Buông Xả Mới Được Vãng Sanh (Khuyên Người Niệm Phật 73)

Share on facebook
Share on twitter

https://www.youtube.com/watch?v=yvAZIbcEvwI&t=1560s

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Buông Xả – Niệm Phật – Vãng Sanh

 

Em Lộc,

 

Tu hành nhằm để “Ly khổ đắc lạc”, nghĩa là thoát khổ được vui. Trên đời này thiên hạ sợ nhất là chết, người niệm Phật coi sự chết sống là chuyện tự nhiên, bình thường như những chuyện bình thường khác. Quyết lòng làm lành lánh dữ, ngày ngày niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Giữ vững niềm tin, phát nguyện vãng sanh tha thiết, chân chánh tu hành. Vậy thì còn điều gì lớn hơn nữa để lo âu phiền muộn?!

 

Anh kính lời thăm tất cả cô bác tại đạo tràng. Anh luôn luôn nhớ đến tất cả đồng tu ở Long Khánh. Mỗi lần về thăm quê, anh đều cảm nhận được lòng quí mến của cô bác, anh xin cảm niệm tấm thịnh tình này. Mong quí Cô Bác cố gắng tinh tấn niệm Phật, sự thành tựu đang chờ mọi người đó.

 

Mới mở đầu thư, em viết như vầy: “… Hôm nay viết thư cho anh mà cũng là lần đầu em sợ nhất…”. Nghe đến tiếng Sợ nhất làm anh giựt mình nên phải đọc thật kỹ để coi thử chuyện gì có vẻ dễ sợ vậy! Nhưng tìm hoài không thấy. Ồ! Thì ra, anh lại hiểu thêm một chút nữa về đạo lý: Vạn pháp duy tâm. “Dễ-sợ” hay “Khó-sợ” đều do tâm của chính mình tạo ra. Một sự việc không có gì quan trọng lắm mà em cho là quan trọng thành ra cuống cuồng lên, trong khi có những việc khá quan trọng hơn, đáng nói hơn, lại không nhắc tới… Tu hành trong tâm phải an, bên ngoài phải xả, gọi là Nội bất động tâm, ngoại bất trước tướng, mới tốt.

 

Lấy thẳng anh ra làm ví dụ. Anh đi khuyên người niệm Phật, có người nghe có người không nghe, có người thuận có người chống. Nhưng nghe hay không, thuận hay chống là do duyên phần của người, có dính líu gì tới anh? Khuyên tu hành là phần của mình, còn thích thú hay chán ghét là phần của người. Thích thú là chuyện của thế gian, chán ghét cũng là chuyện của thế gian. Chuyện của thế gian thì cứ để thế gian lo, cớ chi mình phải xen vào! Hữu duyên thiên lý lai tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng. Hễ có duyên với nhau thì không cầu cũng gặp, có cố tình trốn tránh cũng có ngày tương ngộ. Còn không duyên thì đường ai nấy đi, dù đối diện cũng phải thành xa lạ. Phải tùy duyên em ạ. Vạn sự đều có nhân quả, tất cả đều được an bày theo đúng nhân duyên quả báo. Biết luật nhân quả thì chúng ta cố gắng chăm lo tạo cái nhân tốt, tránh duyên xấu, thì tự nhiên có quả báo tốt, chứ đừng chú tâm chuyển đổi quả báo làm chi cho phí sức, lại vô ích! Em làm việc thiện lành thì tự nhiên sẽ được quả báo thiện lành, không cần phải cầu xin quả báo tốt lành thì sự làm thiện mới thật là thiện. Cầu quả báo tốt là tham, còn tham thì tâm lượng hẹp. Tâm lượng hẹp thì việc thiện lành bị lệch hướng. Chính vì vậy mà quả báo khó được như ý muốn!

 

Tất cả đều do tâm tạo. Quả báo tốt hay xấu đều từ trong tâm hiện ra chứ không phải ở ngoài. Ví như một người làm việc tốt nhưng thường gặp điều chẳng lành, đây chính là vì quả báo xấu từ cái nhân xấu trong quá khứ đang hiện hành. Nếu là người hiểu đạo thì hãy đón nhận với tâm thái an nhiên và tiếp tục làm điều thiện lành. Hiện tại hoàn cảnh dù có xấu nhưng tâm hồn vẫn an lạc thanh tịnh. Chính cái tâm thiện lành sẽ chuyển đổi vận hạn, hoàn cảnh xấu từ từ trở nên tốt đẹp. Ngược lại, có người làm điều xấu nhưng vẫn hưởng được phú quí giàu sang, đây chẳng qua là do cái nhân tích lũy thiện đức, bố thí giúp người trong quá khứ đang kết tựu. Hưởng phước mà tâm thiện lành, biết làm phước, thì phước đức sẽ hưởng vô tận. Hưởng phước mà không biết tu phước, tâm không thiện lành, thì họ đang ra tay tàn phá cái phước đức có sẵn trong mệnh của mình. Một ngày nào đó phước báu sẽ kiệt tận. Trên thế gian này không ít những trường hợp phá sản, chỉ qua một ngày thì phú quí biến thành hạ tiện, giàu sang trở thành bần cùng. Tất cả đều có nhân có quả do chính họ tạo ra cả.

 

Một người thật sự muốn có quả báo tốt thì chính họ phải lo tạo cái nhân tốt, đừng tạo cái nhân xấu. Chúng ta khuyên người niệm Phật thực ra chỉ là đem cái duyên lành đến để cái nhân lành của họ kết tụ thành quả lành mà thôi. Người có sẵn thiện căn thì nhờ duyên này mà được thiện quả, người thiếu thiện căn dù đem cơ hội giải thoát quì xuống dâng lên trước mặt họ cũng không có số phần để nhận lãnh. Người có phước sẽ hưởng được phước, người bạc phước dù phước lộc có chìa tới tay họ cũng ném đi thôi. Cho nên, phước đức phải có duyên phần. Chấp nhận thì hữu duyên, từ chối thì vô duyên. Chúng ta chỉ giúp được người hữu duyên, chứ không giúp được người vô duyên đâu. Nên biết tùy duyên tiêu nghiệp chướng và giúp nhau đới nghiệp vãng sanh, không cần gây thêm nợ mới. Sức của ta chỉ có vậy thôi!

 

Ví dụ cụ thể, em muốn mời cha má vào Long-khánh ở với em để an ổn tu hành. Tâm ý này rất tốt. Tâm em đã chân thành tha thiết muốn phụng dưỡng cha mẹ là em đã có hiếu rồi. Lòng hiếu thảo của các em anh đã thấu rõ hết. Anh rất khen và tán thán ý nguyện của em. Người già cả nên cần có nơi thanh tịnh, thuận tiện để an dưỡng tu hành mới tốt. Chỗ ở an ổn, hoàn cảnh thoải mái, đạo tràng trang nghiêm, đồng tu thường trực, tâm đạo chân thành, hàng xóm không xen vào việc riêng của mình, v.v… thì tâm mới an, hành mới lạc, ngày ra đi dễ hộ niệm, dễ được vãng sanh.

 

Con người ở những ngày cuối của cuộc đời, thường hay gặp những biến cố bất ngờ, cho nên rất cần nhờ đến người biết đạo bên cạnh giúp đỡ, đồng tu tiếp trợ, lực hộ niệm mạnh, cũng dễ dàng hóa giải. Chúng ta đều muốn tạo cơ hội cho cha má hưởng thêm cái phước đức này để an ổn thành đạo, nhưng cha má không muốn đi thì nên tùy thuận theo cha má, đến giờ phút này chúng ta không nên nài ép. Nên nhớ, phước phải có phần, phần của mỗi người tới đâu họ hưởng tới đó. Tuy nhiên, tuổi xế chiều, cha má mình đã quy hướng Phật, đã ngày đêm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thì cũng là nhờ thiện căn phước đức trong nhiều đời tích lũy mới được. Thôi thì, hãy thuận theo người, tùy duyên chớ nên cưỡng cầu nữa.

 

Em nhắc đến chỗ thanh tịnh tu hành làm anh nhớ tới điều này, người muốn được vãng sanh cần phải buông xả thật nhiều. Ở đâu cũng phải buông xả. Môi trường tốt cũng phải buông xả, môi trường xấu càng phải quyết lòng buông xả nhiều hơn. Buông bỏ trụi lũi luôn càng tốt, nhất là người già, sắp chết. Không buông xả không thể thoát nạn. Trước đây ta chưa biết đạo nên mập mờ vô định. Nay đạo lý vãng sanh đã hiển hiện khắp nơi, chân tướng sự thật trong kinh Phật đã hiển bày rõ rệt, thì còn chờ gì nữa mà không chịu giác ngộ sớm để lo tìm phương giải thoát. Phật dạy thời mạt này, chúng sanh phải y cứ vào pháp niệm Phật để thoát luân hồi. Tín-hạnh-nguyện, 10 niệm tất sanh. Đơn giản, dễ dàng, rốt ráo, chắc chắn.

 

Cơ hội thành đạo đang ở trong tầm tay, xin đừng để lỡ. Đừng thấy người khác vãng sanh dễ dàng thì tưởng rằng mình cũng được dễ dàng. Không đâu! Chỉ khi nào thực sự ngự được trên đài sen rồi mới dám an tâm. Bây giờ thân mạng này vẫn còn ở tại cõi ngũ trược ác thế, tâm vẫn còn cảm nhiễm lục trần, cảnh vô thường vẫn còn hiện ra trước mắt, nghiệp chướng vẫn còn nặng nề, oan gia trái chủ vẫn còn tràn trề, v.v… thì tất cả chư vị đồng tu chớ nên khinh lờn. Chưa chắc phước đức của mình đã hơn được ai! Xin mỗi người phải tự giác ngộ lấy, tự lo liệu số phận của mình, cơ hội này quí lắm phải giữ chặt để thoát nạn. Nên nhớ, đọa lạc hay cực lạc đều do mình tự chọn, thăng hay trầm tự mình đi, không ai đi giùm mình đươc.

 

Ở Tây-phương toàn là những bậc Bồ-tát bất-thối chuyển, thần thông, đạo lực, phước báu vô lượng bao trùm pháp giới, ta muốn về đó thì tâm ta phải mở rộng bao trùm hư không pháp giới mới tương ưng được với tâm Phật. Người có tâm lượng lớn như hư không thì ở đâu cũng là nhà, ở đâu cũng an nhiên sống thoải mái. Người còn chấp vào cái nhà, cái làng, miếng đất, còn vướng víu đủ thứ tình cảm… thì còn bị kẹt nhiều lắm. Còn kẹt thì việc vãng sanh chưa dễ lắm đâu. Hãy giác ngộ mà buông xả rốt ráo để được tự tại, an nhiên, tùy duyên, niệm Phật.

 

Trong kinh Phật nói, người thiếu phước đức phải sanh vào những vùng biên địa. Những người cứ bám vào những vùng xa xôi hẻo lánh, cách xa thành phố chỉ vì phước đức chưa được cao. Sống trong môi trường thiếu thốn tiện nghi, hoàn cảnh khó khăn, thì phải chịu nhiều thiệt thòi, đường thoát nạn cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Cha má quyết lòng ở lại quê thì đây cũng do phước phần riêng. Biết có điều khó vậy rồi, thì chúng ta cần nên thường xuyên nhắc nhở người phải cố công niệm Phật, chớ lơ là, đừng xen tạp. Ngày ngày đều phải hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho oan gia trái chủ, hồi hướng Tây-phương và phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh-độ thật mạnh mẽ. Phải nguyện tha thiết, nguyện khẩn cấp, để cảm ứng được lực gia trì của Phật. Phải tập mở rộng tâm lượng thêm ra để tương ứng với tâm Phật Bồ-tát. Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới. Tâm hồn rộng thì phước đức vô biên. Đừng nên khép tâm lại, cứ lần quần trong những chuyện thế tục thường tình mà đường vãng sanh phải chịu nhiều gian truân khổ nạn. Xin sáng suốt giải quyết…

 

Giải quyết bằng cách nào đây? Chấp thì phải bỏ chấp. Một là, hãy buông bỏ liền đi: bất màng thế sự, bất cầu sống lâu, bất tham danh vọng, bất xen thị phi, bất tranh bất cãi, bất động tâm bởi những lời bàn ra tán vào của thiên hạ… người già phải biết buông vạn duyên xuống để mong cuối đời được nhẹ nhàng vãng sanh. Hai là, phải ngày đêm niệm Phật, không thể chần chừ hay lơ là được nữa: phải kêu gọi cô bác tới niệm Phật chung hàng ngày, phải thực lòng thương mến và giúp đỡ đồng tu, phải kết hợp chặt chẽ với người biết đạo, phải tiếp cận với người biết niệm Phật, phải cầu thỉnh nhiều người đến để hộ niệm cho nhau. Phải chân thành làm như vậy, vì đây là lực lượng bảo vệ mình vãng sanh, thoát vòng sanh tử.

 

Nên nhớ cho, chính các vị đồng tu mới là ân nhân cứu độ mình, chứ không phải là tiền bạc, nhơn nghĩa, danh vọng, tiếng khen… Con cái, người thân cũng chưa hẳn là người cứu được mình. Con cái hiểu đạo thì quá tốt, còn không thì dễ trở thành oan gia trái chủ, một mối chướng ngại rất lớn của người muốn thoát nạn. Chính vì thế, người muốn vãng sanh phải lo liệu sớm, một là khuyên giải con cái biết tu hành, biết cách hộ niệm khi mình lâm chung. Hai là, tự mình phải công phu tinh tấn để hóa giải chướng nạn, tự tại vãng sanh. Điều kiện này tất cả mọi người đều nên chú ý. Ba là, nếu con cái quá ngang bướng, không tin, không chịu hỗ trợ, thì nên tìm cách lánh xa trước để khỏi trở ngại chuyện lớn. Hãy tìm nơi an toàn vãng sanh, vãng sanh rồi trở về độ lại chúng nó sau. Có vậy mới mong trọn vẹn cả đạo lẫn đời.

 

Cần chú ý rằng, người niệm Phật mà cuối đời bị thất bại, hầu hết đều do con cái phá hoại. Vì không tin Phật pháp nên chúng chống phá niệm Phật, ngăn cản việc hộ niệm. Vì không thấu hiểu chánh pháp nên chúng thường có những việc làm điên đảo như giết hại sanh vật để cúng tế thần linh cầu tiêu tai giải nạn, bộc lộ những tình cảm yếu mềm như khóc than kêu réo thảm thiết lúc cha mẹ ra đi, không kềm chế nổi những hành động dại khờ như níu kéo dằn xóc thân thể người lúc lâm chung… Người đời không biết, nhưng thực tế đây chính là mối đại họa, đã vô ý đày đọa người thân của mình vào tam ác đạo vạn kiếp mà không ai ngờ tới!

 

Vãng sanh được thì vĩnh viễn an vui cực lạc, một đời thành đạo. Đọa lạc thì đời đời kiếp kiếp thống thiết khổ đau! Vậy thì, phải mạnh dạn buông xả để vãng sanh. Không buông thì khó vô cùng! Người tuổi già hãy mau mau liệng trần lao xuống, đừng chấp cái nhà, đừng tham cái vườn, đừng lưu luyến gì nữa cả. Buông xả là tâm buông xả, chứ không phải là sự việc buông xả. Bên ngoài vẫn sanh sống bình thường, nhưng trong tâm phải biết xem mọi chuyện nhẹ nhàng, bất cần, bất cầu. Ví dụ, một người ở nhà cao hay thấp, lớn hay nhỏ, tốt hay xấu… chẳng thèm để ý đến, chỉ coi đó là chỗ tạm bợ che thân khi còn lưu lại thế gian này mà thôi. Đây là tâm buông xả cái nhà. Buông xả cái nhà thì cái nhà không còn trói buộc nữa. Còn người quá lưu luyến nhà cửa, thì cái nhà sẽ là cái Nghiệp của họ. Có Nghiệp thì có Chướng, chính căn nhà làm chướng ngại đường giải thoát. Chỉ vì chấp mà chịu nạn vạn kiếp khổ đau.

 

Chịu nạn gì? Chúng ta hãy tìm hiểu thử con người bám vào cái nhà bằng cách nào đây? Một người khi chết rồi, thần thức theo nghiệp thọ sanh, trong đó ý nghiệp mạnh nhứt. Người lúc sống, tâm bám vào cái nhà thì lúc chết thần thức cứ quanh quẩn muốn trở lại căn nhà chứ không chịu rời. Nhưng làm sao trở lại? Một là phải làm người trong nhà đó. Muốn vậy, phải đầu thai vào bụng con dâu của mình mới được. Buồn thay! Lúc làm mẹ chồng, lúc làm con của nàng dâu. Chuyện này người đời nói mỉa mai là loài “Lộn kiếp”! Nếu lúc sanh thời mẹ chồng nàng dâu bất hòa, thì khi làm con của nó rồi, nó cũng thường giận tức mình, nó quất mình đến u đầu sưng đít cho đã cái nư, chứ có hay ho gì đâu mà ham trở lại!…

 

Tệ như vậy đó, nhưng vẫn còn đỡ vì ít ra cũng được làm người! Nếu giả như, khi chết mà người trong gia đình: con dâu, con gái, cháu chít… trong 49 ngày không có bầu thì làm sao đầu thai vào đây? Hơn nữa, Phật dạy: Nhơn thân nan đắc. Muốn được làm người để ở lại căn nhà đâu phải dễ! Vì tâm vướng víu căn nhà nên không đầu thai chuyển thế được, thành ra bị lạc vào cảnh giới ma quỉ. Đã thành ma quỉ rồi mà trở về nhà thì làm cho con cháu sợ hãi đến hồn vía lên mây! Về một lần còn tha thứ được, về lần thứ hai thì coi chừng chúng nó mời thầy bùa tới đánh tơi bời, chạy không kịp. Lúc đó có ân hận cũng đã quá muộn màng, đành phải lủi thủi lang thang ngàn năm trong cảnh giới đói rách, lạnh lẽo, thê lương!…

 

Còn một cách khác, có lẽ dễ nhất để được trở lại căn nhà của mình, đó là, đầu thai thành loài súc vật. Trong 49 ngày, không trâu thì bò, không mèo thì chó, không gián thì chuột, v.v… chắc chắn cũng có loài thụ thai. Rơi vào đó rồi có phải là đáng thương hại lắm không! Chỉ vì một ý niệm thiếu sáng suốt mà ngàn đời vạn kiếp sống trong cảnh súc sanh ngu si mê muội. Trong truyện ký Phật giáo có kể lại một câu chuyện rằng, có một vị sư, ngày ngày ưa thích chăm sóc bụi mía trước cửa chùa, khi chết biến thành con sâu nằm trong lóng mía. Một vị sư vì thích bụi mía mà còn biến thành con sâu bám vào đó thay, huống chi người thế tục tham chấp cái nhà! Ở vùng quê, đôi khi có con chó con của nhà ai cứ thích vào nhà mình, gặp ai cũng mừng quấn quýu, đuổi nó không chịu đi. Người nhà thấy dễ thương quá, thôi thì nuôi luôn, một là để giữ nhà, hai là sẵn con gái vừa mới sinh đứa cháu bé, ỉa đái đầy giường, nhờ nó giải quyết giùm luôn, đỡ phần lau dọn!… Chúng ta phàm phu không rõ việc luân hồi, chứ biết chừng đâu, con chó đó trước kia là người thân của mình mà không biết!

 

Trong năm 2004, có một chị ở bên Mỹ qua Úc chơi, đã kể lại một câu chuyện vừa mới xảy ra ở đó như vầy: chị quen với một gia đình nọ có nuôi một con chó rất dễ thương, họ cũng rất thương con chó và chăm sóc nó rất kỹ. Năm đó cả nhà muốn du lịch thế giới, họ muốn đem con chó theo nhưng phí tổn phải trả trên 10 ngàn Mỹ kim, quá cao, trả không nổi! Định gởi người quen nuôi thì sợ họ không chăm sóc tốt mà tội nghiệp cho con chó. Bàn qua tính lại, bỏ thì thương, vướng thì tốn. Thôi thì, gia đình “đành phải gạt lệ(!)” bắt con chó suốt đời trung thành với mình ra làm thịt để cả nhà nhậu một bữa no say rồi mới an lòng đi chơi!…

 

Cảnh đời nhiều nỗi thật quá trớ trêu! Ngài Tịnh-Không có lần nói rằng, lắm lúc vì thương nhau, thích nhau mà hại nhau. Trẻ em thích chuồn chuồn nên mới bắt chuồn chuồn ngắt cánh để chúng khỏi bay, thích dế nên bắt dế ngắt đầu ghim lên chiếc tăm để ngắm. Con người có lý trí hơn con vật, thì phải sáng suốt. Thương con thương cháu, thì nên khuyên con cháu tu hành, dạy chúng làm lành làm thiện. Riêng mình hãy cố gắng niệm Phật, quyết lòng cầu vãng sanh thành đạo để đủ khả năng cứu độ đám con cháu mê mờ, ngu muội. Tuyệt đối đừng vì tình cảm sai lầm, sơ ý lạc vào loài súc sanh, dù có dịp tìm về gặp lại con cháu thì đời đời vẫn phải sống trong kiếp súc sanh, và sau cùng bị chính con cháu kéo đầu mình ra thọc huyết làm tiết canh, nhậu say sưa túy lúy đó!… Vì quá thương mà hại mình hại con là vậy!

 

Phật dạy, ngu si là đường súc sanh. Tâm không chịu lo niệm Phật cầu vãng sanh cứ tham chấp vào thế tục tầm thường cho là vui, không biết đâu là đường giải thoát cứ chạy theo đường đọa lạc cho là sướng, không chịu nhận Tây-phương cảnh Phật làm quê hương lại cứ bám vào trần gian khổ lụy này cho là quê cha đất tổ… Nói chung, người mù mờ đường giải thoát, cứ mãi chạy theo ngã luân hồi thì thiếu Trí-huệ lắm vậy! Chữ Si trong nhà Phật rất dồi dào dạng thức. Người hiểu đạo phải biết sợ cái độc tố này mà buông nó xuống, phải xả tham chấp ra, mới hy vọng thoát nạn. Tham luyến tiền bạc kẹt vào tiền bạc, tham luyến kho tàng kẹt vào kho tàng, tham luyến ruộng vườn kẹt vào ruộng vườn, tham luyến làng mạc kẹt vào làng mạc… Chấp đâu kẹt đó. Kẹt tức là đọa lạc. Biết vậy rồi thì hãy xả ngay đi chứ.

 

Thân đang ở tạm nơi trần thế,

Tâm hướng Tây-phương quyết chí về, (Thơ Ngọc Đài).

 

Tất cả chỉ là tạm bợ, người lữ khách mượn nó ở tạm vài hôm rồi đi, dại gì chấp chặt vào đây mà chịu khổ… Hướng về Tây-phương cảnh Phật mới thật sự là bậc Thánh-nhân vậy.

 

Giác ngộ sớm, buông xả sớm, thành đạo sớm. Căn nhà chỉ là phương tiện để ở, người hiểu đạo thì ở đâu cũng là nhà, khi đi cứ việc liệng bỏ mà đi. Còn người sống lên vì cái nhà, thì cái nhà trở thành cục nợ, nhất định nó báo hại mình khổ đến rơi nước mắt, khổ đến quằn quại khóc than, nhưng nó vẫn không tha thứ! Cũng như, ngôi chùa là chỗ để tu hành, chứ không phải tu hành là vì ngôi chùa. Người tu vì nhắm đến ngôi chùa thì ngôi chùa sẽ là một thứ chướng ngại, nó sẽ lôi mình lại trong lục đạo luân hồi, không thể giải thoát! Ngài Tịnh-Không nói, tu không phải là bỏ cái nhà lập cái chùa, vì cái chùa cũng là hình thức một cái nhà. Không biết tu mà đi lập lên cái chùa, thì cái Nhà Chùa còn nặng nợ hơn cái nhà riêng vậy. Cổ đức nói, “Hữu tràng vô đạo, bất khả hưng giáo”. Có chùa mà không tu, hay không theo đúng chánh pháp, thì phá đạo chứ không phải phát triển đạo! Xin nhớ điều này.

 

Những người nhiều phước báu, sự nghiệp lớn, gia sản khắp nơi… cũng cần phải sớm thông hiểu đạo lý này, phải mau mau biết tu hành, làm phước làm thiện, tích lũy công đức, thì phước báu này sẽ hỗ trợ đắc lực cho mình an vui giải thoát. Còn cứ tham luyến vào đó, thì coi chừng, sau cùng cũng lâm cảnh đáng thương như loài dơi, may mắn lắm cũng chỉ chui nấp vào một lỗ nhỏ ở mái hiên, đêm đêm sương lạnh cắt da, vẫn phải bay qua bay lại suốt đêm để liếc nhìn lấy sản nghiệp của mình. Chỉ được thế mà thôi, chứ có cách nào khác hơn?!

 

Câu hỏi khác: Có người biết niệm Phật, vẫn cầu vãng sanh, khi chết hộ niệm cũng được, nhưng lúc di quan thì muốn phải mời 5, 6 chùa tới đưa đám. Có nên làm theo không?

 

Trả lời: Nên làm. Chuyện này tốt, người chết có nhiều chư Tăng, Ni, Phật tử tới tụng kinh cầu siêu, đưa đám rất tốt. Người nghiệp chướng nặng, lúc chết phải thọ những quả báo xấu ác, nhờ gia đình thành tâm tụng kinh cầu siêu, nhờ thêm chư Tăng, Ni hỗ trợ có thể giúp họ thoát được các đường hiểm ác, sanh vào các thiện đạo, hoặc ít ra cũng làm nhẹ phần nào tội chướng. Không những mời chư Tăng, Ni các chùa đưa linh cữu, mà trong 7 thất 49 ngày nên làm siêu độ ở các chùa cũng rất tốt. Phận làm con cái nên cẩn thận tối đa, hết lòng cầu nguyện chư Phật Bồ-tát, chư Long-Thiên Hộ-pháp gia trì. Lòng thành tất linh ứng.

 

Tuy nhiên, người muốn được vãng sanh thì trong suốt thời gian, ít ra phải 8 giờ sau khi tắt thở chỉ có niệm Phật hộ niệm, khai thị, chứ không nên xen kẽ tụng kinh, cầu siêu, coi ngày coi giờ gì cả. Mọi việc phải đợi sau khi hộ niệm xong mới làm. Không những thế, còn nên tăng thêm giờ hộ niệm lên 12 giờ, 16 giờ, 24 giờ càng tốt. Phải chí thành chí thiết hộ niệm cho người được vãng sanh. Phải tin rằng công đức câu Phật hiệu bất khả tư nghị.

 

Cầu siêu, nếu được nhiều người tham gia càng có nhiều công đức, dù cho, đôi khi người tham gia không thành tâm lắm, nhưng không nhiều thì ít vẫn có sự hỗ trợ, chứ không có trở ngại. Ví dụ, người không có lòng thành với Phật pháp nhưng họ cũng có lòng thành thương tưởng người quá cố, họ vẫn thận trọng lễ lạy, nghiêm cẩn cầu nguyện. Công đức ít nhiều chắc có khác, nhưng vẫn có lợi, vô hại. Mình nương theo chùa chiền là nương theo Phật, nương nhờ lực tụng niệm của đại chúng để có thêm công đức hồi hướng cho hương linh, chứ không phải chạy theo những người làm sai. Ai sai mặc họ, mình tới chùa lạy Phật, niệm Phật, một lòng y theo giáo giới của Phật tu hành, chứ không phải y theo cá nhân người sai trái. Phật dạy: Y pháp bất y nhân. Luôn luôn y theo pháp Phật tu hành, thì chùa nào lại không tốt. Nhất định phải nhớ, không thể vì một cá nhân làm sai mà mình đành bỏ chuyện tu hành để chịu đọa lạc.

 

Hơn nữa, cầu siêu cũng là cách kết duyên Phật pháp, cho cả người chết lẫn người sống.  Người chết thì mong cho hương linh tốc xả mê đồ trưởng thừa Phật lực. Người sống thì niệm một câu A-di-đà Phật, nghe một tiếng Phật hiệu, một cái liếc nhìn tượng Phật, lạy Phật một lạy… thì chủng tử Phật đã cấy vào tâm thức của họ rồi. Dù đời này chưa tu được, nhưng may ra một kiếp nào đó trong tương lai nhờ chủng tử này hiện hành mà họ được giác ngộ!

 

Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là pháp môn đặc biệt có khả năng đưa một chúng sanh phàm phu nghiệp chướng sâu nặng vượt qua tam giới, đi thẳng về cõi Tây-phương Cực-lạc thành bậc Bất-thối Bồ-tát. Đây là điều bất khả tư nghị của pháp niệm Phật. Chỉ cần trì giữ câu Phật hiệu niệm tới cùng, một lòng tin tưởng vững mạnh, tha thiết nguyện cầu hết báo thân này được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì nghiệp chướng tiêu trừ, trí huệ phát sanh, cuối đời được vãng sanh, viên mãn thành tựu đạo giải thoát. Điều này chắc em đã biết rõ rồi, chính em đã tận mắt chứng kiến người vãng sanh rồi, thì tuyệt đối không còn hồ nghi nữa.

 

Thế nhưng, thế gian này có mấy ai chịu tin. Vì lòng tin không vững, vì lý đạo chưa thông, vì tập quán mê mờ đã ăn sâu vào tiềm thức, thành ra nhiều người niệm Phật vẫn còn lo sợ đủ điều. Lo sợ nghiệp chướng sâu nặng, lo sợ không được vãng sanh, lo sợ không được Phật tiếp độ… Đâu ngờ, tiêu chuẩn vãng sanh vốn đã có thừa, nhưng chính vì sự hồ nghi này làm cho mất phần giải thoát. Vô lượng kiếp qua trầm mình trong bể khổ, mong cho được cơ hội thoát nạn, nay cơ may đã tới, đáng lý được toại nguyện, nhưng chỉ vì một chút nghi ngờ này thôi mà đành chịu hụp lặn trong bể khổ luân hồi thêm vô lượng kiếp nữa. Thật quá đáng tiếc!

 

Trong pháp niệm Phật có ba điều cấm kỵ, đó là: hồ nghi, xen tạp, gián đoạn. Hồ nghi là không tin tưởng, không tin tưởng nên niệm Phật mà còn xin đầu này vay đầu nọ, tục ngữ thế gian gọi là bắt cá hai tay, tưởng rằng chắc ăn, đâu ngờ trụi lũi! Tâm xen tạp thì niệm Phật bị gián đoạn. Ba điều này liên hợp với nhau, tuy ba mà một, tuy một mà ba. Nhiều người thường lo sợ rằng vì bận công chuyện làm ăn không thể niệm Phật liên tục? Không phải vậy đâu. Gián đoạn, hiểu cho cùng lý, chính là Tâm xen tạp chứ không phải là việc làm. Người bận công việc làm ăn, họ vẫn làm việc, nhưng làm xong thì niệm Phật, ngày ngày chỉ niệm Phật, không tu tạp nhạp, thì vẫn gọi là không gián đoạn, chỉ có công phu không cao mà thôi. Tâm xen tạp chính là tâm Bất-định, mất Chánh-định. Lòng tin không vững, nên ý chí chao đảo, không có hướng đi rõ rệt, ý nguyện giải thoát mù mờ, thành ra gặp đâu tu đó, nay tu cách này mai tu cách kia, cầu phước, cầu lộc, cầu thọ, cầu danh, cầu tài, v.v… để ngừa khi lỡ mình không được vãng sanh thì ít ra cũng khỏi bị thua thiệt với người. Đây là dạng người thiếu thiện căn, bạc phước lắm vậy!

 

Trở lại chuyện bà cụ niệm Phật mà còn lo sợ khi chết không có Tăng Ni đưa đám. Đây chỉ vì niềm tin vào câu Phật hiệu chưa vững, đạo lý vãng sanh chưa thông. Hàng ngày có niệm Phật, nhưng trong tâm cứ mãi nghĩ đến lúc chết với cảnh quan tài đi trước, linh hồn lẽo đẽo theo sau hướng về phần mộ. Trong cảnh chia ly buồn bã ấy, nếu được Tăng Ni đưa tiễn thì đỡ tủi thân! Cái quan niệm: Sống làm người chết làm ma đã ăn sâu vào tâm khảm của người thế gian. Vì vậy, dặn dò phải có Tăng Ni đưa đám chẳng qua là bình phong che dấu cái ý nghĩ thành ma sau khi chết. Đám ma cần phải có trống kèn, cờ xí, con cháu khóc lóc thảm thương, có “Chấp-Kích” đưa đường, có ông Địa dẫn lối, v.v… để đường về địa ngục khỏi bị lạc!

 

Người đã niệm Phật cầu vãng sanh, sao lại còn muốn làm ma đi theo quan tài xuống nằm dưới huyệt mộ làm chi vậy? Hai đường ngược chiều nhau, một đường đi lên, một đường chui xuống. Đường nào phải chọn một đường, chắc chắn không thể một lúc đi hai đường được. Tin không sâu, nguyện không thiết, dù có niệm Phật cũng vẫn bị lạc đường là vì vậy.

 

Vãng sanh là đi về Tây-phương cảnh Phật, thần thông đạo lực nhiệm mầu, có năng lực của một vị đại Bồ-tát, hưởng an vui cực lạc chờ ngày thành Phật. Đi làm ma trong nghĩa địa thì đời đời đói khát thê lương, cơ hàn, thống khổ. Cảnh nào tốt hơn? Nhất thiết duy tâm tạo. Phật dạy, tất cả đều do mình chọn lựa. Niệm Phật phải quyết cầu vãng sanh, tranh thủ từng phút để niệm Phật, thì chắc chắn được vãng sanh. Thế thì, còn lưu luyến làm chi cái thân xác sắp rã thối, còn ham làm chi cái mô đất trong nghĩa địa hoang vu?! Những tập tục của thế gian là dành cho người chết, còn ta đi vãng sanh về với Phật có dính líu gì tới chết đâu. Cho nên, phải tin sâu, nguyện thiết, dốc lòng niệm Phật. Tâm chân thành, thanh tịnh, giác ngộ, thì 10 niệm tất sanh. Chứ đừng nên ngoài miệng thì niệm A-di-đà Phật, còn trong tâm thì nghĩ đến làm ma. Thành ma thì làm sao thành được Bồ-tát ở cõi Tây-phương?!

 

Người niệm Phật phải luôn luôn tự phản tỉnh lấy mình, đừng sơ ý đi lạc đường nữa. Sai một ly đi ngàn dặm! Nhiều người niệm Phật kết cuộc không được vãng sanh, chính vì tâm còn xen tạp, tâm bất định, tự mình làm mất phần vãng sanh mà còn ảnh hưởng tệ hại đến người khác. Chúng sanh trong thời này mê mờ thì nhiều, sáng suốt thì ít. Vì thiếu thiện căn nên nhiều người không vững niềm tin, đôi lúc cũng muốn niệm Phật nhưng ngại ngùng do dự, cứ đứng sớ rớ xem chừng, chờ coi người khác niệm Phật có kết quả tốt không, có ai được vãng sanh không, rồi mình thủng thẳng tính sau!… Thật là bất phước! Tâm hồ nghi thì cảnh hồ nghi, người bạc phước gặp toàn kẻ phước bạc! Nghiệp chướng chập chùng, oan gia trái chủ trùng điệp, dễ gì chúng chịu tha cho mình một con đường sáng để giác ngộ!

 

Vậy thì, người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ phải lo quyết chí vãng sanh. Hãy dặn dò con cháu lo chu toàn việc hộ niệm. Dặn chúng nó rằng, một khi bác sĩ đã bó tay thì dứt khoát phải sớm xuất viện đưa ta về nhà để lo hộ niệm, chứ đừng chần chừ mà ta bị nạn liệng vào nhà xác một cách phũ phàng. Dặn dò đừng khóc than, đừng buồn phiền, đừng ôm ấp lay động xác thân trong suốt thời gian ít nhất là 8 tiếng đồng hồ để hộ niệm, rồi sau đó muốn coi ngày coi giờ, bói toán gì đó… tùy ý. Có như vậy thì việc vãng sanh của ta mới chắc chắn, số phần của ta mới đại phước, đại lành. Thế mới biết, còn nhiều điều rất quan trọng cần phải dặn dò mà không chịu dặn, lại nhắc nhở làm chi đến cái quan tài chứa cái xác chết sắp thối rã dưới mồ hoang. Tập tục thế gian thường hay bói toán, chọn ngày giờ tốt để nhập quan, chôn cất. Đây chẳng qua là tìm chút phước báu. Có phước nào lớn hơn cái phước được vãng sanh thành Phật? Một vị đại Bồ-tát ở cõi Tây-phương chẳng lẽ còn cần đến chúng phàm dân cầu phước cho sao? Khi vãng sanh rồi thân tướng của ta là kim cang bất hoại, màu sắc óng ánh như vàng nấu chảy, trang nghiêm tốt đẹp như Phật, chứ đâu phải rã rời thối nát như cái xác chết đó đâu. Cho nên, hiểu đạo rồi, người niệm Phật đừng chấp chi những thứ vô thường huyễn hóa nữa, cứ để mặc cho con cháu nó lo. Lo tươm tất thì chúng có hiếu, được phước, làm lượm thượm thì cũng đâu can hệ gì đến một vị Bồ-tát ở cõi Tây-phương. Hãy thành đạo trước về cứu độ chúng sau. Phải quyết lòng buông xả, quyết một đường đi, quyết một hướng cầu vãng sanh Cực-lạc. Đừng sơ ý, lỡ kẹt rồi thì đành phải ôm lấy nắm xương tàn ngàn năm khổ lụy!

 

Câu hỏi khác: Đi hộ niệm, tụng kinh Địa-Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện có sai không?

 

Trả lời: Không sai gì cả. Tụng kinh Địa Tạng giải nghiệp rất tốt, nhưng chỉ nên tụng trong lúc còn tỉnh táo, chứ không nên tụng lúc lâm chung, và chỉ tụng một vài lần là đủ rồi. Còn hầu hết thời gian thì chú tâm vào câu A-di-đà Phật để cứu người vãng sanh. Như vậy, khi đi hộ niệm mà bệnh nhân tha thiết được nghe kinh Địa-Tạng, em đã mời Tăng Ni về tụng một biến. Giải quyết như vậy là rất hay, hợp tình, hợp lý, không có điều gì sai trái. Hơn nữa, khi hộ niệm, chúng ta không được cưỡng bức hay làm điều gì trái ý người bệnh. Hãy cố gắng giải quyết những khó khăn của bệnh nhân trước, những mối âu lo trong lòng được giải tỏa, thì họ mới vui vẻ an tâm niệm Phật cầu vãng sanh.

 

Tụng kinh, niệm chú, tụng sám, niệm Phật… tất cả đều có công đức. Đem công đức hồi hướng cho bệnh nhân đều được lợi lạc, chứ không thể nói tụng kinh Phật là sai được. Kinh Phật là lời Phật dạy, từ kim khẩu của Phật nói ra, mục đích chính là phá mê khai ngộ, cứu độ chúng sanh thoát khỏi mê đồ, trở về bến giác. Phật thuyết nhiều kinh điển là vì ứng biến theo căn cơ chúng sanh. Căn cơ chúng sanh bất đồng, nghiệp chướng nặng nhẹ cũng bất đồng, nên Phật phải thuyết nhiều kinh khác nhau để đối trị nhiều trường hợp khác nhau. Nghĩa là, tùy cơ ứng thuyết, tùy bệnh cho thuốc.

 

Tùy cơ ứng thuyết, thì kinh điển, pháp môn đều là phương tiện để dìu dắt chúng sanh. Tìm đúng pháp môn thích ứng với căn cơ để thực hành, thì thành tựu dễ dàng. Còn tu trì những pháp không hợp với căn cơ thì rất khó thành tựu. Tùy bệnh cho thuốc, nghĩa là chúng sanh có bệnh, Phật cho thuốc trị riêng. Kinh Phật ví như vị thuốc, nghiệp chướng của chúng sanh ví như chứng bệnh. Bệnh gặp đúng thuốc dù bệnh nặng cũng sẽ nhanh lành. Còn dùng không đúng thuốc, thì bệnh cứ dây dưa, đôi khi trở thành vô ích.

 

Trong kinh Đại-Tập Phật nói rằng, thời mạt pháp chỉ còn câu A-di-đà Phật mới cứu chúng sanh vượt thoát sanh tử luân hồi. Trong kinh A-di-đà, kinh Vô-lượng-thọ, kinh Quán-vô-lượng-thọ, Phật dạy phải chuyên lòng niệm Phật mới được thành tựu. Chư Cổ đức cũng nói, thời mạt pháp nghiệp chướng chúng sanh sâu nặng, những pháp môn bình thường không thể giải nổi, tất cả kinh sám không gì qua được câu A-di-đà Phật. Thuốc cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp chính là niệm A-di-đà Phật. Một lòng niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh-độ là pháp tu thẳng tắc tới quả vị Phật, khỏi tốn ba đại A-tăng-kỳ kiếp, vô lượng kiếp tu hành.

 

Tụng kinh Địa-tạng Bồ-tát là để giải nghiệp, làm cho nghiệp nhẹ đi. Một người bị nghiệp nặng phải bị đọa địa ngục, thành tâm trì tụng kinh Địa-tạng có thể vượt thoát ách nạn địa ngục, sanh vào ba đường thiện trong lục đạo, nghĩa là vẫn còn sanh tử luân hồi, chứ không phải vượt qua được tam giới.

 

Có nhiều người cho rằng tụng kinh Địa-tạng, tụng chú Đại-bi, tụng kinh Phổ-môn, tụng kinh Từ-bi Thủy-sám… thì giải nghiệp, giải được nghiệp chướng thì được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Không phải vậy đâu. Giải nghiệp thì tốt, nhưng cứ lo giải nghiệp để mong thoát vòng sanh tử thì phải trải qua vô lượng kiếp tu hành, còn về Tây-phương Cực-lạc để một đời bất thối thành Phật là do Tín-Nguyện-Trì danh, mười niệm tất sanh, ai cũng có thể thực hiện được trong đời này. Đây là lời thệ độ sanh của đức A-di-đà Phật. Xin đồng tu xem lại kinh điển thật kỹ sẽ rõ ràng chuyện này.

 

Trong Quán kinh, Phật có đưa ra ba điều tu phúc, là chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời mười phương chư Phật tu hành. Thứ nhất là phước Nhân-Thiên, thứ hai là phước Nhị-thừa A-la-hán, thứ ba là phước Đại-thừa Bồ-tát. Tu phước Nhân-Thiên là: hiếu dưỡng cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, từ tâm không sát sanh, làm 10 điều thiện. Thực hành được 4 tiêu chuẩn này sẽ không bị đọa xuống ba đường ác, khi chết được sanh trở lại làm người, hoặc lên trời hưởng phước. Trì tụng kinh Địa-tạng được thoát ba đường ác, sanh lại làm người, làm trời, thì đây chính là tu phước báu Nhân-Thiên, đặc biệt nhất là Hiếu dưỡng phụ mẫu, chứ không có gì xa lạ! Cũng nên nhớ, trì tụng không có nghĩa là cứ tụng kinh khơi khơi là được, mà chính là, phải thực hành, phải tu tập theo đúng tôn chỉ trong kinh mới được quả báo làm người làm trời.

 

Tình thực mà nói, thời mạt pháp này, hầu hết các pháp tu đều rơi vào cách tu phước báu Nhân-Thiên, một mức tu thấp nhất trong kinh Quán-vô-lượng-thọ của Tịnh-độ tông mà thôi. Vì sao vậy? Vì không thể thoát ly tam giới lục đạo. Không thoát được tam giới thì dù lý luận có hay cho mấy, triết lý có cao diệu tới mây xanh thì kết quả cũng chỉ lần quần trong tam giới lục đạo để chịu sanh tử luân hồi. Trong khi đó người niệm Phật, chỉ cần trì giữ câu A-di-đà Phật mà an nhiên vãng sanh, vượt qua lục đạo, thành vị đại Bồ-tát ở cõi Tây-phương.

 

Chính vì thế, pháp niệm Phật không còn đối đãi trong tiểu-thừa, đại-thừa, mà là Nhất-thừa Thật-tướng, một đời thành Phật. Thành Phật ngay từ danh hiệu A-di-đà Phật vậy.

 

A-di-đà Phật,

Anh Năm. (Viết xong, Brisbane ngày 16/09/2006).

 

 

Phật bảo chúng ta vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, thì ta cầu sanh Tịnh-độ. Phật bảo chúng ta hãy liễu sanh tử, thoát luân hồi, thì chúng ta tuyệt đối không còn luyến tiếc những gì của lục đạo nữa.

( Pháp sư Tịnh-Không)

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –