08. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Tu hành là đi thẳng)

Share on facebook
Share on twitter

Tu hành là đi thẳng…

Hỏi:

Tu Thiền là bước đi thẳng, còn tu Tịnh-độ mới chỉ về Tây-phương, đến đó chưa phải thoát luân hồi mà chỉ được sống lâu, ở đó phải tu tiếp thì mới được giải thoát thật sự. Có phải vậy không?

Trả lời:

Hôm trước bàn về vấn đề “Tu Tịnh lâu năm”. Hôm nay bàn đến chuyện “Tu Thiền là bước đi thẳng” và “về Tây-phương, đến đó chưa phải thoát luân hồi”.

Xin thành thực nói rằng, câu nói “Thiền là bước đi thẳng” thì đúng, mà ở đây người nói có lẽ đã hiểu sai! Còn câu nói: “Về Tây-phương, đến đó chưa phải thoát luân hồi” thật là quá tệ hại, quá sai lầm, quá tội lỗi!…

“Thiền là bước đi thẳng”, rất đúng. Thật ra, đường tu nào cũng có thể gọi là đi thẳng cả, chứ không phải chỉ tu Thiền mới đi thẳng, còn các cách tu khác là đi quẹo đâu.

Nhưng vấn đề là: “Đi thẳng tới đâu?”.

Nếu đặt mục tiêu chính xác thì đi thẳng tới chỗ thành tựu chánh đạo. Đặt mục tiêu sai lạc thì đi thẳng vào cảnh giới tối tăm! Tu theo Liễu giáo thì đi thẳng tới chỗ thành đạo viên mãn, tu theo Bất liễu giáo thì đi thẳng tới cảnh mông lung vô định hướng!

Xui xẻo hơn nữa, có rất nhiều người tu hành đã chọn lầm mục tiêu, thành ra bước thẳng vào con đường tà đạo, gây nhiều thiệt hại cho chúng sanh. Có người cứ tưởng rằng ba cõi thiện trong lục đạo là tốt nhất, thành ra đời đời kiếp kiếp phải chịu tử sanh luân hồi. Thậm chí, có người mê muội suốt đời cứ mãi tạo nhân địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì tu hành dù có ra gì đi nữa cũng sẽ đi thẳng xuống các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để thọ khổ mà thôi!

Vậy thì, tu pháp nào cũng thẳng cả, nhưng phải tự hỏi lại chính mình rằng, liệu có đủ trí huệ để nhận rõ mục tiêu tối hậu một cách chính xác không?

Nếu trí huệ chưa có, mê mê muội muội chưa rõ đâu là chánh, đâu là tà thì mau mau trở về với lời Phật dạy, y giáo phụng hành. Nhất định phải lấy kinh Phật làm tiêu chuẩn, chớ ly một ý, chớ đổi một từ thì mới mong thoát khỏi hiểm nạn của thời mạt pháp này.

Phật dạy, pháp giới mông huân, nghĩa là rộng lớn vô tận, hão huyền vô cùng, chúng sanh mê mờ như chúng ta khó lòng phân định.Nếu vội vã lấy cái suy nghĩ cạn cợt của mình cho là đúng, chấp vào đó rồi tự quyết định đường đi, thì tự mình lầm lũi bước thẳng vào chốn hiểm nguy vậy!

Tu hành có rất nhiều tầng cấp, mỗi tầng cấp cần phải có phương pháp, phương tiện, nhu cầu, trí huệ, căn cơ… khác nhau. Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật để lại cho chúng sanh tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, pháp nào cũng vi diệu để đối trị với phiền não, nghiệp chướng. Nếu là tiểu-tu thì có cách đi thẳng của tiểu-tu, đại-tu có cách đi thẳng của đại-tu, viên-tu có cách đi thẳng của viên-tu… Nhất định mỗi bậc thành tựu đều có nhu cầu riêng, đòi hỏi những năng lực khác nhau.

Chính vì thế, nói rằng đi thẳng thì cách tu nào cũng có thể gọi là đi thẳng. Nhưng khi nói đi thẳng tới đâu thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.Càng cao càng khó hơn, càng vi tế hơn!

Cách đi thẳng của người tiểu-tu thì đối với người đại-tu có thể chỉ là bước đi lòng vòng. Cách đi thẳng của người đại-tu, đối với người viên-tu chưa chắc sẽ được đánh giá cao!…

Ví dụ, có người nghĩ rằng con người là nhất, họ chỉ muốn tu sao cho được làm người là đủ. Cách tu này không xấu, nhưng đối với người muốn sanh lên Trời hưởng phước thì cách tu làm người trở nên quá nhỏ hẹp. Tu để lên một cảnh giới Trời thì khá tốt, nhưng đối với người muốn vượt ra khỏi tam giới lục đạo thì họ lại chê. Vượt ra khỏi tam giới lục đạo gọi là thoát ly sanh tử luân hồi.

Thoát ly sanh tử luân hồi là một trong những mức chứng đắc trong pháp Phật, đã vượt qua khỏi hàng phàm phu, bắt đầu nhập vào bốn quả của bậc A-la-hán.

Tuy nhiên, thoát ly sanh tử luân hồi vẫn còn có những cảnh giới cao hơn nữa. Có rất nhiều người đã nhầm lẫn rằng vượt qua tam giới, thoát ly sanh tử luân hồi là cảnh giới cao nhất, tốt nhất, là thành Phật. Điều này hoàn toàn sai lầm! Thật ra, vượt qua tam giới chỉ mới là “Vị-bất-thối” mà thôi, còn có “Hạnh-bất-thối”, “Niệm-bất-thối” nữa. Mỗi bậc sau cao hơn bậc trước.

“Vị-bất-thối” là cảnh giới chứng đắc của Nhị-thừa, mới phá được Kiến-Tư phiền não, vượt qua cảnh giới phàm phu, chứng Thánh quả A-la-hán. “Hạnh-bất-thối” thì phá thêm được Trần-sa hoặc, vượt qua cảnh giới của Nhị-thừa, cao hơn cảnh giới của các vị A-la-hán. Còn “Niệm-bất-thối” thì bắt đầu phá được từng phẩm Vô-minh chứng từng phần Pháp-Thân của các vị Pháp-thân Đại-sĩ, từ Sơ-Trụ Bồ-tát trở lên, cao hơn các cảnh giới trước rất nhiều.

Trong khi đó, một người Vãng Sanh về Tây-phương Cực-lạc, đều chứng được tam bất thối, tức là, Vị-bất-thối, Hạnh-bất-thối, Niệm-bất-thối họ đều được vượt qua cả. Không những thế, mà trong kinh Phật, cũng như các luận của chư Tổ đều nói rằng, người Vãng Sanh Cực-lạc, dẫu cho hạ hạ phẩm Vãng Sanh, cũng được “Viên chứng tam-bất-thối”. Xin chú ý chữ “Viên”. Với năng lực này, Kiến-Tư hoặc, Trần-sa hoặc đã được sạch, và Vô-minh hoặc không phải chỉ đoạn một hai phẩm, mà đạt được tới 36, 37 phẩm, và năng lực của họ ngang bằng với thất Địa, bát Địa bồ-tát ở cõi Hoa-Nghiêm. (Xin xem thêm giảng ký của HT Tịnh Không & xem kỹ kinh Vô lượng Thọ).

Ấy thế, nhiều người không hiểu cảnh giới, chưa nghiên cứu kỹ kinh điển của Phật, đụng đâu nói đó, dám mạnh dạn cho rằng về tới cảnh giới Tây-phương vẫn còn trong sanh tử luân hồi!  Một câu nói hoàn toàn sai trái với lời Phật dạy trong kinh. Nếu không cẩn thận, đem ý tưởng này hướng dẫn, truyền rộng cho người khác, thì tội này thuộc loại phỉ báng Phật pháp, vô cùng nghiêm trọng! Xin thành tâm khuyên rằng, người này hãy mau mau sám hối gấp. Vì không biết, lỡ nói sai thì thành tâm sám hối sẽ gỡ được tội rất nhiều.

Còn nếu cố chấp, không chịu sửa sai, thì cũng đành tùy duyên thôi! Tội ai nấy lo. Gặp nhau trong đời này, dù dưới hình thức nào thì giữa chúng ta cũng có duyên với nhau. Có duyên thì cố gắng khuyên, nhiều lắm cũng chỉ là dám mạnh lời khuyên nhắc nhau thôi.

Khuyên rằng, phải tự thương lấy tương lai của mình, phải cố tránh những bước chân đi thẳng vào cảnh đọa lạc mà bị khổ đau, chịu tối tăm nhiều kiếp. Đừng nên để cái tội này trở nên quá lớn, quá nặng nữa, vì lúc đó, dù cho, giả như chư Phật mười phương muốn xuống cứu cũng cứu không nổi. Xin chớ xem thường!

Nói thêm chút nữa, trên cảnh giới Tây-phương có bốn độ là: Phàm-Thánh Đồng-Cư độ, Phương-Tiện Hữu-Dư độ, Thực-Báo Trang-Nghiêm độ, Thường-Tịch-Quang Tịnh độ.

Phàm phu như chúng ta sanh về Tịnh-độ ở cảnh Phàm-Thánh Đồng-Cư. Các vị A-la-hán đã vượt qua tam giới, thoát ly sanh tử luân hồi, các Ngài Niệm Phật cầu Vãng Sanh về Tây-phương thì được sanh ở Phương-Tiện Hữu-Dư độ. Như vậy tại sao lại dám nói rằng sanh về Tây-phương còn trong sanh tử luân hồi? Chẳng lẽ các Ngài A-la-hán đã thoát luân hồi rồi, lại ngày đêm Niệm Phật cầu đi đến chỗ chết đi sống lại trong sanh tử luân hồi nữa sao?

Các vị Pháp-Thân đại sĩ ở cõi Hoa-Nghiêm, cao hơn A-la-hán của Nhị-thừa rất nhiều, họ có thể hiện thân Phật ở các quốc độ để giáo hóa cứu độ chúng sanh, cũng được đức Bồ-tát Phổ Hiền dạy mười đại nguyện vương để cầu sanh về Tây-phương Cực-lạc, hầu trọn thành Phật đạo, các Ngài được sanh về cảnh giới Thực-Báo-Trang-Nghiêm độ. Pháp-Thân đại sĩ mà còn Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thi hàng chúng sanh phàm phu sao dám nói lời sai phạm, trái với kinh Phật.

Nói lời sai là tạo khẩu nghiệp. Nếu khẩu nghiệp này mà trái nghịch pháp Phật thì trở thành lời đại vọng ngữ, phỉ báng pháp Phật. Xin nhớ cho, tội phỉ báng Phật pháp thuộc về “Ngũ vô gián tội”, nghĩa là năm tội bị đọa vào địa ngục A-tỳ, thuộc Vô gián địa ngục, vô cùng kinh khủng!

Phỉ báng pháp Phật là ý nghiệp. Ý tưởng không thuận theo pháp của Phật, không y giáo phụng hành, đây thuộc về tâm cuồng ngạo, dẫn đến tội bất kính, bất kính thuộc về thân nghiệp. Từ một điểm sơ suất là lời nói thôi, mà ba nghiệp thân khẩu ý đã sai phạm cả rồi!

Tu hành là bước đi thẳng, đi thẳng vào chỗ sai để sửa. Sao không bắt đầu ngay chỗ này mà sửa liền đi?!…

Chúng sanh ai mà không mê mờ! Nếu nhận rõ, chính ta cũng là một chúng sanh thì cũng bị mê mờ! Vì mê mờ nên tạo nghiệp. Tạo nghiệp nên phải tu để chuyển nghiệp, tiêu nghiệp, phá nghiệp. Tu hành là bước đi thẳng tới chỗ phá nghiệp. Thì sám hối lỗi lầm kịp thời không phải là một bước đi thẳng đó sao?

Vậy thì, xin khuyên lần nữa rằng, những ai lỡ nói Phật pháp mà sai với chánh pháp của Phật, hãy mau mau sám hối. Thành tâm sám hối, kiệt lòng sám hối, chắc rằng vẫn còn kịp để chuộc tội. (Đây là lời chân thành, xây dựng nhau, vì thấy quả báo quá nguy hiểm nên nhắc nhở, nhấn mạnh nhiều lần chứ không dám có vọng ý gì khác!).

Trở lại vấn đề “Tu Thiền là bước đi thẳng”. Đúng đấy, trong pháp môn Thiền định được gọi là pháp “Trực chỉ nhân tâm, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Thành Phật là trở về chính cái chơn tâm tự tánh của chính mình. Trực chỉ nhân tâm là đi thẳng vào tâm. Vậy thì, đây là pháp đi thẳng nhất rồi chứ còn gì nữa?

Nhưng thực ra, xin chư vị hãy nhớ cho, bắt đầu từ cái cửa miệng này mà đi vào chơn tâm thì cách ngăn đến trùng trùng chướng ngại!

Trước hết, 88 phẩm Kiến-hoặc thô lậu. Ai là người có khả năng phá được đây? Nhiều vị Tổ sư mà than rằng một vài phẩm phá không được, chẳng lẽ ta hơn Tổ Sư sao? Phẩm Kiến-hoặc thô thiển mà phá không nổi, thì đến phần 81 phẩm Tư-hoặc tế vi làm sao phá đây?

Chưa hết đâu, còn Trần-sa hoặc, những dụ hoặc của thế trần, cạm bẩy của ma chướng, những thế lực của ngũ ấm ma, v.v… và v.v… bủavây, lôi kéo, ngăn che… làm sao thoát khỏi?

Rõ ràng, từ cái vọng tâm này mà muốn được khai tâm thấy tánh, thực sự phải trải qua trùng trùng ách nạn cản ngăn, chứ không phải dễ dàng như ngồi trước ly cà-phê tán gẫu, nói huyền nói diệu đâu!

Phá Trần-sa hoặc cũng chưa phải là hết, còn đến Vô-minh hoặc nữa. Nếu đời này mà không thành tâm Niệm Phật, cứ đem cái vọng tâm ra mà lý hay luận giỏi, thì vạn kiếp sau cũng chưa nhận ra Vô-minh hoặc là gì? Ngược lại, coi chừng còn bị tối tăm, mê mờ, vô minh hơn nữa, chứ đừng nói chi đến chuyện phá Vô minh để viên thành Phật đạo! Thật quá thê thảm!

Thực ra, Thiền quán là pháp tu của chư vị Bồ-tát, những vị thượng thượng căn, thượng thượng trí, chứ đâu phải là pháp tu hành của kẻ hạ ngu trong thời mạt pháp. Con người thời này, toàn là hạng hạ căn, lại cứ ưa Lý cao mà quên bẵng Sự thấp. Không ngờ rằng, Lý-Sự là một chứ không phải hai, Cao hay Thấp vẫn là đây chứ có đâu xa. Người suốt đời cứ chạy theo những lý huyền luận diệu, có khác gì mắt thì nhìn trên mây xanh, còn chân thì loạng choạng bước thẳng vào các nơi chông gai hầm hố. Thất bại! Bẽ bàng! Chua xót!

Tu hành mà không khéo thì sanh tử vẫn còn là sanh tử, luân hồi vẫn còn là luân hồi nguyên vẹn! Buồn thay, buồn thay!

Đức Thích-Ca Mâu-ni xuống trần lập đạo để cứu chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi, Ngài dạy chúng sanh phải cầu Vãng Sanh Tây-phương để sớm thành tựu đạo quả, chứ có lẽ nào Ngài lại dạy cho chúng sanh từ nơi sanh tử luân hồi này đi tới chỗ sanh tử luân hồi khác để chịu khổ đau đâu?

Vậy thì, sao không sớm quay đầu niệm A-Di-Đà Phật, cầu Vãng Sanh Tịnh-độ? Vãng Sanh Tịnh-độ thì viên mãn ba bậc không thối chuyển.  Đây là nhờ đại nguyện của đức Phật A-Di-Đà gia trì, chúng sanh nhờ công đức của Ngài ban tặng mà một đời thành đạo Vô-thượng. Há không hay hơn sao?

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(06/11/2008)

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/niem-phat-van-dap-tu-hanh-la-di-thang-08-1641.html#ixzz7Qv2OIHGe

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –