64. Khuyên Người Niệm Phật: Những Khai Thị Quan Trọng Về “Hộ Niệm”

Share on facebook
Share on twitter

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Những Khai Thị Quan Trọng Về “Hộ Niệm”

(Ghi chú: Những tài liệu này phát xuất từ chính bản bằng chữ Hán, hầu hết đều được đạo hữu Diệu Hà phiên dịch và gởi tặng. Thành tâm cảm niệm công đức)

 

 

(I)

Ý nghĩa và quy tắc trợ niệm.

(Do giáo sư Lý Bỉnh Nam giảng

tại liên xã Đài Trung)

 

Trợ niệm là trợ giúp cho người đó vãng sanh. Người trợ niệm cần phải biết rõ đạo lý, phương pháp vãng sanh thì người đó mới có thể lợi lạc.

 

Con người lúc lâm chung, thần thức của họ đều không giống nhau. Những hành vi, việc làm hằng ngày, mọi thứ hình ảnh đó giờ đây sẽ hiện hành, dẫn dắt bổn tánh của ta hướng ra ngoài, lúc đó nghiệp lực của chúng ta sẽ hoàn toàn làm chủ, lực lượng nào lớn nhất sẽ dẫn đầu. Nếu nghiệp ác nhiều, lực lượng của chủng tử ác sẽ lớn nhất, một khi chúng vừa xông ra liền đưa ta xuống tam ác đạo. Ngược lại, nghiệp thiện nhiều, chủng tử thiện sẽ dẫn ta lên hai cõi trời và người.

 

Hàng ngày có công phu niệm Phật tức có chủng tử Phật. Lực lượng của chủng tử Phật lớn thì sẽ xuất hiện trước, ta liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây-phương. Nếu lực lượng này nhỏ yếu không xuất hiện nổi, nhờ có người khác ở bên cạnh giúp trợ niệm thì chủng tử này sẽ dễ dàng xuất hiện. Cho nên, trong lúc bình thường có tu trì, thì lâm chung chủng tử Phật sẽ xuất hiện ra trước, việc vãng sanh chắc chắn có hy vọng. Trợ niệm chính là giúp cho họ khơi dậy câu Phật hiệu. Người Phật tử, bất luận trong lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, khi lâm chung muốn chủng tử Phật xuất hiện, thì duy nhất chỉ có bốn chữ A-di-đà Phật mới hữu dụng.

 

Câu nói này vô cùng quan trọng, mọi người cần phải luôn luôn ghi nhớ một cách sâu sắc.

 

Khi trợ niệm phải tuân thủ theo qui tắc. Người trong nhà bệnh nhân không được quấy nhiễu, hoặc tự đưa ra ý kiến. Người đã chết rồi, đừng nên làm điều gì cho rộn ràng. Lúc ban hộ niệm đến nhà có thể chuẩn bị trà nước, ngoài ra không phải chuẩn bị gì hết.

 

Người trợ niệm cần phải lưu ý hai điểm:

 

  • Tự mình đem cơm theo, đừng làm phiền tang chủ. Có thể uống trà, nước của họ.
  • Chớ bao giờ nhận tiền (lì xì). Điểm này tuyệt đối không được phá lệ.

Một khi phá lệ, nếu không có nhận được tiền lì xì, thì tâm sẽ không tập trung, không thành tâm để niệm, lúc đó việc trợ niệm sẽ biến thành việc mua bán. Đây là điều phá hoại Phật pháp! Ngay đến việc nhận quà cũng không được. Người tại gia đi trợ niệm, lấy tiền tức là tạo tội và nghiệp. Lấy tiền của người khác thì ban trợ niệm này coi như hỏng hết! Mọi người phải học theo Ấn Tổ, nếu không sẽ là kẻ phản đồ. Không tuân thủ theo qui tắc là lừa Thầy diệt Tổ vậy!

Phàm là liên hữu gia nhập vào ban niệm Phật đều phải có danh sách. Quyến thuộc của ban viên tin tưởng Phật pháp, khi hữu sự chúng ta phải đi trợ niệm. Nếu không tin Phật pháp thì không cần phải nói nữa. Đây là phạm vi của việc trợ niệm.

 

Khi đi trợ niệm, những thứ cần chuẩn bị như sau:

 

Một bức tượng Phật lớn cỡ một thước, một lư hương, một cái khánh, một cặp đèn cầy, nhang (không cho gián đoạn), một ly hoặc chén đựng nước. Chúng ta phải mang theo những thứ này, bất luận trong nhà của tang chủ có hay không.

 

Tượng Phật đặt ở vị trí sao cho bệnh nhân có thể nhìn thấy, (đây là nguyên tắc). Không nhất định phải đính vào tường hoặc treo, vẫn có thể đặt trên bàn. Cũng không nhất định phải phân biệt hướng đông, tây, nam, bắc vì nhà của mỗi người khác nhau. Vả lại mười phương tự nó vốn không phân biệt đông, tây, nam, bắc. Nơi nào có hình Phật nơi đó là hướng tây.

 

Sáu chữ, bốn chữ phải theo qui tắc mà niệm. Trước tiên niệm “Nam Mô Tây-phương Cực-lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật”, sau đó từ sáu chữ chuyển thành bốn chữ, dùng hai chiếc khánh phối hợp với nhau đánh.

 

Nhang đèn của mình mang theo khi dùng hết, có thể dùng của tang chủ. Nếu họ không có, không thắp cũng được.

 

Sau khi bước vào nhà, vị trưởng ban hộ niệm an trí hình Phật trước, sau đó thắp đèn và nhang. Sắp xếp xong chỗ ngồi và đứng cho ban viên, thì bắt đầu niệm. Việc sắp xếp vị trí ngồi, đứng rất quan trọng, vì ổn định vị trí khiến cho người bệnh được an tâm, không phải cứ mãi hướng theo chúng ta mà nhìn đông ngó tây.

 

Trường hợp người bệnh chưa tới lúc nguy cấp, có thể khởi đầu bằng câu “Nam Mô Tây-phương Cực-lạc thế giới đại từ đại bi A-di-đà Phật”. Nếu lúc nguy cấp thì bắt đầu ngay từ sáu chữ. Trường hợp thấy nguy cấp hơn nữa thì trực tiếp niệm bốn chữ là được. Một câu A-di-đà Phật bao gồm đủ cả ba thừa. Điều quan trọng là ở chỗ khởi dậy được câu danh hiệu Phật ở nơi người bệnh, công đức ấy thực vô lượng.

 

 Người trợ niệm cần phải lưu ý, trước khi vô nhà phải tìm chủ nhà trước, gặp được chủ nhà rồi mới vào để tránh việc nghi ngờ khi họ bị mất đồ. Chủ nhà hướng dẫn chúng ta đi đâu thì chúng ta đi đó.

 

Lúc không trợ niệm thì ngồi một chỗ nghỉ ngơi, không làm việc gì cả. Khi hộ niệm thì dốc hết tâm vào câu Phật hiệu. Trong lúc hộ niệm, người không phận sự không được vào làm nhiễu loạn, có thể đứng ở xa nhìn, không được nói rằng phải vào thăm bệnh, rồi nói những chuyện hoặc có những cử chỉ tình cảm. Phải biết rằng, một khi người bệnh động lòng là hỏng hết mọi việc!

 

Phải tôn trọng qui tắc của ban hộ niệm. Mỗi khi đang trợ niệm tuyệt đối không cho bất cứ một ai vào thăm bịnh, nói lời nhảm khiến cho họ động tâm làm mất chánh niệm, đồng thời cũng tránh cho bịnh nhân nghe những âm thanh khác, càng không được cho người bệnh nghe tiếng than khóc. Những việc làm này có thể khiến cho người khác hiểu lầm, nghĩ rằng quá nhiều điều cấm kỵ. Do đó, người hộ niệm cần phải kiên nhẫn chấp nhận những hiểu lầm này.

 

Người bệnh trước lúc lâm chung nếu muốn ăn hoặc uống nước, thì có thể cho họ ăn uống, nhưng không được nói chuyện với họ. Người trợ niệm vừa mang thức ăn, thức uống đến cho người bệnh vừa niệm Phật. Nếu người hộ niệm mà nói chuyện, khiến trong tâm của bệnh nhân xen vào những âm thanh khác sẽ không nhất tâm được.

 

Mọi người trong lúc bình thường công phu đều mong cầu được nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung cần phải nhất tâm bất loạn hơn. Người trợ niệm không được ho, ách-xì hoặc phát ra những âm thanh khác khiến cho người bệnh nghe được, đều không tốt. Muốn như vậy, trong lúc bình thường phải luyện tâm. Luyện tâm để không có tạp âm xen vào. Nếu không, người bệnh đang giữ chánh niệm để niệm Phật, bất thần bị một tiếng ách-xì bị giựt mình, để rồi hồn vía không biết sẽ bay đến tận nơi nào?!

 

Trong lúc đang sắp tắt thở, giây phút này tối quan trọng, là giai đoạn khẩn cấp nhất. Người nhà lúc này thường nghĩ rằng phải tập trung ở trước mặt bệnh nhân, trường hợp này ban hộ niệm phải ngăn cấm, đừng cho họ khóc, đừng để họ kêu: “Ba ơi! Má ơi!” ầm ĩ lên. Hãy khuyên họ phải nhất mực niệm Phật, đừng vì tình cảm mà làm hư hỏng hết mọi sự.

 

Sau khi tắt thở, nhưng linh hồn vẫn chưa đi, vì nghiệp lực của tâm thức vẫn còn ở trong thân xác chưa ra khỏi được. Những người có công phu tốt hoặc nghiệp tội nặng, chỉ trong khoảnh khắc là ra đi liền. Đối với người bình thường, tâm thức ra không nổi, cho nên rất khó khăn và đau đớn như rùa sống bị lột cái mai vậy.  Cho nên phải niệm Phật 24 giờ không gián đoạn mới mong bảo toàn hiểm nguy. Đối với người thời xưa họ rất xem trọng điểm này.

 

Khổng Tử nói, sau ba ngày mới được đại liệm (chôn cất), vì sau ba ngày linh hồn mới đi khỏi. Các bậc Thánh nhân đều hiểu được điều này. Người bình thường đối với việc sanh tử đại sự đa số đều không rõ.

 

Vị trưởng ban hộ niệm phải dặn dò người nhà của bệnh nhân rằng: trong vòng 12 tiếng đồng hồ không được động đậy đến xác thể, không được thay áo quần hay rờ vào. Bất cứ người nào cũng không được đụng vào. Phải chờ sau thời gian hộ niệm mới được đụng vào xác thể. Nếu thấy thân xác bị cứng, chỉ cần dùng nước nóng đắp lên là được.

 

Trợ niệm đến đây có thể tạm dừng, niệm bốn câu văn hồi hướng, rồi đảnh lễ là xong. Vị trưởng ban nếu có mền “chú đà la ni” (mền quang minh) thì tặng cho họ một tấm, cho một gói “quang minh chú sa”. Sau đó có thể ra về, không phải bận tâm thêm nữa.

 

Tóm lại, ý nghĩa và qui tắc trợ niệm mọi người không thể không biết. Chư đại đức của Tịnh-độ ngày xưa có viết một quyển sách “Lâm chung cần biết”, mọi người có thể nghiên cứu tham khảo. Quả có thể giúp cho một người vãng sanh, thành tựu một vị Phật, công đức này không thể đếm hết được.

 

 

 

 

 

(II)

Trợ Niệm Vãng Sanh Cần Biết

 

1) Kệ phát nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền:

Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời

Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại

Diện kiến bỉ Phật A-di-đà

Tức đắc vãng sanh An-Lạc sát.

(Tạm dịch)

Nguyện con lúc bỏ xác ra đi

Tận trừ tất cả mọi chướng ngại

Được thấy đức Phật A-di-đà

Liền được vãng sanh nước An-Lạc.

 

2) Lời của Ấn-Quang đại sư:

 

Thành tựu cho một chúng sanh vãng sanh về Tây-phương tức thành tựu cho một chúng sanh thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn.

 

3) Ba yếu tố thành công khi hộ niệm:

 

  • Bản thân người vãng sanh phải đầy đủ ba món tư lương: Tín-Hạnh-Nguyện. Trong lúc bình thường phải dặn dò người thân trong gia đình lưu ý những điều quan trọng cần biết. Ngài Ngẫu-Ích đại sư nói: “Vãng sanh được hay không hoàn toàn do ở việc có Tín và Nguyện hay không. Phẩm vị thấp cao hoàn toàn do ở công phu trì danh sâu hay cạn”.

 

  • Con cháu, thân quyến phải tận đại hiếu, tâm từ bi ân huệ, thành khẩn tuân theo chế luật của Phật, hộ trì cha mẹ, thân quyến vãng sanh Tây-phương một cách như pháp. Cho nên nói: “Thân đắc ly trần cấu, tử đạo phương thành tựu”. (Cha mẹ được xa lìa bụi trần, mới gọi là làm tròn đạo làm con).

 

  • Chư vị đại đức, liên hữu (bạn đạo) vì đạo nghĩa thành khẩn trợ niệm, thành tựu cho người khác được vãng sanh. Đó chính là quả báo tốt để người khác thành tựu lại cho chính mình. Ấn tổ nói:

Khuyến thân tu tịnh tận Nho đạo

Kỳ chúng vãng sanh hướng Phật hoài

(Khuyên cha mẹ tu tịnh, tròn đạo Nho

Nguyện chúng vãng sanh, vui lòng Phật).

Nếu theo ba yếu tố trên mà hộ trì, trợ niệm một cách đúng pháp, thì chắc chắn rằng vạn người tu vạn người đi, thành tựu cho chúng sanh vãng sanh Tây-phương viên thành Phật đạo, công đức không thể nghĩ bàn. Giả như việc vãng sanh có chướng ngại, liền phải thành khẩn cầu Phật gia trì cho tiêu trừ chướng ngại, để thành tựu vãng sanh đại sự.

 

4) Ấn-Quang đại sư khai thị ba điểm lớn lúc lâm chung:

 

  • Giảng giải, chỉ bày, an ủi một cách khéo léo khiến cho sanh lòng tin. (Khuyên người bệnh buông xả tất cả, nhất tâm niệm Phật. Nếu có việc gì bàn giao thì căn dặn nên gấp rút nói rõ. Sau khi bàn giao rồi không nên nghĩ ngợi đến nữa, chỉ giữ một ý niệm duy nhất: “Mình sắp theo Phật vãng sanh về nước của Ngài”. Dùng tâm chí thành mà niệm Phật, chắc chắn cảm động đến Phật phát đại từ bi đích thân đến tiếp dẫn, khiến cho được vãng sanh.

 

  • Mọi người luân phiên nhau niệm Phật để giúp cho người bệnh được tịnh niệm.

Tâm và sức lực của người bệnh lúc này rất yếu, khó có thể niệm liên tục lâu dài, giờ này hoàn toàn nhờ vào sự trợ niệm của người khác mới có thể niệm một cách đắc lực. Nên biết, giúp người được tịnh niệm vãng sanh, tức được quả lành cho người khác trợ niệm trở lại cho mình. Đừng nói rằng, chỉ vì tận hiếu cho cha mẹ của mình nên mới làm việc trợ niệm. Làm cho người khác tức là tự gieo trồng ruộng phước cho chính mình, trưởng dưỡng thiện căn cho chính mình. Thành tựu cho một người vãng sanh Tịnh-độ tức là thành tựu cho một chúng sanh thành Phật. Trợ niệm cần phải chia phiên, phần pháp khí chỉ duy nhất dùng “khánh”, tiếng niệm Phật rõ ràng từng chữ, không nhanh, không chậm.

 

  • Cấm kỵ di động thân xác hoặc khóc lóc để tránh làm hỏng việc.

Người bệnh khi sắp tắt thở cũng chính là lúc phải phân biệt cảnh giới giữa phàm, Thánh, người và quỉ ma. Cho nên, ngay lúc này chỉ có thể dùng danh hiệu Phật để khai thị, hướng dẫn thần thức của họ chứ không được tắm rửa, thay quần áo, di động, than khóc. Tùy theo ý thích của người bệnh muốn ngồi hay nằm cũng được. “Nóng ở đảnh đầu sanh về Tịnh-độ, ở trán sanh về trời, ở ngực sanh cõi người, ở bụng sanh ngạ quỉ, ở đầu gối sanh vào cõi súc sanh, dưới bàn chân sanh về địa ngục”. Biết vậy, mọi người đều phải niệm Phật một cách khẩn thiết, đừng để ý thăm dò hơi nóng nằm ở đâu, quyết định sẽ giúp họ đới nghiệp vãng sanh (còn mang nghiệp mà vẫn được vãng sanh).

Thơ xưa có câu:

Ngã kiến tha nhân tử, ngã tâm nhiệt như hỏa.

Bất thị nhiệt tha nhân, khán khán luân đáo ngã.

(Tạm dịch)

Tôi thấy người ta chết, tâm tôi nóng như lửa.

Chẳng phải vì người nóng, thấy rằng sẽ đến tôi.

 

5) Cuối cùng của đời người – Khai thị của đại sư Hoằng Nhất.

 

  • Lúc bệnh chưa nặng:

Có thể thêm thời gian uống thuốc trị liệu.

 

  • Khi bệnh nặng:

Nên buông xả tất cả, một lòng niệm Phật cầu sanh Tây-phương. (Nếu thọ mạng chưa hết, sẽ bình phục mau chóng). Trường hợp bệnh đau dữ dội, đừng sợ hãi, phải nghĩ: “Mình nên đương đầu với nghiệp để chuyển nghiệp”.

Lúc thần thức còn tỉnh táo, nên mời thiện tri thức đến thuyết pháp khiến cho tâm sanh hoan hỉ.

 

  • Lúc lâm chung:

Người thân không nên hỏi lời di chúc hay nói chuyện nhảm với người bệnh. Nếu người bệnh tự nói muốn tắm rửa, thay áo, có thể thử theo ý muốn của họ. Nếu họ muốn ngồi hoặc nằm cũng nên thuận theo ý muốn của người bệnh, không nên miễn cưỡng. Khi mời người đến trợ niệm, hình Phật tiếp dẫn phải treo hoặc để ở vị trí mà người bệnh có thể nhìn thấy.

 

Ban trợ niệm phải chia phiên nhau niệm và hỏi người nhà về thói quen cách niệm Phật của người bệnh. Tiếng niệm Phật không được cất cao giọng sắc bén.

 

  • Lúc mạng chung (sau khi tắt thở).

Không được khóc lóc, di động thân xác, thay áo quần. Đừng nên cố chấp theo cách nói phải nóng ở đỉnh đầu (không cần phải sờ mó). Sau tám tiếng đồng hồ nếu các khớp xương bị cứng, chỉ cần lấy khăn nhúng nước nóng đắp sửa.

 

e-       Nghiệm chứng các trường hợp vãng sanh.

Thời xưa: trong Tịnh-độ Thánh hiền lục, vãng sanh truyện, vãng sanh tập, v.v… có những người đã vãng sanh như: Trương Thiện Hòa, Tống Vương, Long Giản, Huỳnh Đả Thiết, Khả Cửu pháp sư. Vào đầu năm Dân Quốc, ở Đài Loan có Ấn-Quang đại sư, Hoằng Nhất đại sư, Đế Nhàn đại sư, cư sĩ Giang Vị Nông, Hồ Tòng Niên, v.v…

 

Thời nay: có lão hòa thượng Quảng Khâm, pháp sư Đạo Nguyên, cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lai Tạ Diệu, Khưu Phiên Thử, Lý Tuế Huê, Giang Thúy Thường, Vụ Tô Sát, Lưu Lý Cúc, v.v…

 

  • Tài liệu tham khảo về trợ niệm vãng sanh:
    • Ý nghĩa và qui tắc trợ niệm của Tuyết Lô Lão Nhân.
    • Những điều cần biết khi lâm chung.
    • Lâm chung tan lương.

 

Xin thường chí thành cung niệm

Nam Mô A-di-đà Phật

Hiện sanh tiêu nghiệp chướng

Lâm chung vô chướng ngại

Đồng sanh Cực-lạc Quốc

Thừa nguyện tái lai.

 

 

 

 

 

 

(III)

Trợ Niệm Cần Biết Thêm

 

  • Thiết bị:

– Trước tiên phải an trí tượng Phật, nhang đèn, lấy hướng tây làm chuẩn nhưng không nên miễn cưỡng. Nếu trong phòng đã có sẵn hình Phật thì không cần phải thiết bị thêm. Khói hương cần tránh quá nồng vì sẽ trở ngại cho việc hô hấp của bệnh nhân.

– Vị trí hình Phật đặt hoặc treo nơi nào cho bệnh nhân có thể nhìn thấy.

  • Khi bắt đầu:

– Người trợ niệm chỉ niệm “A-di-đà Phật”. Chỉ dùng khánh, không dùng những loại pháp khí khác, cũng không tụng bất cứ kinh điển nào.

Người trợ niệm khi vừa tới nhà bệnh nhân, thấy họ đã đến lúc khẩn trương hay nguy cấp thì miễn nghi thức thiết kế bàn Phật, có thể trực tiếp đến trước bệnh nhân đánh khánh niệm 4 chữ Phật hiệu “A-di-đà Phật”.

  • Số người trợ niệm:

Mỗi nhóm từ 2 đến 5 người cùng niệm, tối đa không quá 10 người. Mỗi nhóm thay phiên nhau niệm 2 giờ đồng hồ.

 

  • Khai thị:

– Nếu thần thức của bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể do người phụ trách của ban hộ niệm khuyên họ buông xả vạn duyên để niệm theo tiếng Phật hiệu, hoặc niệm trong tâm, hoặc lắng tai nghe theo.

– Nếu người bệnh có điều gì lưu luyến, người phụ trách nên giảng giải cho họ hiểu: nếu thọ mạng chưa dứt bệnh sẽ chóng lành; nếu thọ mạng không còn thì sẽ vãng sanh Cực-lạc. Giải thích cần vắn tắt như vậy để giúp cho họ giữ chánh niệm.

 

  • Đề phòng chướng ngại: Có 2 trường hợp:

– Đối với thân quyến của người bệnh, cần họ cử ra một người phục trách trong việc hộ niệm. Phàm những việc gì có liên quan đến bệnh nhân có thể nhờ họ giúp ban hộ niệm liên lạc dễ dàng.

– Hoặc giả không cần người nhà của bệnh nhân, ban hộ niệm tự bắt đầu trợ niệm. (Luôn nhớ, không được ở trước mặt bệnh nhân hỏi những chuyện gì khác ngoài việc niệm Phật). Nếu người nhà của bệnh nhân là người hiểu đạo, muốn tham gia việc trợ niệm thì nên nhờ người trong ban nói với người phụ trách (trưởng ban, trưởng nhóm). Sau khi được chấp thuận mới được tham gia.

 

  • Cấm kỵ:

– Người bệnh nếu muốn tắm rửa, việc thay quần áo phải xong trước khi trợ niệm. Việc này phải do người trong nhà phụ trách. Tuy nhiên phải xem tình trạng của bệnh nhân mà tắm và thay áo nhanh hay chậm. Nếu bệnh nhân không muốn, không nên cưỡng ép mà tăng thêm sự đau đớn của họ.

– Một khi đã bắt đầu trợ niệm, mọi việc thay đồ, tắm rửa, di động đều bị ngăn cấm.

Không được đến trước bệnh nhân nói nhảm hay an ủi theo kiểu thế tục, hoặc hỏi lời di chúc hay than thở khóc lóc, khơi dậy những tình cảm yêu thương làm chướng ngại cho đường vãng sanh.

– Trong lúc vãng sanh, bệnh nhân có thể: ngồi, nằm, nằm nghiêng, hoặc nằm thẳng… đều phải tùy thuận theo họ, không được cưỡng ép.

– Sau khi lâm chung, trong vòng 8 giờ đồng hồ không được di động, tắm rửa, thay áo quần. Nếu xương cốt bị cứng thì dùng khăn tẩm nước nóng đắp lên, không bao lâu sẽ mềm lại.

– Sau khi lâm chung từ 8 đến 12 giờ không được sờ vào xác để thăm dò hơi ấm, càng không được than khóc.

 

  • Sau khi người bệnh mạng chung trong vòng 8 giờ đồng hồ không được ngừng tiếng niệm Phật. Qua thời gian này xem như việc trợ niệm đã tròn nhiệm vụ. Sau khi ban hộ niệm làm tròn nhiệm vụ, người nhà muốn tắm rửa, thay áo quần, di động hay khóc than thì tùy ý.
  • Thân quyến của người bệnh nếu không y theo điểm qui định thứ 2 và thứ 3, ban hộ niệm tức khắc đình chỉ nghĩa vụ trợ niệm.

 

Kệ Hồi Hướng:

Nguyện đem công đức này

Hồi hướng …………………(họ và tên người vãng sanh)

Trên đền bốn ơn nặng

Dưới cứu khổ tam đồ.

Nếu có kẻ thấy nghe

Đều phát lòng Bồ-đề

Hết một báo thân này

Đồng sanh cõi Cực-lạc.

Mười phương ba đời tất cả Phật

Tất cả Bồ-tát ma-ha-tát

Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

 

 

 

 

 

(IV)

TÀI LIỆU THAM KHẢO VỀ

PHÁP NGỮ – KHAI THỊ TRỢ NIỆM:

(Tiếp theo văn sao biên tập quyển hạ của

Ấn-Quang đại sư).

 

Pháp ngữ của Sư Thị Huê Quyền

trong lúc lâm bệnh

(Dân quốc Đài Loan năm 21).

 

Đời người ở thế gian đều không tránh khỏi cái khổ của bệnh dịch và chết. Khi những thứ khổ đó xuất hiện, duy chỉ có buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm “Nam Mô A-di-đà Phật”. Nếu thấy bị quá mệt, gần tắt thở, thì chỉ niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”, nhất tâm cầu Phật từ bi tiếp dẫn quí vị vãng sanh Tây-phương.

Ngoài ý nghĩ này ra, trong tâm không được khởi lên một ý nghĩ nào khác, cũng không được có ý nghĩ cầu mong cho mau hết bệnh, hoặc cầu xin Trời, chư Thần phò hộ. Phàm có những ý nghĩ như vậy sẽ bị cách xa với tâm của Phật A-di-đà. Do đó mà không được Phật lực từ bi gia hộ.

Quí vị phải biết rằng trời, đất, cha, mẹ… không thể giúp cho quí vị ra khỏi sanh tử luân hồi. Duy chỉ có Phật A-di-đà mới có thể giúp cho quí vị thoát ly sanh tử mà thôi. Nếu quí vị chịu buông xả mọi thứ, nhất tâm niệm Phật, nếu trường hợp thọ mạng chưa dứt thì sẽ mau chóng lành bệnh, một khi thọ mạng đã hết liền được vãng sanh Tây-phương.

Tuyệt đối không nên cầu cho hết bệnh, chỉ nên cầu được mau chóng vãng sanh. Vì cầu cho hết bệnh trong lúc thọ mạng đã hết thì sẽ làm mất cơ hội vãng sanh. Ngược lại, chỉ lo cầu vãng sanh, nếu thọ mạng còn thì bệnh sẽ tự nó nhanh chóng bình phục.

 Những lợi ích khi được vãng sanh Tây-phương thật không thể nói hết được. So với việc quí vị sanh lên cõi trời, làm thiên đế, thiên vương thì vãng sanh cao gấp vô số, vô lượng, triệu triệu triệu lần. Quí vị chớ đừng mang tâm nghi ngờ, vọng tưởng sợ chết. Nếu có tâm sợ chết, sẽ không được vãng sanh.

Chúng ta sống ở thế gian như những con dòi ở trong bãi phân, như bị giam trong ngục tù, khổ không thể kể xiết. Vãng sanh Tây-phương giống như được thoát khỏi phân nhơ và ngục tù để trở về quê nhà thanh tịnh, sống an vui, tiêu diêu tự tại. Như vậy có gì mà phải sợ chết? Sợ chết thì sẽ vĩnh viễn bị khổ ở trong luân hồi sanh tử, vĩnh viễn sẽ không có ngày thoát khổ!

Giả như quí vị có thể niệm Phật ra tiếng thì niệm nhỏ tiếng, không niệm ra tiếng được thì niệm thầm trong tâm, tai nghe người khác niệm trong lòng niệm theo. Mắt nhìn hình tượng Phật A-di-đà, trong tâm nghĩ đến Phật A-di-đà. Khi vừa thấy có một ý nghĩ nào khác khởi lên liền phải tự trách: “Ta muốn nương nhờ Phật lực vãng sanh sao lại suy nghĩ lung tung, tự làm hỏng đại sự của mình?”.

Nếu quí vị chịu y theo lời của tôi mà niệm Phật, chắc chắn vãng sanh Tây-phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập Thánh, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn được hưởng khoái lạc, chẳng khi nào được nghe hoặc thấy một chút chuyện buồn khổ nào cả, hà huống là phải bị bệnh tật khổ đau.

Mỗi khi tâm ta khởi phiền não, phải biết rằng đó chính là do ác nghiệp của nhiều đời đang sai khiến chúng ta, đang phá hoại con đường vãng sanh Tây-phương của ta, chúng muốn ta vĩnh viễn phải lãnh chịu cái khổ của sanh tử luân hồi. Nay chúng ta đã biết ác nghiệp muốn hại ta, thì nhất thiết không để nó chuyển chúng ta đi theo nó.

Cho nên, ngoài việc niệm Phật ra, không niệm việc gì khác. Được như vậy mới tương ứng với tâm của Phật, nương nhờ Phật tiếp dẫn trực chỉ đến Tây-phương.

Hãy ghi nhớ những lời tôi nói, quí vị sẽ nhanh chóng đạt nhiều lợi ích lớn không thể tả được.

 

 

 

 

 

(V)

Lời Căn Dặn Dự Bị Lúc Lâm Chung

(Của Tịnh Tông Học Hội Úc Châu)

 

Nam Mô A-di-đà Phật

 

Thế danh: ……………… Pháp danh: …………………….

 

Nhắn nhủ cùng con cháu:

Một đời của ………. chuyên niệm Phật A-di-đà, được hưởng nhiều lợi ích tốt lành. Các con, các cháu nếu thật sự có lòng hiếu thảo thì phải giúp ………. vãng sanh về thế giới Cực-lạc. Đến đó mới thật sự được hưởng niềm an vui thanh tịnh vĩnh viễn, đi và về tự do tự tại.

 

Các con cần phải biết, con người khi sắp tắt thở đau đớn giống như con rùa bị lột mai, vô cùng đau khổ. Nếu các con thật lòng muốn cho ………. chết tốt lành, thì mong toàn thể các con phải vì ………. mà hoàn thành tốt những tâm nguyện sau đây:

 

  1. Khi thấy bịnh tình gần lúc hấp hối, chớ bao giờ đụng đậy hoặc di chuyển thân thể của ………. , không nên thay quần áo, càng không được khóc lóc, than van. Chỉ cần vì ………. mà thành khẩn niệm A-di-đà Phật, cầu Phật tiếp dẫn ………. vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc.
  2. Nếu như ………. bị hôn mê bất tỉnh, hơi thở sắp tắt, xin đừng mời bác sĩ đến chích thuốc trợ tim, làm hô hấp nhân tạo hoặc những việc cấp cứu khác, để tránh làm cho tâm thần ………. bị động và gia tăng thêm sự đau khổ của ………. . Các con cần phải giữ yên lặng, một lòng vì ………. mà niệm Phật, như vậy mới là người con, người cháu hiếu thảo.

 

  1. Trong lúc ………. lâm chung, xin liên lạc và giao cho ban hộ niệm, thỉnh mời họ hộ niệm. Mọi việc đều phải nghe theo lời hướng dẫn của họ, không được làm trái ngược.

 

  1. Sau khi ………. tắt thở trong vòng 24 giờ đồng hồ, phải giữ tiếng niệm Phật không gián đoạn, toàn thể gia đình có thể luân phiên nhau hộ niệm, bởi vì sự hộ niệm trong giờ phút này đối với ………. là sự giúp đỡ vô cùng to lớn. Cho nên phải vì ……………… mà niệm A-di-đà Phật. Những việc tang lễ phải chờ qua 24 giờ sau mới được làm.

 

  1. Đối với việc thay quần áo, nhập liệm, v.v… phải sau 24 giờ mới được mời nhà quàn tới. (Nếu khí hậu oi bức, nóng nực, e có mùi hôi, các con có thể đốt nhang trầm hoặc để nước đá bên cạnh).

 

  1. Tất cả mọi sự cúng tế, đãi khách, toàn bộ dùng chay. Tuyệt đối không được sát sanh, hầu tránh gia tăng thêm nghiệp tội cho ………. .

 

  1. Mọi sự tang tế phải y theo nghi thức của Phật giáo, lấy việc hộ niệm làm chính, không nên khoa trương rầm rộ phung phí, cần phải tiết kiệm.

 

  1. Trong vòng 49 ngày sau khi chết, toàn thể gia đình nên ăn chay và niệm Phật, hoặc tự mình niệm hoặc theo tiếng niệm Phật trong băng, hoặc theo tiếng máy niệm Phật mà niệm theo và hồi hướng cho ………. được vãng sanh về thế giới Cực-lạc. Có như vậy ………. mới được thực sự hưởng được niềm vui an lạc chân chính, các con các cháu nhờ đó cũng hưởng được sự may mắn kiết tường, tương lai tươi sáng.

 

Hy vọng cả nhà từ đây về sau phát tâm tin Phật, niệm Phật, thì các con các cháu nhất định sẽ được mọi sự bình an và hạnh phúc. Mong các con, các cháu tuân theo và làm đúng như lời ước nguyện của ……………. .

     Nam Mô A-di-đà Phật.

 

Người nói: ……………. Người làm chứng: ……………..

 

 

 

 

(VI)

Pháp Ngữ Khai Thị

 

Nam Mô A-di-đà Phật

Này đạo hữu …………………………………………

 

Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật A-di-đà có phát đại nguyện: “Tất cả chúng sanh trong mười phương, khi lâm chung niệm danh hiệu Ta mười niệm mà ta không tiếp dẫn về cõi Cực-lạc an vui, thì ta chẳng ở ngôi Chánh Giác”.

 

Hôm nay theo lời dạy, chúng tôi đến đây cùng gia quyến giúp đạo hữu niệm Phật để được sanh về cõi Cực-lạc an vui. Điều cốt yếu là đạo hữu nghe rõ chúng tôi niệm “Nam Mô A-di-đà Phật” rồi trong tâm cũng khởi niệm “Nam Mô A-di-đà Phật” theo, rõ ràng từng chữ, từng câu, tất cả tâm ý đều đặt vào câu “Nam Mô A-di-đà Phật”.

Trong kinh dạy rằng cõi này là cõi khổ, cõi Cực-lạc ở Tây-phương của đức Phật A-di-đà là cõi an vui, muốn thoát khổ được vui thì phải hết lòng niệm “Nam Mô A-di-đà Phật”.

Này đạo hữu! Hãy nhìn đây là ảnh Phật A-di-đà. Đức Phật A-di-đà này sẽ rước đạo hữu về cõi Tây-phương Cực-lạc. Đạo hữu hãy gắng nhớ lấy.

 

Giờ đây, đạo hữu hãy chí thành chắp tay niệm Phật theo chúng tôi.

Quy mạng lễ A-di-đà Phật

Ở phương Tây thế giới an lành

Con …………. nay xin phát nguyện vãng sanh

Cúi xin đức Từ Bi tiếp độ.

 

Nam Mô Tây-phương Cực-lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật.

 

Nam Mô A-di-đà Phật …….

A-di-đà Phật …….

         

 

 

 

 

(VII)

Thông báo của ban trợ niệm

 

Quí thân hữu, bà con quyến thuộc đến thăm bệnh nhân, xin lưu ý:

  • Trong lúc niệm Phật xin giữ im lặng.
  • Hiện giờ mọi người ai muốn bày tỏ tâm hiếu thảo, tâm yêu mến của mình, duy nhất là phải niệm phật để trợ giúp cho bệnh nhân được an lành ra đi trong tiếng niệm Phật để về Thế Giới Tây-phương Cực-lạc.
  • Xin mời quí thân hữu hãy cùng chúng tôi niệm Phật. Nếu không biết niệm có thể thầm niệm theo.
  • Trong lúc niệm Phật, xin đừng:
    • Đốt giấy vàng bạc (tránh không khí bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến việc niệm Phật)
    • Đụng chạm vào thân thể người bệnh (tránh cho họ bị động tâm làm mất chánh niệm)
    • Than khóc, kể lể (nếu cầm lòng không được, có thể đi ra nơi khác)
    • Hỏi thăm bệnh nhân bị nóng hay lạnh (tránh làm trở ngại trong việc niệm Phật của bệnh nhân)
  • Bàn thảo việc gì xin tránh đi ra một nơi khác.

 

 

(Phần phụ lục bên trên là tài liệu do đạo hữu Diệu Hà dịch và gửi tặng)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Liên Trì Hải Hội)

 

 

(VIII)

Những khai thị khác, có thể tùy nghi ứng dụng:

 

  • Khai thị cho người bệnh:

 

Nam Mô A-di-đà Phật.

 

Phật tử ………………. Pháp danh ……………………

 

Sanh lão bệnh tử là con đường mọi người phải đi qua, không ai có thể tránh được. Đã có sanh ắt phải có tử.

 

Phật đã dạy thế gian này là khổ, là vô thường. Lúc này Phật tử hãy buông xả mọi việc, tâm không nên gợi lên những tham hận hay cố chấp. Hãy thành tâm niệm Phật với lòng tin và sự khẩn cầu vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Quốc. Hãy niệm Phật với chánh niệm để tiêu tan nghiệp chướng, để thân tâm được tự tại.

 

Hãy khẩn cầu với lòng thành kính. Nhất tâm niệm Phật, ngưỡng cầu A-di-đà Phật đại từ đại bi đến tiếp độ, phóng quang soi sáng và gia trì cho người niệm A-di-đà Phật với chánh niệm.

 

Khẩn cầu A-di-đà Phật đến tiếp độ, niệm niệm A-di-đà Phật, niệm niệm cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc Quốc.

 

Nam Mô A-di-đà Phật….

 

A-di-đà Phật….

 

 

 

 

 

 

  • Khai ngộ Oan Gia Trái Chủ:

 

 

Nam Mô A-di-đà Phật.

 

Phật tử…………………….. Pháp danh …………………..

từ nhiều đời nhiều kiếp đã gây ra nhiều oan gia trái chủ.

         

………………………… và quí vị đã có duyên với nhau. Phật dạy kết thân tâm pháp duyên là thù thắng nhất, cho nên quí vị nên kết thân tâm pháp duyên với …….. . Đừng nên gây chướng ngại cho ………………… , mà hãy cùng nhau niệm Phật với chánh niệm để cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc Quốc.

 

Giờ đây xin khẩn cầu quý vị và các thân hữu hãy nhất tâm niệm Phật, để giúp đỡ ……………. được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc Quốc. Hoàn thành Phật sự thì vô lượng công đức này sẽ hồi hướng cho quí vị thoát mọi khổ ải và được an lạc.

 

Cầu xin quý vị hãy vì nhân duyên thù thắng này mà phát Bồ-đề tâm, với lòng tin tưởng sâu sắc mà niệm Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc Quốc, toại nguyện vô lượng Phật độ.

 

Nam Mô A-di-đà Phật …..

A-di-đà Phật …..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(IX)

Những cáo thị cần có để dán bên ngoài khi hộ niệm:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

 

Nguyện đem công đức này:

Hồi hướng về Tây-phương, trang nghiêm Tịnh-độ.

Hồi hướng cho thập phương pháp giới hữu tình, trên đền bốn ân, dưới cứu tam đồ, cầu cho thế giới hòa bình, tất cả chúng sanh đều được độ thoát.

Hồi hướng cho lịch đại kiếp số oán thân trái chủ, tất cả những chúng sanh đã bị con não loạn vì bất cứ một lý do gì. Hồi hướng cho tất cả sanh linh đã bị con giết hại hoặc để ăn thịt, hoặc để vui chơi, hoặc vô tình, hoặc cố ý… hưởng được phần lợi lạc. Xin xóa bỏ hận thù, hộ pháp cho nhau, đồng nguyện vãng sanh, đồng sanh Cực-lạc.

Hồi hướng cho ông bà, cha mẹ, bà con thân thuộc trong vô lượng kiếp, dù đang ở trong bất cứ cảnh giới nào đều được cảm ứng, phát lòng niệm Phật và đều được siêu sanh.

Hồi hướng cho cha mẹ hiện tiền đời này được vãng sanh Tịnh-độ.

Hồi hướng cho tất cả vợ con, anh chị em, thân thuộc còn đang hiện tiền, mọi người đều phát khởi Tín-Hạnh-Nguyện cầu sanh Tinh độ, và đều được thành tựu.

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh có duyên hay không có duyên với con, sau cùng đều được vãng sanh Cực-lạc Quốc.

Hồi hướng cho ngày lâm chung của con. Nguyện Phật thọ ký, biết trước được ngày giờ, tâm hồn tỉnh táo, lâm chung không chướng ngại. Nguyện A-di-đà Phật, Quán-Âm, Thế-Chí cùng chư Bồ-tát chúng, tướng hảo quang minh, hiện tiền tiếp dẫn vãng sanh Cực-lạc. Nguyện hoa nở thấy Phật ngộ Vô Sanh, nguyện tu chứng đắc Vô-Thượng Bồ-đề, nguyện độ vô biên chúng sanh trong mười phương pháp giới đều vãng sanh Tây-phương, viên thành Phật đạo.

Nam Mô A-di-đà Phật.

Diệu Âm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

– CHUNG –

 

Kinh Sách dẫn nhập:

 

  • Long Thư Tịnh-độ: ……………. (Tiến sĩ Vương Nhựt Hưu).
  • Liễu Phàm Tứ Huấn: …………. (Viên Liễu Phàm).
  • Kinh Pháp, Giảng ký, các loại: …. (Pháp Sư Thích Tịnh-Không).
  • Niệm Phật Thập Yếu: ………….. (HT Thích Thiền Tâm).
  • Tam Kinh Tịnh-độ: ……….. (Dịch giả: HT Thích Trí Tịnh).
  • Khuyên Phát Bồ-đề Tâm: …. (Đạo Sư Tĩnh Am – Tịnh Tông Học Hội Trung Mỹ ấn tống).
  • Phát Bồ-đề Tâm có nghĩa là gì?: … (Thiền Sư Thật Hiền – Viện Hóa Đạo Hoa Kỳ dịch và ấn tống).
  • Lá Thư Tịnh-độ: ………………… (Ấn-Quang Đại Sư – HT Thích Thiền Tâm dịch).
  • Thiền Tịnh quyết nghi: …………. (Thích Phước Nhơn).
  • Chữ hiếu trong đạo Phật: …….. (HT Thích Thiện Siêu và HT Thích Minh Châu).
  • Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Hội: … (Tịnh Tông Học Hội Úc Châu).
  • Cẩm nang tu học: ………………… (HT Thích Quảng Khâm).
  • Tạng thư sống chết: …………….. (Sogyal Rinpoche – Trí Hải dịch).
  • Mấy điệu sen thanh: ………… (HT Thích Thiền Tâm dịch).
  • Tự điển Phật học: ……………… (Tự điển – Phân Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam).
  • Kinh Địa Tạng: …………………… (HT Thích trí Tịnh dịch).
  • Kinh Vô Lượng Thọ: …………… (Bản hội tập của cụ Hạ Liên Cư – Tịnh Tông Học Hội Úc Châu ấn hành).
  • Kinh Vô Lượng Thọ và Pháp Môn Niệm Phật: ….. (HT Thích Huyền Vi).
  • Kinh Vô Lượng Thọ: ………………… (Việt dịch Tâm Tịnh).
  • Kinh Kim Cang giảng nghĩa: ….. (HT Thích Thanh Từ).
  • Pháp Bảo Đàn Kinh: ………. (Lục Tổ Huệ Năng – Việt dịch: HT Thích Từ Quang).
  • Kinh Phật Thuyết A-di-đà Yếu Giải: … (Ngẫu-Ích Đại Sư – Việt dịch: Tuệ Nhuận).
  • Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật: … (Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập – Việt dịch: HT Thích Thiền Tâm).
  • Thời khóa cộng tu niệm Phật: ….. (Tịnh Tông Học Hội Úc Châu).
  • Nghi thức tụng niệm: Cầu siêu và Tịnh-độ: … (Tự viện Linh Sơn ấn hành).
  • Chết và tái sanh: ……….. (Thích Nguyên Tạng soạn dịch).
  • Những chuyện niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi: … (Cư sĩ Tịnh Hải).
  • Từ hư không đến, trở về hư không: ……….. (HT Thích Tuyên Hóa – Thích Huyền Đạt dịch).
  • Hiện đời thành Phật: …………….. (HT Thích Huyền Vi).
  • Sống chết bình an: ……………… (Sogyal – Trí Hải dịch).
  • Loving and Dying: …………………… (Visuddhacara).
  • What is the Buddhism: ……………. (Master Chin Kung).
  • The Buddha and his Teachings: ….. (Narada).
  • ……….

Cùng những kinh sách và đặc san Phật giáo khác. Tuy nhiên, phần chính yếu xây dựng nên bộ “Khuyên Người Niệm Phật” hầu hết đều bắt nguồn từ giảng ký của HT Thích Tịnh-Không, người đã khai mở tâm trí cho con trên đường Phật học, niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Sách ấn tống để biếu tặng –

(For Free Distribution)

 

– Không được bán –

(Not For Sale)

 

Tác giả không giữ bản quyền.

(No Copyright).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –