Phật dạy trong kinh điển là chân lý, không thể sai lạc. Trước những ngày tháng lâm chung, Bác đã tin tưởng, đã quyết lòng cầu vãng sanh, một lòng niệm Phật thì đã hoàn toàn tương ưng với Tín-Hạnh-Nguyện, đầy đủ tư lương để vãng sanh. Đây chính là điều kiện để vãng sanh. Gia đình đã quyết lòng bảo vệ, hộ niệm liên tục trước khi lâm chung, ngay phút lâm chung, và còn hộ niệm liên tục 32 tiếng đồng hồ sau khi bỏ báo thân, thì điều kiện quá tốt, thêm bảo đảm cho Bác siêu sanh, dự phần ở liên trì hải hội. Chính vì vậy mà thoại tướng đã xảy ra bất khả tư nghì: Có hương thơm, có ánh sáng, hoa cúc màu trắng trong bình lại biến thành màu vàng, v.v… Xin thành tâm chúc mừng cho Bác, cho gia đình và thực sự tán thán lòng hiếu thảo cùng công hạnh niệm Phật của chị và gia đình.

 

Phật dạy, thời mạt pháp Tịnh-độ thành tựu. Thời này mà chúng sanh không nương theo pháp môn niệm Phật để đới nghiệp vãng sanh Tây-phương, thì còn có phương tiện nào khác để mơ ngày thoát ly tam giới. Phật nói, ức triệu người tu hành, khó tìm ra một người chứng đắc. Chứng đắc quá khó quá khó! Thật rủi ro thay cho những ai chưa nhận chân cái năng lực vượt ngang tam giới, siêu phàm nhập thánh của pháp niệm Phật!

 

Nói như thế, nhưng người niệm Phật đừng quá ỷ lại. Tâm tự mãn là tâm thất bại! Ngài Tịnh-Không thường cảnh cáo rằng, người niệm Phật đời này có hàng vạn, mà được vãng sanh thì chỉ có một vài người. Tại sao vậy? Vì vọng tưởng, nghiệp chướng, oan gia trái chủ quá nặng. Xin hãy để tâm cẩn thận. Hẳn nhiên, được một vài người vãng sanh trong vạn người tu, thì so ra cũng được an ủi hơn là: Ức ức người tu khó tìm ra một người chứng đắc. Thế nhưng, trong chuyến về VN tháng 5/2006, thực sự tôi vô cùng hoan hỉ, rất sung sướng, vì biết được người Việt Nam mình đã vãng sanh khá nhiều. Từ năm ngoái sau khi chị Bùi Thị Gái vãng sanh ở Sài-gòn vào ngày 10/9/2005 cho đến khi tôi về lại VN tháng 5/2006, thời gian có khoảng 9 tháng thôi, mà tin tức được vãng sanh ở VN đã được ghi nhận lên đến trên 20 người, trong đó nhiều nhất là ở Sài gòn.  Mấy năm trước, mỗi năm đều có tin về sự vãng sanh, nhưng không nhiều như vậy. Riêng Thầy Giác-Chỉ ở chùa Phước Thạnh Q.10 Sài gòn cùng nhóm Phật tử đã hộ niệm thành công đến mười mấy người. Theo như thầy nói, đó là những người Thầy xác quyết được vãng sanh, chứ còn người từ sắc tướng xấu chuyển thành tướng tốt, tươi hồng, mềm mại… chưa tính tới. Thật bất khả tư nghì! Đây là một hiện tượng quá tốt, quá vui, quá mừng… Lòng thành tất linh ứng, một sự linh ứng đầy cảm động cho Phật tử đồng tu chúng ta. Mới vừa rồi tôi liên lạc với Thầy Giác-Chỉ, Thầy cho biết thêm, mới khoảng 3 tháng qua, (tháng 5,6,7/06), lại có thêm bảy người nữa ra đi thoại tướng vô cùng tốt đẹp, vô cùng thù thắng. Như vậy, thời gian chưa đầy một năm qua, mà ở Việt Nam chúng ta đã hộ niệm thành tựu có khoảng trên 30 người, kể luôn cả mẹ chị, người cô thứ tư của tôi.

 

Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là pháp môn cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp. Kỳ tích vãng sanh đã thật sự hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Sự vi diệu tối thắng của pháp niệm Phật thật sự từng ngày từng ngày được chứng minh cụ thể, xác đáng, rõ ràng, chứ không phải là mơ hồ. Có lẽ, nhiều đời kiếp rồi chúng ta trồng được thiện căn lớn lắm nên đời này mới may mắn chứng kiến một sự vi diệu mà nhiều người trên thế gian này có mơ cũng chưa chắc biết qua.

 

Tuy nhiên, tình thực mà nói, sự xiển dương Tịnh-độ thì có nhiều người làm, còn rộng độ người vãng sanh thì vẫn còn quá ít, nhiều chỗ hoàn toàn chưa biết. Đây là điều sơ suất đáng buồn, khiến cho người niệm Phật nhiều mà vãng sanh còn quá ít!… Làm sao để rộng độ chúng sanh? Hộ niệm. Có nhiều nơi vẫn còn lầm lẫn giữa hộ niệm vãng sanh với việc hậu sự, lo đám tang. Hậu sự là chờ chết rồi chạy lo mai táng. Hộ niệm là cứu người sắp bị chết biết đường niệm Phật để vãng sanh Tây-phương. Hai việc hoàn toàn khác nhau. Người niệm Phật và được hộ niệm, thì có thể nói, ai cũng được vãng sanh, (chỉ trừ trường hợp xui xẻo gặp phải chướng nạn bất ngờ phá hoại, đây chẳng qua là điều bất khả khán!) Trong năm qua ở Việt Nam chúng ta có hơn 30 người hiển hiện tướng lành, tất cả đều có sự đóng góp của công đức hộ niệm. 30 người vãng sanh, nghe thì nhiều, nhưng tính ra vẫn còn quá ít so với con số cả ngàn người chết hàng năm. Cho nên, cố gắng tạo đạo tràng niệm Phật, giúp nhóm cộng tu niệm Phật, và hướng dẫn cách hộ niệm vãng sanh. Đây là điều thực tế nhất để cứu người thoát nạn trong thời mạt pháp này.

 

Khuyên người niệm Phật và tận lực hộ niệm lúc lâm chung là xiển dương Tịnh-độ và độ người vãng sanh. Công đức vô lượng. Thân và tâm chúng ta đều hướng về Tịnh-độ thì chắc chắn ta sẽ vãng sanh về Tịnh-độ. Chúc chị và gia đình an vui, tinh tấn niệm Phật . (Hẹn thư sau)

 

Diệu Âm.

(Viết xong, Brisbane ngày 01/08/2006)

 

 

 

 

 

Đã đem tâm này niệm Phật, phàm tất cả việc tạp thiện, tạp ác đều không nên nhớ, hằng ngày làm mọi việc với ý niệm vạn bất đắc dĩ, xong rồi bỏ đi, đừng để dây dưa mà sẽ chướng ngại đến tâm niệm của chúng ta.

( Đại sư Diệu-Không)

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –